Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin -Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa.
Vắc-xin phòng Sởi - Quai bị - Rubella có thể tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi, quai bị và rubella với khả năng phòng bệnh cao lên đến 95% và số mũi tiêm ít.
1. Tổng quan về bệnh sởi, quai bị, rubella
- Bệnh sởi:
Bệnh sởi do virus sởi gây ra, bệnh lây lan qua đường hô hấp, nước mũi, nước bọt của người mang mầm bệnh, đặc biệt với người chưa có miễn dịch đặc hiệu. Bệnh sởi nguy hiểm vì có thể gây viêm tai giữa , viêm thanh quản, viêm phế quản - phổi, viêm màng não, ...
Khi phát bệnh, người bệnh sẽ bị sốt, phát ban lúc đầu ở mặt sau đó lan ra toàn thân, có thể kèm theo chảy mũi, ho và đỏ mắt, chảy nước mắt.
- Bệnh quai bị:
Bệnh do virus quai bị gây ra, bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp, có thể tạo thành dịch trong cộng đồng. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất của bệnh quai bị là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ, kèm theo sốt, sưng và đau hạch góc hàm. Biến chứng đáng lo của bệnh gây ra là khiến 20 - 35% nam giới sau tuổi dậy thì mắc quai bị bị viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn - nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì dễ gây vô sinh ở nam giới.
- Bệnh rubella:
Bệnh do virus rubella gây ra, bệnh có những biểu hiện giống như bệnh sởi nhưng thường nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai, bệnh đặc biệt nguy hiểm vì có thể gây dị tật nặng nề cho thai nhi như đục thủy tinh thể, điếc, khuyết tật tim bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ.., thậm chí có thể khiến thai nhi ngừng phát triển.
Sởi, quai bị và Rubella đều là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua đường hô hấp, nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nặng nề, đặc biệt với trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai, do vậy, mọi người cần có phương pháp để phòng bệnh hữu hiệu.
2. Phòng bệnh sởi, quai bị, rubella bằng cách nào?
Hiện có nhiều loại vắc-xin để phòng bệnh sởi, bệnh quai bị và rubella, trong đó vắc-xin kết hợp (vắc-xin 3 trong 1) Sởi - Quai bị - Rubella được nhiều người tin tưởng lựa chọn.
Vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella được điều chế từ vi rút sởi chủng Edmonston-Zagreb, vi rút quai bị chủng L-Zagreb (L-Z) và vi rút rubella chủng Wistar RA 27/3 sống, giảm độc lực. Vi rút sởi và rubella được nuôi cấy trên tế bào lưỡng bội người (HDC), vi rút quai bị được nuôi cấy trên nguyên bào sợi từ trứng gà sạch SPF. Vắc-xin được đông khô và có nước hồi chỉnh kèm theo. Vắc-xin đạt được các tiêu chuẩn của WHO khi kiểm tra bằng các phương pháp theo hướng dẫn trong tạp chí WHO TRS 840 (1994).
3. Vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella tiêm khi nào?
Vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella tiêm khi nào là câu hỏi nhiều người quan tâm. Theo đó, phác đồ tiêm vắc-xin sởi - quai bị - rubella để phòng bệnh sởi, quai bị, rubella có sự khác nhau giữa các độ tuổi. Cụ thể như sau:
Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 7 tuổi:
- Mũi 1 là lần tiêm đầu tiên.
- Mũi 2 khi trẻ 4 - 6 tuổi hoặc sớm hơn nếu có dịch xảy ra. Mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn:
- Mũi 1 là lần tiêm đầu tiên.
- Mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Trường hợp có ý định mang thai, bạn nên tiêm vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella trước khi có thai ít nhất 1 tháng, tốt nhất là trước 3 tháng. Mặc dù chưa có báo cáo về ảnh hưởng tiêu cực của vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella đối với thai nhi, nhưng Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo phụ nữ không tiêm các mũi vắc-xin sống như vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella trong thời gian mang thai.
Đồng thời, tiêm vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella trước khi có thai 3 tháng sẽ giúp cơ thể người mẹ có thời gian tạo miễn dịch đầy đủ, bảo vệ thai nhi hiệu quả, đặc biệt trong những tháng đầu của thai kỳ.
4. Lưu ý khi tiêm vắc-xin Sởi quai bị rubella
4.1. Chỉ định tiêm vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella trong trường hợp nào?
Nên tiêm vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella trong các trường hợp sau:
- Tiêm phòng cho trẻ em suy dinh dưỡng;
- Có thể tiêm vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella cho trẻ em nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm vi rút HIV;
- Ở trẻ trên 10 tuổi, thanh thiếu niên và người trưởng thành, khuyến cáo nhắc lại đối với sởi và rubella;
- Tiêm nhắc lại có thể làm chuyển dịch huyết thanh cho những người không có đáp ứng với mũi tiêm thứ nhất hoặc tăng cao hiệu giá kháng thể ở những người đã tiêm vắc-xin nhưng hiệu giá kháng thể bị giảm;
- Ủy ban tư vấn về thực hành tiêm chủng (ACIP) khuyến cáo nên tiêm MMR mũi thứ nhất ở 12-15 tháng tuổi và mũi thứ 2 ở 4-6 tuổi;
- Tiêm chủng cho nữ giới độ tuổi thanh thiếu niên và trưởng thành không mang thai được chỉ định nếu có những cảnh báo chắc chắn;
- Vắc-xin có thể được tiêm cùng với DTP, DT,TT,Td, BCG và vắc-xin Polio (OPV và IPV), Haemophilus influenza tuýp b, vắc-xin viêm gan B, vắc-xin sốt vàng và bổ sung vitamin A.
