Trẻ sơ sinh có một làn da rất mỏng manh và vô cùng nhạy cảm với nhiệt độ. Vì vậy nước dùng để tắm cho trẻ nên là nước ấm, không quá nóng cũng không quá lạnh. Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo trẻ nên được tắm trong nước có nhiệt độ từ 37 - 38 độ C. Bởi vì mức nhiệt này sẽ giúp bé cảm thấy thư giãn và dễ chịu, khơi gợi “ký ức” của bé khi còn nằm trong bụng mẹ với cảm giác êm ái và bồng bềnh. Lúc này bé sẽ cảm thấy an tâm, không mất bình tĩnh và quẫy đạp trong quá trình ba mẹ tắm cho bé.
Trẻ sơ sinh có một làn da rất mỏng manh và vô cùng nhạy cảm với nhiệt độ
Dưới đây là cách pha nước tắm an toàn cho trẻ ba mẹ nên tham khảo ngay:
Hãy pha nước tắm cho trẻ vào chậu tắm riêng. Tuyệt đối không được mở vòi nước hay xả nước khi đang tắm cho trẻ vì nếu không may vặn sang bên nước nóng có thể khiến trẻ bị bỏng;
Nên điều chỉnh nhiệt độ của bình nóng lạnh hay máy nước nóng ở dưới mức 49 độ C để đảm bảo an toàn cho cả trẻ nhỏ và người lớn;
Có thể dùng loại nhiệt kế dành riêng cho đo nước tắm. Hiện nay loại nhiệt kế này vừa được thiết kế để làm dụng cụ đo nhiệt độ nước vừa có thể được dùng để làm đồ chơi cho bé rất tiện lợi.
Cơ chế sinh nhiệt của trẻ diễn ra rất nhanh chóng nhưng đồng thời trẻ cũng mất nhiệt rất nhanh. Do đó ngay cả khi nước tắm đã được pha với mức nhiệt an toàn thì đôi khi trẻ vẫn có thể bị lạnh, hơn nữ nước tắm còn bốc hơi và nguội dần theo thời gian.
Để trẻ luôn được giữ ấm trong suốt quá trình tắm, ba mẹ nên áp dụng các mẹo như sau:
Chỗ tắm cho bé nên ở trong kín, không bị gió lùa. Nên lắp đèn sưởi cho nhà tắm để đảm bảo nhiệt độ phòng khi tắm cho bé luôn ấm áp;
Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết trước khi tắm cho bé, bao gồm: quần áo, tất, bao tay, khăn tắm, khăn lau mặt, bỉm,... để thay mới. Đặt gọn gàng trên giường để dễ dàng thay và mặc cho bé sau khi đã tắm xong;
Đổ nước vào chậu tắm của bé. Dùng nhiệt kế đo nhiệt độ nước theo đúng khoảng an toàn. Mức nước trong chậu vừa phải, không nên để quá nhiều.
Kiểm tra nhiệt độ nước tắm cho bé lại một lần nữa để đảm bảo an toàn;
Cởi quần áo cho bé xong, hãy tắm tuần tự lần lượt: bắt đầu từ việc lau mặt sạch sẽ cho bé, gội đầu và lau khô tóc, rồi sau đó đến phần thân dưới. Lưu ý là đối với những phần cơ thể chưa rửa đến và vừa rửa xong, bạn hãy dùng khăn sạch để quấn những vùng đó lại tránh để bé bị lạnh;
Thời gian tắm cho bé nên diễn ra nhanh chóng và hãy kết thúc trước khi nước tắm bị nguội;
Trong trường hợp thời tiết quá lạnh hoặc bé đang bị ốm sốt thì ba mẹ không nên tắm cho trẻ. Thay vào đó có thể dùng khăn sạch nhúng nước ấm để lau người, vệ sinh cho bé.
