Hiện nay, có rất nhiều người quan tâm đến collagen, đặc biệt chị em phụ nữ. Thực tế, collagen là một loại protein quan trọng trong cơ thể. Quá trình lão hóa khiến collagen giảm sút làm cho da ngày càng thiếu sức sống. Collagen chiếm khoảng 30% protein trong cơ thể. Vậy nó có vai trò và tác dụng gì trong cơ thể con người? Thạc sĩ bác sĩ CKI Phạm Trường An, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ về collagen qua bài viết dưới đây.
Collagen là gì?
Collagen là loại protein dồi dào nhất trong cơ thể con người, chiếm khoảng 30% tổng lượng protein trong cơ thể. Chúng là loại protein dạng sợi được tạo ra bởi các tế bào fibroblast và có cấu trúc vô cùng phức tạp. Collagen xuất hiện, có mặt hầu hết ở da, cơ, xương, gân và dây chằng, thậm chí được thấy ở mạch máu, giác mạc, niêm mạc,…
Collagen được tạo thành từ các axit amin, bao gồm proline, glycine, hydroxyproline… Các axit amin này liên kết lại với nhau tạo nên các sợi protein trong cấu trúc xoắn ba. (1)
Trong cơ thể chúng ta, collagen được sản xuất liên tục nhằm thay thế các sợi collagen có dấu hiệu tổn thương hoặc hao mòn. Tuy vậy, quá trình sản xuất collagen suy yếu dần theo thời gian do tiến trình lão hóa. Càng lớn tuổi, cơ thể càng khó sản xuất đủ lượng collagen cần thiết. Chính điều đó mà lão hóa thường có các dấu hiệu như xương yếu, khớp đau, da nhăn nheo,… Bổ sung collagen là việc mà nhiều người đang làm để duy trì sức khỏe và sắc đẹp.
Có bao nhiêu loại collagen trên thị trường hiện nay?
Theo nghiên cứu, có khoảng 28 loại collagen khác nhau được tìm thấy trong cơ thể con người, trong đó có 5 loại collagen chính. Chúng khác nhau ở cách các phân tử được lắp ráp, các thành phần tế bào và nơi collagen sản sinh.
1. Loại I
Đây là loại collagen phổ biến nhất, chiếm 90% collagen trong cơ thể con người. Loại I xuất hiện dày đặc, được tìm thấy trong tất cả các mô liên kết da, xương, gân, dây chằng,…
2. Loại II
Loại II có vai trò giảm xóc cho cột sống khi bạn vận động, collagen loại II có trong các khớp và đĩa đệm.
3. Loại III
Loại này xuất hiện chủ yếu trong cơ, động mạch và các cơ quan.
4. Loại IV
Loại IV được tìm thấy ở trong các lớp da, đặc biệt là lớp da nằm dưới biểu bì. Loại này có cấu trúc dạng màng mỏng và liền kề nhau, tạo thành một màng thanh lọc cho da giúp duy trì tính bền vững và ngăn sự xâm nhập của các tác nhân gây hại.
5. Loại V
Loại V được tìm thấy trong giác mạc, tóc và một số lớp da. Loại collagen này giúp tóc chắc khỏe, ngăn ngừa gãy rụng. Nếu thiếu collagen loại V, tóc sẽ trở nên xơ và khô ráp.
Vai trò của collagen đối với cơ thể
Collagen đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể, như một chất kết dính giữ cho xương, da, cơ, gân và dây chằng kết nối với nhau. Nếu không có collagen, cơ thể sẽ trở nên rời rạc, thiếu liên kết làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sắc đẹp như da chảy xệ, nhăn nheo, xương khớp dễ gãy,… (2)
Cụ thể, collagen đóng những vai trò quan trọng như:
- Giúp tế bào mới phát triển.
- Giữ vai trò cấu trúc trong lớp bì.
- Thay thế tế bào da chết.
- Cung cấp “hàng rào bảo vệ” cho các cơ quan.
- Tạo nên cấu trúc, độ đàn hồi và độ bền cho làn da.
- Giúp máu đông lại.
Collagen có tác dụng gì đối với sức khỏe
1. Hỗ trợ cải thiện sức khỏe làn da
Collagen có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa, giảm nếp nhăn, tăng độ ẩm cho da.
2. Làm đẹp móng và tóc
Collagen giúp nuôi dưỡng tóc và móng, ngăn ngừa xơ rối, gãy rụng, giúp móng và tóc khỏe mạnh từ tận sâu bên trong.
3. Cải thiện sức khỏe não bộ
Collagen giúp cải thiện sức khỏe não bộ, làm giảm các triệu chứng lo lắng khi áp lực, căng thẳng, cải thiện tâm trạng tích cực hơn.
4. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Collagen cải thiện sức khỏe tim mạch, là thành phần cấu trúc cho động mạch. Khi thiếu hụt collagen, cơ thể sẽ giảm độ linh hoạt và sự đàn hồi của các động mạch, dẫn đến xơ vữa động mạch hoặc yếu và dễ vỡ hơn, có nguy cơ dẫn đến bệnh tim và đột quỵ. Collagen giúp cho cơ thể khỏe mạnh hơn, nhất là tim mạch.
