(Xây dựng) - Trong hơn 10 năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng, xu hướng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đặc biệt tại nhiều thành phố lớn, đô thị hóa với tốc độ cao chưa từng có kéo theo những mặt tích cực và một số hạn chế không nhỏ.
Cần quản lý kế hoạch tổng thể, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và xây dựng trong nội đô theo các khu vực phát triển.Hiệu quả từ quá trình đô thị hóa
Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Xây dựng, đến hết tháng 3/2023, toàn quốc có 898 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Hệ thống đô thị cả nước đã từng bước được hoàn thiện và nâng cao chất lượng.
Báo cáo từ các địa phương cho thấy, việc quy định các khu vực ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng khung của đô thị rất cần thiết vì ngân sách Nhà nước hạn chế, không thể đầu tư dàn trải. Đối với các đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh, cần kiểm soát không để đầu tư tràn lan tự phát, dẫn đến các hệ lụy thiếu kết nối hạ tầng khu vực; cần có sự cân đối các hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật (HTKT) theo khu vực thay vì xem xét từng dự án độc lập; các khu vực dự kiến hình thành đô thị mới cần có cơ chế khuyến khích, ưu đãi và quản lý đúng hướng ngay từ đầu.
Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), giai đoạn 2021 - 2023, quá trình đô thị hóa có những thành tựu đáng ghi nhận. Qua thực tiễn triển khai, công tác phát triển hệ thống đô thị từng bước chuyển sang mô hình phát triển có trọng tâm, trọng điểm thông qua việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Chính việc này đã trở thành một công cụ quản lý có hiệu quả để kiểm soát kế hoạch phân loại đô thị của các tỉnh.
Đối với các đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh, cần kiểm soát không để đầu tư tràn lan tự phát, dẫn đến các hệ lụy thiếu kết nối hạ tầng khu vực. Bên cạnh đó, cũng cần có sự cân đối các hạ tầng xã hội, HTKT theo khu vực thay vì xem xét từng dự án độc lập. Hay các khu vực dự kiến hình thành đô thị mới cần phải có cơ chế khuyến khích, ưu đãi và quản lý đúng hướng ngay từ đầu.
Trao đổi thêm về đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, đại diện Cục Phát triển đô thị cho biết: Hạ tầng khung diện rộng đã được tập trung đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác; nhiều công trình đường cao tốc, quốc lộ, các tuyến vành đai tại các đô thị, cảng hàng không, cảng biển quan trọng, quy mô lớn được xây dựng và nâng cấp đã góp phần làm tăng khả năng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và giao thương quốc tế.
Theo đó, hệ thống giao thông công cộng đã được quan tâm phát triển, nhiều nhà máy cấp nước công suất lớn được đầu tư xây dựng. Phần lớn các đô thị đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống chiếu sáng, công viên cây xanh, công viên nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.
Nhắc đến đô thị hóa, xây dựng HTKT được coi là một trong những “nền móng” đầu tiên, sau đó phải nói đến việc triển khai các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở cũng rất quan trọng.
Các chuyên gia đều chung nhận định, việc thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật trong triển khai các dự án đầu tư phát triển đô thị đã kịp thời góp phần chấn chỉnh tình trạng đầu tư dự án tràn lan, tự phát, phong trào, thiếu đồng bộ trước đây, hạn chế các dự án thiếu nguồn lực thực hiện, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản nói riêng và sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung.
Cũng phải ghi nhận hệ thống pháp luật điều chỉnh quá trình đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở đã từng bước được hoàn thiện. Từ Luật Đầu tư năm 2020 đến Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 và các Nghị định hướng dẫn đã thống nhất việc quy định về trình tự, thủ tục đầu tư các dự án này. Đáng chú ý đó là việc tăng cường phân cấp chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh và bổ sung một số quy định đặc thù riêng đối với từng dự án.
Bên cạnh đó, các địa phương đã quan tâm hơn, chú trọng thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị đồng bộ với diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị, phát triển thị trường bất động sản, chuyển dịch dần sang kinh tế dịch vụ, đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một số dự án khu đô thị đã mạnh dạn đầu tư áp dụng các mô hình mới tiến bộ như đô thị xanh, sinh thái, đô thị thông minh, qua đó đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo dựng các khu vực đồng bộ cả về cảnh quan đô thị cũng như chất lượng dịch vụ. Có thể kể đến một số đô thị xanh điển hình như Khu đô thị sinh thái Ecopark, khu đô thị xanh Park City (tại Hà Nội), khu đô thị Lakeview City (tại Thành phố Hồ Chí Minh),…
Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng bền vững
Tại các buổi hội thảo gần đây, ông Lê Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã chỉ ra một số hạn chế của quá trình đô thị hóa tại nước ta hiện nay. Trước hết đó là Chương trình phát triển đô thị triển khai nhiều năm dần bộc lộ bất cập, có thể kể ra một số nội dung như: Chưa làm rõ được sự khác nhau giữa các loại chương trình; chưa quy định rõ các nội dung ưu tiên làm cơ sở xác định nguồn lực đầu tư; chưa làm rõ được mối quan hệ với dự án HTKT khung đô thị, khu vực phát triển đô thị, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; chưa có các yêu cầu về đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; thiếu cơ chế kiểm tra, rà soát việc thực hiện…
Mặt khác, một số quy hoạch chung đô thị thuộc thẩm quyền của Thủ tướng được phân cấp cho UBND cấp tỉnh thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị để tập trung đầu tư theo tình hình của mỗi địa phương. Tuy nhiên, việc này lại không dễ dàng chút nào do có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa Sở Xây dựng và Trung tâm phát triển quỹ đất; hay từ chính yêu cầu tinh gọn bộ máy quản lý nên chưa thể triển khai được.
