1. Sữa đậu nành có tác dụng gì?
Sữa đậu nành được nghiên cứu và chứng minh có chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Những tác dụng có thể kể đến của đậu nành bao gồm:
- Cung cấp cho cơ thể hàm lượng vitamin và khoáng chất thiết yếu: Trong đậu nành có chứa các vitamin như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), vitamin E...Rất giàu các khoáng chất như Canxi, sắt, Mg, K, Na rất tốt cho sức khỏe của cả trẻ em và người lớn.
- Cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết: Trong 100ml sữa đậu nành cung cấp khoảng 3,1g protein, 1,6g chất béo, 0,4g gluxit. Đạm trong sữa đậu nành cũng chứa đầy đủ các acid amin cần thiết cho cơ thể, Còn chất béo trong đậu nành chứa nhiều acid béo không no tốt cho những người đang cần giảm chất béo do thừa cân, béo phì, bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường...
- Hàm lượng calo thấp: Trong khoảng 100ml sữa đậu nành thì cung cấp cho cơ thể khoảng 28 calo, trong khi đó sữa tươi nguyên chất là 62 calo. Từ đó giúp hạn chế tình trạng tăng cân, giúp giảm cân nặng mà vẫn cung cấp dinh dưỡng cần thiết.
- Trong sữa đậu nành còn chứa chất isoflavone giúp bổ sung thêm estrogen của phụ nữ có tuổi, chống loãng xương, phòng trị ung thư vú.
- Cải thiện chức năng hệ tim mạch: Sữa đậu nành giúp giảm cung cấp các chất béo no trong cơ thể, điều đặc biệt giúp giảm cholesterol trong máu. Một chất gây ra hình thành mảnh xơ vữa trên thành mạch, cản trở sự lưu thông máu.
2. Uống nhiều sữa đậu nành có tốt không?
Sữa đậu nành là sản phẩm có nhiều dinh dưỡng được khuyên dùng, đặc biệt với những người có nguy cơ hay mắc bệnh tim mạnh thì đây là một lựa chọn tốt. Nhưng trong sữa đậu nành cũng chứa một chất có tên là isoflavone giống estrogen. Nên nhiều người lo lắng việc bổ sung sữa đậu nành có thể gây ra dậy thì sớm ở trẻ. Tuy nhiên, thực tế hàm lượng này có trong đậu nành rất thấp, nếu như một ngày uống khoảng 300 đến 500 ml tương ứng với việc bổ sung từ 30 đến 50g sữa đậu nành hoặc có khi thấp hơn, cho nên hàm lượng estrogen trong sữa này cũng không đáng kể, không gây ảnh hưởng đến phát triển nội tiết của bé.
Nhưng cũng không nên uống quá 500ml sữa đậu nành đối với người trưởng thành và hàm lượng thấp hơn với trẻ em khoảng dưới 300ml. Bởi việc uống nhiều sữa đậu nành có thể gây ra rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đầy bụng và các chất dinh dưỡng không thể hấp thụ được hết. Ngoài ra, trong các chế phẩm sữa đậu nành thường có cho thêm đường và việc bổ sung quá nhiều cũng khiến cơ thể cung cấp quá nhiều đường, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Xem ngay:Ai không nên uống sữa đậu nành
3. Những lưu ý khi dùng sữa đậu nành
Để sử dụng sữa đậu nành một cách tốt nhất, vừa đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cần thiết mà lại có thể không gây những ảnh hưởng tới sức khỏe thì cần lưu ý:
- Không uống sữa đậu nành chưa đun sôi kỹ: Trong sữa đậu nành chưa đun có chứa chất ức chế men trypsinogen, saponin và một số hợp chất không tốt khác. Khi đun sôi các hợp chất này sẽ bị phân hủy, giảm một phần lớn những ảnh hưởng với cơ thể. Nên không uống đậu nành khi sống hoặc chưa được đun sôi kỹ.
- Không nên bảo quản sữa trong ấm: Nhiệt độ trong phích hay ấm không phù hợp với sữa đậu nành, nó có thể làm vi khuẩn tấn công nhanh chóng. Từ đó làm sữa bị chua, hỏng chỉ sau vài giờ. Nên bảo quản sữa trong tủ lạnh để được hạn dài nhất.
- Hạn chế dùng đường pha với sữa đậu nành và đặc biệt là đường đỏ: Trong đường đỏ có chứa nhiều axit hữu cơ có tác dụng kết hợp các chất protein, canxi tạo thành các hợp chất khác làm mất đi các chất dinh dưỡng của sữa đậu nành, giảm sự hấp thu và tiêu hóa sữa này của cơ thể.
- Nên uống sữa đậu nành với các chế phẩm có chứa tinh bột: Để tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể bạn nên dùng chung với bánh mì, bánh bao, sau ăn cơm...
- Tránh ăn đậu nành cùng với trứng: Bởi thành phần có trong đậu nành có thể kết hợp với protein của lòng trắng trứng dẫn tới việc giảm giá trị dinh dưỡng. Nên tránh ăn cùng lúc.
- Tránh sử dụng quá nhiều: Như đã phân tích thì việc tiêu thụ quá nhiều sữa đậu nành sẽ không tốt cho cơ thể. Nên người lớn chỉ nên hạn chế ở mức dưới 500ml/ngày.
- Không dùng sữa đậu nành để uống thuốc: Thuốc chỉ nên uống với nước trắng, tránh việc sử dụng bất kỳ dung môi khác để uống thuốc, kể cả sữa đậu nành. Bởi các thành phần trong đó có thể tương tác thuốc gây tác dụng không tốt với cơ thể.
Ngoài ra, việc sử dụng sữa đậu nành có thể cản trở cơ thể hấp thụ kẽm. Cho nên, bạn cần thêm kẽm vào chế độ ăn và nên dùng xa so với đậu nành.
Sữa đậu nành rất tốt đối với cơ thể, tuy nhiên uống nhiều sữa đậu nành thì cũng không cần thiết và không tốt cho cơ thể. Cho nên chúng ta chỉ nên bổ sung một lượng vừa đủ để tránh tác động xấu của sữa đậu nành và nên bổ sung cả những dưỡng chất từ nguồn thực phẩm khác.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.