Có nên nặn mụn mủ hay không? Bật mí câu trả lời chính xác nhất
Mụn mủ thường có liên quan đến viêm nhiễm tại chỗ và cách xử lý, điều trị có phần phức tạp hơn so với mụn ẩn, mụn đầu đen. Vậy có nên nặn mụn mủ hay không và nếu có thì bạn cần thực hiện theo các bước ra sao?
Mụn mủ là gì?
Mụn mủ là những nốt sưng tấy có màu đỏ ửng trên da. Khu vực chính giữa có màu vàng hoặc ngả sắc kem, bên trong chứa dịch màu trắng (bao gồm bã nhờn, xác bạch cầu, vi khuẩn còn sót lại sau phản ứng miễn dịch). Trong mủ cũng hàm chứa cả những vi khuẩn còn khu trú tại ổ mụn. Vậy nên nếu lan ra trên bề mặt da thì mụn mủ có thể phát triển trên phạm vi rộng.
Mụn mưng mủ có thể khởi phát ở nhiều nơi nhưng dễ bắt gặp nhất là những khu vực tiết nhiều dầu nhờn hoặc có độ ẩm cao, thiếu độ thoáng khí như cằm, má, trán, mũi, nách, háng,...
Để nhận diện mụn mủ, bạn có thể nhìn vào các dấu hiệu chỉ điểm sau:
Sưng đỏ, nổi lên bề mặt, dễ gây đau;
Phần đầu có màu vàng mơ hoặc trắng, càng già thì đầu trắng càng mở rộng hoặc nhô cao;
Kích cỡ mụn thường dao động từ 3 - 8mm.
Nguyên nhân phát sinh
Mụn mủ có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân, trong đó những nguyên nhân cơ bản nhất bao gồm:
Tuyến bã hoạt động quá mạnh mẽ: Khi da thiếu ẩm, tuyến bã thường tiết ra nhiều dầu nhờn. Thành phần này khi dư thừa sẽ bịt kín lỗ chân lông, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và làm phát sinh mụn mủ.
Tồn ứ tế bào da chết: Nếu bạn không có thói quen loại bỏ tế bào sần bì trên da mỗi tuần một lần thì tình trạng mụn mủ cũng rất dễ xuất hiện. Tế bào chết “chui” vào lỗ chân lông, cùng với bụi bẩn che lấp đường ra của dầu nhờn. Vậy nên viêm nhiễm gây mưng mủ là điều khó tránh khỏi.
Sự “hoành hành” của vi khuẩn P.acnes: Loại vi khuẩn này luôn khu trú trên bề mặt da và chỉ chờ cơ hội để phát triển bùng nổ. Nếu bạn vệ sinh da không tốt, cơ địa tiết nhiều bã nhờn thì P.acnes sẽ có dịp hoành hành, gây nên tình trạng viêm da và làm xuất hiện mụn mủ.
Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh: Việc ăn quá nhiều đồ chiên rán, đồ cay nóng cũng khiến tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, da bị kích ứng, mẫn cảm và dễ sinh mụn mủ.
Thiếu ngủ: Ngủ không đủ giấc sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, tăng tiết hormone cortisol. Hormone này lại gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến bã. Hệ quả là mụn nội tiết rất dễ phát sinh, trong đó bao gồm cả mụn mủ quanh khu vực hàm, cằm và miệng.
Rối loạn hormone: Trong giai đoạn mang thai, sau sinh, dậy thì, tiền mãn kinh thì các hormone sinh dục sẽ có xu hướng tăng giảm thất thường. Vấn đề trên cũng tác động tiêu cực đến hoạt động tiết dầu nhờn trên da. Cộng hưởng cùng điều này là vi khuẩn khu trú, bụi bẩn, tế bào chết,... nên nguy cơ hình thành mụn mủ sẽ rất cao.
