1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nấc cụt
Nấc cụt là một phản xạ của trẻ nhỏ, xảy ra khi cơ hoành và cơ liên sườn co thắt, tạo ra những tiếng nấc. Tình trạng này thường xảy ra với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi; thậm chí ngay từ khi còn trong bụng mẹ, con cũng có thể bị nấc do nuốt phải nước ối.
Trẻ sơ sinh bị nấc cụt có thể do một số nguyên nhân như:
• Trẻ bú quá no làm dạ dày giãn to, khoang bụng mở rộng đột ngột khiến cơ hoành co thắt, dẫn đến nấc cụt.
• Trẻ bú quá nhanh, nuốt nhiều không khí khi bú cũng làm dạ dày to và giãn ra.
• Nhiệt độ hạ xuống nhưng trẻ không được giữ ấm đúng cách có thể làm cơ hoành co lại, khí lạnh đi vào phổi, dẫn đến tình trạng nấc.
• Trẻ bị dị ứng với sữa mẹ, thức ăn mẹ ăn.
• Thành phần protein trong sữa công thức có kích thước lớn, biến tính do xử lý nhiệt nhiều lần gây khó tiêu, làm cho bé bị nấc cụt.
• Tình trạng trào ngược dạ dày làm axit trong dạ dày đi ngược lại vào thực quản, làm trẻ bị nấc.
• Trẻ bị hen suyễn thở khò khè, cơ hoành bị co thắt gây ra tình trạng nấc. Ngoài ra, không khí xung quanh bị ô nhiễm (khói bụi, mùi quá nồng, gắt) làm con ho nhiều, tổn thương cơ hoành cũng gây ra tình trạng này.
2. Trẻ sơ sinh bị nấc cụt nhiều có sao không?
Khi con bị nấc cụt, nhiều cha mẹ lo lắng không biết có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ không? Thực chất, những cơn nấc cụt không gây hại cho sức khỏe của trẻ và chỉ xảy ra trong vài phút. Dù vậy, nếu trẻ nấc trong thời gian dài mà không được khắc phục sẽ gây ra nhiều khó chịu, khiến con quấy khóc và có thể dẫn đến khó thở, nôn trớ.
3. Gợi ý các cách chữa nấc cho trẻ sơ sinh
Mẹ có thể tham khảo các cách sau để giúp con “thoát khỏi” những cơn nấc cụt khó chịu:
3.1. Cho trẻ bú sữa hoặc uống nước thành từng ngụm nhỏ
Để cơn nấc cụt nhanh chóng biến mất, mẹ cho trẻ bú sữa hoặc uống nước thành từng ngụm (với trẻ ăn dặm). Dù vậy, mẹ nên lưu ý khuyến cáo lượng nước trẻ sơ sinh nên uống mỗi ngày theo từng độ tuổi cụ thể:
• Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Với trẻ bú mẹ hoàn toàn, không nên uống thêm nước vì đã được bổ sung nước từ nguồn sữa của mẹ. Còn với trẻ bú sữa công thức, mẹ có thể cho con uống vài thìa nước nhỏ sau khi bú sữa xong.
• Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: Lúc này, trẻ đã có thể uống nước. Cụ thể, lượng nước cơ bản từ 125ml đến 250ml mỗi ngày (tương đương từ ½ đến 1 ly nước).
3.2. Xoa, vỗ lưng cho trẻ
Đây là cách trị nấc cụt cho trẻ sơ sinh đơn giản nhất. Theo đó, mẹ chỉ cần massage hoặc xoa nhẹ vùng lưng để kích thích con ợ hơi. Mẹ nên thực hiện động tác nhẹ nhàng để bảo vệ khung xương còn mỏng manh của trẻ.
3.3. Dùng tay bịt lỗ tai hoặc hai cánh mũi của trẻ
Một mẹo chữa nấc cho trẻ sơ sinh được nhiều mẹ áp dụng là dùng tay bịt lỗ tai hoặc hai cánh mũi của con. Cụ thể, mẹ dùng hai ngón tay bịt hai lỗ tai của con trong 30 giây, sau đó thả tay ra để bóp nhẹ hai cánh mũi và bịt miệng con lại trong vài giây. Mẹ lặp lại động tác này từ 20-15 lần giúp cắt cơn nấc.
3.4. Cho trẻ ngậm ti giả hoặc chơi đùa cùng với con
Mẹ thoa một ít siro lên ti giả và cho con ngậm để phân tán sự chú ý của trẻ, giúp cơ hoành được thư giãn hơn, từ đó giảm tình trạng nấc cụt liên tục.
