Theo Healthline, măng rất bổ dưỡng và chứa một lượng lớn chất xơ, đồng, vitamin B6, vitamin E trong mỗi khẩu phần. 155 gam măng nấu chín cung cấp 64 calo.
Măng đặc biệt chứa nhiều đồng, một khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe làn da, chức năng não… Nó cũng là nguồn cung cấp vitamin B6 tuyệt vời, một loại vitamin tan trong nước tham gia vào hơn 140 phản ứng sinh hóa trong tế bào của cơ thể bạn.
Ngoài ra, ăn măng giúp tăng lượng vitamin E hấp thụ, hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp bảo vệ chống lại chứng viêm và bệnh mãn tính.
6 lợi ích của việc thêm măng vào chế độ ăn
Dưới đây là lý do bạn nên đưa nó vào chế độ ăn uống của mình.
- Tốt cho tim
Chúng cũng chứa phytosterol và chất dinh dưỡng thực vật giúp làm sạch các động mạch bị tắc và hòa tan cholesterol xấu hay LDL. Tốt nhất bạn nên ăn măng luộc hoặc lên men, người bệnh tim nên ăn măng hai lần một tuần.
Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chất xơ chiết xuất từ măng có đặc tính giảm cholesterol mạnh mẽ.
Ngoài ra, một nghiên cứu nhỏ từ năm 2009 trên 8 phụ nữ khỏe mạnh cho thấy rằng tiêu thụ 360 gam măng làm giảm đáng kể mức cholesterol toàn phần và LDL sau 6 ngày, so với những người theo chế độ ăn kiểm soát.
Điều này có thể do chất xơ hòa tan có trong măng. Chất xơ hòa tan hấp thụ nước trong ruột và có liên quan đến việc giảm mức cholesterol.
- Tăng cường khả năng miễn dịch
Chúng là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Khi tiêu thụ vào mùa đông, chúng giúp bảo vệ khỏi nhiễm trùng do virus và vi khuẩn.
- Hỗ trợ giảm cân
Chúng có lượng calo thấp, 1 chén măng chứa khoảng 13 calo và nửa gam chất béo. Chúng cũng có nhiều chất xơ, giúp tiêu hóa và giúp bạn no lâu hơn, từ đó hỗ trợ giảm cân.
Măng có lượng calo thấp nhưng lại nhiều chất xơ, khiến chúng trở thành một sự bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn giảm cân lành mạnh. Chất xơ có thể giúp làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày để giúp bạn cảm thấy no lâu hơn giữa các bữa ăn.
Theo đánh giá của 62 nghiên cứu, việc tăng lượng chất xơ giúp giảm cân và giảm mỡ bụng, ngay cả khi không thực hiện bất kỳ thay đổi chế độ ăn uống nào khác.
Nghiên cứu trên động vật mới cũng cho thấy măng có thể hỗ trợ sức khỏe đường ruột để giúp giảm cân.
- Cải thiện chức năng phổi
Măng rất giàu vitamin và các hợp chất khác giúp tăng cường chức năng và hoạt động của phổi.
- Hạ đường huyết
Măng rất giàu một loại chất xơ được gọi là inulin. Inulin đã được chứng minh là giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách làm chậm quá trình hấp thụ glucose. Người ta nói rằng tiêu thụ măng thường xuyên có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
- Tăng cường sức khỏe đường ruột
Măng là một nguồn chất xơ tuyệt vời, với 2 gam trong mỗi khẩu phần 155 gam. Chất xơ thậm chí có thể bảo vệ chống lại các vấn đề như bệnh trĩ, viêm túi thừa và ung thư đại trực tràng.
Theo nghiên cứu trong ống nghiệm, măng cũng hoạt động như một prebiotic, nghĩa là chúng cung cấp nhiên liệu cho vi khuẩn có lợi trong ruột của bạn.
Nghiên cứu cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột của bạn có thể đóng vai trò trung tâm đối với sức khỏe và bệnh tật, đồng thời có thể giúp ngăn ngừa các tình trạng như bệnh tim, ung thư, tiểu đường túyp 2, trầm cảm và béo phì.
Lưu ý gì khi ăn măng?
Dù vậy, bạn cũng cần lưu ý không ăn quá nhiều măng để tránh bị tắc ruột do khối bã thức ăn. Tình trạng này thường gặp ở người già và trẻ nhỏ và người có bệnh nền về đường tiêu hóa.
Theo bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, việc sử dụng một lượng lớn thực phẩm có chứa nhiều chất tanin (quả hồng, quả ổi…) hay chứa chất bã xơ như măng… là một trong những nguy cơ hình thành bã thức ăn trong quá trình tiêu hóa.
Đặc biệt, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ acid dạ dày cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.
Những triệu chứng thường gặp của khối bã thức ăn trong dạ dày là đau bụng thượng vị, trướng bụng, đầy hơi, nôn, buồn nôn, đầy bụng sau ăn, bí trung đại tiện… Vì vậy, khi gặp những dấu hiệu trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định nguyên nhân và xử trí kịp thời, tránh biến chứng tắc ruột đe dọa đến tính mạng.
Ngoài ra, măng tươi có chứa một lượng độc tố cyanide taxiphyllin. Tuy nhiên, các phương pháp chế biến khác nhau làm giảm đáng kể hàm lượng taxiphyllin của chúng, khiến chúng thường an toàn khi tiêu thụ.
Để giảm lượng taxiphyllin, măng tươi phải được luộc hoặc ngâm và sấy khô trước khi tiêu thụ.
Măng cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp của bạn. Trong một nghiên cứu trong ống nghiệm, một số hợp chất chiết xuất từ măng đã làm giảm hoạt động của các tế bào tuyến giáp chịu trách nhiệm sản xuất hormone tuyến giáp.
May mắn thay, cung cấp đủ iod và selen trong chế độ ăn uống của bạn có thể giúp ngăn ngừa rối loạn chức năng tuyến giáp. Nấu thức ăn cũng có thể vô hiệu hóa một số enzyme và làm giảm điều này.
Vì vậy, bạn có thể thưởng thức măng nấu chín một cách an toàn với mức độ vừa phải như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ, ngay cả khi bạn bị suy giảm chức năng tuyến giáp.
Cụ thể, với măng nên luộc sôi kỹ (nếu có thể thì sôi trong 1-2 tiếng), măng tươi trước khi ngâm trong lọ thì thái thành các miếng nhỏ và mỏng sau đó ngâm trước trong nước trong 24 giờ để loại bớt độc tố.
Lưu ý trong quá trình luộc hoặc ngâm măng ở ngoài thì cần thay nước mới nhiều lần để loại bỏ hiệu quả các độc tố (vì nước cũ đã có độc tố từ măng khuếch tán ra).
Link nội dung: https://ausp.edu.vn/mang-rat-bo-duong-nhung-vi-sao-khong-nen-an-nhieu-a19091.html