Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Thai ngoài tử cung là tình trạng sản khoa vô cùng nguy hiểm, đe dọa khả năng sinh sản cũng như tính mạng của thai phụ. Nhận biết dấu hiệu thai ngoài tử cung để kịp thời thăm khám và điều trị là cách tốt nhất bảo vệ sức khỏe của sản phụ.
1. Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà lại nằm ở bên ngoài. Các vị trí thai ngoài tử cung có thể làm tổ bao gồm:
- Thai nằm ở vòi tử cung. Đây là trường hợp thai ngoài tử cung hay gặp nhất (chiếm 95%)
- Thai nằm ở buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng, vòi tử cung.
Thai ngoài tử cung không được buồng tử cung bảo vệ. Túi thai vỡ sẽ khiến chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, gây nguy hiểm tính mạng sản phụ.
Nguyên nhân mang thai ngoài tử cung là do viêm nhiễm vòi trứng, viêm nhiễm vùng chậu hoặc do dị tật ống dẫn trứng, hẹp ống dẫn trứng. Phụ nữ bị u nang buồng trứng, đã từng nạo phá thai, mắc các bệnh lây qua đường tình dục có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn người bình thường.
2. Dấu hiệu thai ngoài tử cung là gì?
Người mang thai ngoài tử cung cũng có những dấu hiệu như những phụ nữ mang thai bình thường như: trễ kinh, đau bụng, buồn nôn, ngực căng tức... Tuy nhiên, trong một vài dấu hiệu lại có những cảnh báo bất thường mà bạn cần lưu ý.
Dấu hiệu thai ngoài tử cung bao gồm:
- Chậm kinh: Chậm kinh là dấu hiệu bất cứ phụ nữ nào mang thai cũng có. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ mang thai ngoài tử cung thường có kinh nguyệt không đều, có tháng bị sớm, có tháng bị muộn nên rất khó nhận biết dấu hiệu này.
- Âm đạo ra máu bất thường: Nếu phát hiện một chút máu hồng dính ở quần lót mà không phải thời điểm bị kinh nguyệt thì có thể bạn đã có thai. Tuy nhiên, ở người mang thai ngoài tử cung, hiện tượng ra máu này lại kéo dài, máu có màu đỏ thẫm. Chỉ có một số ít trường hợp mang thai ngoài tử cung không có dấu hiệu ra máu bất thường.
Nhiều phụ nữ lầm tưởng hiện tượng ra máu này chính là kinh nguyệt, nhất là khi ra máu trùng với thời gian có kinh. Cần phân biệt kỹ về màu sắc của máu, lượng máu chảy, độ loãng và độ đông đặc của máu có khác so với những lần kinh nguyệt trước không.
- Đau bụng: Khi mang thai ngoài tử cung bạn sẽ thấy đau bụng tại vị trí thai làm tổ, đau bụng dưới. Nhiều người còn bị đau bụng mót rặn giống như táo bón. Tình trạng đau bụng kéo dài, đau âm ỉ khó chịu, đôi lúc có thể đau dữ dội kèm chảy máu âm đạo. Mức độ đau bụng sẽ tăng dần theo thời gian do thai ngoài tử cung phát triển.
Trường hợp túi thai vỡ bạn sẽ cảm thấy đau bụng dữ dội, cơn đau quặn kéo dài liên tục, đau nhức vai, toát mồ hôi, chân tay bủn rủn, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, thậm chí là ngất xỉu. Vì thế, khi thấy các dấu hiệu mang thai ngoài tử cung bạn cần đến ngay bệnh viện để các bác sĩ kiểm tra và tiến hành điều trị. Nếu để lâu, thai phát triển to dần, túi thai vỡ sẽ khiến màu tràn ổ bụng, có khả năng gây vô sinh, nguy hiểm tính mạng sản phụ.
3. Mang thai ngoài tử cung thử que được không?
Que thử thai hoạt động dựa trên nồng độ hormone HCG có trong nước tiểu, không phụ thuộc vào vị trí túi thai làm tổ. Chỉ cần có thai là nước tiểu của phụ nữ đã có chứa hormone này. Do đó, mang thai ngoài tử cung thử que vẫn lên 2 vạch.
