Ù tai là tình trạng không hiếm gặp trong đời sống hàng ngày. Ở đây, đề cập đến vấn đề ù tai thực sự, loại trừ các kiểu “ù tai” truyền miệng, thí dụ như phải nghe một điều gì đó không được “êm tai” cho lắm và cũng loại trừ luôn các dạng “ảo thính” ở người rối loạn tâm thần. Ù tai thực sự gây ra nhiều phiền toái cho những ai vô tình “vướng” phải nó. Việc hiểu rõ về chứng ù tai và cách xử trí sẽ giúp cuộc sống của bạn trở nên thoải mái hơn.
Tự nhiên bị ù tai phải làm sao hay bị ù tai phải làm sao? Câu trả lời là cho dù bạn đang phải chịu đựng chứng ù tai hàng ngày hoặc thỉnh thoảng mới bị thì vẫn nên tìm hiểu các cách chữa trị tại nhà bằng liệu pháp thiên nhiên cũng như tìm hiểu các biện pháp phòng ngừa để hạn chế, không để tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ù tai là bệnh gì?
Trước khi tìm hiểu về cách trị ù tai, bạn cần phải hiểu rõ về tình trạng này. Ù tai là tình trạng mà người mắc phải luôn cảm thấy sự hiện diện của một âm thanh lạ bên trong tai, dẫu cho môi trường bên ngoài không hề có bất cứ một tác động hay tiếng động nào. Người bị chứng này thường cảm thấy khó chịu, bực bội, gây cản trở trong công việc, giao tiếp, khó tập trung, khó ngủ. Thậm chí nếu bị nặng, người bệnh sẽ bị ám ảnh tới mức trầm cảm.
Nhiều thống kê cho thấy, có khoảng 20% dân số toàn cầu từng mắc chứng ù tai. Ở Việt Nam, số người bị ù tai tới khám tại các cơ sở y tế cũng không hề ít.
Chứng ù tai có thể xuất hiện ngắt quãng hoặc liên tục theo nhiều dạng khác nhau, cả về âm thanh lẫn cường độ. Nhiều người có cảm nhận giống như có tiếng ve đang “đồng ca” trong tai, nhưng có người lại thấy giống như tiếng gió thổi vi vút của rừng thông, tiếng rít của gió bấc trong mùa đông lạnh lẽo, tiếng huýt sáo vi vu của chàng mục đồng, tiếng cối xay lúa trong mùa gặt, tiếng máy bay ầm ì lên xuống… Có những người còn cảm thấy ù tai dường như “hành quân” cộng hưởng theo nhịp mạch. Ù tai thường có xu hướng tăng lên trong môi trường ít ồn ã, dễ nhận thấy nhất là khi bạn đang cố chìm vào giấc ngủ trong màn đêm tĩnh mịch.
Ù tai và nghe kém thường là “cặp bài trùng”, tuy nhiên dường như chúng chẳng có chi phối gì nhau, giống như xuất hiện cùng nhau nhưng “đường ai nấy đi” vậy. Có nhiều người mặc dù “tai ù như điên” nhưng nghe thì… siêu rõ, nên chớ có “chủ quan khinh địch” mà “lộ bí mật”. Chứng ù tai ở một số người có thể mất hẳn sau khi được điều trị đúng căn nguyên, thí dụ như do nhiễm trùng, do tắc nghẽn. Nhưng không ít người vẫn bị nó “hành hạ dai dẳng” mặc dù căn nguyên đã được “nhổ tận gốc rễ”, những trường hợp như vậy thường phải kết hợp cả liệu pháp thường quy lẫn liệu pháp thay thế hòng giảm bớt hoặc che lấp những âm thanh không mong muốn đó.
Nguyên nhân gây bệnh ù tai
Trước khi đi tìm lời đáp cho các thắc mắc tự nhiên bị ù tai phải làm sao hay cách chữa ù tai hay làm sao để hết ù tai, hãy cùng tìm hiểu về các nguyên nhân gây ra tình trạng này. Việc xác định được nguyên nhân sẽ giúp bạn điều trị hiệu quả.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ù tai. Nguyên nhân do các chấn thương, bệnh lý tại tai (tai ngoài, tai giữa, tai trong) và nguyên nhân “ngoài tai” như hậu quả của các bệnh lý từ những cơ quan khác.
Nhưng, nguyên nhân phổ biến nhất là do bị “phơi nhiễm” thời gian dài trong môi trường tiếng ồn lớn. Khoảng 90% số người bị ù tai có kèm theo nghe kém do chấn thương âm thanh ở một mức độ nào đó. Tiếng ồn lớn có thể gây tổn thương vĩnh viễn các tế bào tiếp nhận tín hiệu âm thanh ở ốc tai, nằm trong phần tai trong. Nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ là những công nhân cơ khí, công trường, nhà máy, xí nghiệp có dây chuyền máy móc ồn ã, bộ đội xe tăng, pháo binh, nghệ sĩ nhạc rock, người có thói quen nghe nhạc lớn, sử dụng tai nghe…
Dưới đây là một số tình trạng và bệnh lý khác có thể gây ra ù tai:
- Nút ráy tai, nhiễm trùng tai, u dây thần kinh thính giác, ung thư vòm họng
- Chấn thương đầu cổ
- Dùng nhiều thuốc aspirin, ibuprofen, thuốc kháng sinh gây độc tai trong như nhóm glycozide, quinolone, quinine.
- Thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm…
- Mắc bệnh Meniere - một tình trạng sũng nước của mê đạo tai trong
- Bệnh xốp xơ tai
- Bệnh rối loạn chức năng khớp thái dương hàm
- Mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, tự miễn, dị ứng, thiểu năng giáp, thiếu máu mạn
- Thoái hóa cột sống cổ
- Lão hóa do tuổi tác làm suy các thành phần trong tai.
