Viêm màng não ở người lớn là bệnh gây nhiễm trùng màng bao phủ quanh não và tủy sống, đây là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, để lại di chứng bệnh tật vĩnh viễn. Các tác nhân gây bệnh bao gồm vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng, trong đó viêm màng não do vi khuẩn đặc biệt nguy hiểm, gây tử vong trong 24 giờ. Các triệu chứng bệnh trong giai đoạn đầu khó nhận biết vì giống bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin, vệ sinh cá nhân, xây dựng lối sống lành mạnh,…
BS. Phan Nguyễn Trường Giang, Quản lý Y khoa Vùng 3 - Mekong, Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ: “Trong số ca mắc bệnh viêm màng não, có đến 10% tử vong, 20% biến chứng nghiêm trọng như mất thính giác, trí nhớ, cụt chi,… Đây là những “con số biết nói” cho thấy mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Việc chẩn đoán sớm bệnh viêm màng não gặp nhiều thách thức vì các triệu chứng ban đầu thường giống với bệnh cúm, gánh nặng chi phí điều trị rất lớn lên đến vài trăm triệu. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, tiêm chủng kết hợp với các biện pháp chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân đóng vai trò lớn để mỗi người và cả cộng đồng phòng tránh bệnh viêm màng não.”
Viêm màng não ở người lớn là bệnh gì?
Viêm màng não ở người lớn là tình trạng nhiễm trùng màng bao bọc não và tủy sống. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ ai, nhưng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. [1]
Các nguyên nhân gây bệnh viêm màng não ở người trưởng thành
1. Viêm màng não ở người lớn do vi khuẩn
Viêm màng não do vi khuẩn rất nghiêm trọng, có thể gây tử vong trong 24 giờ nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Người đã điều trị thành công vẫn bị di chứng bệnh tật vĩnh viễn như tổn thương não, mất thính lực, khuyết tật trong nhận thức,… [2]
Một số vi khuẩn gây viêm màng não ở người lớn phổ biến bao gồm:
- Phế cầu khuẩn: thường khu trú tại vùng mũi và cổ họng của trẻ em và người lớn. Ngoài viêm màng não, phế cầu khuẩn còn gây ra nhóm bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng huyết,…
- Liên cầu khuẩn nhóm B: thường khu trú trong đường tiết niệu, hệ thống sinh sản và đường tiêu hóa của người trưởng thành, có thể biến chứng nhiễm trùng máu, viêm phổi, nhiễm khuẩn da, mô mềm, viêm khớp nhiễm khuẩn,…
- Vi khuẩn Neisseria meningitidis: khu trú trong mũi và họng. Tại Việt Nam, các nhóm huyết thanh phổ biến gây bệnh là A, B, C, Y, W-135, đặc biệt là nhóm B. Nhiễm trùng máu là biến chứng nghiêm trọng nhất khi nhiễm vi khuẩn não mô cầu, gây tử vong trong 24 giờ.
- Vi khuẩn Haemophilus influenzae: khu trú trong đường hô hấp trên của con người, đặc biệt là ở mũi và cổ họng. Trong các loại, vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B là nguy hiểm nhất gây nhiễm trùng nặng ở màng não và phổi.
- Vi khuẩn Listeria monocytogenes: khu trú trong môi trường có độ ẩm cao như đất, nước thải, thức ăn lên men,… và lây truyền khi thu hoạch, chế biến, chuẩn bị, đóng gói, vận chuyển, bảo quản thực phẩm trong môi trường nhiễm khuẩn. Vi khuẩn Listeria monocytogenes gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm não, sảy thai ở phụ nữ mang thai,…
- Vi khuẩn Escherichia coli: một nhóm vi khuẩn khu trú trong ruột của người và động vật gây bệnh gây tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi,…
2. Viêm màng não người lớn do virus
Viêm màng não do virus là loại viêm màng não phổ biến nhất. Khi được chăm sóc thích hợp, đa số người bệnh điều trị bệnh thành công. Trẻ dưới 1 tháng tuổi và những người có hệ miễn dịch bị suy yếu có nguy cơ bệnh nặng cao.