Sử dụng mỹ phẩm không đảm bảo: Nếu trong mỹ phẩm chứa nhiều hóa chất tẩy rửa, thành phần độc hại (chì, thủy ngân, corticoide,...) thì da sẽ bị bào mòn, kích ứng, viêm nhiễm. Hệ quả là mụn mủ sẽ xuất hiện ồ ạt trên phạm vị rộng.
Môi trường sống không đảm bảo: Khi môi trường bị ô nhiễm hoặc nắng nóng kéo dài khiến da tiết nhiều mồ hôi, bã nhờn thì mụn mủ ắt sẽ “xuất đầu lộ diện”.
Có nên nặn mụn mủ không?
Khi thảo luận về vấn đề này thì thường có hai luồng ý kiến đối nghịch nhau, một bên thì xem đó là điều tối kỵ, bên còn lại tỏ ý đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên đây là cách nhìn tương đối phiến diện vì việc có nặn mụn được hay không là còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Vậy rốt cuộc chúng ta có nên nặn mụn mủ hay không?
Nếu mụn đã bớt sưng đau, có thể nhìn rõ phần nhân ở chính giữa và đầu mụn đã khô lại thì bạn hoàn toàn có thể nặn để làm sạch sâu khu vực tổn thương.
Tuy nhiên nếu mụn chỉ có mủ trắng, không có cồi mụn hoặc đầu mụn còn nằm sâu trong lỗ chân lông, đi kèm đau nhức nhiều thì tuyệt nhiên không nên đụng chạm. Đặc biệt, với những nốt mụn to, gây viêm trên diện rộng, nằm ở vùng miệng, cằm và quanh mũi thì tốt nhất bạn chỉ nên theo dõi, làm sạch nhẹ nhàng. Nếu cần có thể ghé bác sĩ da liễu để được hỗ trợ.
Các bước nặn mụn mủ đúng cách
Khi nặn mụn mủ, để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, bạn hãy thực hiện theo các bước đơn giản sau:
Bước 1: Rửa tay và tiệt trùng dụng cụ hỗ trợ nếu có (có thể dùng thiết bị chuyên dụng hoặc nhúng nước sôi, lau bằng cồn,...).
Bước 2: Dùng sản phẩm dịu nhẹ để làm sạch da (pH lý tưởng khoảng 5,5).
Bước 3: Xông mặt với nước nóng trong 10 phút, có thể dùng thêm các nguyên liệu giàu tinh dầu như sả, chanh, cánh hoa hồng, cúc La Mã,... Khi đó lỗ chân lông sẽ dãn rộng, “mở đường” cho việc tiếp cận và lấy cồi mụn ra ngoài.
Bước 4: Dùng bông thấm nước muối 0,9%, vệ sinh qua vùng da cần can thiệp để tránh lây lan vi khuẩn.
Bước 5: Dùng cây nặn mụn đã tiệt trùng ấn quanh đầu mụn theo chiều vuông góc với hướng mọc của cồi mụn. Thao tác từ từ và đều tay để cồi mụn trồi ra ngoài. Sau đó dùng bông lấy đi nhân mụn và mủ rồi vệ sinh qua bề mặt da bằng nước muối 0,9% một lần nữa.
Sau khi hoàn tất tiến trình nặn mụn, bạn dùng khăn mềm, sạch thấm khô da rồi thoa thuốc đặc trị. Trong vòng 3 ngày sau nặn mụn không trang điểm, hạn chế tối đa việc bôi thoa dưỡng chất. Bên cạnh đó đừng quên ngủ nghỉ điều độ, ăn uống lành mạnh để da nhanh phục hồi.
Việc có nên nặn mụn mủ hay không và nếu có thì thực hiện như thế nào đã được làm rõ trong bài viết trên. Sau cùng, chúc bạn học được cách xử lý tốt vấn đề da liễu này và xin chân thành cảm ơn vì đã dõi theo bài viết của Nhà thuốc Long Châu! Trân trọng!