Bài viết bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng, Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Aspirin (hay còn có tên gọi khác là acid acetylsalicylic) được xếp vào nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt chống viêm, chống kết tập tiểu cầu, được đưa vào sử dụng lần đầu vào cuối những năm 90 của thế kỷ 19.
1. Cơ chế tạo nên hiệu lực và tác dụng không mong muốn của thuốc aspirin
Aspirin được xếp vào nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt chống viêm, chống kết tập tiểu cầu.
Tác dụng của aspirin và cơ chế tác dụng tương ứng thay đổi theo liều:
- Liều thấp (75-100mg/ngày): Là đủ để ức chế tổng hợp thromboxane A2 gián tiếp thông qua thromboxan synthetase (thromboxane A2 còn được gọi là TXA2, là chất gây co mạch rất mạnh, gây kết tụ tiểu cầu). Từ đó gây ra tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu dẫn đến chống tạo thành cục máu đông.
- Liều trung bình (650mg - 4g/ngày): Ức chế enzyme cyclooxygenase 1, 2, ngăn cản tổng hợp prostaglandin dẫn đến ức chế các quá trình sinh nhiệt, tăng cường thải nhiệt và giảm tính cảm thụ của thần kinh cảm giác với các chất gây đau của phản ứng viêm gây ra tác dụng hạ sốt, giảm đau.
- Liều cao (4g-8g/ngày): Thuốc có hiệu quả như các thuốc chống viêm trong điều trị viêm khớp dạng thấp, cơ chế thông qua ức chế enzyme cyclooxygenase, ngăn tổng hợp prostaglandin (chất trung gian hóa học gây viêm) do đó làm giảm quá trình viêm. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng đối kháng với hệ enzyme phân hủy protein, ngăn cản quá trình biến đổi protein, làm bền vững màng lysosome, ức chế hóa ứng động bạch cầu, ức chế bạch cầu di chuyển tới ổ viêm. Tuy nhiên, ở mức liều cao này, thuốc ít được lựa chọn do bị giới hạn bởi các độc tính: ù tai, giảm thính lực và tác dụng phụ của thuốc trên đường tiêu hóa.
Cơ chế liên quan đến tác dụng phụ của aspirin:
- Trên đường tiêu hóa: Dạ dày thông qua cyclooxygenase 1 (COX-1) để sản xuất các loại prostaglandin bảo vệ niêm mạc. Aspirin ức chế COX-1 dẫn đến ức chế tổng hợp prostaglandin bảo vệ niêm mạc dạ dày do đó gây các tác dụng phụ như khó tiêu, khó chịu thượng vị, ợ nóng, đau dạ dày, loét tiêu hóa, nặng hơn có thể gây xuất huyết tiêu hóa.
- Chảy máu: Do thuốc có tác dụng chống kết tập tiểu cầu nên thuốc gây gia tăng nguy cơ chảy máu, kéo dài thời gian chảy máu.
2. Một số chỉ định của aspirin:
- Giảm đau, hạ sốt, chống viêm.
- Dự phòng đột quỵ nhồi máu não, nhồi máu cơ tim.
- Bệnh nhân đặt stent mạch vành.
- Bệnh nhân thay van tim cơ học (phối hợp với thuốc chống đông).
- Bệnh nhân sau bắc cầu chủ vành.
3. Bác sỹ cần biết những thông tin gì trước khi chỉ định sử dụng aspirin?
Trước khi kê thuốc aspirin cho người bệnh bác sỹ cần biết rõ một số thông tin, vì vậy bạn cần cung cấp đủ các thông tin dưới đây cho bác sỹ:
- Tiền sử dị ứng với thuốc hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc, biểu hiện dị ứng bạn đã gặp phải.
- Thông báo với bác sỹ nếu bạn có các bệnh sau: Hen phế quản, các vấn đề chảy máu, polyp mũi, bệnh gan, bệnh thận, xuất huyết tiêu hóa, loét dạ dày-tá tràng, các bệnh về máu.
- Thông báo với bác sỹ nếu bạn đang sử dụng các thuốc chống viêm, các thuốc có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, chống đông máu hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác.
- Thông báo với bác sỹ nếu bạn đang có thai, cho con bú.
- Cần phải lưu ý trên đối tượng là trẻ em vì thuốc không thích hợp cho mọi trẻ.
4. Những tác dụng không mong muốn của aspirin đối với cơ thể
Tác dụng phụ của aspirin thường ở đường tiêu hóa liên quan đến cơ chế đã chia sẻ ở trên như: buồn nôn, nôn, khó tiêu, nóng rát thượng vị, ợ hơi, đau dạ dày, loét tiêu hóa, nặng hơn có thể xuất huyết tiêu hóa.
Mặc dù hiếm gặp nhưng ở một số người có thể gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí tử vong như:
- Các dấu hiệu của phản ứng dị ứng, phản vệ: phát ban, ngứa, mẩn đỏ, phồng rộp, khò khè, đau ngực, đau họng, khó thở, khó nuốt, khàn giọng, sưng mặt, mũi, môi, miệng, họng.
- Dấu hiệu chảy máu: Nôn hoặc ho ra máu; chất nôn trông giống như bã cà phê; tiểu ra máu, phân đen, chảy máu răng lợi; chảy máu âm đạo bất thường; vết bầm tím không có nguyên nhân hoặc bầm tím to dần, hoặc chảy máu không thể cầm.
