Thực trạng lực lượng lao động Việt Nam và một số vấn đề đặt ra!

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề lao động có vai trò quan trọng, mang tính cấp thiết, lâu dài đối với sự phát triển bền vững nền kinh tế.

Năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập

Quan hệ lao động tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và những vấn đề đặt ra.

Việt Nam có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN

Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp

Cùng với quá trình đổi mới đất nước, nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động, giải quyết vấn đề lao động - việc làm đã được các cấp, các ngành quan tâm nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, chất lượng lao động hạn chế đang ngày càng gây nên những áp lực lớn đối với vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động. Do vậy, việc làm rõ thực trạng và những vấn đề còn tồn tại của lao động Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề cần thiết.

Thực trạng lực lượng lao động tại Việt Nam

Thực trạng lực lượng lao động Việt Nam và một số vấn đề đặt ra!

Việt Nam là nước có quy mô dân số lớn, tháp dân số tương đối trẻ và bắt đầu bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với nguồn nhân lực dồi dào nhất từ trước đến nay. Tính đến hết năm 2017, dân số nước ta đạt 96,02 triệu người, trong đó nữ chiếm khoảng 48,94%. Gia tăng dân số trong những năm qua kéo theo gia tăng về lực lượng lao động. Nhìn chung, mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, đây là một lợi thế cạnh tranh quan trọng của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Xét cơ cấu lực lượng lao động theo giới tính, tỷ lệ lao động nam lại nhiều hơn nữ với trên 50% lao động là nam giới. Tuy nhiên, sự chênh lệch này không đáng kể và cho thấy lao động nữ chiếm một lượng đông đảo. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ khá cao so với lao động nam do hạn chế về sức khỏe, những mâu thuẫn giữa sinh đẻ và làm việc, cơ hội tìm được việc làm vừa ý sau khi sinh là thấp.

Hiện nay, lực lượng lao động vẫn tập trung đông nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (chiếm trên 22%), tiếp đến là khu vực Bắc trung bộ, Duyên hải miền Trung (trên 21%) và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là các khu vực có diện tích đất rộng, tập trung nhiều thành phố lớn, khu đô thị và nhiều khu công nghiệp, thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh nên thu hút đông đảo lao động tập trung ở những khu vực này. Những khu vực chiếm tỷ lệ thấp, là những khu vực có diện tích đất hẹp, nhiều đồi núi, ít khu đô thị và khu công nghiệp nên không thu hút nhiều lao động đến đây.

Cơ cấu lực lượng lao động phân theo 2 khu vực thành thị và nông thôn cũng có sự chênh lệch lớn. Nhìn chung, lực lượng lao động ở nước ta chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng gần 70%. Con số này có xu hướng giảm qua các năm nhưng vẫn ở mức cao. Cả nước hiện có khoảng 17 triệu thanh niên nông thôn có độ tuổi từ 15-30, chiếm 70% số thanh niên và 60% lao động nông thôn. Tuy nhiên, 80% trong số này chưa qua đào tạo chuyên môn. Đặc điểm này là trở ngại lớn cho lao động nông thôn trong tìm kiếm việc làm. Tính đến năm 2017, dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam là hơn 72,04 triệu người (chiếm khoảng 75% tổng dân số cả nước), trong đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 75,5%, với 54,4 triệu người. So với năm 2010 (tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 75%), lực lượng lao động tính đến năm 2017 tăng cả về tỷ lệ và số lượng tuyệt đối.

Một số vấn đề đặt ra

Thời gian qua, mặc dù lực lượng lao động tăng cả về số lượng và trình độ chuyên môn, song vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với lực lượng lao động Việt Nam hiện nay, cụ thể:

Một là, lao động phân bổ không đều giữa các vùng: Các vùng đất rộng có tỷ trọng lao động thấp (vùng trung du và miền núi phía Bắc chỉ chiếm 13,8% lực lượng lao động, Tây Nguyên chiếm 6,5% lực lượng lao động), phân bổ lao động chưa tạo điều kiện phát huy lợi thế về đất đai, tạo việc làm cho người lao động và tác động tích cực đến sự di chuyển lao động từ các vùng nông thôn ra thành thị. Năm 2017, lực lượng lao động chủ yếu tập trung ở các vùng Đồng bằng Sông Hồng (21,8%), Đồng bằng Sông Cửu Long (19,1%), Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (21,6%), các vùng còn lại chiếm 17,2%.