Các loại virus có thể gây viêm màng não ở người lớn bao gồm:
- Virus quai bị: lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc các giọt hô hấp từ miệng, mũi. cổ họng của người bệnh. Quai bị có thể gây vô sinh ở các bé trai do viêm tinh hoàn và vô sinh ở bé nữ do viêm buồng trứng. Các biến chứng khác bao gồm viêm màng não vô khuẩn, viêm tụy, viêm não,…
- Virus Varicella-zoster: gây bệnh thủy đậu và zona thần kinh, bệnh lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp với mụn nước, nước bọt hoặc dịch nhầy của người bệnh. Thủy đậu và zona thần kinh đều để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng tổn hại đến hệ thần kinh (như viêm/đau dây thần kinh, viêm não, viêm tủy), viêm phổi, viêm gan, liệt Zoster,…
- Virus sởi: là loại virus rất dễ lây lan và lây lan qua không khí hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với hơi nước, dịch,… từ người bệnh. Khi không điều trị kịp thời, sởi gây biến chứng viêm não, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai, viêm phổi, thậm chí tử vong.
- Virus cúm: gây bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (cúm mùa), lây lan qua qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng có chứa virus cúm khi bệnh nhân ho, hắt hơi. Bệnh cúm gây biến chứng viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, tử vong.
3. Viêm màng não ở người trưởng thành do ký sinh trùng
Một số ký sinh trùng có thể gây bệnh viêm màng não bạch cầu ái toan (một dạng viêm màng não hiếm gặp). Các nhà khoa học đã tìm thấy 3 loại ký sinh trùng chính gây ra viêm màng não bạch cầu ái toan:
- Giun lươn (angiostrongylus cantonensis) thường ký sinh trên các vật chủ như ốc sên, sên, một số loài cua đất, tôm biển, tôm nước ngọt, ếch hoặc cóc.
- Giun đũa gấu trúc (baylisascaris procyonis) do gấu trúc nhiễm bệnh phát tán trứng giun trong phân, sau khi con người ăn phải, trứng sẽ nở thành ấu trùng gây bệnh.
- Giun đầu gai (gnathostoma spinigerum) do ăn các loại cá nước ngọt, ốc, lươn, ếch, chim và bò sát,… chứa ấu trùng giun đầu gai nhưng không được nấu chín.
4. Viêm màng não ở người lớn do nấm
Khi xâm nhập vào cơ thể, nấm có thể lây từ khu vực bất kỳ trong cơ thể đến não hoặc tủy sống gây bệnh viêm màng não do nấm. Một số nguyên nhân gây bệnh phổ biến bao gồm Cryptococcus, Histoplasma, Blastomyces, Coccidioides và Candida. [3]
5. Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm màng não ở người trưởng thành
Người lớn có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não cao hơn khi:
- Có hệ thống miễn dịch suy yếu do nhiễm HIV, bị ung thư, được cấy ghép nội tạng, tủy xương hoặc đang dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
- Sống trong môi trường tập thể, đông người như trong ký túc xá đại học hoặc doanh trại quân đội.
- Bị rò rỉ dịch não tủy, hay còn gọi là hạ huyết áp nội sọ, là tình trang chất lỏng bao quanh não và tủy sống thoát ra ngoài qua một vết rách hoặc lỗ trên màng cứng.
- Không có lá lách hoặc lá lách bị tổn thương.
- Sống, làm việc, du lịch đi đến nơi phổ biến các bệnh truyền nhiễm gây viêm màng não (ví dụ như khu vực Trung Đông).
- Bị nhiễm trùng mũi và tai mạn tính, viêm phổi do phế cầu khuẩn hoặc nhiễm trùng máu lan rộng.
- Bị chấn thương đầu, chấn thương sọ não hoặc chấn thương tủy sống.
- Đang sống chung với bệnh hồng cầu hình liềm hoặc rối loạn sử dụng rượu.
Dấu hiệu viêm màng não ở người lớn cần nắm
Dấu hiệu viêm màng não ở người lớn khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nhưng nhìn chung sẽ có các triệu chứng sau:
- Nhức đầu, đau họng: cơn đau đầu hởi phát nhanh chóng và ảnh hưởng đến toàn bộ đầu thay vì tập trung vào một vị trí trên đầu.
- Đau nhức toàn thân, giảm sự thèm ăn, sốt cao đột ngột trên 38 độ C, vì cơ thể người bệnh phản ứng chống lại nhiễm trùng.
- Buồn nôn và nôn mửa do đau đầu dữ dội, cơ thể phản ứng chống lại bệnh tật gây khó chịu và nôn mửa, đặc biệt là trẻ em.
