Xưa pháp luật không có quy định về việc đặt tên cho trẻ khi khai sinh. Việc đó sẽ dựa trên sự thoả thuận của cha mẹ hoặc áp theo tập quán địa phương. Tuy nhiên, theo quy định mới tại khoản 1 Điều 6 thông tư 04/2020/TT-BTP quy định: “Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng”.
Có nghĩa việc đặt tên khai sinh cho con sẽ phải đúng theo quy định tôn trọng sự thỏa thuận của cha mẹ; phù hợp với thuần phong mỹ tục; phong tục tập quán. Đặc biệt việc đặt tên sẽ không được quá dài, khó sử dụng để đảm bảo cho việc thực hiện các thủ tục hành chính sau này, tên quá dài phải viết tắt tên đệm gây nhầm lẫn và dễ dẫn đến nhiều sai sót.
Thực tế có nhiều trường hợp sở hữu cái tên quá dài đã gặp không ít chuyện bi hài xoay quanh, thậm chí phải đổi lại tên cho ngắn gọn hơn. Điển hình như hai trường hợp dưới đây:
3 chị em ruột ở TP.HCM sở hữu tên dài dằng dặc
Đó là Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn (SN 1985), Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng (SN 1987) và Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân (SN 1992), cùng ngụ tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Họ được gọi là người sở hữu cái tên dài và độc nhất Việt Nam: từ 30-35 chữ cái.
Tên của cả 3 chị em trên đều do cha đặt từ khi còn trong bụng mẹ. Dù người cha đã mất song mỗi lần nhắc đến cái tên “dài ngoằng” này, các con đều mỉm cười nhớ về ông với bao yêu thương và kính trọng.
Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân (bìa trái).
“Hồi tôi có mang, ông ấy ngày đêm trầm ngâm suy nghĩ đặt tên con như thế nào cho có ý nghĩa và hay nhất, để các con gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Cuối cùng ông ấy quyết định đặt cho 3 đứa cái tên dài dằng dặc chẳng giống ai.
Tôi có hỏi vì sao đặt tên các con như thế, ông ấy bảo mỗi từ trong tên đều có ý nghĩa riêng của nó. Sau đó ông ấy từ từ giải thích về ý nghĩa tên của cái Nhàn, cái Phượng và thằng Nhân. Tất cả đều ý nghĩa vô cùng nhưng lâu rồi tôi cũng không nhớ nữa”, bà Tư - mẹ của 3 chị em lý giải về việc chồng đặt tên con dài chưa từng thấy.
Hồi còn đi học, Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân luôn được bạn bè và thầy cô chú ý. Thậm chí, ban giám hiệu nhà trường còn gọi bà Tư lên để hỏi lý do vì sao đặt tên con như vậy.
Chàng trai sở hữu cái tên dài 35 chữ cái còn gặp không ít phiền phức trong chuyện giấy tờ tùy thân. Tất cả bằng cấp, giấy tờ liên quan của Nhân như sổ hộ khẩu, giấy tờ hộ tịch, sổ điểm khi đi học, sổ học bạ, giấy khen,... cho đến nay không có cái nào ghi đầy đủ tên cả, chỉ ghi họ và tên, còn chữ lót thì viết tắt.
Không chỉ riêng Nhân được mọi người chú ý, hai chị gái cũng được mọi người quan tâm bởi cái tên quá dài. Vì thế bà Tư đã quyết định đi sửa lại tên cho cả ba nhưng chỉ sửa được sổ hộ khẩu, còn các giấy tờ khác vẫn nguyên tên cũ.
Theo đó, Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân được đổi thành Lê Tâm Nhân. Còn Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn và Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng cũng đã sửa lại tên ngắn hơn nhưng bà Tư từ chối tiết lộ.
Cán bộ tư pháp, hộ tịch xã Phước Kiển cho biết, hồi ông Tư lên ủy ban nhân dân xã làm giấy khai sinh cho các con đã tư vấn gia đình nên giảm độ dài cái tên để thuận lợi cho việc làm các loại giấy tờ sau này. Tuy nhiên, ông mong muốn giữ nguyên tên đã đặt. Vì thế các giấy tờ hộ tịch của ba chị em đều phải ghi tắt toàn bộ chữ lót vì cái tên quá dài không có chỗ để ghi.
“Hầu hết giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, học bạ, bảng điểm... chỉ thiết kế khoảng trống để ghi họ tên khoảng năm âm tiết. Do vậy với cái tên dài tám, chín âm tiết thì sẽ phải viết tắt toàn bộ chữ lót.
