Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Như Trang - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Nang hoàng thể là tình trạng khá thường gặp ở phụ nữ. Tình trạng này thường không đáng lo ngại nhưng cũng có thể diễn tiến xấu, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của thai phụ và thai nhi.
1. Nang hoàng thể là gì?
U nang buồng trứng là bệnh thường gặp ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản, có 2 dạng là u buồng trứng cơ năng và u buồng trứng thực thế. Nang hoàng thể là u buồng trứng cơ năng, là tình trạng thường gặp và đa số là vô hại. Nguyên lý hình thành nang hoàng thể như sau:
- Theo chu kỳ sinh lý của buồng trứng, mỗi tháng, tại một bên buồng trứng, một nang trứng sẽ được nuôi dưỡng và phát triển. Dưới tác dụng của đỉnh LH (nội tiết tố của tuyến yên) sẽ xảy ra hiện tượng rụng trứng, vỏ nang vỡ ra, noãn được giải phóng vào vòi trứng, chờ tinh trùng đến thụ tinh. Lúc này tại buồng trứng, từ phần còn lại của nang trứng, hoàng thể hay còn được gọi là nang hoàng thể sẽ được hình thành. Có thể hiểu đơn giản hơn rằng hoàng thể là giai đoạn sau rụng trứng nhưng kết thúc trước kỳ kinh mới. Trứng không được thụ tinh, nang hoàng thể sẽ tồn tại khoảng 12 đến 14 ngày rồi thoái hóa để lại một vết sẹo nhỏ trên buồng trứng. Còn nếu trứng được thụ tinh, tế bào nuôi sẽ tiết hormone hCG (Human chorionic gonadotropin) để hoàng thể to ra trở thành hoàng thể thai kỳ.
- Nang hoàng thể khi mang thai có vai trò rất quan trọng với việc duy trì và phát triển của thai kỳ. Bởi ngay từ ban đầu, hoàng thể đã tiết ra hormone progesterone - nội tiết tố quan trọng nhất giúp nội mạc tử cung sẵn sàng chuẩn bị cho phôi làm tổ và duy trì thai.
- Khi thai đã ổn định và lớn hơn vào khoảng từ 8 - 10 tuần, hoàng thể thai kỳ sẽ thoái hóa dần. Quá trình thoái hóa kéo dài đến khi hết 3 tháng đầu thai kỳ. Bởi lúc này bánh nhau đã đủ khả năng thay thế buồng trứng để tiết chế các nội tiết cần thiết duy trì thai.
Nang hoàng thể thường tự tiêu biến trong quý đầu thai kì và không gây ảnh hưởng đến mẹ và thai. Đôi khi, chúng có thể tăng trưởng lớn, tự xuất huyết trong nang hoặc gây xoắn buồng trứng, gây triệu chứng đau đớn. Khi nang bị vỡ, nó gây đau đột ngột và dữ dội ở vùng bụng.
2. Nang hoàng thể có ảnh hưởng tới khả năng mang thai không?
U nang hoàng thể thường hình thành do thay đổi nội tiết trong thời kỳ mang thai và thường tiêu biến sau 3 tháng đầu của thai kỳ. Đây là u nang lành tính, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nang hoàng thể vẫn có thể gây ảnh hưởng tới khả năng mang thai của phụ nữ.
Với phụ nữ chưa mang thai, nang hoàng thể ở 1 hoặc 2 bên buồng trứng thường nhỏ, không có hại, không gây ảnh hưởng tới khả năng có thai.
Với phụ nữ đang mang thai, tốc độ phát triển của thai nhi khá nhanh, đặc biệt là trong giai đoạn giữa của thai kỳ. Nếu nang hoàng thể không tiêu biến có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non. Một số biến chứng của nang hoàng thể trong thai kỳ là tình trạng xoắn buồng trứng, vỡ nang. Tuy nhiên, phần lớn các nang hoàng thể không gây nguy hiểm đến thai kỳ và không cần điều trị.
Khi có nang hoàng thể, cần theo dõi sát để có biện pháp can thiệp kịp thời đặc biệt trong 3 tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ.
Để mẹ và bé được khỏe mạnh, thai phụ cần lưu ý:
- Hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, ngộ độc thai nghén, ra máu trong thai kỳ.
- Khám thai lần đầu kịp thời, đúng và đủ, tránh khám quá sớm/ quá muộn.
- Sàng lọc dị tật thai nhi tuần thứ 12 phát hiện những dị tật thai nhi nguy hiểm có thể can thiệp sớm.
- Phân biệt chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo bệnh lý để can thiệp giữ thai kịp thời.
- Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.