4.2. Chống chỉ định tiêm vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella trong trường hợp nào?
- Những người đang sử dụng corticosteroids, các thuốc ức chế miễn dịch khác hoặc đang xạ trị có thể không có đáp ứng miễn dịch tối ưu;
- Không được tiêm vắc-xin cho những người đang bị sốt, mang thai, mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh bạch cầu, thiếu máu nghiêm trọng và các bệnh nặng khác về máu, có tổn thương chức năng thận, bệnh tim mất bù, đang sử dụng gammaglobulin hoặc truyền máu hoặc những người dị ứng với các thành phần của vắc-xin;
- Chống chỉ định tuyệt đối với người có phản ứng quá mẫn hoặc dạng quá mẫn với neomycin, có tiền sử phản ứng quá mẫn hoặc dạng quá mẫn với trứng (phản ứng quá mẫn với trứng);
- Chống chỉ định tiêm vắc-xin cho những người tổn thương nghiêm trọng hệ miễn dịch do mắc bệnh bẩm sinh, nhiễm HIV, bệnh bạch cầu hoặc lympho tiến triển, các bệnh ác tính, hoặc đang điều trị bằng steroid liều cao, bằng các tác nhân alky hóa hoặc các chất chống chuyển hóa, hoặc ở những người xạ trị để điều trị suy giảm miễn dịch.
- Không được tiêm vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella cho phụ nữ có thai vì có thể có nguy cơ gây quái thai mặc dù chưa được chứng minh. Việc vô tình tiêm vắc-xin MMR không phải là điều kiện để chỉ định bỏ thai. Vì vắc-xin MR được chỉ định cho người lớn, nếu có kế hoạch có thai, phải cách ba tháng sau khi tiêm vắc-xin MMR.
4.3. Phản ứng phụ sau khi tiêm vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella
Phản ứng phụ do thành phần có trong vắc-xin sởi:
- Trong vòng 24 tiếng sau khi tiêm, vắc-xin sởi có thể gây đau nhẹ và nhạy cảm ở vùng tiêm. Trong phần lớn các trường hợp, các triệu chứng thường tự khỏi sau 2 đến 3 ngày mà không cần có sự can thiệp về y tế.
- Sốt nhẹ cũng có thể xảy ra trong khoảng 7-12 ngày sau tiêm và kéo dài 1-2 ngày, chiếm tỷ lệ 5-15% người được tiêm.
- Phát ban xảy ra với khoảng 2% người được tiêm, thường bắt đầu từ 7-10 ngày sau tiêm và kéo dài 2 ngày.
- Viêm não đã được báo cáo khi tiêm vắc-xin sởi với tỷ lệ khoảng một trên một triệu trường hợp, tuy vậy có mối liên quan đến vắc-xin hay không vẫn chưa được chứng minh.
Phản ứng phụ do thành phần có trong vắc-xin quai bị:
- Thành phần quai bị có thể gây viêm tuyến mang tai và sốt nhẹ.
- Sốt động kinh và viêm tinh hoàn cũng có thể xảy ra .
- Hiếm khi xảy ra viêm màng não vô khuẩn. Vắc-xin liên quan đến viêm màng não thường diễn ra trong khoảng dưới 1 tuần và không để lại di chứng. Vắc-xin liên quan đến viêm màng não vô khuẩn thường được phát hiện trong khoảng 15-35 ngày sau tiêm.
Phản ứng phụ do thành phần có trong vắc-xin rubella:
- Thành phần rubella có thể gây nên những triệu chứng như đau khớp (25%) và viêm khớp (10%) ở nữ giới độ tuổi thanh thiếu niên và trưởng thành, các triệu chứng này thường kéo dài từ vài ngày đến hai tuần. Tuy nhiên, các phản ứng này rất hiếm gặp ở trẻ em và nam giới (0-3%). Các triệu chứng điển hình bắt đầu từ 1-3 tuần sau khi tiêm và kéo dài từ 1 ngày đến 2 tuần.
- Người tiêm phòng có thể bị sốt nhẹ và ngứa, nổi hạch bạch huyết, đau cơ và cảm giác khó chịu.
- Bị giảm lượng tiểu cầu, tuy nhiên rất hiếm gặp và được báo cáo với tỷ lệ dưới 1 trường hợp/30.000 người tiêm.
- Các phản ứng sốc phản vệ cũng hiếm khi gặp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.