1. Nguyên nhân gây táo bón
Khi đại tiện, nếu phân khô cứng, khó đào thải ra ngoài, kèm theo đó là cảm giác đau rát hậu môn khi rặn thì lúc này, bạn đã bị táo bón. Trước khi trả lời câu hỏi bị táo bón nên ăn gì, chúng ta cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Thói quen nhịn đi đại tiện
Một số người, vì nhiều lý do khác nhau mà có thói quen nhịn đi đại tiện. Thói quen này kéo dài sẽ gây ra táo bón. Bởi nếu bạn nhịn đi đại tiện thì phân không được đào thải ra ngoài, mà tiếp tục “tích tụ” trong cơ thể. Lâu dần, phân trở nên nhiều, nặng và cứng hơn, khiến việc đi vệ sinh trở nên khó khăn.
Thói quen nhịn đi đại tiện sẽ khiến phân trở nên nặng, cứng, gây ra táo bón
Hấp thụ quá nhiều sắt
Với người trưởng thành, khỏe mạnh, thì mỗi ngày, cơ thể cần 8mg sắt. Nếu nồng độ sắt cao hơn mức này, thì hoạt động của nhu động ruột sẽ bị ảnh hưởng, gây ra táo bón. Do đó, nếu muốn bổ sung thêm sắt, nhất là với phụ nữ đang mang thai và cho con bú, thì nhất thiết phải bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý bổ sung viên uống sắt một cách tùy tiện.
Chế độ ăn ít chất xơ
Đây là nguyên nhân gây táo bón rất phổ biến, có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Và không phải ngẫu nhiên mà nhiều người thắc mắc bị táo bón nên ăn gì bởi chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề đi đại tiện. Theo đó, trong thực đơn ăn uống hàng ngày, nếu dung nạp quá nhiều đạm và chất béo mà không bổ sung chất xơ trong rau củ quả thì bất cứ ai cũng sẽ bị táo bón.
Rối loạn chức năng sàn chậu
Rối loạn chức năng sàn chậu khiến các cơ ở vùng bụng không thể co, các cơ ở vùng sàn chậu không giãn. Điều này cản trở quá trình đào thải phân ra ngoài, khiến việc đi đại tiện gặp khó khăn, gây ra táo bón.
Rối loạn chức năng sàn chậu khiến việc đi đại tiện không được tự nhiên, dẫn đến táo bón
Tác dụng phụ của thuốc
Táo bón có thể là do tác dụng phụ của thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau,… Ngoài ra, một số người bị phụ thuộc vào thuốc nhuận tràng do sử dụng thường xuyên với liều cao. Khi không uống thuốc thì không thể đi đại tiện, hoặc quá trình đại tiện gặp nhiều khó khăn.
2. Bị táo bón nên ăn gì để cải thiện tình trạng?
Bạn có thể cải thiện chứng táo bón bằng cách thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày. Vậy bị táo bón nên ăn gì?
Trái cây
Trái cây được coi là “thực phẩm vàng” với sức khỏe. Bởi chúng giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ mà lại ít calo. Để khắc phục táo bón, bạn nên tăng cường ăn trái cây, đặc biệt là táo, lê, cam, chuối, đu đủ, thanh long, dâu tây, việt quất, mận khô,… Dù ăn trực tiếp hay làm nước ép, sinh tố, salad thì đều mang lại hiệu quả như nhau.
Trái cây có tác dụng phòng ngừa và cải thiện táo bón hiệu quả
Rau xanh
Cùng với trái cây, rau xanh cũng được xem là “thuốc nhuận tràng” cực kỳ hữu hiệu. Hàm lượng chất xơ dồi dào trong rau xanh vừa tăng cường hoạt động của nhu động ruột, vừa giúp làm mềm phân, nhờ đó, khắc phục hiệu quả tình trạng táo bón. Do đó, đừng quên bổ sung rau xanh, đặc biệt là rau mồng tơi, rau lang, rau dền, súp lơ,… trong các bữa ăn hàng ngày.
Khoai lang, các loại đậu
Khoai lang chứa nhiều chất xơ, nước, vitamin và khoáng chất. Còn các loại đậu như đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, mè,… thì chứa nhiều chất béo tự nhiên. Vì thế, nếu không biết bị táo bón nên ăn gì để cải thiện thì khoai lang và các loại đậu là một gợi ý. Đây đều là những thực phẩm có tác dụng nhuận tràng, kích thích hệ tiêu hóa.
Sữa chua
Sữa chua chứa lượng lớn các lợi khuẩn, đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa. Một hũ sữa chua mỗi ngày sẽ giúp đường ruột thêm khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa và cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả.
Sữa chua cũng là cái tên không thể bỏ qua nếu bạn muốn phòng ngừa và khắc phục chứng táo bón
Nước lọc, nước ép
Bạn nên duy trì thói quen uống nhiều nước mỗi ngày. Bởi nước không chỉ giúp quá trình thanh lọc, đào thải độc tố diễn ra thuận lợi, mà còn hỗ trợ hoạt động của nhu động ruột cũng như làm mềm phân. Vì vậy, để phòng ngừa và cải thiện táo bón, hãy uống thật nhiều nước. Có thể kết hợp nước lọc với sinh tố trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất để tốt cho sức khỏe.
Song song đó, hãy xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh, thường xuyên vận động, không nên ngồi một chỗ quá lâu. Đặc biệt, hạn chế ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và tránh xa uống thức uống có ga, rượu bia,…
Trong những trường hợp dưới đây, bạn cần đến gặp bác sĩ:
Không đi đại tiện trong 4 - 5 ngày.
Bụng căng trướng, sờ vào thấy cứng.
Tình trạng táo bón kéo dài trên 3 tuần.
Đi đại tiện khó khăn kèm đau bụng dữ dội.
Có máu trong phân.
Mệt mỏi, suy nhược, nôn mửa, nóng sốt, ngất xỉu, mất ý thức,…
Tình trạng táo bón ngày càng nghiêm trọng, tốt nhất nên đến gặp bác sĩ để kịp thời chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan
Nhìn chung, nếu bị táo bón kéo dài và nghiêm trọng, nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị. Bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm loét đại tràng, viêm túi thừa, tắc ruột, hội chứng ruột kích thích,…
Mọi nhu cầu khám chữa các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, bạn có thể đến Chuyên khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm, cùng hệ thống máy móc, đặc biệt là dàn máy nội soi hiện đại sẽ giúp chẩn đoán chính xác tình trạng và đưa ra hướng điều trị hiệu quả. Quý khách vui lòng liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ đặt lịch khám nhằm tiết kiệm thời gian và công sức đi lại.