Dùng kim chích vết thương, tự nặn mủ dẫn đến cắt cụt bàn chân

Bà H. bị tiểu đường nhưng do mang dép cứng làm trầy xước da chân, dẫn đến nhiễm trùng. Bà H. dùng kim chích vào vết thương để nặn mủ gây hoại tử nặng, phải cắt cụt chân để giữ lại mạng sống.

Dùng kim chích vết thương, tự nặn mủ dẫn đến cắt cụt bàn chân

Tự điều trị tại nhà, biến chứng nặng

Thạc sĩ bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết bệnh nhân N.T.H. (68 tuổi, Bến Tre) nhập viện cấp cứu trong tình trạng nhiễm trùng, hoại tử bàn chân phải, kèm sốt cao. Kết quả đo đường huyết tăng cao gấp 4 lần, chỉ số HbA1c gần gấp đôi bình thường. Với tình trạng nhiễm trùng vết thương nặng và đường huyết tăng cao, người bệnh có nguy cơ nhiễm toan ceton, nhiễm trùng huyết do vi trùng từ vết thương lan vào máu, thậm chí sốc nhiễm trùng dẫn đến hôn mê, suy hô hấp, suy đa cơ quan… thậm chí tử vong.

Bà H. cho biết bà bị tiểu đường hơn 16 năm. Trước nhập viện 9 ngày, bà đi dép cứng và chật nên các ngón của bàn chân phải cọ xát liên tục tạo vết xước nhỏ, các kẽ ngón chân có nhiều vết loét nhỏ. Nghĩ vết thương nhỏ nên bà vẫn làm việc nhà, nhiều lúc dẫm vào vũng nước thải sinh hoạt. 2 ngày sau, ngón chân sưng đỏ, mưng mủ, đau nhức, loét các kẽ ngón chân.

“Tôi dùng kim chích vào ngón chân và tự nặn mủ ra ngoài, sau đó rửa lại bằng nước muối, sát khuẩn, bôi thuốc, uống kháng sinh.” bà H. cho biết.

Sau đó, bàn chân bà sưng phù, 3 ngón chân thâm tím. Bà sốt cao, mệt li bì, được con đưa đến bệnh viện gần nhà điều trị 3 ngày nhưng tình trạng không cải thiện, bàn chân sưng đỏ lan rộng, các ngón chân bắt đầu tím sậm dần sau đó chuyển sang màu đen, tình trạng nhiễm trùng đã lan lên cổ chân. Lần này gia đình đưa bà tới khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Dùng kim chích vết thương, tự nặn mủ dẫn đến cắt cụt bàn chân
Bác sĩ Linh đang chăm sóc vết thương ở bàn chân cho bà H. trước khi cắt cụt.

Tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bà H. được rạch dẫn lưu mủ, cắt lọc các mô hoại tử, làm sạch vết thương, băng bó bằng gạc kháng khuẩn hút dịch và tạo độ ẩm phù hợp cho vết thương. Đồng thời, bà H. được truyền kháng sinh, ổn định đường huyết, huyết áp và điều trị nâng đỡ, động viên tinh thần.

Kết quả chụp CT-scaner dựng hình mạch máu chi dưới nhận thấy các mạch máu ở bàn chân phải của bà H. đã hẹp và xơ vữa. Tổn thương mạch máu này làm hạn chế tưới máu vết thương dẫn đến hạn chế hiệu quả điều trị như: lượng kháng sinh đến vết thương sẽ giảm đi, các tế bào bạch cầu tới vùng tổn thương để tiêu diệt vi khuẩn bị giới hạn, lượng oxy và chất dinh dưỡng giúp tái tạo tế bào mới cũng bị ảnh hưởng.

Mỗi ngày, người bệnh đều được bác sĩ thay băng, chăm sóc vết thương. Dù bà H. hết sốt, đường huyết ổn định, tổng trạng tốt hơn nhưng vết thương không cải thiện, các ngón chân tím đen dần. Đánh giá khả năng giữ lại bàn chân rất mong manh nên bác sĩ Linh đã xin ý kiến lãnh đạo khoa và hội chẩn các khoa liên quan để có hướng xử lý thích hợp cho người bệnh. Kết quả hội chẩn đã thống nhất loại bỏ vùng nhiễm trùng hoại tử, nếu không người bệnh sẽ đối diện với nguy cơ nhiễm trùng huyết, hoại tử mô sâu lan rộng lên bắp chân, bắp đùi… sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong.

Tại thời điểm này có 2 phương án được đề xuất là cắt ngang bàn chân giữ lại gót chân và cắt 1/3 dưới cẳng chân. Với phương án 1 thì khả năng lành vết thương thấp hơn phương án 2 vì vẫn có một phần mô nhiễm trùng còn giữ lại sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên nếu phương án này thành công, người bệnh có thể dùng gót chân này để đi lại không cần đi chân giả.

Sau khi giải thích và tư vấn cho gia đình và người bệnh, phương án cắt ngang bàn chân được gia đình lựa chọn. Bà H. đã chấp nhận từ bỏ bàn chân đã nâng đỡ cơ thể bà hơn 68 năm. Bà chia sẻ: “Gia đình có 6 anh chị em, trong đó có 5 người bị tiểu đường. Tôi là người đầu tiên bị cắt cụt chân do tiểu đường.”

Dùng kim chích vết thương, tự nặn mủ dẫn đến cắt cụt bàn chân
Đôi chân lành lặn của bà H. nay bị cụt 1 chân do biến chứng bệnh tiểu đường.

Người bệnh tiểu đường dễ bị biến chứng bàn chân

Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường, trong đó hơn 55% trường hợp có biến chứng.

Bệnh tiểu đường tiến triển âm thầm, khi bệnh xuất hiện triệu chứng thì đã có biến chứng. Biến chứng của bệnh tiểu đường tác động đến từng mạch máu nhỏ, mạch máu lớn, thần kinh cảm giác, thần kinh vận động, gây ra một loạt tổn thương đến nhiều cơ quan như: tim, mắt, thận, não… Riêng bàn chân khi bị biến chứng thường rất phức tạp, vì đây sẽ là vấn đề của nhiều yếu tố kết hợp bao gồm: mất cảm giác do biến chứng thần kinh, giảm tưới máu do mạch máu nuôi bị tổn thương, giảm chức năng của các tế bào bạch cầu dẫn đến khả năng chống lại nhiễm trùng bị suy giảm, dễ dẫn đến nhiễm trùng nặng. Do đó, điều trị vết thương nhiễm trùng ở người bệnh tiểu đường rất khó khăn phức tạp, tốn nhiều thời gian và tiền của.

Dùng kim chích vết thương, tự nặn mủ dẫn đến cắt cụt bàn chân
Nhân viên hỗ trợ chăm sóc đang gội đầu cho bà H.

Do đó, người bệnh tiểu đường phải kiểm soát tốt đường huyết và chăm sóc bàn chân hàng ngày để tránh biến chứng. Bác sĩ Linh hướng dẫn người bệnh kiểm soát đường huyết bằng cách uống/tiêm thuốc đúng liều, đúng giờ theo hướng dẫn của bác sĩ; thay đổi chế độ ăn phù hợp (ít tinh bột, hạn chế đường, đồ ngọt, thịt đỏ… nhưng ăn nhiều rau xanh); tập thể dục hàng ngày ít nhất 30 phút hoặc đi bộ 5 giờ mỗi tuần. Người bệnh tái khám với bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường để theo dõi và tầm soát biến chứng. Nếu người bệnh gặp khó khăn khi kiểm soát đường huyết tại nhà cần trao đổi ngay với bác sĩ để tìm nguyên nhân khắc phục.

Người bệnh lưu ý chọn giày, dép thoải mái, có chất liệu tự nhiên, mềm, êm ái, vừa vặn, luôn mang vớ bảo vệ chân. Khi mua giày dép thì nên đi mua vào buổi chiều tối tránh dép bị chật dẫn đến tổn thương bàn chân. Tuyệt đối không đi chân đất, không lấy khóe móng chân, không ngâm chân. Hạn chế khu vực có nguồn nước bẩn, rửa sạch chân thường xuyên, kiểm tra chân hàng ngày trong lúc tắm hoặc trước khi đi ngủ.

Người bệnh cần khám tầm soát biến chứng bàn chân tiểu đường hàng năm, để bác sĩ phát hiện xử lý sớm các biến chứng mạch máu, thần kinh hoặc các vấn đề của chân dễ gây nhiễm trùng như: móng quặp, chai chân, nứt nẻ chân… Các trường hợp đã có vết thương, trầy xước cần được xử lý sớm.

Đặc biệt, với trường hợp bà H., khi bị nhiễm trùng bà rất chủ quan không đi khám bệnh ngay mà tự điều trị tại nhà, tự lấy kim chích vào vết thương và tự nặn mủ. Những hành động này có thể dẫn đến bội nhiễm thêm vi trùng làm nhiễm trùng nặng hơn. Do đó khi nhận thấy chân có vết thương, chai chân, vết nứt… cần đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.

Link nội dung: https://ausp.edu.vn/index.php/dung-kim-chich-vet-thuong-tu-nan-mu-dan-den-cat-cut-ban-chan-a20806.html