5. Hỗ trợ xây dựng cơ bắp
Trong cơ thể người, các mô cơ có chứa thành phần collagen, có công dụng giúp cơ bắp mạnh mẽ hơn. Khi được bổ sung đều đặn, collagen giúp khối lượng cơ bắp tăng lên hiệu quả, nhất là đối tượng bước vào giai đoạn tuổi già.
Cơ thể nếu nạp collagen đầy đủ sẽ giúp quá trình tổng hợp các protein, chẳng hạn như creatine, được tốt hơn. Cơ bắp được kích thích tăng trưởng sau khi vận động, tập luyện thể thao.
6. Tốt cho mắt
Đối với collagen thuộc loại V - dạng kết tinh tồn tại nhiều trong giác mạc, thủy tinh thể. Quá trình lão hóa làm giác mạc hoạt động kém, ảnh hưởng, làm cho thủy tinh thể mờ đi do chất amino bị lão hóa. Đó là lý do vì sao nhiều người lớn tuổi bị đục thủy tinh thể.
Nhằm bảo vệ sức khỏe mắt, bạn nên bổ sung collagen cho cơ thể đều đặn mỗi ngày.
7. Ngăn ngừa loãng xương và đau nhức khớp
Có thể bạn chưa biết, xương có thành phần collagen giúp giữ cho cấu trúc khỏe mạnh và chắc chắn. Quá trình sản xuất collagen nếu mất đi, khối lượng xương cũng trở nên yếu hơn làm nhiều người gặp tình trạng loãng xương.
Nếu bổ sung collagen đúng cách sẽ ức chế sự hủy xương, ngăn ngừa tình trạng loãng xương.
8. Kích thích quá trình làm lành vết thương
Collagen hiệu quả trong việc kích thích quá trình làm lành vết thương. Nếu được dùng với mục đích điều trị vết thương, collagen kích thích các tế bào miễn dịch, nguyên bào sợi giúp kích thích quá trình lành vết thương, bảo tồn cấu trúc da tự nhiên.
Làm thế nào để nhận biết dấu hiệu cơ thể suy giảm collagen?
Collagen không thể đo lường được nhưng có những dấu hiệu cơ thể suy giảm collagen, bao gồm:
- Da chảy xệ, nhăn nheo, thiếu sức sống.
- Khuôn mặt hốc hác.
- Mắt trũng sâu.
- Cảm giác yếu cơ, cơ co rút và đau nhức.
- Gân và dây chằng có dấu hiệu kém linh hoạt.
- Sụn bị bào mòn làm đau khớp, viêm xương khớp.
- Hạn chế khả năng vận động do khớp suy yếu, tổn thương.
- Niêm mạc đường tiêu hoá mỏng đi khiến cơ thể gặp các vấn đề tiêu hóa.
- Vấn đề về tim mạch.
Những bệnh lý và yếu tố gây tổn hại đến collagen
1. Tuổi già
Quá trình lão hóa khiến hao hụt collagen. Trung bình sản sinh collagen sẽ giảm xuống 1% mỗi năm khi bước vào giai đoạn 25-30 tuổi. Tùy từng người mà giai đoạn này bắt đầu sớm hay muộn.
2. Ngủ không đủ, căng thẳng
Ngủ không đủ giấc hoặc căng thẳng quá mức làm giảm khả năng sản sinh collagen tự nhiên trong cơ thể. Bên cạnh đó, stress, căng thẳng còn làm tăng hormone cortisol làm giảm quá trình sản sinh collagen tự nhiên.
3. Lạm dụng thuốc lá, rượu bia
Lạm dụng thuốc lá, rượu bia ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, trong đó tác động đến quá trình lão hóa. Rượu bia làm giảm quá trình sản xuất collagen, cản trở sự phục hồi tự nhiên của làn da. Còn hút thuốc lá làm giảm lượng oxy tới các mô, khiến mô không thể tái tạo, hư tổn và mất đi.
4. Nạp nhiều đường và tinh bột
Cơ thể nạp nhiều đường, tinh bột có thể gây lão hóa sớm. Khi ấy, collagen trong da suy yếu và dễ gãy.
5. Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Tia UV (tia cực tím) có trong ánh nắng mặt trời được xem là kẻ thù của làn da, khiến tình trạng suy giảm collagen nặng hơn. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có chứa nhiều tia UV gây tổn thương collagen qua nhiều cơ chế khác nhau. Bao gồm việc tổn thương DNA của tế bào sản sinh collagen, tổn thương quá trình thúc đẩy sản sinh các gốc tự do ảnh hưởng trực tiếp tới việc tăng sinh collagen trong da.
6. Di truyền
Di truyền có ảnh hưởng đến sự phá vỡ và tái tạo lượng collagen trong cơ thể. Nếu ông bà, cha mẹ sở hữu làn da trẻ trung, tươi trẻ thì bạn cũng có thể sở hữu điều này.
Nên bổ sung collagen khi nào?