Sau khi vừa tắm xong, ba mẹ nên sử dụng khăn bông mềm, khô để quấn bé. Mẹ nên chọn loại khăn có kèm theo cả mũ trùm đầu để giữ ấm được phần đầu cho trẻ rất tiện lợi;
Đảm bảo lau khô người cho bé rồi mới mặc quần áo. Mùa hè phụ huynh nên cho bé mặc quần áo mỏng, thoáng mát, chất liệu thấm hút mồ hôi. Còn mùa đông thì nhớ giữ ấm cho trẻ cả phần đầu, cổ, thân người và tay chân. Tuy nhiên nên mặc phù hợp theo nhiệt độ bên ngoài để tránh trường hợp mặc cho trẻ quá nhiều lớp áo gây tiết mồ hôi, thấm ngược vào trong có thể dẫn đến cảm lạnh hay thậm chí là viêm phổi ở trẻ;
Khăn tắm của bé sau khi dùng xong hãy phơi lên chỗ thông thoáng hoặc dùng máy sấy để cho mau khô.
Hãy đảm bảo ủ ấm cho bé sau khi tắm
Bên cạnh những lưu ý về nhiệt độ nước tắm, cách giữ ấm cho trẻ khi đi tắm thì các bậc phụ huynh cũng cần tham khảo những lưu ý dưới đây:
Thường thì sau khi chào đời trẻ sẽ chưa cần phải tắm ngay. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới WHO, trẻ sơ sinh cần đợi sau ít nhất là 6 giờ để có lần tắm đầu tiên trong đời. Nguyên nhân là do có một lớp sáp tự nhiên (lớp vernix caseosa) bao phủ ở bề mặt ngoài da của trẻ. Lớp sáp này có vai trò bảo vệ làn da non nớt của những em bé sơ sinh mới chào đời.
Vì vậy khi vừa ra khỏi bụng mẹ, điều dưỡng sẽ lau sạch cơ thể trẻ bằng một chiếc khăn mềm rồi cho bé da kề da với mẹ. Trong khoảng thời gian trước khi đưa bé đi tắm (thường là sau 12 giờ ở bệnh viện), mẹ sẽ cho bé bú và ngủ. Đây cũng là lúc mẹ cần được nghỉ ngơi để hồi sức sau hành trình vượt cạn gian nan. Còn em bé sẽ sẽ phải tập thích nghi với nhiệt độ và cuộc sống ở môi trường bên ngoài bụng mẹ.
Không cần tắm cho trẻ sơ sinh mỗi ngày vì tắm quá nhiều có thể khiến trẻ dễ bị khô da. Do đó thời gian đầu chỉ cần tắm từ 3 - 4 lần/tuần cho trẻ. Tuy nhiên vẫn cần lau sạch vùng cổ, mặt, nách, bẹn, vùng kín của trẻ để đảm bảo vệ sinh.
Mẹ có thể dùng nhiệt kế chuyên dụng để đo nhiệt độ nước tắm cho trẻ
Vì da của trẻ rất mỏng manh và nhạy cảm nên cha mẹ cần chú ý dưỡng ẩm cho bé. Trong trường hợp bé bị khô da, dị ứng, mẩn đỏ, chàm da thì mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ cách để khắc phục vấn đề này, tránh áp dụng các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng khoa học vì có thể làm tổn thương làn da của trẻ.
Cha mẹ tuyệt đối không được đặt con một mình trong bồn hoặc chậu tắm vì nguy cơ gặp nguy hiểm với nước là rất cao. Nếu vì một lý do nào đó mà bạn cần rời đi thì hãy nhanh chóng kết thúc việc tắm rửa cho bé hoặc nhờ người khác làm thay.
Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây của MEDLATEC về nhiệt độ tắm thích hợp cho trẻ sơ sinh cũng như các vấn đề cần lưu ý liên quan đến quá trình tắm cho bé sẽ giúp ích cho bạn và gia đình trong việc chăm sóc trẻ nhỏ. Nếu bạn còn bất kỳ băn khoăn nào cần được giải đáp, hãy liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để tổng đài viên của MEDLATEC hỗ trợ bạn kết nối cùng các chuyên gia Nhi khoa.
Link nội dung: https://ausp.edu.vn/giup-me-pha-nhiet-do-nuoc-tam-cho-tre-so-sinh-dung-cach-a18089.html