"Bé đói nhưng không chịu bú bình, mẹ nên làm gì?". Việc bé từ chối bú bình không chỉ khiến cho bậc phụ huynh lo lắng về sự phát triển và dinh dưỡng của bé mà còn tạo ra một cảm giác bất an và căng thẳng trong quá trình chăm sóc bé.
Nguyên nhân thường khiến bé không chịu bú bình
Có nhiều lí do khiến bé không chịu bú bình:
Bé chưa thực sự đói: Một số bé thích cảm giác mút mát và nằm trong lòng mẹ, nên chúng có thể ti mẹ mọi lúc mà không thực sự đói. Mẹ có thể nhầm tưởng rằng bé đói và cho bé bú bình theo thời gian bú mẹ, nhưng bé chỉ bú khi cảm thấy thực sự đói. Do đó, nếu bé không đói mà được cho bú bình, chúng có thể từ chối hợp tác.
Bé chưa quen: Nhiều bé cần thời gian để làm quen với việc bú bình. Chúng cần thời gian để học cách bú bình và làm quen với cảm giác ti bình mới.
Núm ti bình quá cứng: Trẻ có thể từ chối bú bình nếu núm ti quá cứng, khó mút sữa hơn so với ty mẹ. Đối với bé quen với ty mẹ, việc chuyển sang núm ti bình cứng có thể là một thách thức.
Chưa quen sữa bột: Nếu bé không quen mùi vị của sữa công thức, chúng có thể từ chối bú bình. Việc chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức có thể gây khó khăn cho bé.
Giai đoạn mọc răng: Trong giai đoạn mọc răng, bé có thể từ chối bú bình do cảm giác ngứa lợi khiến chúng thích cắn chặt răng vào núm ti thay vì mút sữa.
Khó tính hoặc không quen tư thế bú: Một số bé có thể không chịu ti bình do không quen người lạ cho bú hoặc không thoải mái với tư thế bú bình của bố mẹ. Việc này có thể làm cho bé cảm thấy không thoải mái và từ chối bú bình.
Môi trường xung quanh: Môi trường xung quanh có thể làm cho bé cảm thấy không thoải mái khi bú, ví dụ như tiếng ồn, ánh sáng mạnh, hoặc môi trường quá nóng hoặc quá lạnh.
Tư thế bú không đúng: Bé có thể không thoải mái với tư thế bú hoặc vị trí của bình sữa, có thể do núm ti không phù hợp hoặc không thoải mái.
Quen với ti mẹ: Nhiều bé sơ sinh đã quen với việc bú mẹ nên không chịu ti bình sữa.
Van chống sặc không hoạt động đúng cách: Nếu van chống sặc trên bình sữa không hoạt động đúng cách, có thể gây ra tình trạng bình sữa tràn hoặc gây sặc khiến bé sợ bú bình.
Trẻ đang mệt hoặc bị bệnh: Một số bé có thể từ chối bú bình khi đang mệt mỏi hoặc đang mắc bệnh.
Bé đói nhưng không chịu bú bình, mẹ nên làm gì?
Bé đói nhưng không chịu bú bình hoặc việc bé bỏ bú bình đột ngột thường khiến các bậc phụ huynh lo lắng về việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé. Để giải quyết tình trạng này, có một số cách mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng:
Bú bình khi bé thực sự đói: Ép bé bú bình khi bé không đói có thể khiến bé phản đối và không hợp tác. Hãy để bé cảm thấy đói và cần nạp năng lượng trước khi cho bé bú bình, khi đó bé có thể hợp tác hơn. Nếu bé đã ăn dặm, không nên ép bé ăn quá nhiều thức ăn mỗi bữa, vì điều này có thể làm bé cảm thấy no và giảm sự quan tâm đến việc uống sữa.
Tạo môi trường thích hợp: Khi cho bé bú bình, hãy đảm bảo rằng bé ở trong một môi trường yên tĩnh và không có yếu tố gây phân tâm, giúp bé tập trung vào việc bú.
Hỗ trợ cho bé khi bé có thói quen ngậm ti giả hoặc trong giai đoạn mọc răng: Trước khi cho bé bú bình, hãy cho bé ngậm núm ti giả hoặc nhai một chút, sau đó mới chuyển sang bú bình. Điều này giúp bé thích nghi dần với việc bú bình và giảm bớt khó chịu khi bắt đầu bú.