- Đau chân, khó chịu, buồn ngủ, khó thở do bệnh gây nhiễm trùng đến đường hô hấp trên và vùng não phụ trách cho sự tỉnh táo.
- Cứng cổ là dấu hiệu quan trọng nhất của bệnh viêm màng não, gây ra cơn đau nhói, kéo sâu dài từ đáy hộp sọ xuống phần lưng trên khi xoay cổ hoặc cúi đầu.
- Nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng) là dấu hiệu viêm màng não ở người lớn phổ biến, nguyên nhân là do bệnh cản trở các quá trình thần kinh.
- Ban đỏ do vi khuẩn nhân lên trong máu, giải phóng độc tố làm tổn thương các mạch máu, khiến máu rò rỉ vào các mô xung quanh và gây phát ban. Nốt phát ban thường khởi phát như những vết ghim nhỏ, màu đỏ, có thể lan nhanh và biến thành vết đốm.
- Lú lẫn, mê sảng do màng não bị sưng, đè lên não bộ và tủy sống gây ra các vấn đề thần kinh ngắn hạn (như thiếu sót thần kinh khu trú, tràn dịch dưới màng cứng) hoặc dài hạn (như mất thính lực, co giật, suy giảm nhận thức và não úng thủy).
Các dấu hiệu viêm màng não theo từng tác nhân gây bệnh cụ thể:
Viêm màng não do vi khuẩnViêm màng não do virusViêm màng não do nhiễm nấmViêm màng não do ký sinh trùng Dấu hiệu khởi phát trong vòng 3-7 ngày sau khi phơi nhiễm (trừ bệnh viêm màng não do lao):
- Sốt.
- Lú lẫn.
- Đau đầu.
- Cứng cổ.
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
- Mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng.
Dấu hiệu khởi phát trong 3-10 ngày sau khi phơi nhiễm, triệu chứng giống viêm màng não do vi khuẩn:
- Sốt.
- Lú lẫn.
- Đau đầu.
- Cứng cổ.
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
- Mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng.
- Buồn ngủ hoặc khó thức dậy sau khi ngủ.
- Thiếu năng lượng, mệt mỏi.
Dấu hiệu viêm màng não do nấm có thể khởi phát chậm, từ vài ngày đến vài tuần sau khi nhiễm nấm:
- Sốt.
- Lú lẫn.
- Đau đầu.
- Cứng cổ.
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
- Mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng.
Dấu hiệu khởi phát từ 2-35 ngày sau khi phơi nhiễm, đau đầu là biểu hiện đầu tiên:
- Sốt.
- Lú lẫn.
- Đau đầu.
- Cứng cổ.
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
- Mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng.
- Người nhiễm giun lươn thường có cảm giác ngứa ran hoặc đau đớn trên da.
- Các triệu chứng có thể tiến triển nặng: mất sự phối hợp và kiểm soát cơ bắp, suy nhược/tê liệt, hôn mê, thương tật vĩnh viễn, tử vong.
Viêm màng não ở người lớn có nguy hiểm không?
CÓ thậm chí RẤT NGUY HIỂM, bệnh có thể gây tử vong trong 24 giờ và biến chứng rất nghiêm trọng ở người lớn. Theo ước tính chung, bệnh viêm màng não có tỷ lệ tử vong là 10%, tỷ lệ biến chứng nghiêm trọng là 20%. Trong đó, viêm màng não do vi khuẩn có tỷ lệ tử vong cao nhất lên đến 10%, người có bệnh nền có tỷ lệ tử vong gấp 4 lần từ 20-40%.
Những người điều trị bệnh thành công phải chịu di chứng lâu dài bao gồm mất thính giác, co giật, yếu chân tay, khó khăn về thị giác, lời nói, ngôn ngữ, trí nhớ và giao tiếp, nếu bị nhiễm trùng huyết sẽ để lại sẹo vĩnh viễn và cắt cụt chi.
⇒ Xem thêm: 6 hậu quả của bệnh viêm màng não ở người lớn từ nhẹ đến nặng.
Phòng ngừa bệnh viêm màng não ở người lớn bằng cách nào?
1. Tiêm vắc xin ngừa viêm màng não
Hiện nay, các tác nhân nguy hiểm nhất gây bệnh viêm màng não có thể phòng được hiệu quả bằng vắc xin. Theo đó, người lớn cần chú ý tiêm những loại vắc xin sau:
- Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn: vắc xin Prevenar 13 (Bỉ) , Synflorix (Bỉ) do tập đoàn Pfizer sản xuất và vắc xin Preumovax 23 (Mỹ) do MSD sản xuất.