Khi bước vào quá trình lão hóa, cơ thể khó khăn trong việc sản xuất collagen làm giảm sút độ đàn hồi của da, khiến da khô sần và dần hình thành nếp nhăn. Chính vì thế, bổ sung collagen là điều cần thiết. Vậy nên bổ sung collagen khi nào? (3)
- Khi bước sang giai đoạn tuổi 30.
- Những người ăn chay hoặc không ăn đủ những thực phẩm giàu collagen, nên bổ sung trong chế độ ăn uống hàng ngày.
- Bổ sung collagen trong trường hợp phải thường xuyên vận động nặng để phục hồi và tái tạo mô cơ.
Các cách bổ sung collagen vào cơ thể
1. Bổ sung collagen bằng thực phẩm
Collagen thường tập trung ở các bộ phận như da và khớp của một số loài động vật. Những thực phẩm giàu collagen có thể kể đến như: da gà, da cá, sứa, nước hầm xương,…
Bên cạnh đó, ngoài việc sử dụng thực phẩm giàu collagen, bạn có thể bổ sung axit amin, các thành phần dinh dưỡng nhằm sản xuất, duy trì lượng collagen trong cơ thể như:
- Axit amin Proline: Có trong măng tây, bắp cải, nấm, lúa mì, đậu phộng, cá, lòng trắng trứng,…
- Axit amin Glycine: Có trong thịt đỏ, da gà, thịt heo, đậu phộng.
- Vitamin C: Giúp cho quá trình kích thích tổng hợp collagen như dâu tây, cam quýt, bông cải xanh, ớt chuông, các quả mọng,…
- Đồng: Có trong tôm hùm, gan, hàu, rau xanh, sô cô la đen,…
- Kẽm: Thịt đỏ, thịt heo, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, bông cải xanh và các sản phẩm từ sữa.
2. Bổ sung collagen bằng thực phẩm chức năng
Để tăng cường lượng collagen trong cơ thể, bạn có thể bổ sung bằng các thực phẩm chức năng. Tuy vậy, mỗi loại thực phẩm chức năng chứa lượng collagen khác nhau, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Collagen trong thực phẩm chức năng có nhiều dạng khác nhau:
- Gelatin.
- Collagen lỏng.
- Collagen dạng viên nang.
- Nước uống collagen.
- Bột collagen peptide.
- Bột protein collagen.
- Collagen biển từ da cá.
3. Can thiệp kỹ thuật thẩm mỹ
3.1 Liệu pháp ánh sáng và laser
Liệu pháp ánh sáng và laser hướng các chùm ánh sáng tập trung vào khu vực cần điều trị. Bao gồm việc tái tạo da, tác động đến những lớp da bên dưới, thúc đẩy sự phát triển của các sợi collagen. Khi ấy, hình thành lớp da mới có độ đàn hồi tốt hơn, mịn màng và săn chắc hơn.
3.2 Sóng siêu âm
Sóng siêu âm hội tụ hoặc sóng siêu âm đồng bộ song song có thể kích thích tăng sinh collagen từ bên trong da, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào, giảm nếp nhăn ở da.
Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng collagen
Khi sử dụng collagen, thường có ít trường hợp gặp tác dụng phụ nhưng không phải không có. Dưới đây là một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng collagen mà bạn cần lưu ý.
- Dị ứng, kích ứng.
- Tăng cân.
- Nổi mụn.
- Đau đầu nhẹ.
- Ảnh hưởng vị giác.
- Ảnh hưởng tâm trạng.
Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tác dụng phụ:
- Lựa chọn sản phẩm chứa collagen không phù hợp với cơ thể.
- Không sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Dùng sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
- Phản ứng với thành phần khác có trong sản phẩm.
Những lưu ý khi sử dụng collagen
Collagen mang lại nhiều lợi ích, nhưng để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn cần chú ý những vấn đề sau:
1. Đối tượng
Đối tượng là phụ nữ có thai, cho con bú 6 tháng trở xuống, nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng.
Đối tượng ăn chay hoặc dị ứng với đạm động vật cần kiểm tra kỹ thành phần của các loại collagen vì một số sản phẩm có nguồn gốc từ da động vật.
2. Lưu ý khác
Để collagen đạt hiệu quả tốt nhất, nên kết hợp thêm lối sống điều độ. Không sử dụng collagen quá mức cho phép.
Một số câu hỏi liên quan
1. Collagen có hấp thụ qua đường uống không?
Collagen có hấp thụ qua đường uống. Những bộ phận có chứa collagen trong cấu trúc sẽ được cải thiện. Nhưng bạn đừng kỳ vọng quá nhiều vì làn da có thể không có sự thay đổi quá rõ rệt như bạn mong đợi.
2. Collagen có thấm qua da không?
Collagen rất khó hoặc thậm chí không thể thấm qua da vì có cấu trúc phân tử lớn hơn lỗ chân lông.
Để đặt lịch khám và tư vấn tại chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bạn có thể liên hệ qua thông tin dưới đây:
Collagen đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, sắc đẹp và hỗ trợ cho cấu trúc của cơ thể. Bạn có thể bổ sung collagen bằng chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh; đồng thời không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia.