Thưa "các" quý vị hay thưa quý vị?
Chữ “các” và thuật từ “quý vị” rất quen thuộc với người Việt
Trong những năm gần đây, có một cách xưng hô mới trước quần chúng được không ít người sử dụng, đó là thay vì nói: “Thưa quý vị” thì lại nói: “Thưa các quý vị”. Xem ra cách xưng hô này ngày càng phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền hình, trong các buổi họp quan trọng trong Quốc Hội cũng như ngoài xã hội. Một số quan chức cấp cao thường phát biểu ý kiến "chỉ đạo" tại hội nghị hay mít tinh, hoặc "khai từ" cho một buổi gặp gỡ, khen thưởng… mà chúng ta thường được chứng kiến trên màn ảnh nhỏ trong giờ tin tức. Hầu hết là những bài nầy thường được thư ký soạn thảo trước. Điều đáng ngạc nhiên là hai chữ "quý vị" được dùng khá phổ biến. Cụm từ "các vị khách quí" hoặc "các vị đại biểu" được thay thế bằng cụm từ "các quý vị…" một cách hồn nhiên. Một nhà lãnh đạo có học hàm, học vị cao nhất nước, từng làm hiệu trưởng đại học nhưng vẫn "thưa các quý vị" trong bài đọc hay nói chuyện trong buổi lễ!
Nhiều người không khỏi thắc mắc rằng: trước đám đông, cách xưng hô “quý vị” là thiếu hay “các quý vị” là thừa (chữ “các”)?
Theo Từ điển tiếng Việt (NXB KHXH-Trung tâm Từ điển học, 2004) thì từ "quý" ở đây mang nghĩa số nhiều khi đứng trước một danh từ, "dùng để gọi một cách lịch sự một số người" hay "một tổ chức nào đó nói chung" (trang 785) như "quý quan khách", "quý Bộ" chứ không có nghĩa là "có giá trị cao" như "quý báu" hay "quý kim". Như thế, cụm từ "các quý vị" thì chữ "các" ở đây là thừa, không thể đi cùng với từ "quý", hai từ mang nghĩa "số nhiều" liền nhau, nghe rất chói tai. Chỉ có thể là "các vị" hay "quý vị" mà thôi. Nếu cứ nói vậy, dễ bị hiểu nhầm là người mang bệnh "sính "chữ!