Một tồn tại, hạn chế nữa cũng được nhiều chuyên gia bàn luận đến là phát triển các đô thị mới hay cải tạo đô thị cũ chưa gắn với kiểm soát khả năng kết nối và chịu tải của hệ thống hạ tầng đô thị (bao gồm cả HTKT và hạ tầng xã hội). Sự thiếu gắn kết thể hiện rất rõ qua sự phân bổ mạng lưới chưa đồng đều. Tuy làm theo quy hoạch nhưng lại thiếu quản lý, giám sát, kiểm soát, điều tiết giữa các dự án trong cùng một địa bàn, khu vực đô thị với nhau.
Từ việc này dẫn đến xuất hiện nhiều điểm dân cư đô thị chưa gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của chúng ta. Đối với các khu vực đô thị hiện hữu đã hình thành và phát triển trước đó thì việc sắp xếp, cải tạo chỉnh trang đô thị gặp nhiều khó khăn do sự đa dạng, phức tạp về quyền sở hữu, điều kiện kinh tế của cư dân. Việc nhận diện và đánh giá khách quan những hạn chế của đô thị hóa sẽ giúp các nhà quản lý vạch đúng định hướng và đưa ra giải pháp phù hợp trong tình hình mới.
Đẩy mạnh mô hình đầu tư - xây dựng - quản lý khu vực phát triển mới của đô thị theo các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị.Những tháng đầu năm 2023, tại một buổi hội thảo về quy hoạch và phát triển đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn từng chia sẻ, đô thị hóa là quá trình tất yếu khách quan, động lực quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng cho công tác quy hoạch phát triển đô thị, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ngay sau khi Nghị quyết này được ban hành, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết hành động với các nhóm nhiệm vụ chủ yếu như: Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật...
Cụ thể hóa các giải pháp trên là việc kiểm soát chặt chẽ sự hình thành các điểm dân cư đô thị, hạn chế tối đa phát triển nóng tự phát vượt quá khả năng quản lý, cung cấp dịch vụ hạ tầng. Bên cạnh đó, phải kiểm soát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất khác sang đất đô thị) theo quy hoạch hay chương trình phát triển đô thị được duyệt.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp đô thị hóa sẽ lồng ghép với kế hoạch phát triển hạ tầng xã hội; lồng ghép các mô hình phát triển đô thị có khả năng chống chịu, ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thông minh, đô thị bảo tồn di sản… Quan trọng là tạo ra cơ chế chính sách thu hút, ưu đãi và ưu tiên các chương trình, dự án, hành động thực hiện các mục tiêu ưu tiên cho phát triển đô thị.
Một giải pháp được bàn đến nhiều là cần có mô hình đầu tư - xây dựng - quản lý khu vực phát triển mới của đô thị theo các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị. Cùng với đó phân hạng dự án làm cơ sở quy định quyền, nghĩa vụ khác nhau của chủ đầu tư, gồm: Trách nhiệm đầu tư đảm bảo hạ tầng khung trước khi thu hút dự án đầu tư khu đô thị; trách nhiệm giữa chính quyền và chủ đầu tư của dự án, các cơ chế và chế tài đảm bảo trật tự đô thị tại các khu vực mới hình thành…
Trong tương lai gần, việc chỉnh trang, tái thiết đô thị là nhiệm vụ hàng đầu tại các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn. Vì vậy cần quan tâm đến năng lực giao thông, chú trọng xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn đô thị, tăng diện tích cây xanh, không gian mở đô thị, đảm bảo an sinh nhà ở và các thiết chế văn hóa thiết yếu khác.
Tỷ lệ đô thị hóa nước ta tính đến tháng 6/2023 đạt trên 42%, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng đô thị tăng nhanh ở đô thị loại V, IV, II, trong đó chủ yếu là tăng đô thị loại V (từ 674 đô thị cuối năm 2021 tăng lên 699 đô thị nửa đầu năm 2023); tốc độ đô thị hóa khoảng 0,6%.
Link nội dung: https://ausp.edu.vn/qua-trinh-do-thi-hoa-can-thuc-day-theo-huong-ben-vung-a13016.html