Khoai lang là một thực phẩm nằm trong nhóm thực phẩm giá thành rẻ nhưng tốt cho sức khỏe. Với thành phần dinh dưỡng phong phú, khoai lang không chỉ là nguồn bổ sung dưỡng chất mà còn phù hợp với nhiều chế độ ăn uống cũng như tình trạng sức khỏe khác nhau. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu lợi ích khi ăn khoai lang mỗi ngày và cách ăn khoai lang tốt nhất cho sức khỏe.
Ăn khoai lang mỗi ngày có tốt không?
Trước khi tìm hiểu lợi ích khi ăn khoai lang mỗi ngày, chúng ta sẽ cùng khám phá xem thực phẩm này có giá trị dinh dưỡng như thế nào nhé! Cứ 100g khoai lang chín sẽ cung cấp 119 calo, 0,8g protein, 0,2g chất béo, 28,5g glucid, 1,3g chất xơ cùng vitamin A, vitamin B, vitamin C, khoáng chất mangan, đồng, kali, niacin, chất chống oxy hóa,… với hàm lượng nhất định. Nếu ăn khoai lang mỗi ngày đúng cách và đủ lượng, chúng ta sẽ nhận được các lợi ích về sức khỏe như:
Khoai lang có tác dụng chống viêm
Trong khoai lang có chứa hàm lượng beta-carotene dồi dào, nhất là khoai lang vàng. Một chén khoai lang vàng thậm chí có thể đáp ứng 375% nhu cầu beta-carotene được khuyến nghị hàng ngày. Đây là thành phần có khả năng chống viêm hiệu quả, giúp phòng ngừa và giảm các triệu chứng viêm trong cơ thể.
Ăn khoai lang mỗi ngày để chống lại lão hóa
Carotenoid có trong khoai lang là một chất chống oxy hóa hiệu quả. Chất này có thể bảo vệ cơ thể khỏi tác động của tia tử ngoại, các khí và chất ô nhiễm khác trong môi trường. Nhờ đó, các tế bào trong cơ thể có thể giảm tốc độ lão hóa, giúp phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính.
Khoai lang là “thần dược” của hệ tiêu hóa
Ăn khoai lang trị táo bón điều này hầu hết mọi người đều đã biết. Chất xơ trong khoai lang sẽ hút các phân tử nước giúp chất thải mềm hơn, dễ đi ra ngoài hơn. Phòng ngừa táo bón rất quan trọng với bệnh nhân bị trĩ.
Khoai lang giúp giảm cân
Ăn khoai lang mỗi ngày với lượng vừa đủ sẽ hỗ trợ giảm cân khá tốt. Khoai lang giúp bạn có cảm giác no lâu hơn, hạn chế cảm giác đói và cảm giác thèm ăn vặt. Khoai lang cũng là thực phẩm có hàm lượng chất béo thấp. Vì thế, chúng ta thường thấy thực phẩm này thường xuyên có mặt trong các thực đơn giảm cân.
Thực phẩm lý tưởng cho người dị ứng gluten
Thành phần dinh dưỡng của khoai lang không chứa gluten. Vì vậy, những người bị dị ứng chất này có thể sử dụng khoai lang thay thế các thực phẩm chứa gluten như: Ngũ cốc, lúa mì, bánh mì, bánh kẹo ngọt, khoai tây, mạch nha,...
Dù khoai lang mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng chúng ta cũng chỉ nên ăn khoai lang mỗi ngày với lượng vừa đủ. Theo khuyến nghị, một người trưởng thành có sức khỏe bình thường không nên ăn quá 2 củ khoai lang mỗi ngày (tương đương 300g).
Tác hại khi ăn khoai lang quá nhiều
Ăn khoai lang nhiều có tốt không? Câu trả lời là không. Có thể kể đến những tác hại của khoai lang khi chúng ta có xu hướng lạm dụng thực phẩm này như:
- Ăn nhiều khoai lang có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Lý do là khoai lang có chứa hàm lượng axit oxalic dồi dào. Khi tiêu thụ một lượng quá nhiều, chất này không kịp đào thải ra ngoài cơ thể khiến thận bị quá tải. Axit oxalic tích tụ tạo thành các viên sỏi thận nhỏ rồi lớn dần theo thời gian.
