1. Tìm hiểu về cơ chế hoạt động của vắc xin thủy đậu
Vắc xin nói chung và vắc xin thủy đậu nói riêng được điều chế từ vi sinh vật gây bệnh này, cụ thể là virus Varicella Zoster sống. Tuy nhiên virus này đã được xử lý nhiệt hoặc bức xạ để giảm độc lực, không còn khả năng gây bệnh khi được tiêm vào cơ thể người.
Thủy đậu thường gặp nhất ở trẻ nhỏ
Vắc xin chứa kháng nguyên này khi cơ thể tiếp nhận, hệ miễn dịch sẽ nhận biết và làm quen với kháng nguyên đặc trưng này. Sau đó sản xuất kháng thể đặc hiệu tiêu diệt tác nhân lạ mang kháng nguyên. Sau khi tiêm vắc xin, khi tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể thực sự, hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra và dễ dàng tiêu diệt nhờ vào kháng thể có sẵn.
Miễn dịch với virus gây bệnh thủy đậu có được khi người bệnh mắc phải hoặc nhờ tiêm phòng. Kháng thể miễn dịch này tồn tại lâu dài trong máu, giúp bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên 1 số trường hợp, theo thời gian kháng thể trong máu này giảm dần dẫn đến khả năng miễn dịch kém đi.
Trẻ sơ sinh có thể nhận kháng thể chống thủy đậu từ mẹ
Miễn dịch mẹ có được có thể truyền một phần qua nhau thai cho thai nhi, khi trẻ sinh ra sẽ được bảo vệ ngay lập tức. Tuy nhiên miễn dịch thụ động nhận từ mẹ này không duy trì lâu, thường chỉ kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Vì thế khi trẻ đủ tuổi vẫn cần đi tiêm vắc xin ngừa thủy đậu.
2. Vắc xin thủy đậu tiêm mấy mũi và lịch tiêm cụ thể
Dựa trên nghiên cứu về tác dụng của vắc xin trong việc hình thành kháng thể kháng bệnh, đem đến hiệu quả phòng bệnh thủy đậu, tùy vào loại vacxin và độ tuổi tiêm vắc xin sẽ có khuyến cáo cụ thể. Thời gian giữa hai mũi tiêm là cần thiết để cơ thể hình thành kháng thể trước khi tiếp nhận liều tiêm bổ sung sau.
Tuy nhiên thời điểm tiêm thích hợp của 2 mũi tiêm này với mỗi đối tượng là khác nhau. Những đối tượng có thể tiêm phòng vắc xin thủy đậu là trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên (hoặc 9 tháng tuổi trở lên với vắc xin Varilrix) và người trưởng thành chưa từng mắc bệnh.
Thời điểm tiêm thích hợp như sau:
2.1. Vắc xin Varicella
Lịch tiêm cụ thể với từng đối tượng:
Trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi: 2 mũi:
> Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
> Mũi 2: mũi 2 lúc 4 - 6 tuổi.
Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: 2 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng
Phụ nữ đang có dự định mang thai nên hoàn tất lịch tiêm thủy đậu trước khi có thai ít nhất 3 tháng.
2.2. Vắc xin Varivax
Lịch tiêm cụ thể:
Trẻ 12 tháng tuổi - 12 tuổi: Tiêm 1 liều Varivax 0.5ml.
Người lớn và trẻ em trên 13 tuổi, chưa mắc thủy đậu lần nào: Tiêm 2 mũi:
> Mũi 1: Là mũi tiêm lần đầu, liều 0.5ml.
> Mũi 2: Tiêm sau mũi 1 khoảng 4 - 8 tuần, liều 0.5ml.
Với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: Mũi tiêm đầu tiên có thể tự chọn, mũi tiêm sau tiêm cách mũi đầu ít nhất 3 tháng.
Với trẻ từ 13 tuổi trở lên và người trưởng thành: Mũi tiêm đầu tiên có thể tự chọn, mũi tiêm nhắc lại cách mũi tiêm đầu ít nhất 1 tháng.
Vắc xin Varilrix có thể tiêm phòng cho trẻ từ 9 tháng tuổi
2.3. Vắc xin Varilrix
Loại vắc xin này có tác dụng phòng thủy đậu cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, lịch tiêm như sau:
Với trẻ từ 9 tháng tuổi đến 12 tuổi: Sau mũi đầu tự chọn, mũi tiêm 2 tiêm sau mũi đầu ít nhất 6 tuần.