Ngoài ra, những thói quen có thể làm nặng thêm chứng ù tai như uống nhiều rượu bia, cà phê, thuốc lá, thức khuya, lao lực và… “xì trét”.
Mách bạn 6 mẹo điều trị ù tai hiệu quả tại nhà
Khi bị ù tai phải làm sao, cách hết ù tai là gì hay làm sao để hết ù tai? Nếu tình trạng ù tai ở mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng các cách tự khắc phục để bớt đi cảm giác khó chịu làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt và nghỉ ngơi. Những mẹo này bao gồm:
1. Giảm tiếp xúc với những âm thanh lớn
Việc giảm tiếp xúc với âm thanh lớn có thể cải thiện chứng ù tai và tránh được những diễn tiến nặng hơn. Một số gợi ý cho việc này là:
- Hạn chế tiếp xúc với những nơi có tiếng ồn lớn
- Bảo vệ tai khỏi tiếng ồn lớn bằng các thiết bị chống ồn như dùng nút tai…
- Nếu làm việc trong môi trường ồn ào thì cứ sau 15 - 20 phút, nên đi ra một chỗ yên tĩnh nào đó để đôi tai có cơ hội được nghỉ ngơi.
- Nếu sử dụng tai nghe, hãy giảm âm lượng và không sử dụng chúng trong thời gian quá 60 phút.
2. Trị ù tai bằng cách sử dụng tiếng ồn trắng
Bạn có thể chữa ù tai bằng cách sử dụng quạt hoặc một dạng tiếng ồn “lành mạnh” khác như: băng ghi âm tiếng mưa rơi, tiếng nước chảy, tiếng sóng biển hoặc nhạc không lời để phần nào lấn át tiếng kêu trong tai. Biện pháp này sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất khi bạn ở trong môi trường yên tĩnh.
3. Có chế độ dinh dưỡng phù hợp
Các chuyên gia thính học khuyên người bị ù tai nên hỗ trợ sức khỏe của đôi tai bằng cách bổ sung axit béo omega-3 và vitamin D (thường được tìm thấy trong cá). Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, người có thói quen ăn cá mỗi tuần có thể làm giảm nguy cơ ù tai kéo dài.
Ngoài ra, cải bó xôi, đậu, bông cải xanh và các loại hạt cũng được khuyến khích sử dụng để giúp trị ù tai. Nguyên do là trong các thực phẩm này có chứa chất chống oxy hóa và axit folic. Những chất này có thể giúp giảm số lượng các gốc tự do hình thành trong cơ thể vì nó một trong các nguyên nhân gây ù tai.
4. Vận động thể chất thường xuyên
Việc tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng, thói quen ăn ngủ điều độ đi kèm với liệu trình thư giãn sẽ giúp cho các mạch máu lưu thông tốt. Điều này sẽ giúp cải thiện sức khỏe nói chung, từ đó có thể giúp chữa ù tai nói riêng. Bất kỳ các môn thể thao nào như: Đi bộ, đạp xe, bơi lội, thiền, yoga… đều mang đến những lợi ích nhất định cho người tập.
5. Sử dụng nhật ký hoạt động
Bạn hãy sử dụng nhật ký để ghi lại sự diễn biến của chứng ù tai, mức độ ảnh hưởng của nó. Một số yếu tố cần xem xét, có thể là tác động tiềm tàng làm tăng độ nặng của ù tai như caffeine, bia rượu, nicotine, muối, đường, chất ngọt nhân tạo, trứng, tình trạng căng thẳng, giấc ngủ… Cách chữa ù tai trong trường hợp này là nếu nghi ngờ tác nhân nào làm cho chứng ù tai trở nên tồi tệ hơn, hãy cố gắng tránh xa chúng.
6. Nghiệm pháp “tiếng trống trời”
Cách hết ù tai theo dân gian là như thế nào? Câu trả lời là khi bị ù tai, bạn có thể thử áp dụng “nghiệm pháp tiếng trống trời”. Đây là một mẹo của người cổ xưa, nó giống như là liệu pháp xoa bóp, kích thích thính giác, có tác dụng trong việc chữa trị ù tai và nghe kém. Cách thực hiện như sau:
- Lấy 2 lòng bàn tay úp kín lên vành tai và ống tai. Các ngón tay vòng ra sau đầu, ôm sát vào vùng chẩm. Dùng các ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út gõ đập nhẹ vào vùng xương chẩm. Lúc đó, trong tai sẽ nghe tiếng động âm vang như “tiếng trống trời”. Cứ gõ như vậy liên tục 60 cái.
- Sau đó để yên tư thế bàn tay như vậy và đè ép lòng bàn tay vào vùng vành tai và ống tai, nén khí vô ống tai rồi buông ra đột ngột. Lúc đó trong tai sẽ vang lên một tiếng “rắc” lớn. Cứ làm tiếp thế 9 cái là hoàn thành bài tập.
Mỗi lần tập cần lặp lại 3 lần bài này. Mỗi ngày tập 3 lần. Nếu kiên trì, bạn sẽ thấy được sự cải thiện rõ rệt.
Lưu ý, nếu ù tai dai dẳng và nặng nề, tiềm ẩn dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng hoặc do các nguyên nhân bệnh tật khác đã được xác định thì bạn phải tới để bác sĩ thăm khám, điều trị và theo dõi định kỳ. Tránh bỏ sót những nguy cơ tiềm ẩn và những biến chứng đáng tiếc.
[embed-health-tool-heart-rate]