Tuy nhiên, nồng độ hormone HCG ở phụ nữ mang thai ngoài tử cung sẽ có dấu hiệu giảm dần. Vì thế với trường hợp mang thai ngoài tử cung, khi thử thai sẽ thấy vạch thứ 2 lên mờ, hoặc phụ thuộc vào chất lượng que thử , có thể không lên 2 vạch rõ.
Ngay khi biết mình có thai, phụ nữ cần đi siêu âm để kiểm tra xem thai đã vào tử cung hay chưa. Trường hợp tuần thai chưa đủ để thai vào tử cung, các bác sĩ sẽ hẹn bạn đến kiểm tra sau 1 - 2 tuần nữa. Nếu nghi ngờ thai đã làm tổ ngoài tử cung các bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm đầu dò qua đường âm đạo để xác định vị trí túi thai. Ngoài ra, bạn cũng có thể phát hiện tình trạng thai qua nội soi ổ bụng và đo nồng độ HCG trong máu.
4. Nguy cơ mang thai ngoài tử cung và cách đề phòng
Các yếu tố nguy cơ cho thai ngoài tử cung bao gồm:
- Tiền căn thai ngoài tử cung
- Tiền căn phẫu thuật ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng bụng chậu trước đó
- Viêm vùng chậu
- Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI)
Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung của phụ nữ:
- Hút thuốc lá
- Tuổi trên 35 tuổi
- Vô sinh
- Các biện pháp hỗ trợ sinh sản
Cách điều trị thai ngoài tử cung:
Thai ngoài tử cung không thể di chuyển hoặc được di chuyển đến tử cung, có các phương pháp cơ bản để điều trị:
- Thuốc
- Phẫu thuật
- Theo dõi sự thoái triển tự nhiên của thai ngoài tử cung.
Không phải tất cả trường hợp mang thai ngoài tử cung đều phải phẫu thuật. Nếu được phát hiện sớm, khối thai chưa vỡ, kích thước nhỏ bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc giúp khối thai tự tiêu. Nếu thai có kích thước lớn (thường là trên 3cm) sẽ được phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở. Việc chọn lựa phương pháp điều trị tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Thai phụ cần đi khám để được kiểm tra dưới sự theo dõi của bác sĩ.
Để tránh gặp phải thai ngoài tử cung, bạn nên khám sàng lọc trước khi mang thai. Điều này giúp bạn biết được tình trạng sức khỏe của mình, kịp thời điều trị và ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý nếu có, bổ sung các dưỡng chất cần thiết, tạo điều kiện tốt nhất cho thai nhi phát triển ngay từ khi chuẩn bị mang thai, giúp xác định những yếu tố nguy cơ liên quan đến di truyền, nhất là trường hợp bố mẹ đang mắc phải các bệnh lý sản phụ khoa, bệnh mãn tính, đã từng mang thai hoặc sinh ra con mắc dị tật bẩm sinh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang triển khai Chương trình tư vấn và chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai, giúp người mẹ chuẩn bị sức khỏe tốt trước khi mang thai. Với chương trình này, bạn sẽ được:
- Khám sức khỏe tổng quát, đặc biệt là khám phụ khoa, giúp đánh giá khả năng thụ thai cũng như sức khỏe của mẹ và bé trong quá trình mang thai.
- Tiêm phòng trước khi mang thai, giúp phòng ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm đặc biệt là Rubella.
- Tư vấn di truyền giúp xác định các yếu tố nguy cơ, giúp khách hàng và gia đình đưa ra quyết định và ngăn ngừa sự xuất hiện hoặc tái xuất hiện trong gia đình.
- Sàng lọc phát hiện người lành mang gen bệnh, đặc biệt là bệnh thiếu máu tán huyết.
Nếu bạn có nhu cầu khám, tư vấn sức khỏe trước khi mang thai thì hãy đặt lịch khám trực tiếp tại website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.