Dưới ánh đèn quay cuồng, trong tiếng nhạc xập xình của quán bar, vũ trường... thân phận nào dành cho những cô gái làm nghề “chăm sóc khách hàng”? Ở đó, những mối quan hệ giữa “kiều nữ” và “đại gia” diễn ra như thế nào? Sau gần một tháng thâm nhập giới PR bar..., phóng viên Tuổi Trẻ mang về những câu chuyện của người trong cuộc...
Phóng toChuẩn bị “lên sàn” ở phòng locker - Ảnh: My LăngThử thách đầu tiên
Đúng 18g45 hôm sau tôi mở cửa phòng locker (phòng dành riêng cho PR). Gáy tôi nóng ran khi chạm phải mấy chục cặp mắt lạnh lùng lẫn dò xét của gần 30 PR đang đứng ngồi lố nhố trang điểm, làm tóc trong khoảng không gian chừng 15m2. Vài người chỉ mặc quần lót và áo ngực ngồi khoanh chân trên ghế, ngồi bệt dưới sàn nhà ăn cơm hoặc trang điểm. Ở góc tường cạnh cửa ra vào, ba nữ PR làm ca sáng nằm bẹp gí trên mảnh chiếu lót sàn nhà. Mùi thuốc lá, mùi phấn son xộc vào mũi.
Gần 20g, giờ “lên sàn”, không khí trở nên nhốn nháo, gấp gáp. Một vài PR ăn chưa hết hộp cơm đã vội liệng vào sọt rác. Dưới ánh đèn màu biến ảo, gương mặt phấn son của những PR ở đây trở nên đẹp một cách rạng rỡ. Nhạc lên, tôi thấy lồng ngực mình giật bung từng nhịp.
Ngay ngày đầu tiên “đứng bàn”, tôi đã được quản lý thử bằng một vị khách khó chịu. Quản lý giao việc: “Ảnh hơi khó tính nhưng là khách quen của chị. Em ráng làm cho ảnh vui nghen”... Trong khi người khách đi cùng đang ghé tai áp má Thùy Linh - cô PR đứng cùng bàn với tôi - trò chuyện vui vẻ thì “thượng đế” của tôi lộ rõ vẻ bất cần và kiêu ngạo.
Tivi truyền hình trực tiếp trận bóng đá Hàn Quốc và Uruguay. Chai rượu ngoại khui ra khá lâu nhưng khách không thèm đụng tới một ly. Liếc qua gương trên vách tường, tôi thấy quản lý đang nhìn mình. Tôi quyết định “thú tội” với khách: “Em mới đi làm ngày đầu, không biết nhảy và cũng không uống được nhiều rượu. Nhưng em có thể nói chuyện với anh. Nếu anh không thích, em sẽ rút...”. Vị khách nhìn tôi rồi bất ngờ phì cười hỏi: “Em tên gì?”.
Thỉnh thoảng tôi nhẹ nhàng chen vài câu mang tính... thông tin về hai đội Hàn Quốc và Uruguay. Cơ mặt vị khách giãn dần. “Thượng đế” cười nhiều hơn, chủ động nói chuyện hơn. Rượu rót ra nhiều hơn.
Khách tỏ vẻ uể oải. Tôi hiểu ý, vội đấm nhẹ lên vai. Được một lát “thượng đế” giơ tay. Tôi ngừng lại thì anh ta ngoắc lại gần bảo: “Bóp vai cho anh”. Từ đó, công việc của tôi là hết bóp vai lại đấm vai, thỉnh thoảng nâng ly mời khách uống rượu hoặc lấy trái cây cho khách. Đến lúc khách gật gù ra vẻ khoan khoái cũng là lúc hai cánh tay tôi mỏi nhừ. Anh ta mở ví tiền, hờ hững rút ra hai tờ 50.000 đồng xòe trước mặt tôi. Tôi đang nghệt mặt ra thì Thùy Linh đạp nhẹ vào chân... Cầm 100.000 đồng tiền bo đầu tiên, mặt tôi đầy bối rối.
Phóng toTrang điểm để chuẩn bị vào caĐồng tiền rơi rụng
Khách thứ hai của tôi là một người đàn ông gần 60 tuổi. Trên bàn ông chỉ có ba chai bia. Ông khách kéo tôi như muốn áp sát vào người và nói bằng thứ giọng khào khào không rõ tiếng. Bất ngờ ông ta đưa bàn tay định thọc vào cổ áo! Tôi phản xạ nhanh, nghiêng người và lùi ra một bước, một khoảng cách đủ an toàn. Quản lý đứng ngay bàn bên cạnh đang ngó sang. Tôi phải khéo léo lấy một tay che cổ áo, một tay khoanh trước bụng.
Ngồi nghe nhạc dập chưa được 30 phút, ông ra hiệu tính tiền. Bàn tay to bản, nhăn nheo run run rút từng tờ bạc, mắt nhìn thật kỹ, cẩn thận đếm lại rồi chậm chạp lôi ra tờ polymer 50.000 đồng định nhét vào cổ áo tôi. Tôi may mắn né kịp. Ông ta giúi tiền vào tay tôi rồi nặng nhọc bước xuống ra về.
Tới lần “đứng bàn” thứ ba, trong đầu tôi luôn vang lên cụm từ “Cố lên! Sắp hết giờ rồi!”. Bị nhạc dập vào tai chưa quen nên tôi nói gần như gào vào tai khách. Cổ họng ran rát. Hai chân đau và mỏi đến mức như tê hẳn vì đứng nhún nhảy suốt mấy giờ trên giày cao gót. Gan bàn chân đau rát. Tới lúc không chịu đựng nổi, tôi đổi chân liên tục và muốn quẳng đi đôi giày.
Khách đi một nhóm, trẻ. Nhìn hai chai rượu ngoại ngạo nghễ đặt trên bàn, tôi choáng váng. Họ uống rượu như uống nước, xoay vòng liên tục và đều cạn 100%. Bụng tôi nóng như bị hơ lửa. Cô PR đứng gần hét vào tai tôi, không rõ động viên hay ra lệnh: “Bà ráng uống đi. Tổ mình đang thiếu doanh thu đó!”. Khi chai rượu thứ hai cạn đáy thì đồng hồ hơn 12g đêm!
1g30. Bar “xuống” nhạc.
Khi tôi xuống phòng locker, thấy bốn cô PR đang nằm mê mệt mỗi người một góc trên nền đất. Không còn cái vẻ duyên dáng và tươi như hoa ở trên sàn, họ rũ rượi, phờ phạc; người nằm cong co vì lạnh, người úp mặt xuống nền đất ngủ thiếp đi. Vú Lệ - nhân viên vệ sinh - lắc đầu, chép miệng bảo: “Kiếm được đồng tiền cực khổ vậy mà say xỉn là liệng tùm lum”.
Trái với vẻ sôi động, tươi tắn đầy sức sống trong bar, khi ra về những cô gái PR lại ít nói hẳn. Họ lặng lẽ thay đồ, lấy xe về. Đường phố vắng tanh. Tôi chạy xe trên đường mà cứ như đang lênh đênh trên sóng biển.
Vài năm trở lại đây, khi công việc tiếp thị bia/rượu phổ biến hơn tại các quán bar, vũ trường... thì “nghề PR” mới được nhắc đến nhiều. Nhân viên “PR rượu” làm công việc tiếp thị sản phẩm rượu, mời chào khách sử dụng các sản phẩm bia, rượu của công ty mình, hưởng thêm hoa hồng từ nhãn hàng bán được.
Một vũ trường thường chỉ có 2-3 nhân viên PR rượu. Lâu dần người ta quen miệng gọi tất cả cô gái tiếp viên vũ trường, quán bar, phục vụ rượu là “PR” - một phần cũng để “cho sang”. PR ở quán bar/vũ trường không thuộc lĩnh vực “quan hệ công chúng” (public relation - PR) như nghĩa thông thường mà giới truyền thông sử dụng.
__________
Đột ngột Lan há miệng thốt lên tiếng “Á” câm lặng và đau đớn. Gương mặt cô như vết rạn méo mó trên chiếc bình thủy tinh. Lan đứng trân mình. Dưới ánh đèn lazer lung linh đang xoay tròn trên đầu, đôi mắt cô long lanh chực khóc.
Kỳ tới: Nước mắt “kiều nữ”
Link nội dung: https://ausp.edu.vn/phan-kieu-nu-ky-1-nhap-mon-kieu-nu-tuoi-tre-online-a18813.html