Chỉ cần sơ suất nhỏ là sẽ dẫn đến sai sót, nhầm lẫn. Không chỉ bản thân và gia đình họ, mà cả cán bộ xã cũng mệt với những cái tên dài”, vị cán bộ thông tin.
Cô gái có cái tên dài ngoằng “chứa đựng” nhắn nhủ của bố
Đó là chị Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương (SN 1986, Thái Nguyên) sở hữu cái tên dài gây “chấn động” vùng quê Bắc Bộ. Ông Hoạt - bố ruột chị Dương từng cho biết ngày vợ mang thai con gái thứ 3, hai vợ chồng thường xuyên nghe kể truyện đêm khuya thấy tên một nhân vật là Bàng Thị Lung Linh Kim Ánh Hoa. Hơn nữa ngày ông đi đào vàng ở Lào Cai, trong vùng có một cô gái xinh đẹp tên dài và có đuôi là Kim Nguyệt Nga nên càng muốn đặt tên con dài một chút.
“Nói là nói thế nhưng thực ra tôi đặt tên con dài là mong muốn nó có một tương lai sán lạn, khi đi học nhất định sẽ được thầy cô giáo chú ý. Tôi cũng muốn cái tên của con sẽ mang lại vận may trong quá trình tôi đi đào vàng nên đã đặt tên con là Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương”, ông Hoạt từng tiết lộ.
Và không phụ lòng mong mỏi của ông Hoạt, chị Dương khi lớn lên luôn thu hút sự chú ý mỗi khi xuất hiện. Ngày đi học, chị luôn được các giáo viên lấy làm lạ và chú ý. Những lần kiểm tra miệng, chị luôn là học sinh được gọi lên bảng nhiều nhất. Thậm chí trong sinh hoạt tập thể, cái tên của chị cũng đủ khiến mọi người phải ồ lên mỗi khi được xướng đầy đủ.
Chị Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương.
Lên đại học, cô gái Thái Nguyên tiếp tục gặp phải những rắc rối đến từ chính cái tên gọi của mình. Chị kể rằng nhiều sinh viên kéo đến giảng đường, vào thư viện chỉ để xác minh người sở hữu cái tên dài đó là ai?
“Có lần đi thi, cô giáo đọc tên vừa nhìn tôi vừa cười như thấy vật thể lạ. Lúc vào thi, cô lại đến gần hỏi han khiến tôi làm bài thi chậm hơn các bạn. Đã vậy, cứ một lúc lại có một vài giáo viên đến chỉ trỏ, bàn tán về tôi. Thế thì làm sao tập trung làm bài được? Khổ chứ sung sướng nỗi gì”, chị Dương nhớ lại.
Có cái tên dài nên mỗi khi bạn bè gọi tên cô đều không gọi hết cả. Có người gọi Dương, người lại Long Lanh, người thì Ánh Dương… Thậm chí một số bạn bè còn hay gọi bằng biệt danh Tên dài ơi! Lúc ấy, chị biết họ gọi mình nên tên nào cũng thưa.
“Vì cái tên dài ấy mà nó cũng khó xin việc, học kế toán nhưng ra trường làm công nhân. Ông chủ người Hàn Quốc khi nghe tên nhân viên của mình cũng tò mò tới xem mặt”, ông Hoạt nói.
Sở hữu cái tên dài 7 chữ đã khiến Ánh Dương gặp không ít rắc rối về thủ tục giấy tờ. Tất cả bằng cấp, giấy tờ liên quan của chị chỉ có chứng chỉ tin học, giấy khai sinh (cấp lại - PV), hồ sơ xin việc là đầy đủ tất cả các chữ trong tên. Còn lại, từ sổ hộ khẩu cho tới sổ điểm, sổ học bạ, bằng tốt nghiệp… tên của chị đều phải viết tắt một số kí tự hoặc ghi 4 chữ của tên là Đào Thị Ánh Dương để đúng số dòng quy định.
Một vị lãnh đạo xã Tân Linh - nơi gia đình Ánh Dương cư trú cho biết, tên Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương dài nhất huyện Đại Từ, thường xuyên được bên bảo hiểm hỏi thăm mỗi khi ông lên họp trên huyện. Thậm chí, người này đã có tới 2 lần xử lý giấy tờ cho chị: làm giấy khai sinh lại và làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Ngoài ra, còn rất nhiều người khác có những cái tên rất dài như Nguyễn Thế Trân Châu Bảo Ngọc Huyện Hoàng, Ngô Thị Hải Thụ Thái Quỳnh Phương, Bùi Thị Thu Minh Chi Hồng Hoà, Công Tằng Tôn Nữ Long Lanh Như Hạt Sương Sa….