Bài 2: Tác dụng thủy lợi của rừng ven biển, ven cửa sông lớn

BVR&MT - Rừng ven biển, ven cửa sông lớn được ví như là “Bức tường xanh” chắn sóng - lấn biển, chắn gió, chắn cát bay, bảo vệ đê biển, đê cửa sông, nơi neo đậu thuyền bè, nuôi và đánh bắt thủy hải sản. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ xem xét giá trị của rừng ven biển, ven cửa sông lớn qua góc nhìn của người làm công tác quy hoạch Nông nghiệp và Thủy lợi.

Bài liên quan:

Bài 1: Vai trò của Rừng đối với công tác Thủy lợi

Khoa học lâm nghiệp đã nghiên cứu và phân biệt 4 loại rừng phòng hộ cơ bản là: Rừng phòng hộ đầu nguồn; Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái. Ở đây chúng ta bàn về giá trị thủy lợi của rừng ven biển, ven cửa sông lớn. Rừng ven biển có tác dụng chắn sóng, lấn biển và chắn gió, chắn cát bay; rừng ven cửa sông lớn có tác dụng chắn sóng, chống sạt lỡ đất, bảo vệ đê, kè.

Rừng ven biển có thể phân biệt 3 loại hình nhỏ hơn là: Rừng ngập nước biển, rừng bán ngập nước biển và rừng ven biển không ngập nước. Loại rừng ven cửa sông lớn có thể phân biệt 3 loại hình nhỏ hơn là: Rừng ven cửa sông ngập nước lỡ, rừng ven cửa sông bán ngập, rừng ven cửa sông không ngập nước.

Bài 2: Tác dụng thủy lợi của rừng ven biển, ven cửa sông lớn
Rừng ven biển có thể phân biệt 3 loại hình nhỏ hơn là: Rừng ngập nước biển, rừng bán ngập nước biển và rừng ven biển không ngập nước.

Rừng ngập nước biển là rừng mà phần đất của rừng luôn chìm trong nước biển, thường có bộ rễ rất phát triển, cắm sâu vào bùn đất và một phần nổi lên trên đất nhưng thường chìm trong nước biển, cấu trúc chùm, hình càng cua, thế chân kiềng hoặc hình mũi giáo. Nhờ vậy chúng có khả năng chống lại sức tấn công của sóng, cắt xé múi sóng, làm giảm năng lượng sóng, hạ thấp đỉnh sóng - cường độ sóng. Phần khí sinh của rừng ngập có tác dụng làm giảm tốc độ gió trên bề mặt nước góp phần giảm cường độ sóng, đây chính là cội nguồn tác dụng chắn sóng - hộ đê biển, đê - kè ven cửa sông.

Rừng bán ngập nước biển là rừng có phần đất rừng lúc ngập nước biển lúc không ngập; về cơ bản có đặc điểm giống rừng ngập nước biển tuy nhiên phần khí sinh phát triển hơn; có tác dụng ngăn sóng, giảm tốc khi triều dâng - khi triều rút, tăng mức lắng tụ bùn cát, dần già tạo nên những bải bồi lấn biển và góp phần làm sạch nước biển.

Rừng ngập nước biển và rừng bán ngập nước biển thường được dùng chung với tên gọi rừng ngập mặn, xem xét dưới góc nhìn thủy sản thì đây là nơi cư ngụ, nguồn thức ăn tự nhiên cho các loài thủy hải sản, nơi neo đậu thuyền bè.

Bài 2: Tác dụng thủy lợi của rừng ven biển, ven cửa sông lớn

Rừng ven biển không ngập nước là rừng có có phần đất rừng thường xuyên không bị ngập nước; có thể chia làm 05 loại hình nhỏ hơn là: Rừng trồng trên các bãi cát bồi ven biển; rừng trồng trên đồi đất nguyên ven biển; rừng trồng trên bãi đất nhân tạo ven biển; rừng tự nhiên trên đồi đất nguyên ven biển và rừng tự nhiên hình thành trên bãi bồi ven biển.

Rừng tự nhiên trên đồi đất nguyên ven biển có tổ thành loài đa dạng, nhiều tầng tán, bộ rể phong phú, các loài cây ưu thế thường có rể cọc cắm sâu, thân dẻo dai; có tác dụng chống xói mòn, rửa trôi đất, chống sạt lở đất, chắn gió từ hướng biển, là bức chắn làm giảm sự xâm thực của nước mặn vào nội địa. Rừng trồng trên đồi nguyên do có đặc điểm địa chất tương tự nên khi trưởng thành cơ bản tính năng giống với rừng tự nhiên trên đồi nguyên ven biển.