- Dấu hiệu của các vấn đề về thận: Không đi tiểu, ít nước tiểu, tiểu máu hoặc tăng cân rất nhiều.
- Dấu hiệu của các vấn đề về gan: Tiểu sẫm màu, mệt mỏi, da hoặc mắt vàng.
- Thần kinh, cơ xương: Yếu cơ.
- Ù tai, giảm thính lực, mệt mỏi, mất ngủ, bồn chồn, cáu gắt.
- Thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
- Hội chứng Reye: Bệnh gây tổn thương não cấp tính và thoái hóa mỡ phủ tạng (đặc biệt là gan).
5. Người bệnh cần lưu ý gì khi dùng aspirin?
Bác sỹ sẽ thăm khám, chẩn đoán bệnh để đưa ra mức liều phù hợp cho người bệnh, tuyệt đối tuân thủ theo liều đã kê, không tự ý tăng giảm liều thuốc, không tự ý dùng kéo dài hơn thời gian bác sỹ kê.
Người bệnh sử dụng thuốc với tác dụng ngăn ngừa cục máu đông, chống tắc mạch không tự ý ngừng thuốc khi chưa thảo luận với bác sỹ kể cả khi cảm thấy khỏe mạnh bình thường.
Thời điểm dùng thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế và thông tin kê toa, đối với biệt dược Aspilet 80mg EC, người bệnh nên uống sau ăn để giảm thiểu khó chịu trên đường tiêu hóa, uống nguyên viên với cốc nước to (≥200ml), không nhai hay nghiền viên thuốc.
Cần lưu ý về nguy cơ gây chảy máu của thuốc với các dấu hiệu đã nêu ở mục 3. Thông báo ngay với bác sỹ khi có dấu hiệu chảy máu.
Một số loại thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm thường dùng (nhóm thuốc giảm đau chống viêm nonsteroid (NSAIDs), ví dụ như: ibuprofen (Biệt dược Gofen 400mg, Alaxan), diclofenac (Biệt dược Voltaren các hàm lượng...)) có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ (chảy máu). Không tự ý dùng các thuốc này nếu không có chỉ định của bác sỹ. Trường hợp sốt, hoặc cần dùng thuốc giảm đau, có thể dùng thuốc có thành phần Paracetamol đơn độc (ví dụ: Efferalgan, Panadol).
Thuốc có nguy cơ chảy máu. Do đó, mỗi khi đi thăm khám, thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, mua thuốc, luôn cần thông tin cho nhân viên y tế (bác sỹ, nha sĩ, dược sỹ nhà thuốc,...) về việc đang sử dụng thuốc aspirin để được tư vấn lựa chọn thuốc - phương hướng điều trị an toàn, giảm nguy cơ tai biến khi dùng thuốc.
Chứng nghiện rượu có liên quan đến nguy cơ chảy máu nên bệnh nhân uống trên 3 ly rượu mỗi ngày cần thông báo với bác sỹ trước khi dùng thuốc.
Thuốc có thể gây đóng sớm ống động mạch, trì hoãn chuyển dạ do đó tránh sử dụng khi có thai (đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ). Thuốc bài tiết qua sữa mẹ, dùng liều cao có thể gây nổi ban, dị dạng tiểu cầu và chảy máu ở trẻ bú mẹ do đó tránh dùng ở phụ nữ cho con bú.
Lưu ý: Trường hợp đặc biệt: Dùng aspirin liều thấp với tác dụng chống kết tập tiểu cầu, trên bệnh nhân mắc hội chứng kháng phospholipid (ALP) hoặc đề phòng tiền sản giật, bác sỹ có thể cân nhắc sử dụng thuốc trên phụ nữ có thai và cho con bú.
6. Tại sao phải cẩn thận khi dùng aspirin cho trẻ em?
Các tác dụng phụ liên quan đến dùng aspirin ở trẻ em đã được báo cáo bao gồm: Viêm gan có tăng transaminase, giám thính lực thoáng qua, thiếu máu tán huyết liên quan đến thuốc, hội chứng Reye.
Hội chứng Reye là bệnh lý não-gan, chủ yếu xuất hiện ở trẻ sau khi hồi phục từ căn bệnh nhiễm virus cấp tính như bệnh cúm và thủy đậu, hội chứng này hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Aspirin được xem là có liên quan đến gia tăng hội chứng Reye khi sử dụng thuốc trên các trẻ sốt do virus (cúm, thủy đậu). Các trường hợp mắc hội chứng Reye khi nhiễm varicella hoặc cúm đã được ghi nhận ở những trẻ em đang điều trị bằng aspirin liều cao cho bệnh Kawasaki.
Do đó, tránh dùng aspirin trẻ em và đặc biệt thận trọng trên các trẻ sốt do virus.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tài liệu tham khảo:
- Aspirin: Drug information, Patient information, Uptodate truy cập ngày 18/4/20
- Aspirin: Mechanism of action, major toxicities, and use in rheumatic diseases, Uptodate truy cập ngày 18/4/20
- NSAIDs (including aspirin): Pathogenesis of gastroduodenal toxicity, Uptodate truy cập ngày 18/4/20
- Kawasaki disease: Initial treatment and prognosis, Uptodate truy cập ngày 18/4/20
- Tờ thông tin sản phẩm Aspilets 80mg