Đối với những chị em đang mong ngóng tin vui, bất kỳ thay đổi nào của cơ thể đều khiến chị em băn khoăn liệu đó có phải là dấu hiệu mang thai hay không. “Căng tức bụng dưới có phải dấu hiệu mang thai không” cũng được khá nhiều chị em quan tâm. Thấu hiểu điều này, BS.CKI Lê Đức Hùng, Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ cụ thể trong bài viết dưới đây.
Căng tức bụng dưới có phải dấu hiệu mang thai không?
Chướng bụng, căng tức bụng dưới khi mang thai là điều có thể xảy ra do sự dao động nội tiết tố và thay đổi trong quá trình tiêu hóa và nhu động ruột. Chị em có thể có cảm giác như có một quả bóng căng phồng trong bụng. Một nghiên cứu ở phụ nữ mang thai cho thấy 49% số người tham gia cho biết họ bị chướng bụng, căng tức bụng dưới. (1)
Triệu chứng bụng căng tức hay nặng bụng dưới thường phát triển trong tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ) và có thể trở nên tồi tệ hơn trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ). Thêm vào đó, ruột non, ruột già đều giảm nhu động nên dễ táo bón.
Ngoài ra, những chị em mắc hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome - IBS) trước khi mang thai có thể thấy các triệu chứng trở nên nặng hơn hoặc thường xuyên hơn khi mang thai. IBS có thể gây đau bụng thường xuyên, gây táo bón, chướng bụng và nhiều triệu chứng khác.
Khi mong ngóng tin vui, sự chú ý về những thay đổi của cơ thể tăng cao khiến chị em dễ dàng nhận biết triệu chứng chướng bụng hơn so với người bình thường. Tuy nhiên, chị em cần biết rằng mang thai chỉ là một trong nhiều nguyên nhân có thể gây ra triệu chứng chướng bụng và căng tức bụng dưới.
Do đó, cách tốt nhất để xác định chướng bụng dưới có phải mang thai hay không, chị em hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và thực hiện các kiểm tra cần thiết. Nếu nguyên nhân gây chướng bụng, căng tức bụng dưới không phải do mang thai, việc xác định chính xác nguyên nhân là rất hữu ích để can thiệp điều trị kịp thời vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, tránh gây biến chứng nguy hiểm.
Các nguyên nhân khác gây căng tức bụng dưới
Bác sĩ Hùng khuyến cáo, nếu lo lắng chướng bụng có phải mang thai không hoặc các triệu chứng căng tức bụng, nặng bụng dưới kéo dài dai dẳng, chị em nên thăm khám sớm để tìm nguyên nhân. Ngoài việc mang thai còn có nhiều yếu tố khác có thể khiến chị em bị chướng bụng, bao gồm:
1. Chu kỳ kinh nguyệt
Chướng bụng là triệu chứng rất phổ biến trước và trong kỳ kinh nguyệt. Một nghiên cứu thực hiện khảo sát về chu kỳ kinh nguyệt và các triệu chứng tiêu hóa xảy ra trước và trong kỳ kinh nguyệt ở 156 phụ nữ tham gia cho kết quả: khoảng 62% người bị chướng bụng tiền kinh nguyệt và 51% bị chướng bụng trong kỳ kinh nguyệt.
Triệu chứng này xảy ra là do sự thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone trong kỳ kinh nguyệt.
2. Một số loại thực phẩm
Ở một số người, việc tiêu thụ một số loại thực phẩm chẳng hạn như rau bắp cải, súp lơ, các sản phẩm từ sữa và đậu… có thể gây cảm giác chướng bụng và đầy hơi. Ngoài ra, một số loại đồ uống, nước giải khát có ga có thể dẫn đến đầy hơi.
3. Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Chướng bụng cũng là triệu chứng phổ biến của một loạt bệnh ở đường tiêu hóa, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích có thể gây co thắt dạ dày, tiêu chảy và chướng bụng đầy hơi.
4. U xơ cơ tử cung
U xơ cơ tử cung là khối u lành tính của tế bào cơ trơn tử cung, thường xuất hiện ở độ tuổi sinh sản 12 - 25%. Ở những phụ nữ bị u xơ cơ tử cung to thường gặp triệu chứng trằn nặng hay đau vùng chậu âm ỉ.
5. Khối u buồng trứng
Khối u buồng trứng là túi chứa đầy chất lỏng hoặc rắn phát triển trên buồng trứng của người phụ nữ. Đây là một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp ở người phụ nữ, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ bé gái đến tuổi mãn kinh, ngay cả phụ nữ mang thai cũng có thể mắc bệnh.
Trong độ tuổi sinh sản, phần lớn u thực thể của buồng trứng là lành tính (80 - 85%) và nguy cơ ác tính tăng theo tuổi. Nguy cơ ác tính của khối u buồng trứng ở độ tuổi tiền mãn kinh là 39 - 35%. Do đó chị em vẫn nên thăm khám để được bác sĩ kiểm tra và hướng dẫn phác đồ điều trị, theo dõi thích hợp để tránh biến chứng đe dọa khả năng sinh sản, ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ.
Làm thế nào để biết bụng căng tức có phải có thai hay không?
