Một nhóm các nhà khoa học tại trường Khoa học Trái đất, thuộc Đại học Bristol (Vương quốc Anh) đã hợp tác với các nhà khoa học thuộc Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) để đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc "gà có trước hay trứng gà có trước".
Kết quả nghiên cứu mới đây đã được công bố trên tạp chí khoa học Sinh thái Tự nhiên và Tiến hóa.
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phân tích 51 hóa thạch của các loài đã bị tuyệt chủng và 29 loài còn sống, phân chia chúng ra thành 2 nhóm: các loài đẻ trứng (bao gồm trứng có vỏ cứng hoặc vỏ mềm) và nhóm những loài sinh con.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng có những bằng chứng cho thấy loài bò sát tổ tiên của loài gà hiện nay, là loài động vật sinh con, thay vì đẻ trứng.
Tuy nhiên, loài bò sát này vẫn chưa có màng ối, nên trên thực tế thay vì đẻ con, chúng sẽ giữ trứng trong cơ thể cho đến khi con non phát triển sẽ được mẹ sinh ra đời, thay vì đẻ và ấp trứng như các loài đẻ trứng khác.
Hiện tại một số loài bò sát, chẳng hạn như rắn lục đuôi đỏ, cũng có cơ chế sinh sản như vậy, khi rắn mẹ giữ trứng trong cơ thể cho đến khi con non phát triển hoàn thiện mới sinh ra.
Các nhà khoa học cho rằng việc giữ trứng trong cơ thể của cá thể mẹ là biện pháp tối ưu nhất giúp tăng khả năng sống sót và sinh tồn của con non vào thời điểm đó, hơn là hình thức đẻ trứng và ấp nở.
"Những loài động vật trên cạn đầu tiên tiến hóa từ động vật sống dưới nước, do vậy chúng có thói quen sống gần nước để kiếm ăn và sinh sản, tương tự các loài động vật lưỡng cư ngày nay như ếch hay kỳ nhông", Giáo sư Michael Benton của đại học Bristol, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
"Việc xuất hiện màng ối trong động vật cách đây 320 triệu năm chính là chìa khóa của sự tiến hóa. Nhưng trước đó, chúng tôi tin chắc rằng một số loài động vật đã để trứng nở trong cơ thể của chúng, sau đó mới sinh con non ra ngoài", giáo sư Benton cho biết thêm.
"Công trình nghiên cứu của chúng tôi và của nhiều người khác trong những năm gần đây sẽ ném các lý thuyết về cách sinh sản của bò sát cổ đại trong sách giáo khoa vào thùng rác", vị giáo sư này tự tin tuyên bố.
Giáo sư Baoyu Jiang thuộc đại học Nam Kinh, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng kết quả nghiên cứu sẽ giúp hé lộ nhiều điều và sẽ thay đổi nhiều quan niệm về các loài động vật cổ đại.
Trong khi đó, với những người bình thường không thuộc giới học thuật, kết quả nghiên cứu kể trên đã có thể giúp họ trả lời được câu hỏi "gà và trứng gà, thứ nào có trước?".
Theo UL/YN