1. Tẩy tóc là gì?
Tẩy tóc là quá trình làm mất mất sắc tố (hạt màu) trong sợi tóc bằng việc sử dụng hóa chất.
Màu tóc tự nhiên của con người được tạo nên bởi các hạt sắc tố (hạt màu) gọi là melanin. Có 2 loại melanin chính được tìm thấy ở sợi tóc là eumelanin và pheomelanin. Eumelanin làm cho tóc và da có màu đen và nâu thì pheomelanin làm cho tóc của sắc đỏ. Màu sắc của tóc mỗi người có sự khác biệt là do tỉ lệ giữa 2 loại melanin này khác nhau ở mỗi người. Tẩy tóc chính là quá trình lại bỏ các hạt melanin ra khỏi sợi tóc để làm cho sợi tóc sáng màu lên.
2. Cơ chế của quá trình tẩy tóc?
Phụ thuộc vào mức độ sáng của tóc mà bạn mong móng, có 2 loại thuốc tẩy tóc chính là: thuốc làm sáng (lightener) có khả năng làm sợi tóc đen thành nâu; loại thứ hai là bột tẩy (powder bleach) có khả năng tẩy mạnh hơn có khả năng làm tóc từ màu đen thành nâu sáng.
Cơ chế hoạt động của 2 loại tẩy tóc này thì tương tự nhau. Phần lớn các sản phẩm tẩy tóc chứa 2 loại hóa chất chính là chất tạo kiềm (alkaline) và chất oxy hóa. Ví dụ, trong chất làm sáng, ethanolamine hoặc amonia được sử dụng để tạo ra môi trường kiểm cần thiết cho quá trình làm sáng, trong khi đó hydrogen peroxide (H2O2) tạo ra quá trình oxy hóa. Trong bột tẩy thì muối persulfate cũng có tác động làm tăng cường quá trình oxy hóa bên cạnh tác động của hydrogen peroxide.
Khi tiến hành tẩy tóc thì trước hết phải tạo ra môi trường kiềm tính, quá trình này giúp cho vỏ của sợi tóc (cuticle) được mở ra đồng thời tạo ra môi trường thích hợp cho quá trình oxy hóa diễn ra. Ở môi trường lý tưởng, hydrogen peroxide làm phá vỡ các hạt sắc tố melanin và giáng hóa các hạt này thông qua quá trình oxy hóa, nhờ vậy mà sợi tóc trở nên sáng màu hơn.
3. Tẩy tóc được thực hiện như thế nào?
Tẩy tóc nên được thực hiện tại những người được đào tạo bài bản, không nên thực hiện tại nhà.
Các bước để thực hiện tẩy tóc cơ bản:
· Pha trộn hỗn hợp tẩy tóc
· Thoa hỗn hợp tẩy tóc lên phần tóc mong muốn, dùng bàn chải hoặc lược để hỗn hợp tẩy tóc phân bố đều. Tuyệt đối không làm dính thuốc lên da (kể cả da đầu) và quần áo.
· Bịt phần tóc được thoa thuốc bằng mũ nilon/màng nhôm.
· Giữ thuốc trong 15-30 phút. Thời gian lưu giữ thuốc trên tóc phụ thuộc vào loại tóc, màu tóc ban đầu, màu tóc mong muốn, loại và lượng hydrogen peroxid trong hỗn hợp tẩy.
4. Những nguy cơ có thể xảy ra do tẩy tóc?
Các biến đổi bình thường của sợi tóc sau tẩy tóc:
· Thay đổi cấu trúc sợi tóc: tẩy tóc thường xuyên có thể làm thay đổi vĩnh viễn sợi tóc, khiến sợi tóc trở nên khô, xơ và thô ráp hơn.
· Phồng sợi tóc: Bột tẩy (bleaching agents) làm cho vỏ sợi tóc phồng lên do đó mà làm cho tóc bạn trông dày hơn sau khi tẩy.