Các triệu chứng căng tức, nặng bụng dưới ở phụ nữ mang thai tương tự và không khác gì triệu chứng ở người bình thường. Nếu chị em xảy ra quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai, sau đó cơ thể xuất hiện một số triệu chứng trong đó có chướng bụng, đó có thể là một trong số những dấu hiệu báo hiệu việc mang thai.
Chị em có thể theo dõi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của mình để phát hiện tình trạng trễ kinh. Yếu tố này cũng góp phần làm tăng phán đoán liệu chị em có đang mang thai hay không.
Cách đơn giản và dễ thực hiện nhất để xác định triệu chứng bụng căng có phải mang thai hay không là sử dụng que thử thai tại nhà. Hiện nay chị em có thể dễ dàng mua que thử thai tại các cửa hàng thuốc hoặc trực tuyến. Tuy nhiên, que thử thai có thể cho kết quả không chính xác, đặc biệt là ở giai đoạn đầu thai kỳ do nồng độ hormone hCG (Human Chorionic Gonadotropin) trong nước tiểu không đủ để que nhận diện hoặc chị em sử dụng sai cách.
Tốt nhất, chị em nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được làm xét nghiệm máu có độ chính xác cao hơn, kết hợp thêm phương pháp siêu âm giúp xác định vị trí làm tổ của thai nhi, loại trừ trường hợp mang thai trứng hoặc thai ngoài tử cung. Khi có chẩn đoán mang thai, bác sĩ sẽ hướng dẫn chị em lịch khám thai định kỳ và các xét nghiệm tầm soát quan trọng để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
Một số dấu hiệu mang thai sớm có thể nhận biết ngay
Nếu đang thắc mắc chướng bụng và đau bụng dưới có phải mang thai hay không, chị em có thể để ý thêm các triệu chứng khác của cơ thể. Các triệu chứng sớm của mang thai bao gồm: (2)
- Trễ kinh: đây là một trong những dấu hiệu mang thai sớm nhất, chị em có thể dễ dàng nhận biết nếu có thói quen theo dõi chu kỳ kinh hàng tháng. Tuy nhiên vẫn có nhiều nguyên nhân khác có thể khiến chị em bị trễ kinh ngoài việc mang thai.
- Mệt mỏi: triệu chứng này cũng xuất hiện sớm trong thai kỳ, thường là trong vài tuần đầu tiên do nồng độ progesterone tăng cao hơn.
- Buồn nôn, nôn: tình trạng buồn nôn và nôn mửa khá phổ biến ở phụ nữ mang thai, thường xuất hiện trước tuần thứ 9 của thai kỳ.
- Đi tiểu nhiều: cũng thường xảy ra trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ do nồng độ hormone thay đổi. Trong thai kỳ, đi tiểu xảy ra thường xuyên hơn do thai nhi phát triển kéo theo tử cung lớn hơn gây áp lực lên bàng quang.
- Thay đổi ở ngực khi mang thai: tình trạng vú luôn luôn căng, mỗi ngày 1 to ra do các tuyến sữa và các ống dẫn sữa phát triển. Quầng vú, núm vú thẫm màu, tại quầng vú nổi các hạt như hạt kê.
Xem thêm: Triệu chứng khi mang thai 2 tuần
Những phương pháp giúp xác định có mang thai hay không
Thỉnh thoảng bị chướng bụng và căng tức bụng dưới không có gì đáng lo ngại. Nếu đang mong ngóng tin vui và băn khoăn căng tức bụng dưới có phải dấu hiệu mang thai hay không, chị em có thể thử áp dụng các cách sau:
1. Sử dụng que thử thai
Như đã chia sẻ, cách xác định việc mang thai đơn giản và dễ thực hiện nhất là sử dụng que thử thai tại nhà. Que thử thai hoạt động bằng cách nhận diện nồng độ hormone hCG có trong nước tiểu. Khuyến cáo chị em nên sử dụng que thử thai vào buổi sáng, khi vừa thức dậy để có kết quả chính xác nhất. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng que thử thai có thể cho kết quả không chính xác do sử dụng que sai cách hoặc nồng độ hCG trong nước tiểu quá thấp nên que không thể nhận diện.
2. Xét nghiệm máu
Cách kiểm tra việc mang thai có độ chính xác cao hơn que thử thai chính là xét nghiệm máu. Có hai loại xét nghiệm máu là xét nghiệm định tính và định lượng. Xét nghiệm định tính cho câu trả lời đơn giản là có hay không mang thai, còn xét nghiệm định lượng sẽ đo lường chính xác nồng độ hCG trong máu. Chị em nên đến cơ sở y tế uy tín để được làm xét nghiệm nhanh chóng và cho kết quả chính xác.
Trung tâm Sản Phụ khoa cũng triển khai đa dạng các dịch vụ thai sản, gói thai sản, gói sinh con… mẹ bầu an tâm tận hưởng thai kỳ khỏe mạnh, sinh nở an toàn, mẹ tròn con vuông.
Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn với các chuyên gia - bác sĩ tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị em vui lòng liên hệ đến:
Hy vọng qua bài viết này chị em đã biết bị chướng bụng, căng tức bụng dưới có phải mang thai hay không. Nếu nghi ngờ có thai, cách tốt nhất là chị em nên đến ngay cơ sở y tế làm xét nghiệm máu và siêu âm kiểm tra vị trí làm tổ của thai nhi, đồng thời được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh!