Sốt xuất huyết ngứa lòng bàn tay bàn chân: Nguyên nhân và cách xử lý

Sốt xuất huyết ngứa lòng bàn tay bàn chân là một triệu chứng khá phổ biến khi mắc bệnh sốt xuất huyết. Nhiều người bệnh ngứa đến mất ăn, mất ngủ và tưởng nhầm là triệu chứng của dị ứng thuốc, thức ăn. Do đó, bệnh nhân cần hiểu đúng, biết cách phát hiện và điều trị ngứa lòng bàn tay, bàn chân do sốt xuất huyết để ngăn những nguy cơ về sức khỏe.

BS Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa Vùng 1 - Đông Nam Bộ, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, khi xuất hiện triệu chứng ngứa lòng bàn tay, bàn chân tức người bệnh đã bước vào giai đoạn hồi phục và sắp khỏi bệnh. Triệu chứng này là do cơ thể đang quá trình tái hấp thu nước ngoại bào vào lòng mạch, tổ chức da phục hồi sau khi bị tổn thương do virus Dengue. Chính sự phản ứng quá mức của kháng nguyên và kháng thể gây nên tình trạng ngứa.

Sốt xuất huyết ngứa lòng bàn tay bàn chân: Nguyên nhân và cách xử lý

Ngứa lòng bàn tay bàn chân có phải triệu chứng đặc trưng của sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết ngứa lòng bàn tay bàn chân không phải là một triệu chứng đặc trưng của bệnh. Sốt xuất huyết thường được chia thành 2 mức độ, bao gồm: sốt xuất huyết thể nhẹ và sốt xuất huyết thể nặng. Tùy vào từng mức độ sẽ có các triệu chứng đặc trưng của bệnh khác nhau.

Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ

Triệu chứng sốt xuất huyết thường xuất hiện từ 4 đến 10 ngày sau khi nhiễm bệnh và kéo dài trong khoảng 2 đến 7 ngày. Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ có thể bao gồm sốt cao (khoảng 40 độ C), đau đầu dữ dội, đau cơ đau khớp, buồn nôn và nôn, nổi hạch, phát ban.

Hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết có triệu chứng nhẹ hoặc không xuất hiện triệu chứng sẽ khỏi bệnh sau 7-14 ngày. Các trường hợp nhẹ có thể được bác sĩ chỉ định điều trị và chăm sóc tại nhà.

Triệu chứng sốt xuất huyết thể nặng

Các triệu chứng sốt xuất huyết nặng thường xuất hiện sau khi hết sốt, gồm đau bụng dữ dội, nôn không ngừng, thở nhanh, chảy máu nướu răng hoặc chảy máu mũi, nôn hoặc đi đại tiện ra máu, da tái nhợt, lạnh, mệt mỏi, đuối sức.

Các trường hợp sốt xuất huyết nặng thường được bác sĩ chỉ định nhập viện để được theo dõi và điều trị tích cực.

Nguyên nhân gây sốt xuất huyết ngứa lòng bàn tay bàn chân

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết ngứa lòng bàn tay bàn chân từ ngày thứ 5 - 7 trở đi, thậm chí có trường hợp ngứa ngáy khắp người, tay chân ngứa, đỏ ửng. Ngứa nhiều đến mất ăn, mất ngủ, càng gãi càng ngứa, lầm tưởng là triệu chứng dị ứng thuốc, thức ăn. Theo các chuyên gia, hiện tượng ngứa lòng bàn tay bàn chân là một cơ chế của bệnh sốt xuất huyết, rất bình thường và phổ biến.

Sốt xuất huyết ngứa lòng bàn tay bàn chân: Nguyên nhân và cách xử lý
Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết ngứa lòng bàn tay, bàn chân từ ngày thứ 5 - 7 trở đi, thậm chí có trường hợp ngứa ngáy khắp người, tay chân ngứa, đỏ ửng

Khi xuất hiện triệu chứng ngứa lòng bàn tay, bàn chân tức người bệnh đã bước vào giai đoạn hồi phục và sắp khỏi bệnh. Triệu chứng này là do cơ thể đang trong quá trình tái hấp thu nước ngoại bào vào lòng mạch, tổ chức da phục hồi sau khi bị tổn thương do virus. Chính sự phản ứng quá mức của kháng nguyên và kháng thể gây nên tình trạng ngứa.