Hai là, chất lượng lao động thấp, chủ yếu là lao động nông nghiệp, nông thôn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển: Nguồn cung lao động ở Việt Nam hiện nay luôn xảy ra tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động một số ngành dịch vụ (ngân hàng, tài chính, thông tin viễn thông, du lịch…) và công nghiệp mới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp. Tình trạng thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai, chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Kỷ luật lao động của người Việt Nam nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của quá trình sản xuất công nghiệp. Một bộ phận lớn người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp. Phần lớn lao động xuất thân từ nông thôn, nông nghiệp, mang nặng tác phong sản xuất của một nền nông nghiệp tiểu nông, tùy tiện về giờ giấc và hành vi. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, không có khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.

Ba là, còn nhiều rào cản, hạn chế trong dịch chuyển lao động: Phần lớn lao động di cư chỉ đăng ký tạm trú, không có hộ khẩu, gặp khó khăn về nhà ở, học tập, chữa bệnh... trình độ học vấn của lao động di cư thấp và phần đông chưa qua đào tạo nghề. Hầu hết các khu công nghiệp và khu chế xuất - nơi sử dụng đến 30% lao động di cư không có dịch vụ hạ tầng xã hội (ký túc xá, nhà trẻ, nhà văn hóa, đào tạo nghề, tham gia bảo hiểm xã hội…), lao động di cư ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Tình trạng trên dẫn tới hậu quả là nguồn cung lao động không có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của các vùng, các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thực trạng lực lượng lao động Việt Nam và một số vấn đề đặt ra!

Một số định hướng

Xu thế hội nhập và ứng dụng khoa học kỹ thuật ngày càng mạnh mẽ sẽ tác động làm biến đổi thị trường lao động, cụ thể sẽ có nhiều ngành nghề, công việc truyền thống/thủ công sẽ mất đi đồng nghĩa với việc người lao động ở các quốc gia sẽ mất đi nhiều việc làm, cơ hội việc làm nhưng nó cũng mở ra cơ hội xuất hiện nhiều ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ ngày càng cao hơn.

Đối với Việt Nam, một quốc gia có xuất phát điểm, nền tảng, trình độ (công nghệ, nguồn nhân lực…) hạn chế thì thị trường lao động sẽ gặp nhiều thách thức như: Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài; Sức ép về vấn đề giải quyết việc làm với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm; 46 triệu lao động Việt Nam (lao động chưa qua đào tạo) đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao robot, trang thiết bị công nghệ thông minh; Thiếu đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là một số ngành/lĩnh vực chủ lực như bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin… Chất lượng lao động ở nước ta thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo có nhiều bất cập. Còn thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam thấp. Vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức, năng suất thấp…

Giải pháp phát triển thị trường lao động

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trước mắt thị trường lao động Việt Nam cần tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và thị trường. Khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động cần sớm được kiện toàn. Chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên; Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn, thí điểm đặt hàng hợp đồng với trung tâm dich vụ việc làm và các tổ chức, đơn vị có liên quan khác như: Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI), Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam… để thực hiện các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện dự án, trong đó: Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về việc làm; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng khung chương trình và tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ tư vấn viên của trung tâm dịch vụ việc làm; Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lao động, việc làm, nhất là cho lao động nông thôn, lao động di cư và các đối tượng lao động đặc thù...

Link nội dung: https://ausp.edu.vn/thuc-trang-luc-luong-lao-dong-viet-nam-va-mot-so-van-de-dat-ra-a13007.html