Các tác dụng không mong muốn sau tẩy tóc:
· Tẩy tóc có thể gây ra những tác dụng không mong muốn từ nhẹ tới nghiêm trọng. Vấn đề phổ biến nhất trong quá trình tẩy tóc gặp phải mùi nồng của thuốc tẩy gây ra bởi ammonium hydroxide. Bleaching có thể khiến cho tóc bạn trở nên yếu hơn và có xu hướng gãy rụng do chất này phá vỡ 15-20% các sợi protein của tóc (chủ yếu keratin). Ngoài các tác dụng không muốn nhẹ trên thì có thể xảy ra những biến chứng nghiêm trọng như:
· Bỏng da đầu: khi sử dụng chất tẩy mạnh cùng với các biện pháp tạo nhiệt để tăng cường quá trình tẩy tóc hoặc tạo kiểu thì dễ xảy ra quá trình bỏng da đầu.
· Nhiễm độc: Một vài hóa chất trong chất tẩy tóc như ethyl alcohol, ammonium persulfate và hydrogen peroxide là các chất có độc tính cao và có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, nếu chẳng may nuốt phải hoặc dính phải thuốc tẩy trên da hoặc không may bị bắn vào mắt thì bạn có nguy cơ bị nhiễm độc do các chất này gây ra. Các biểu hiện ngộ độc thuốc tẩy tóc bao gồm: tiêu chảy, đau bụng, khó thở, nói ngọng, hạ huyết áp, đi loạng choạng, bỏng rát ở họng (nếu nuốt phải) hoặc bỏng rát ở mắt (nếu bị bắn vào mắt).
5. Các biện hạn chế những tác dụng không mong muốn
· Không tẩy tóc khi bản thân sợi tóc của bạn đã khô yếu, mỏng, dễ gẫy rụng.
· Tuân thủ tuyệt đối quy trình tẩy tóc theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
· Bạn có thể cần phải tẩy tóc một vài lần để có thể có được màu tóc mong muốn, tuy nhiên không nên quá nôn nóng, cần tuân thủ cách nhau ít nhất 14 ngày giữa 2 lần tẩy tóc liên tiếp.
· Không sử dụng các biện pháp thúc đẩy nhanh, mạnh quá trình tẩy tóc như băng bịt kín kết hợp với việc sử dụng nhiệt hoặc dùng chất tẩy với nồng độ cao vượt quá với nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất.
6. Cách khắc phục các tác dụng không mong muốn
· Trong quá trình tẩy tóc nếu thấy cảm giác quá khó chịu, ngừng ngay qua trình tẩy tóc và đến cơ sở y tế gần nhất hoặc chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn.
· Sau khi tẩy tóc thấy xuất hiện dát đỏ, mụn nước hoặc cảm giác ngứa nhiều, bỏng rát hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
· Các trường hợp hoại tử da đầu sau tẩy tóc thì các biện pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc vết thương tại chỗ, sử dụng các biện pháp để thúc đẩy quá trình liền vết thương (như cắt lọc loại bỏ tổ chức hoại tử, laser hoặc plasma lạnh tại tổn thương) và phẫu thuật (ghép da hoặc chuyển vạt) để che phủ ổ khuyết da đầu.
Tài liệu tham khảo:
1. Jensen CD, Sosted H. Chemical burns to the scalp from hair bleach and dye. Acta Derm Venereol. 2006;86(5):461-2. doi: 10.2340/00015555-0102. PMID: 16955201.
2. Jeong MS, Lee CM, Jeong WJ, Kim SJ, Lee KY. Significant damage of the skin and hair following hair bleaching. J Dermatol. 2010 Oct;37(10):882-7. doi: 10.1111/j.1346-8138.2010.00916.x. PMID: 20860738.
3. Mallika Bhattachary.(2022). What to know about hair bleach. Hair Bleach: How Does It Work? (webmd.com) Truy cập ngày 20/3/2023.
Viết bài: Ths. Bs Lê Thanh Hiền - Khoa PTTHTM và PHCN - BV Da liễu TW
Đăng bài: Phòng Công tác xã hội
Link nội dung: https://ausp.edu.vn/tay-toc-va-nhung-moi-nguy-co-tiem-an-a18566.html