Ngoài ra, chơi đùa cùng con cũng là cách trị nấc cho trẻ sơ sinh dễ dàng. Lúc này, trẻ sẽ chú tâm vào đồ chơi hoặc các hoạt động nô đùa với mẹ mà quên đi cơn nấc.
3.5. Cho con ăn một ít đường (với trẻ ăn dặm)
Với trẻ đang ăn dặm, mẹ có thể cho con ăn một ít đường để gửi “thông tin giả” đến hệ thần kinh. Nhờ vậy làm dừng lại tình trạng co thắt cơ hoành, khiến cơn nấc cụt dừng hẳn.
Lưu ý: Khi trẻ nấc cụt mẹ không nên cho trẻ uống nước lạnh, cũng như không bế rung, lắc con vì tăng nguy cơ trào ngược dạ dày, làm trẻ hoảng sợ.
4. Các biện pháp phòng tránh tình trạng trẻ sơ sinh nấc cụt
Bên cạnh tìm hiểu cách chữa nấc cho trẻ sơ sinh, mẹ cũng đừng quên nằm lòng các biện pháp phòng ngừa tình trạng này dưới đây.
4.1. Cho trẻ bú đúng cách
Để tránh tình trạng trẻ bú quá no dẫn đến nấc cụt, mẹ nên lưu ý cho trẻ bú chậm và có các khoảng nghỉ để dễ dàng theo dõi phản ứng con khi no sữa. Đặc biệt trong 2 tháng đầu, mẹ nên thực hành cứ 10 lần trẻ nuốt sữa thì cho con ngừng 1 lần để trẻ hít thở và học cách điều chỉnh tốc độ bú. Điều này cũng giúp hạn chế tình trạng con nuốt không khí vào bụng vì bú quá nhanh và nhiều sữa.
4.2. Cho trẻ uống sữa với liều lượng vừa đủ, chia thành nhiều cữ bú
Đảm bảo con bú sữa với liều lượng vừa đủ cũng là cách giúp phòng tránh tình trạng nấc cụt hiệu quả. Cụ thể, mẹ cần xác định lượng sữa phù hợp với con theo từng độ tuổi:
• Trẻ từ 7 ngày tuổi - 1 tháng: 35 - 60ml tương đương 6 - 8 cữ bú.
• Trẻ 2 tháng tuổi: 60 - 90ml tương đương 5 - 7 cữ bú.
• Trẻ 3 tháng tuổi: 3 là 60 - 120ml tương đương 5 - 6 cữ bú.
• Trẻ 4 tháng tuổi: 90 - 120ml tương đương 5 - 6 cữ bú.
• Trẻ 5 tháng tuổi: 90 - 120ml tương đương 5 - 6 cữ bú.
• Trẻ 6 tháng tuổi: 120 - 180ml tương đương 5 cữ bú.
• Trẻ 7 tháng tuổi: 180 - 220ml tương đương 3 - 4 cữ bú.
• Trẻ 8 tháng tuổi: 200 - 240ml tương đương 4 cữ bú.
• Trẻ 9 -12 tháng tuổi: 240ml tương đương 4 cữ bú.
4.3. Để trẻ nghỉ ngơi và ợ hơi sau khi bú
Mẹ có thể cho trẻ nghỉ ngơi giữa chừng khi đang bú hoặc ăn để giúp con ợ hơi. Đồng thời sau khi bú no, mẹ cũng không nên cho con đùa giỡn, vận động mạnh và nên bế trẻ thẳng đứng một lát rồi hãy cho con nằm nhé.
4.4. Đảm bảo nhiệt độ trong phòng trẻ ổn định
Mẹ nên lưu ý kiểm soát nhiệt độ trong phòng để không làm trẻ bị lạnh. Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý không để nhiệt độ nước tắm cho trẻ chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ phòng.
Dấu hiệu trẻ nấc cụt cần thăm khám bác sĩ
Trường hợp con nấc cụt trong thời gian dài với tần suất xuất hiện thường xuyên có thể là dấu hiệu hệ tiêu hóa có vấn đề. Lúc này, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở uy tín để có hướng xử lý phù hợp và điều trị kịp thời.
Hy vọng những cách chữa nấc cho trẻ sơ sinh vừa kể trên sẽ hữu ích cho mẹ khi cần thiết. Nấc cụt là một tình trạng tương đối phổ biến mẹ không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, cần tìm cách xử trí sớm để giúp con cảm thấy thoải mái hơn. Tốt nhất mẹ hãy áp dụng các mẹo nhỏ như cho trẻ uống sữa đúng cách, dùng sữa công thức có đạm mềm, nhỏ, tự nhiên… để ngăn ngừa tình trạng nấc cụt nhé.