Trẻ sơ sinh bị són ị nhiều lần không phải là tình trạng hiếm gặp đối với các mẹ bỉm khi chăm con. Tuy nhiên, khi tình trạng này kéo dài dai dẳng, các bậc phụ huynh đều sẽ rất lo lắng liệu con yêu có đang gặp phải vấn đề về sức khỏe hay không? Nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng này và cách xử lý như thế nào mới chính xác? Tất cả những thắc mắc ấy sẽ được Nhà thuốc Long Châu giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.
Hiện tượng trẻ sơ sinh bị són ị nhiều lần là gì?
Ở giai đoạn đầu đời, tần suất đi ngoài của các em bé đều sẽ phụ thuộc vào chế độ ăn uống hàng ngày. Nếu bé được bú sữa mẹ thì tần suất đi ngoài là từ 3 - 5 lần/ngày, còn nếu uống sữa công thức thì tần suất sẽ ít hơn.
Việc trẻ sơ sinh ị són nhiều lần trong ngày chủ yếu là do hệ tiêu hóa đang trong quá trình hoàn thiện. Điều này thường là một hiện tượng sinh lý bình thường ở cơ thể chứ không phải do một bệnh lý nào gây nên.
Khi trẻ sơ sinh bị són ị, thường sẽ có một lượng phân rất ít dính vào tã hoặc bỉm. Bên cạnh đó, một số trẻ sẽ có hiện tượng sôi bụng, phát ra âm thanh ọc ọc, ợ hơi, nôn trớ hay ọc sữa. Thống kê cho thấy có đến 2/3 trẻ sơ sinh ở giai đoạn từ 3 - 18 tuần tuổi đều sẽ gặp tình trạng này.
Lý do vì sao trẻ sơ sinh són ị nhiều lần trong ngày?
Nguyên nhân gây ra tình trạng són ị ở trẻ sơ sinh có thể đến từ nhiều lý do khác nhau. Một số trẻ là xuất phát từ hiện tượng sinh lý của cơ thể, một số trường hợp nặng hơn thì có thể liên quan đến các vấn đề về tiêu hóa. Vì vậy, bố mẹ cần xác định được nguyên nhân cụ thể để có biện pháp khắc phục hiệu quả, giúp con yêu cảm thấy dễ chịu hơn.
Táo bón
Nếu trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều lần trong ngày và phân mỗi lần thải ra chỉ là một vài viên khô, cứng rất nhỏ thì có thể đó là dấu hiệu của táo bón. Khi bị táo bón, trẻ sẽ rất khó khăn trong việc đi ngoài, thậm chí chỉ cần hắt hơi nhẹ, ho mạnh một chút cũng có thể bị són ị không kiểm soát.
Trẻ không hợp với sữa công thức
Trẻ sơ sinh bị són ị nhiều lần khi uống sữa công thức có thể xuất phát từ việc hàm lượng dinh dưỡng trong sữa quá cao, gây quá tải cho hệ tiêu hóa của trẻ. Hoặc ở một số trường hợp, khi uống sữa có chứa thành phần đạm A1 ß-casein, một loại đạm gây rối loạn tiêu hóa có xuất hiện nhiều trong các loại sữa bò, cũng dễ khiến trẻ bị són ị nhiều lần trong ngày. Bên cạnh đó, nếu mẹ pha sữa không đúng tỉ lệ, làm hàm lượng dinh dưỡng trong sữa bị thay đổi, sẽ có thể gây ra tình trạng tiêu chảy và đi ngoài són nhiều ở trẻ.
Chế độ dinh dưỡng của mẹ chưa lành mạnh
Với hầu hết trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn thức ăn duy nhất có tác động trực tiếp đến tần suất đi ngoài và kết cấu phân của trẻ. Nếu chế độ dinh dưỡng của mẹ có chứa nhiều loại thực phẩm khó tiêu như hải sản, đậu phộng, dầu mỡ, đồ ngọt, thức ăn nhanh... Thì hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ sẽ dễ gặp tình trạng quá tải, từ đó dẫn đến hiện tượng sôi bụng gây són ị và khó đi ngoài ở trẻ.
Sự tác động từ một số bệnh lý
Ngoài những nguyên nhân kể trên, việc trẻ sơ sinh bị són ị nhiều lần trong ngày, cũng có thể là ảnh hưởng từ một số bệnh lý như hẹp hậu môn, loạn khuẩn đường ruột hay phình đại tràng... Bên cạnh đó, nếu bố mẹ phát hiện phân của bé có màu đỏ hoặc có mùi lạ thường thì cần lập tức đưa con đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra và có phác đồ điều trị phù hợp.
Tình trạng trẻ sơ sinh són ị kéo dài có nguy hiểm không?
Hầu hết trẻ sơ sinh bị són ị là do hệ tiêu hóa của bé chưa thực sự hoàn thiện. Mẹ không cần quá lo lắng vì tình trạng này sẽ tự cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, nếu tình trạng này liên tục kéo dài kèm theo những biểu hiện bỏ bú, biếng ăn thì các bậc phụ huynh cần đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.
Nhìn chung, dù tình trạng són ị của trẻ đến từ bất kỳ nguyên nhân nào thì chúng đều khiến trẻ cảm thấy khó chịu và khó khăn trong việc hấp thu đầy đủ các dưỡng chất, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của bé. Vì vậy, mẹ cần chú ý và kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ thường xuyên để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường gây ảnh hưởng đến con yêu.
Làm gì để khắc phục tình trạng són ị ở trẻ?
Để việc trẻ sơ sinh bị són ị nhiều lần không còn là vấn đề nan giải, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của bé, các mẹ bỉm có thể thử áp dụng các biện pháp sau đây:
Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh ở mẹ
Sữa mẹ vốn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất để trẻ phát triển, vì vậy mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho hợp lý và lành mạnh nhất để tăng cường chất lượng sữa. Nếu bé bị táo bón, mẹ có thể bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, khoai lang, đu đủ chín... để giúp làm "mát sữa". Ngoài ra, mẹ bỉm cũng cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm khó tiêu như đồ chiên, thức ăn nhanh... để đảm bảo duy trì nguồn dinh dưỡng tốt nhất trong sữa mẹ.
Giữ vệ sinh cho bé
Để tránh tình trạng hăm tã, lở loét khi trẻ sơ sinh bị són ị nhiều lần trong ngày, bố mẹ cần thường xuyên vệ sinh và thay tã cho bé. Nên dùng khăn vải mềm hoặc nước ấm để làm sạch trước mỗi lần thay. Mẹ cũng có thể rửa vùng da mông của bé bằng nước lá trà xanh để ngăn ngừa vi khuẩn.
Thay đổi sữa công thức cho con
Trẻ sơ sinh bị táo bón nên uống sữa gì? Nếu cho bé sử dụng sữa công thức, mẹ cần tuân thủ tỉ lệ pha được in sẵn trên bao bì nhằm đảm bảo cung cấp đủ hàm lượng dinh dưỡng cho con. Nếu đã pha đúng cách mà tình trạng són ị ở trẻ vẫn tiếp diễn, mẹ nên xem xét đổi sang loại sữa mới phù hợp hơn cho bé. Để đảm bảo chất lượng, mẹ nên ưu tiên lựa chọn những loại sữa đến từ các thương hiệu lớn, có uy tín và được bác sĩ khuyên dùng.
Tình trạng trẻ sơ sinh bị són ị nhiều lần trong ngày vốn là một vấn đề thường gặp ở giai đoạn đầu đời của trẻ. Tuy nhiên, Nhà thuốc Long Châu hy vọng rằng không vì sự thường gặp ấy mà bố mẹ trở nên chủ quan. Thay vào đó, trong suốt quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng, các bậc phụ huynh cần phải theo dõi, quan sát kỹ lưỡng để phát hiện ra các dấu hiệu bất thường ở trẻ, từ đó kịp thời tìm ra nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả cho con yêu.
Xem thêm:
- Uống tinh bột nghệ có bị táo bón không?
- Khi trẻ bị táo bón có bị sốt không? Cách xử trí