Bắt đầu với sữa mẹ: Bắt đầu cho bé học cách bú bình bằng sữa mẹ có thể là một lựa chọn tốt. Vì bé đã quen với việc sử dụng sữa mẹ, việc học cho bé bú bình sẽ dễ dàng hơn. Sau khi bé đã quen với việc bú bình với sữa mẹ, bạn có thể chuyển sang sữa công thức. Tuy nhiên, nếu có thể, hãy duy trì việc cho bé bú sữa mẹ bằng cách vắt sữa, đảm bảo cung cấp chất dinh dưỡng tốt nhất cho bé và giảm chi phí.
Thay đổi núm ti: Nếu bé không thích núm ti quá cứng, bạn có thể thử thay đổi sang núm ti mềm hơn. Sự thay đổi này có thể làm cho bé cảm thấy thoải mái hơn và dễ dàng hơn khi bú bình.
Trong trường hợp mọi cố gắng để bé bú bình đều không thành công, để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé, bạn có thể thử các phương pháp sau:
Dùng thìa để đút sữa cho bé: Mặc dù việc này có thể tốn công sức nhưng không quá khó thực hiện. Cho bé uống sữa bằng thìa có thể là một cách để đảm bảo bé nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng từ sữa.
Sử dụng cốc uống cho bé lớn hơn: Nếu bé đã lớn hơn, bạn có thể cho bé cầm cốc uống sữa. Tuy nhiên, hãy chọn những loại cốc an toàn và dễ uống để tránh gây sặc sữa cho bé.
Tăng cường thực đơn ăn dặm: Nguồn dinh dưỡng từ sữa rất quan trọng đối với trẻ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, nếu bé không thể uống được đủ lượng sữa, bạn có thể tăng cường thực đơn ăn dặm cho bé. Đảm bảo thực đơn cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cho bé, bao gồm protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất. Điều này giúp bé nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng.
Bé đói nhưng không chịu bú bình có gây thiếu dinh dưỡng không?
Khi bé không chịu bú bình, bố mẹ thường lo lắng liệu bé có đang nhận đủ chất dinh dưỡng mỗi ngày không. Để nhận biết xem bé có đủ dinh dưỡng hay không, mẹ cần theo dõi sự phát triển của bé và các dấu hiệu khác:
Bé chậm tăng cân hoặc không đạt tiêu chuẩn tăng cân: Nếu thấy bé chậm tăng cân hoặc không đạt tiêu chuẩn tăng cân theo tháng tuổi, sau khoảng 2 tuần học bú bình mà không có sự cải thiện, có thể bé đang không nhận đủ chất dinh dưỡng.
Bé tiểu ít trong ngày: Số lần bé tiểu trong ngày giảm có thể là dấu hiệu bé không nhận đủ nước và chất dinh dưỡng từ sữa. Nước tiểu của bé có thể không trong và có màu vàng.
Thời gian cho bé làm quen với việc bú bình: Bé cần thời gian để tiếp nhận và học cách bú bình. Hãy cho bé thời gian để tập bú bình, nhưng tránh bắt bé tập sớm trước 2 tháng tuổi để bé không nhầm lẫn giữa ti mẹ và ti bình. Dù bé có bú ít nhưng vẫn lên cân đều đặn, đó là dấu hiệu bé đang nhận đủ chất dinh dưỡng.
Nếu bé vẫn không lên cân hoặc chậm lên cân dù đã thử mọi cách, bạn nên đưa bé đi khám dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể. Hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín để khám cho bé.
Trong trường hợp bé biếng ăn kéo dài, kém hấp thu, và chậm phát triển, bố mẹ có thể bổ sung cho bé các sản phẩm hỗ trợ chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, và vitamin nhóm B. Những dưỡng chất này không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé mà còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, và cải thiện tình trạng biếng ăn. Đồng thời, việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể gây ra vấn đề cho hệ tiêu hóa của bé, nên cần được thực hiện một cách cẩn thận và dài hạn.
Xem thêm:
- Bé 14 tháng tuổi biếng ăn, cha mẹ phải làm gì?
- Trẻ sơ sinh bỏ bú sau khi tiêm ngừa có sao không?