Thông thường, triệu chứng ngứa lòng bàn tay, bàn chân sẽ tự khỏi sau khoảng 5 ngày, nếu bệnh nhân sử dụng thuốc kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ sẽ khỏi nhanh hơn. Sốt xuất huyết bị ngứa có thể gây khó chịu cho người bệnh, tuy nhiên dấu hiệu này thường cho thấy bệnh nhân đang dần hồi phục. Nếu người bệnh sốt xuất huyết ngứa lòng bàn tay bàn chân kèm theo các triệu chứng như sốt cao, mưng mủ, chảy dịch,… thì cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Ảnh hưởng của triệu chứng ngứa lòng bàn tay bàn chân sốt xuất huyết

Ngứa lòng bàn tay, bàn chân không chỉ khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác nếu không kiểm soát tốt. Một số ảnh hưởng của triệu chứng ngứa lòng bàn tay bàn chân do sốt xuất huyết có thể kể đến như:

1. Gây tổn thương, nhiễm trùng da

Tùy vào từng bệnh nhân sẽ có những mức độ ngứa lòng bàn tay, bàn chân khác nhau. Có người chỉ ngứa râm ran, nhưng cũng có người ngứa dữ dội đến mất ăn, mất ngủ phải gãi hoặc chà xát thật mạnh lên da để giảm cơn ngứa. Tuy nhiên, chính hành động gãi hoặc chà xát lên da có thể khiến cơn ngừa ngày càng lan rộng, khiến da tổn thương. Những vùng da bị tổn thương, trầy xước sẽ có nguy cơ nhiễm trùng và lở loét cao, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của bệnh nhân.

Sốt xuất huyết ngứa lòng bàn tay bàn chân: Nguyên nhân và cách xử lý
Gãi hoặc chà xát mạnh khiến da bị tổn thương, tăng nguy cơ nhiễm trùng

2. Để lại sẹo trên da

Gãi mạnh và chà xát da có thể làm đứt gãy các liên kết collagen và elastin, khiến da mất khả năng đàn hồi, hình thành nên những vết sẹo khó hồi phục. Nếu trong giai đoạn sẹo lành, da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, tia tử ngoại UVA, UVB trong ánh nắng có thể kích thích hắc tố melanin dẫn đến sẹo chuyển sang màu thâm đen. Đối với các vết sẹo nhỏ, nông ở người cơ địa tốt có thể biến mất sau một khoảng thời gian mà không cần điều trị. Ngược lại, sẹo sâu, rộng, thâm thường sẽ đeo bám suốt đời nếu không được can thiệp.

3. Ảnh hưởng sinh hoạt, mất ngủ và nhiều hệ lụy khác

Ngứa ngáy lòng bàn tay bàn chân do sốt xuất huyết gây nhiều bất tiện cho đời sống sinh hoạt, cũng như ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Mất ngủ có thể gây “xuống cấp” tinh thần khiến người bệnh cáu kỉnh, bế tắc. Nếu mất ngủ kéo dài có thể tăng nguy cơ đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, trầm cảm, rối loạn lo âu và nhiều hệ lụy khác.

Sốt xuất huyết ngứa lòng bàn tay bàn chân: Nguyên nhân và cách xử lý
Ngứa ngáy có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và kéo theo nhiều hệ lụy

Cách giảm ngứa lòng bàn tay bàn chân khi bị sốt xuất huyết

Để hỗ trợ giảm ngứa lòng bàn tay bàn chân khi bị sốt xuất huyết, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp sau:

1. Về chế độ ăn

Người bệnh sốt xuất huyết nên bổ sung thêm vitamin C trong các thực phẩm tự nhiên như trái cây, rau quả hoặc viên C sủi với liều lượng phù hợp để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp bệnh nhanh hồi phục hơn, hết ngứa nhanh hơn. Ngoài ra, người bệnh sốt xuất huyết đang bị ngứa nên kiêng các loại thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản hay đồ ăn có nhiều dầu mỡ, có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

2. Về chế độ sinh hoạt

Giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát giúp giảm nguy cơ da kích ứng, gây ngứa thêm. Song song đó, người bệnh nên thường xuyên vệ sinh chăn, màn và ga trải giường để tránh virus, vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào da gây nhiễm trùng, đặc biệt ở những vùng da xây xước do gãi ngứa. Tốt nhất là không gãi ngứa và chà xát mạnh khiến da tổn thương, nhiễm trùng, lở loét, tình trạng ngứa nặng hơn. Vệ sinh cơ thể hằng ngày để tẩy sạch bụi bẩn, bã nhờn và mồ hôi tích tụ trên da, giảm cảm giác ngứa ngáy.

3. Về việc thuốc kháng Histamin

Cách hiệu quả nhất để trị ngứa bàn tay bàn chân ở bệnh nhân sốt xuất huyết là sử dụng thuốc kháng Histamin (1) theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, người bệnh uống các loại thuốc kháng Histamin như Aerius 5mg ngày 1 viên, thì chỉ cần từ sau 2-3 ngày sẽ cắt cơn ngứa. Kể cả không uống thuốc thì sau 5 ngày bệnh nhân cũng có thể tự khỏi ngứa. Lưu ý, bệnh nhân chỉ dùng thuốc kháng Histamin theo chỉ định của bác sĩ điều trị, tuyệt đối không tự ý mua thuốc.

4. Các phương pháp giúp giảm ngứa khác

Để giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở lòng bàn tay, bàn chân, người bệnh có thể ngâm tay, chân vào nước muối ấm hằng ngày. Song song đó, người bệnh nên thường xuyên giữ ẩm da vùng tay và chân bằng kem dưỡng có thể giúp hỗ trợ giảm ngứa, giảm khô da. Nếu các biện pháp giảm ngứa tại nhà không hiệu quả, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ, tư vấn thêm.

Một số lưu ý khi bị ngứa do sốt xuất huyết

Lưu ý đầu tiên khi bị ngứa do sốt xuất huyết chắc chắn là không gãi mạnh, chà xát da. Nếu là trẻ nhỏ, phụ huynh tránh cho con gãi xước da bằng cách cắt ngắn móng tay và đeo bao tay cho trẻ.

Thứ hai, khi vệ sinh cơ thể nên chọn những loại sữa tắm dịu nhẹ, có thành phần tự nhiên lành tính, không gây kích ứng da. Tránh những sản phẩm có độ pH cao vì chúng chứa nhiều hương liệu, gây ngứa dữ dội hơn. Nên tắm nhanh 5-10 phút để tránh hạ nhiệt cơ thể, đặc biệt ở những người bệnh sốt cao chỉ nên lau mình sạch sẽ bằng nước ấm. Không dùng nước nóng, gây khô và kích ứng da.

Ngoài ra, ma sát do quần áo có thể khiến tình trạng ngứa dữ dội hơn. Người bệnh sốt xuất huyết nên lựa chọn quần áo rộng rãi, chất vải thoáng mát, vừa tránh được tình trạng ma sát da, vừa thấm hút mồ hôi và thoát nhiệt tốt nếu bị sốt. Các sản phẩm bột giặt, nước xả vải cũng cần chọn loại lành tính, dịu nhẹ tránh gây hại và kích ứng da.

Bệnh nhân sốt xuất huyết ngứa lòng bàn tay bàn chân có thể tham khảo một số nguyên liệu từ thiên nhiên có tác dụng giảm ngứa an toàn, mà không gây tác dụng phụ như: dầu dừa, nha đam, muối biển… Trong đó, dầu dừa hàm lượng lớn Omega 3 và Axit amin giúp kháng khuẩn, kháng viêm, ngăn nhiễm trùng da; Axit gamma linolenic trong nha đam cũng có tác dụng giảm viêm, dịu kích ứng và ngứa ngáy; nước pha muối biển có tác dụng sát trùng da tốt.

Song song đó, bệnh nhân cần theo dõi tình trạng ngứa, nếu kèm theo các dấu hiệu bất thường như sốt cao, mưng mủ, chảy dịch,… cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị. Tùy vào lứa tuổi, tình trạng ngứa của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc hỗ trợ giảm ngứa phù hợp. Tự ý dùng thuốc khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

Sốt xuất huyết ngứa lòng bàn tay bàn chân là tình trạng thường gặp trong giai đoạn hồi phục. Bên cạnh chú ý vấn đề ăn uống, giữ vệ sinh cá nhân, môi trường sống, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc hỗ trợ giảm ngứa và đến bệnh viện nếu có các dấu hiệu bất thường.

Link nội dung: https://ausp.edu.vn/index.php/sot-xuat-huyet-ngua-long-ban-tay-ban-chan-nguyen-nhan-va-cach-xu-ly-a20199.html