Khác với rừng trên đồi đất nguyên, rừng trồng trên bãi bồi nhân tạo thường có lớp nền là cát hoặc nền đá thấp, tầng đất đắp dễ bị nhiễm mặn, việc lựa chọn loài cây trồng và chăm sóc trở nên khó khăn. Khi rừng trưởng thành tác dụng thủy lợi và môi trường cơ bản giống như rừng trên đồi đất nguyên.

Bài 2: Tác dụng thủy lợi của rừng ven biển, ven cửa sông lớn
Rừng ven biển, ven cửa sông lớn còn là nơi cư ngụ, nguồn thức ăn tự nhiên cho các loài thủy hải sản, nơi neo đậu thuyền bè.

Bãi cát bồi ven biển thường hình thành các gò, đụn mấp mô, hạt cát nhỏ mịn lẫn với mùn dễ bị gió cuốn hoặc sóng đánh bay; trong lúc gió từ biển khơi vốn không có vật cản nên rất mạnh, đẩy sóng lên cường độ cao, đánh vào đê biển. Đất bãi bồi thường bị nhiễm mặn nên các loài cây trồng phải có khả năng chịu mặn, loại rừng trên các bãi bồi có tác dụng ngăn chặn việc di dời tự do của cát, cản gió và điều hòa khí hậu.

Ngày xưa, khi con người chưa biết hoặc chưa đủ khả năng. Các bãi bồi được hình thành do lắng tụ lâu ngày hoặc do quá trình biển lùi, quá trình khuếch tán, phát tán các hạt giống, sự trôi dạt cây từ nơi khác đến, quá trình chọn lọc tự nhiên nhiều diễn thế hình thành rừng tự nhiên trên các bãi bồi. So với rừng tự nhiên trên đồi đất nguyên thì rừng tự nhiên trên bãi bồi ven biển, ven cửa sông kém đa dạng và phổ biến là loài cây chịu mặn. Khi trưởng thành vai trò tích trữ nước mưa của rừng đã góp phần hạn chế sự nhiễm mặn cho đất, vai trò bơm sương của rừng giúp điều hòa ẩm không khí.

Rừng ngập mặn ở Việt Nam thường có tổ thành loài đơn giản so với rừng tự nhiên đầu nguồn, các loài thực vật chủ yếu là: Cây đước, cây bần, cây vẹt, cây sú, cây cóc, cây dừa nước, cây dà vôi, cây trang, cây cui…

Một cách tổng quan có thể nói, rừng ven biển, ven cửa sông lớn có tác dụng chắn gió, chắn sóng, ngăn sự di chuyển tự do của cát, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, sạt lở đất, hạn chế sự nhiễm mặn đất ven biển, ven cửa sông, hạn chế bốc hơi của đất - chống sa mạc hóa tại các bãi bồi. Đồng thời nó làm giảm sức công phá của sóng, bảo vệ đê - các công trình ven biển, tạo môi trường nuôi và đánh bắt thủy hải sản. Do đó, rừng ven biển, ven cửa sông lớn đã tạo ra một giá trị hữu ích tổng hợp to lớn trên cơ sở giảm tác hại của nước biển, của hơi nước, tăng lợi ích của nước biển, của hơi nước vùng ven biển, ven cửa sông. Đó chính là giá trị thủy lợi to lớn mà rừng ven biển, ven cửa sông lớn mang lại.

Nghệ An có bờ biển dài gần 82 km, chạy qua 144 xã - phường thuộc 6 huyện, thị với 7.728,09 ha rừng. Trong đó có: 331,09 ha rừng ngập mặn; 1.652,82 ha rừng chắn gió, chắn cát; 5.744,18 ha rừng tự nhiên trên đất nguyên. Rừng chắn gió, chắn cát ven biển, ven cửa sông ở Nghệ An chủ yếu được trồng các loài cây như: Phi Lao, Keo tràm. Rừng ngập mặn chủ yếu là cây Đước, cây Sú, cây Bần, cây Vẹt. Hiện tại rừng ven biển, ven cửa sông đã và đang được người dân địa phương, các nhà khoa học lâm nghiệp, thủy sản và chính quyền quan tâm để phát huy vai trò môi trường, kinh tế - xã hội và cũng đã được nhìn nhận dưới góc độ giá trị thủy lợi.

Th.s Phan Cảnh Thành - Th.s Phạm Hồng Thương (Đoàn QH NN&TL Nghệ An)

Link nội dung: https://ausp.edu.vn/bai-2-tac-dung-thuy-loi-cua-rung-ven-bien-ven-cua-song-lon-a13397.html