- Khoai lang có chứa một loại carbohydrate tên là mannitol. Khi tiêu thụ với lượng quá nhiều chúng sẽ gây khó chịu ở dạ dày với các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, đau bụng.
- Nếu ăn khoai lang với lượng vừa phải có thể ổn định đường huyết ở mức bình thường. Nhưng nếu ăn quá nhiều có thể khiến chỉ số đường huyết tăng đột biến. Điều này không tốt cho bệnh nhân tiền tiểu đường hoặc tiểu đường.
- Khoai lang giàu kali, tốt cho tim mạch. Nhưng nếu ăn quá nhiều khoai lang dẫn đến dư thừa kali có thể gây tác dụng phụ như: Nhiễm độc kali, tăng kali máu, tức ngực, đau tim,…
- Tiêu thụ quá nhiều khoai lang trong thời gian dài có thể làm tăng nồng độ vitamin A trong máu và dẫn đến ngộ độc vitamin A. Dư thừa vitamin A cũng có thể gây khô da và tóc, rụng lông mày, môi nứt nẻ, ảnh hưởng đến chức năng gan.
- Khi ăn quá nhiều khoai lang, chúng ta sẽ có xu hướng giảm tiêu thụ các loại thực phẩm khác. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng không hề tốt cho sức khỏe.
Ăn khoai lang thế nào tốt nhất cho sức khỏe?
Ăn khoai lang mỗi ngày muốn tốt cho sức khỏe cũng cần biết cách. Vậy thế nào là ăn khoai lang đúng cách?
- Khoai lang không phải thực phẩm thích hợp để dùng trong bữa tối, nhất là người có hệ tiêu hóa kém. Quá trình tiêu hóa thức ăn buổi tối và ban đêm diễn ra chậm nên ăn khoai lang buổi tối dễ gây chướng bụng, khó tiêu, trào ngược acid dạ dày. Việc này đồng thời cũng sẽ gây mất ngủ. Thời điểm tốt nhất để ăn khoai lang là vào bữa sáng hoặc trưa.
- Ăn khoai lang khi bụng đói cồn cào sẽ làm tăng tiết dịch vị, dẫn đến nóng ruột, ợ chua. Đặc biệt, khi ta đói là lúc đường huyết thấp. Ăn khoai lang có thể gây hạ huyết áp khiến người mệt mỏi hơn.
- Khi chế biến khoai nên nướng hoặc luộc thật kỹ. Bạn cũng có thể cho thêm 1 chút rượu vào để phá hủy men gây khó tiêu trong khoai lang. Trong trường hợp lỡ ăn nhiều khoai lang buổi tối và bị chướng bụng, bạn có thể uống nước gừng để giảm triệu chứng.
- Khi ăn khoai lang bạn cũng không nên ăn cả vỏ khoai vì vỏ khoai không tốt cho hệ tiêu hóa. Chưa kể đến việc nấm mốc, vi khuẩn có thể trú ngụ ở các đốm đen trên vỏ khoai làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
- Khoai lang mọc mầm không chứa độc tố như khoai tây mọc mầm nên khi ăn sẽ không gây ngộ độc. Tuy nhiên, khi khoai mọc mầm, dinh dưỡng trong củ đã được dùng để nuôi dưỡng mầm cây nên hàm lượng dinh dưỡng giảm đi đáng kể.
- Bạn có thể chế biến khoai lang theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, khoai lang luộc, hấp hoặc nướng vẫn tốt cho sức khỏe hơn khoai lang chiên. Những người bị mỡ máu, thừa cân càng không nên chế biến khoai lang bằng cách chiên.
Ăn khoai lang mỗi ngày mang đến lợi ích gì và ăn khoai lang thế nào tốt nhất cho sức khỏe có lẽ đến đây bạn đã biết. Hãy sử dụng khoai lang đúng cách, đủ lượng để khai thác được hết các công dụng của thực phẩm này bạn nhé!
Xem thêm:Khoai tây kỵ gì? Lưu ý cách ăn khoai tây tốt cho sức khỏe