Với trẻ từ 13 tuổi và người trưởng thành: Sau mũi đầu tiên, mũi tiêm sau bắt buộc phải tiêm sau ít nhất 6 tuần.
Riêng với phụ nữ mang thai, vắc xin thủy đậu là vắc xin sống, nghĩa là virus vẫn có nguy cơ phát triển và gây bệnh nên không tiêm phòng trong thai kỳ dù trong trường hợp nào. Thay vào đó, phụ nữ có ý định mang thai nên chủ động tiêm phòng và kết thúc mũi tiêm thứ 2 trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
Nếu mang thai và nhiễm thủy đậu do cơ thể không có kháng thể hoặc kháng thể yếu, nhất là trong khoảng 20 tuần thai đầu, bệnh có thể gây biến chứng sảy thai, dị tật thai,…
Mặc dù có thể chủ động tiêm mũi vắc xin thủy đậu đầu tiên nhưng do cơ thể cần 1 - 2 tuần để sản xuất kháng thể chống lại bệnh nên trẻ nên được tiêm phòng trước mùa dịch khoảng 1 tháng. Mùa dịch thủy đậu ở nước ta là vào khoảng tháng 2 - 6 hàng năm.
Mặc dù nghiên cứu chứng minh sau tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin thủy đậu, hiệu quả phòng ngừa bệnh có thể đạt tới 95%. Tuy nhiên sau thời gian hoặc do yếu tố tác động, lượng kháng thể trong cơ thể có thể giảm xuống, hiệu quả phòng bệnh cũng kém đi. Lúc này, bạn có thể lựa chọn tiêm một mũi vắc xin bổ sung để tăng kháng thể kháng nguyên virus thủy đậu trong cơ thể.
Kháng thể hình thành đầy đủ sau tiêm vắc xin khoảng 6 tuần
3. Một số lưu ý khi tiêm phòng vắc xin thủy đậu
Ngoài nắm được vắc xin thủy đậu tiêm mấy mũi, để đảm bảo an toàn cũng như đạt hiệu quả phòng ngừa bệnh tốt nhất khi tiêm, dưới đây là một số lưu ý bạn cần ghi nhớ:
Không tiêm phòng hoặc thông báo với bác sĩ để kiểm tra phản ứng trước nếu trẻ có tiền sử dị ứng nặng, sốc phản vệ khi tiêm vắc xin.
Không tiêm phòng thủy đậu với trẻ có sức khỏe yếu, hệ miễn dịch suy giảm như: người bị ung thư, đang điều trị với hóa trị liệu, nhiễm HIV, bệnh lao, bất thường về máu,…
Nên dời lịch tiêm phòng cho trẻ nếu trẻ không đảm bảo về sức khỏe, gặp phải các tình trạng: Sốt cao, viêm da có mủ, bệnh mạn tính tiến triển như viêm thận, lao phổi, viêm gan, trẻ vừa khỏi bệnh đang trong thời gian phục hồi sức khỏe, đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính,…
Sau khi tiêm phòng 6 tuần, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh thủy đậu hoặc người nghi ngờ mắc bệnh do lúc này kháng thể trong cơ thể chưa thực sự đầy đủ.
Sau tiêm phòng, cả trẻ nhỏ và người lớn tuổi đều nên ở lại trung tâm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi phản ứng của cơ thể. Nếu có dấu hiệu bất thường như: sốt, cơ thể tím tái, buồn nôn, choáng váng,… cần thông báo cho bác sĩ để kiểm tra.
Vị trí tiêm cần được vệ sinh sạch sẽ, dán băng gô bảo vệ, không bôi hoặc đắp thứ gì lên để tránh nhiễm trùng dẫn tới sưng viêm.
Sau tiêm vắc xin thủy đậu trẻ có thể có một vài phản ứng nhẹ
Nắm được thông tin vắc xin thủy đậu tiêm mấy mũi và lịch tiêm cụ thể sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe của trẻ và gia đình một cách chủ động.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã và đang cung cấp dịch vụ tiêm vắc xin thủy đậu cho người dân cả nước. Nếu còn thắc mắc khác về tiêm phòng vắc xin này, hãy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được hỗ trợ qua hotline 1900565656.