Đường làng La Giang gập ghềnh, gồ ghề sống trâu thỉnh thoảng lại làm cho chiếc xe nẩy lên khiến cho đám trẻ ngồi trong chúi vào nhau cười khúc khích.
Ở mỗi một con ngõ hay cái hẻm nào đó có một hai đứa trẻ cầm cặp chờ sẵn, thấy bóng dáng cái xe chúng lại reo to: “A, xe công, xe công”.
Xe công ở đây không hiểu theo nghĩa thông thường mà là tên của cái xe kéo do anh Phạm Tuấn Công (xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) làm chủ.
Đó là một cái thùng xe dài với mái che mưa, che nắng, hàng ghế dài để ngồi và còn có cả quạt điện mắc hai bên. Bộ phận chuyển động của xe rất đơn giản với hai cái bánh ô tô cũ ở bên dưới. Thùng xe được mắc vào hai càng, bên dưới cũng gắn hai cái bánh nhưng nhỏ hơn. Còi bằng mồm, xi nhan bằng tay, phanh bằng chân, gương bằng mắt, vậy là a- lê- hấp, lên đường.
Tiếng là phận “người ngựa, ngựa người” nhưng khác với nhân vật phu kéo xe đêm cuối năm của nhà văn Nguyễn Công Hoan, “ngựa” Công xem ra nhàn nhã hơn khá nhiều.
Khẽ nhích cái tay ga ở càng xe bên trái là chiếc xe đã rùng rùng chuyển động. Nếu đường nhựa bằng phẳng sức người có thể hoàn toàn kéo được xe nhưng chỗ gập ghềnh, lên dốc bắt buộc phải có động cơ điện hỗ trợ.
“Ngựa” Công chỉ việc guồng chân bước để hai tay điều khiển xe hệt như một anh kéo xe bò. Xe đi được vận tốc tối đa là 10km/h nhưng thường chỉ chạy khoảng 5-7km/h - bằng với tốc độ một người đi bộ.
Xe người kéo đang lưu thông trên đường
Vốn là một anh thợ hàn xì gặp thời buổi khó khăn thấy ở quê người ta đánh xe ngựa làm dịch vụ chở học sinh đi anh Công cũng học lóm. Anh bỏ ra 2 tháng hì hụi chế nên chiếc xe rồi mua một chú ngựa ô rất đẹp giá 19 triệu 5 về để kéo.
Ngựa kéo xe bắt buộc phải qua vực (huấn luyện). Huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) có mấy tốp vực ngựa rất nổi tiếng. Công vực một con ngựa mộc thành ngựa thuần là 8 triệu đồng.
Nhóm vực thường có ba bốn người. Kẻ giữ, người chỉ huy cho ngựa quen với cảm giác kéo thùng xe. Thử chán trong vườn rồi lại ra đường thử còi cho đỡ giật mình, thử xe cộ tấp nập cho khỏi bỡ ngỡ. Mất ba bốn tháng con vật mới thực sự thuần sẵn sàng cho nghiệp kéo.
Không may, đang trong quá trình chạy trình diễn bỗng có lệnh cấm xe súc vật kéo chở người. Mua ngựa kéo bán ngựa thịt lỗ mất 1/3, còn anh Công lại lâm cảnh tái thất nghiệp.
Đang trong cơn chán nản thì anh Nguyễn Văn Lực hay còn gọi là Lực "ngựa" ở thị trấn Tứ Kỳ đã nghĩ cách chế thêm động cơ điện vào dưới cầu xe biến chiếc xe ngựa kéo thành người kéo.
Một chiếc xe kéo chở được tới mấy chục học sinh nên giảm thiểu được cảnh tắc đường sớm sớm, chiều chiều. Xe kéo lại an toàn hơn hẳn chở bằng xe máy hay xe đạp rất hợp với những bậc phụ huynh công chức hay công nhân trong các nhà máy không có thời gian đưa đón con cái. Bởi thế xe kéo ngày một đông khách mà không cần quảng cáo đến dù chỉ nửa câu.
Anh Công bảo làm kiếp “ngựa” gió rét hay nắng thiêu chẳng sợ chỉ ngại mỗi khi trời mưa. Học sinh trên xe khô ráo hát hò nhưng người ở dưới dù có mũ áo vẫn không thể tránh khỏi ướt át, nhớp nháp bùn đất.Xe của “ngựa” Công có tới 25 học sinh, trong đó hai đứa là con anh. Thằng lớn mới học lớp 5 đã biết giúp bố làm “lơ xe”. Nó thường ngồi cửa sau giữ chốt ngăn cản đám học trò hiếu động mở cửa hay thò chân tay ra ngoài.
Ở cửa trước đã có ông bố trực sẵn mở đón học sinh lên, đứa nào bé quá mới phải bế.
Ngày bốn lượt sáng đi trưa về, chiều đi tối về. Mỗi lượt như vậy mất chừng một giờ với khoảng 15-17 lần đỗ lại đón học sinh hay chờ chúng ăn nuốt vội nốt miếng cơm, miếng nước.
