Nhiệt ở lưỡi xảy ra khi có tổn thương dạng viêm loét xuất hiện ở niêm mạc lưỡi có màu trắng sữa, xung quanh vết loét là viền màu đỏ. Nhiệt ở lưỡi thường sẽ tự khỏi sau 7 - 10 ngày, song gây tấy đỏ và đau, ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn uống. Số ít trường hợp nhiệt ở lưỡi bị sưng viêm kéo dài và bội nhiễm sẽ cần dùng đến kháng sinh để điều trị.
Nhiệt ở lưỡi là tình trạng tổn thương thường gặp gây đau đớn
Ngoài cảm giác sưng đau ở lưỡi, nhiệt ở lưỡi còn khiến người bệnh có những triệu chứng khác như: giảm vị giác, khô miệng, khát nước liên tục, tê và ngứa ở lưỡi,… Các triệu chứng sẽ thuyên giảm khi vết loét hết sưng đau và dần thu nhỏ kích thước.
Những nguyên nhân khiến bạn bị nhiệt ở lưỡi bao gồm:
Cắn hoặc tổn thương sẵn ở lưỡi khiến vết thương có thể bị lở loét, nhiễm trùng do trong môi trường ẩm trong miệng. Đây cũng là nguyên nhân thường gặp gây nhiệt ở lưỡi mà ít bệnh nhân để ý.
Miệng là nơi phát triển của nhiều loại vi khuẩn, trong đó có cả hại khuẩn và lợi khuẩn. Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ khiến vi khuẩn gây hại phát triển nhiều hơn gây ra nhiễm khuẩn.
Vệ sinh răng miệng không tốt là nguyên nhân dẫn đến nhiệt lưỡi
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, thiếu sắt và Vitamin B12 khiến nhiệt miệng ở lưỡi trở nên nghiêm trọng hơn.
Ăn quá nhiều thức ăn cay nóng, thức ăn nhiều dầu mỡ khiến gan bị quá tải và cũng gây tổn thương niêm mạc lưỡi.
Khả năng khử độc của gan bị suy giảm sẽ khiến độc chất tích tụ trong cơ thể gây ra những vết lở loét ở lưỡi, môi hoặc nhiều vị trí khác trong miệng.
Nhiệt lưỡi là bệnh lành tính sẽ tự khỏi, tuy nhiên cần chú ý nếu vết loét ở lưỡi kéo dài không tự khỏi là dấu hiệu của ung thư miệng hoặc lưỡi. Ung thư lưỡi là bệnh lý phức tạp, ban đầu bệnh gây ít triệu chứng, trong đó có triệu chứng dễ nhầm lẫn với nhiệt ở lưỡi hoặc miệng. Do đó nếu nhiệt ở lưỡi thường xuyên xảy ra, vết loét kéo dài và xuất hiện nhiều thì cần đi kiểm tra.
Để giảm triệu chứng đau đớn và giảm thời gian tiến triển bệnh, hãy áp dụng những cách điều trị nhiệt ở lưỡi dưới đây:
Trên thị trường hiện bán nhiều loại gel bôi tại chỗ có tác dụng chống viêm có tác dụng rút ngắn thời gian hồi phục vết loét và giảm đau do nhiệt miệng. Tuy nhiên, cần lưu ý khi sử dụng cho trẻ nhỏ, thuốc bôi tại chỗ có thể ảnh hưởng đến men răng đang phát triển của trẻ.
Nhiều người bị nhiệt ở lưỡi do đau đớn nên lười vệ sinh răng miệng hơn, song thời điểm này cần đặc biệt chú ý đánh răng hàng ngày cùng với súc miệng để loại bỏ vi khuẩn gây hại. Khi đó, vết viêm loét ở lưỡi cũng nhanh khỏi hơn.
Bên cạnh đánh răng thì súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch nha khoa là cách vệ sinh tốt để tiêu diệt, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn. Hơn nữa, nước muối còn giúp làm khô vết loét, giảm sưng và giảm đau hiệu quả.
Súc miệng nước muối giúp sát khuẩn, giảm sưng đau do nhiệt ở lưỡi
Khi bị nhiệt ở lưỡi, vấn đề ăn uống trở nên khó khăn hơn, lựa chọn các thực phẩm tốt giúp bạn dễ ăn hơn và tránh bệnh kéo dài. Vậy nên chọn những thực phẩm nào khi bị nhiệt ở lưỡi?
Các loại đậu: như đậu đen, đậu xanh có tính mát, giúp thanh nhiệt, chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và giảm nhanh triệu chứng nhiệt miệng.
Bột sắn dây tinh chế: Chứa nhiều Vitamin và khoáng chất tốt, giúp làm mát cơ thể và làm dịu cơn đau do viêm loét ở lưỡi gây ra. Uống bột sắn dây là bài thuốc trị nhiệt miệng, nóng trong được ông cha ta áp dụng từ rất lâu đến nay.
Các loại rau xanh: cung cấp Vitamin, khoáng chất có tác dụng đẩy nhanh quá trình làm lành tổn thương, làm mát cơ thể. Ăn nhiều rau xanh mỗi ngày giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, đẩy lùi tình trạng nhiệt miệng, nhiệt lưỡi.
Mật ong: Mật ong có tính sát khuẩn tự nhiên rất tốt trong các loại bệnh viêm loét, tổn thương tiến triển. Sử dụng mật ong bôi vào vết loét dưới lưỡi là bài thuốc dân gian giúp giảm sưng đau hiệu quả.
Để không gây kích thích khiến vết viêm loét ở lưỡi gây đau nhức và lan rộng hơn, bạn nên tránh các loại thực phẩm sau:
Các loại trái cây họ cam quýt, chanh, bưởi,… chứa nhiều acid và có vị chua sẽ khiến vết loét ở lưỡi nặng hơn. Do đó, nên hạn chế ăn những trái cây này khi đang bị loét ở lưỡi.
Cà phê chứa acid salicylic dễ gây kích ứng mô nhạy cảm trong miệng, đặc biệt khu vực vết viêm loét ở lưỡi. Nên hạn chế cà phê nếu bạn thường xuyên bị nhiệt miệng, nhiệt lưỡi.
Cà phê là thức uống không tốt có thể gây ra nhiệt lưỡi thường xuyên
Thực phẩm cay chứa các thành phần dễ gây kích ứng kết hợp với nhiệt độ cao sẽ khiến vết loét nặng hơn, sưng đau và lâu lành hơn.
Nếu những cách điều trị tại nhà trên không hiệu quả hoặc nhiệt ở lưỡi kéo dài, tái phát nhiều lần thì người bệnh nên tìm đến sự trợ giúp của các loại thuốc để nhanh khỏi hơn. Cần cẩn thận với dấu hiệu của ung thư lưỡi bị nhầm lẫn với nhiệt ở miệng, nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sưng lưỡi, nổi u cục, lưỡi thiếu linh hoạt,… thì nên đi khám và kiểm tra sớm. Trường hợp ung thư lưỡi sẽ cần điều trị tích cực để kiểm soát sự phát triển của khối u.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ 1900 56 56 56 để được hỗ trợ từ các chuyên gia của MEDLATEC.
Link nội dung: https://ausp.edu.vn/nhiet-o-luoi-nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-hieu-qua-a19908.html