- Vắc xin phòng bệnh do não mô cầu: vắc xin não mô cầu B thế hệ mới Bexsero (Ý) phòng bệnh não mô cầu nhóm B do tập đoàn GSK sản xuất tiêm cho người lớn đến 50 tuổi, vắc xin VA-Mengoc BC (Cuba) phòng bệnh não mô cầu nhóm B+C do Finlay Institute sản xuất tiêm cho người lớn đến 45 tuổi, vắc xin Menactra (Mỹ) phòng bệnh não mô cầu nhóm A, C, Y, W-135 tiêm cho người lớn đến 55 tuổi. Các vắc xin não mô cầu không có miễn dịch phòng ngừa chéo, vì vậy người lớn cần tiêm sớm và đầy đủ các nhóm não mô cầu B hoặc B+C và A, C, Y, W-135 phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh, không nên trì hoãn hoặc chỉ tiêm một loại và bỏ qua loại khác.
- Vắc xin phòng bệnh quai bị: vắc xin MMR II (Mỹ) do tập đoàn Merck Sharp and Dohm sản xuất, vắc xin MMR (Ấn Độ) do công ty Serum Institute of India sản xuất, vắc xin Priorix (Bỉ) do tập đoàn GSK sản xuất. Cả 3 loại vắc xin đều giúp phòng bệnh Sởi - Quai bị - Rubella, tiêm cho người lớn không giới hạn độ tuổi.
- Vắc xin phòng bệnh thủy đậu: vắc xin Varivax (Mỹ) do do tập đoàn Merck Sharp and Dohm sản xuất, vắc xin Varicella (Hàn Quốc) do Green Cross sản xuất, vắc xin Varilrix (Bỉ) do tập đoàn GSK sản xuất, tất cả 3 loại đều dành cho người lớn chưa từng mắc bệnh thủy đậu.
- Vắc xin phòng bệnh Zona thần kinh: vắc xin Shingrix do tập đoàn GSK sản xuất dành cho người từ 18 tuổi trở lên.
- Vắc xin phòng bệnh sởi: tiêm cùng loại vắc xin phòng bệnh quai bị bao gồm vắc xin MMR II, vắc xin MMR và vắc xin Priorix. Ngoài ra, người lớn có thể tiêm vắc xin sởi đơn MVVAC (Việt Nam) do Polyvac nghiên cứu và sản xuất.
- Vắc xin phòng bệnh cúm mùa: vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp) do tập đoàn Sanofi Pasteur sản xuất, vắc xin Influvac Tetra (Hà Lan) do tập đoàn Abbott nghiên cứu và sản xuất. Vắc xin cúm cần tiêm nhắc mỗi năm một lần.
⇒ Tìm hiểu thêm: 9 loại vắc xin viêm màng não cho người lớn và trẻ em phổ biến
Xem thêm video: “Viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản & các bệnh nguy hiểm ở trẻ em và người lớn”
2. Vệ sinh cá nhân đặc biệt là mũi họng
Một số biện pháp người lớn và trẻ em cần thực hiện để vệ sinh sạch sẽ mũi, họng:
- Rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây trước khi chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho hoặc hắt hơi và sau khi đi đổ rác.
- Tắm bằng xà phòng mỗi ngày và tẩy tế bào chết trên cơ thể ít nhất 1 lần/tuần.
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ, hoặc có thể đánh răng sau mỗi bữa ăn.
- Mặc quần áo sạch mỗi ngày.
- Cắt, tỉa móng tay và móng chân gọn gàng.
- Rửa sạch mặt, tay và chân mỗi khi bạn từ bên ngoài về nhà.
- Làm sạch thực phẩm, dùng dụng cụ sạch để nấu chín thực phẩm, bảo quản và hâm nóng đúng cách.
- Vệ sinh bộ phận sinh dục thường xuyên đảm bảo sạch sẽ và khỏe mạnh, tránh sử dụng sản phẩm có mùi hương thơm để không bị kích ứng da.
3. Tránh tiếp xúc với người bệnh
Hạn chế gặp gỡ người bệnh, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét, đeo khẩu trang khi trò chuyện hoặc phải tiếp xúc gần. Với khẩu trang, hãy chọn loại vừa vặn với khuôn mặt, đeo đúng chiều và ưu tiên sử dụng loại nhiều lớp để phòng bệnh. Nếu đang sống chung với người bệnh, hãy mở cửa sổ và cửa ra vào thường xuyên đảm bảo không gian sống được thông gió, giảm sự tích tụ của các hạt hô hấp truyền nhiễm trong không khí.
⇒ Tìm hiểu thêm: 12 cách tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể hiệu quả
4. Duy trì lối sống lành mạnh
Những thói quen hữu ích để xây dựng lối sống lành mạnh bao gồm:
- Theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI) thường xuyên, chỉ số này thể hiện tỷ lệ phần trăm mỡ, cơ, nước và thực hiện điều chỉnh nếu cần thiết. Ví dụ, bổ sung thêm nước khi thiếu nước, tập thể dục cường độ cao để đốt mỡ thừa.
- Chế độ ăn uống lành mạnh giúp tăng sức đề kháng, hãy ưu tiên ăn nhiều chất đạm và chất xơ, ít chất béo, đường và calo kết hợp với uống đủ nước, hạn chế đồ uống có đường, rượu, bia.
- Uống thực phẩm bổ sung vitamin tổng hợp như vitamin A, B6, B12, C, D và E, cũng như khoáng chất kẽm, sắt, đồng, selen và magiê.
- Hoạt động thể chất thường xuyên bằng cách tích hợp vận động trong những hoạt động hàng ngày, ví dụ như đi bộ thay vì đi thang máy, đứng để làm việc thay vì ngồi quá lâu, đi lấy nước hoặc đi vệ sinh ở khác lầu hoặc ở nơi xa nhất có thể,…
- Giảm thời gian ngồi và sử dụng màn hình bằng cách dành thời gian cho những sở thích mà không dùng đến thiết bị điện tử.
- Ngủ đủ từ 7-8 tiếng/ngày đối với nam giới, từ 8-10 tiếng/ngày đối với nữ giới. Phụ nữ trong giai đoạn hành kinh cần ngủ thêm 1 tiếng mỗi ngày so với thời gian ngủ bình thường.
⇒ Tìm hiểu thêm: 14 cách tăng sức đề kháng cho người lớn
Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm màng não ở người lớn
Các bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng, nếu nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não, bác sĩ sẽ chỉ định chọc dò tủy sống để chẩn đoán chính xác. Một số xét nghiệm khác có thể bao gồm: gạc mũi hoặc họng, xét nghiệm máu, chụp CT hoặc MRI để chụp ảnh não, kiểm tra tình trạng viêm, xét nghiệm mẫu phân.
Cách điều trị viêm màng não ở người lớn
Điều trị viêm màng não phụ thuộc vào nguyên nhân:
- Thuốc kháng sinh dùng để điều trị viêm màng não do vi khuẩn.
- Thuốc kháng virus dùng để điều trị viêm màng não do virus herpes và cúm.
- Thuốc chống nấm cho bệnh viêm màng não do nấm.
- Kết hợp với các loại thuốc giúp quản lý triệu chứng: dùng corticosteroid để giảm viêm, thuốc giảm đau hoặc truyền dịch qua tiêm tĩnh mạch để đảm bảo đủ dịch.
Các nguyên nhân khác gây viêm màng não hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, do đó, việc điều trị sẽ tập trung vào quản lý các triệu chứng.
⇒ Xem thêm: Viêm màng não ở người lớn có chữa được không? Có khỏi hoàn toàn?
Kết luận
Viêm màng não ở người lớn là bệnh nguy hiểm, gây tử vong trong 24 giờ và để lại di chứng bệnh tật vĩnh viễn: mất thính lực, tàn tật, động kinh, cụt chi, viêm khớp, não úng thủy,… Do đó, cả người lớn và trẻ em cần đi tiêm chủng càng sớm càng đầy đủ các loại vắc xin càng tốt.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có hệ thống miễn dịch suy yếu, doanh nhân thường xuyên phải đi công tác nước ngoài,… cần kiểm tra lịch sử tiêm chủng để kịp thời tiêm bổ sung, tiêm bù, tiêm đuổi các loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não phù hợp, tránh biến chứng nghiêm trọng của bệnh ảnh hưởng đến khả năng học tập, làm việc và tạo gánh nặng cho những người chăm sóc.