Từ làng La Giang đến trường tiểu học Văn Tố dài khoảng 2,5km tùy theo quãng đường mà giá vé khác nhau. Xa nhất là 200.000 đồng/tháng, xa 1,5km là 150.000 đồng, trên 1km là 120.000 đồng, gần nhất là 70.000 đồng.
Với quãng đường đi bộ hơn 10km mỗi ngày, trung bình hằng tháng anh Công có thể thu được 4 triệu đồng. Chi phí chỉ là một tuần mang bình ắc quy đi sạc một lần mất 30.000 đồng và những giọt mồ hôi rơi đẫm bờ vai áo.
Chia tay với “ngựa” Công tôi tìm đến vợ chồng “ngựa” Lực - người sáng tạo ra trò này. Anh Lực vốn lái xe công nông, từ hồi Chính phủ cấm anh chuyển sang đánh xe ngựa chở hàng.
Bế hành khách xuống xe
Thế rồi mấy người hàng xóm động viên anh chở học sinh đi học. Lúc đầu chỉ có 15 đứa về sau danh sách lên đến 50 đứa. Khi lượng đơn hàng vượt qua con số 50, vợ chồng anh sắm thêm một chiếc xe và một con ngựa nữa để phân làm hai tuyến.
Chị phụ trách cầu Vạn - trường tiểu học thị trấn còn anh đảm nhiệm chợ Yên - trường tiểu học thị trấn. Cả hai đều dài khoảng 4km.
Bốn giờ sáng anh cho ngựa ăn, ngựa tắm rồi bật loa đài, quạt mát trên thùng xe chuẩn bị cho một chuyến hành trình mới. Hai con ngựa rất tinh khôn. Bình thường cứ thả rông ra ngoài cánh đồng lúc nào muốn gọi anh chỉ việc đứng lên nóc nhà mà réo: “Míc đâu rồi? Liểng đâu rồi? Về đi thôi”.
Thế là chúng ngoăn ngoắn đuôi phi về cấm dám la cà, chậm trễ. Bảo nằm là chúng nằm, bảo đứng là chúng đứng răm rắp một phép.
“Chúng tôi vừa làm vừa giúp bà con nên công kéo xe chỉ ngang công thợ hồ 4 triệu đồng/tháng. Giờ mà bảo phải bỏ động cơ điện ra thì chẳng khác nào cày máy lại bắt tháo dây curoa, dân mất đường sống”, anh Lực nói.Đám nhỏ có thể sờ vào thân mà không sợ ngựa phì, sờ vào răng mà không sợ ngựa đá. Đi xe ngựa còn an toàn hơn cả ô tô vì tốc độ của chúng khá chậm, vì trí khôn của ngựa còn hơn bộ óc điện tử của bất kỳ loại xe hiện đại nào. Tám năm trời gắn bó với cặp ngựa không một chuyến bị chậm, không một sự cố nào xảy ra.
Anh tâm sự: “Tiếng là có ba thằng con nhưng không đứa nào nuôi tôi mà chỉ có cặp ngựa. Nhờ chúng trung bình mỗi tháng vợ chồng tôi kiếm được 18 triệu đồng một cách hoàn toàn chính đáng”.
Trong 8 năm ấy anh xây hai cái nhà mái bằng cho hai đứa con lớn ra ở riêng. Trong 8 năm ấy có biết bao hành khách học lên cấp hai, cấp ba rồi đại học. Ở phương trời nào chúng cũng nhớ về một miền tuổi thơ dịu ngọt với những chuyến xe ngựa chở khúc khích tiếng cười, chở rộn ràng tiếng hát.
Đùng một cái người ta cấm xe súc vật kéo người. Hôm công an huyện thông báo như vậy nhiều phụ huynh bức xúc quá định rủ nhau kéo đến để phản đối nhưng anh Lực gạt đi. Buổi gọi người đến thịt ngựa, cả hai vợ chồng anh đều lánh mặt vì chỉ sợ chứng kiến rồi bật khóc.
Cấm xe tự chế, cấm xe súc vật kéo còn loại xe gì mà người ta không cấm? Mua ô tô thì quá sức đối với vợ chồng anh. Những câu hỏi cứ vẩn vơ mãi trong đầu rồi một ngày chợt bật ra ý nghĩ: Xe người kéo.
Vậy là vợ chồng anh đành bán bớt một chiếc xe rồi chuyển sang kiếp “người ngựa”. Chồng kéo xe, vợ cùng với hai người nữa hè nhau mà đẩy. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại như tắm, sau mỗi chuyến xe uống cả trăm ngàn tiền bia hơi vẫn không lại sức.
Thấy không ổn, ba đêm thức trắng nằm nhà anh nghĩ ra cách lắp mô tơ điện vào trợ lực cho người kéo với số vốn bỏ ra là 20 triệu đồng. Từ đó chồng kéo, vợ làm lơ, họ chạy ngon ơ khi hợp đồng chở 50 cháu được đặt dài dài. Noi theo anh, hiện Tứ Kỳ có 7- 8 chiếc xe như vậy.
Link nội dung: https://ausp.edu.vn/nguoi-ngua-ngua-nguoi-thoi-nay-a14498.html