Chậm kinh là một trong những dấu hiệu hàng đầu thông báo bạn đã “dính bầu”. Thế nhưng với những người có kinh nguyệt vốn không đều từ trước đó thì họ chỉ nghĩ đơn giản đây chỉ là một hiện tượng bình thường nên dễ dàng bỏ qua. Chính vì thế, không ít chị em chỉ kiểm tra và biết mình có thai khi thai đã được 6 - 7 tuần tuổi. Vậy chậm kinh 1 tuần thì thai được mấy tuần?
Chậm kinh 1 tuần thì thai được mấy tuần?
Được biết, sau khoảng 7 ngày kể từ khi thụ thai, các dấu hiệu của việc mang thai sẽ dần dần xuất hiện nhưng chỉ đến khi thai được 6-8 tuần thì chị em mới phát hiện ra. Tuy nhiên mẹ bầu hoàn toàn có thể nhận biết việc mang thai thông qua việc trễ kinh nguyệt.
Trễ kinh là một trong những dấu hiệu mang thai dễ thấy nhất. (Ảnh minh họa)
Các bác sĩ sản khoa đã đưa cách tính chung nhất cho tuổi của 1 em bé trong bụng mẹ đó là tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Nếu theo cách tính này thì việc mẹ chậm kinh 1 tuần có nghĩa là thai đã được 5 tuần; chậm kinh 2 tuần - tương đương thai được 6 tuần và chậm kinh 3 tuần - tương đương thai được 7 tuần.
Dấu hiệu nhận biết bạn đã có thai
Ngoài việc chu kỳ kinh nguyệt đến muộn, các mẹ hoàn toàn có thể nhận biết việc mình mang thai thông qua các dấu hiệu dưới đây:
Chảy máu âm đạo nhẹ
Sau khi thụ thai từ 6-8 ngày, rất có thể chị em sẽ nhận thấy hiện tượng ra máu nhẹ, là những đốm máu nhỏ màu đen hoặc hồng nhạt. Đây là dấu hiệu trứng đã thụ tinh cấy vào thành tử cung - là một trong những dấu hiệu sớm nhất báo mẹ đã thụ thai.
Buồn nôn
Ốm nghén là cơn ác mộng của nhiều phụ nữ, có thể xuất hiện khá sớm ở tuần thứ 4-6 của thai kỳ. Vì thế nếu thấy hiện tượng buồn nôn hoặc cực kỳ nhạy cảm với mùi hương, bất kể đó là mùi gì thì cần đi bệnh viện kiểm tra xem mình đã thai hay chưa.
Buồn nôn, đặc biệt là vào buổi sáng có thể là dấu hiệu mang thai. (Ảnh minh họa)
Núi đôi đau nhức, nhũ hoa chuyển màu sẫm
Bạn có thể nhầm lẫn hiện tượng đau nhức núi đôi với dấu hiệu tiền kinh nguyệt. Nhưng nếu quan sát kỹ, bạn phát hiện ra nhũ hoa chuyển màu sẫm hơn so với bình thường mà không do bất kỳ tác nhân nào khác thì bạn hãy nghĩ ngay đến việc mình đã mang thai. Dấu hiệu này thường xảy ra sau khi thụ thai 1-2 tuần. Tuy nhiên theo các chuyên gia, không phải mẹ bầu nào cũng trải qua sự thay đổi này.
Đi tiểu thường xuyên
Khi mang bầu, thận bắt đầu làm việc chăm chỉ hơn, đồng thời hormone làm tăng lưu lượng máu đến vùng xương chậu khiến mẹ bầu thường xuyên có cảm giác buồn tiểu.
Nhức đầu
Sự tăng “đột biến” của hormone progesterone cộng với sự thiếu hụt lượng hồng cầu trong máu là nguyên nhân làm nhiều một số người bị đau đầu khi mang thai. Tuy nhiên, những cơn đau dữ dội và kéo dài lại có thể là biểu hiện của một căn bệnh nào đó và cần được thăm khám kỹ lưỡng.
Sự thay đổi nội tiết tố đột ngột khi vừa mang thai có thể khiến mẹ đau đầu. (Ảnh minh họa)
Thay đổi thói quen ăn uống
Nếu như trước đây bạn chỉ thích ăn đồ ngọt và cự ghét đồ chua vậy mà giờ đây bạn lại thích ngồi nhâm nhi những trái xoài, cóc chua thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy trong bụng bạn đã xuất hiện một sinh linh bé bỏng.
Thân tăng nhiệt
Khi bắt đầu mang thai, nhiệt độ cơ thể người phụ nữ thường tăng nhẹ (khoảng 37,5 độ) do hormone progesterone tiết ra nhiều. Hiện tượng này tương tự giống khi chị em gần đến ngày rụng trứng.
Chuyên mục Bà bầu - nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai.
Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ [email protected] để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia.