1. Trẻ mấy tháng biết ngồi?
Việc trẻ mấy tháng biết ngồi phụ thuộc vào sự phát triển của từng bé. Những trẻ đẻ đủ tháng biết ngồi khi được 6 - 7 tháng tuổi. Từ 7 - 9 tháng tuổi, hầu như bé đã ngồi vững vàng, thành thạo, ba mẹ không cần phải hỗ trợ, giúp đỡ. Nếu bé có thể ngồi trước 6 tháng tuổi gọi là biết ngồi sớm. Ngược lại, sau 9 tháng tuổi bé mới ngồi được gọi là biết ngồi muộn.
Trẻ ngồi cứng cáp, vững vàng và thành thạo từ 7 tháng tuổi trở lên
2. Trẻ học ngồi như thế nào?
Ngoài thắc mắc trẻ mấy tháng biết ngồi, nhiều ba mẹ cũng không biết quá trình bé yêu học ngồi là như thế nào.
- Khi được 3 - 4 tháng tuổi, bé sẽ biết lẫy. Đến tháng thứ 5 - 6, bé bắt đầu chống hai tay để nâng phần ngực và đầu lên cao. Thời điểm này, bé có thể ngồi nhưng không vững, đặc biệt là dễ ngã nên cần để gối mềm xung quanh bé.
- Từ 6 - 7 tháng tuổi, bé có sự “cố gắng đáng kể” trong khi ngồi, đó là ngồi với tư thế nhoài người về phía và hai tay chống xuống dưới để giữ thăng bằng. Bé có thể ngồi được ở tư thế này khá lâu.
- Từ 7 - 9 tháng, bé đã ngồi vững vàng và thoải mái mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào. Thậm chí, bé có thể xoay người trong khi ngồi để lấy những món đồ chơi mình yêu thích hay để nhìn ngắm điều gì đó đang thu hút bé.
Điều đặc biệt là khi bé đã biết ngồi thì sẽ dành phần lớn thời gian để ngồi chơi thay vì nằm ngửa hay lẫy như trước đó. Một số bé còn phát triển thêm kỹ năng bò trong giai đoạn này.
3. Làm gì để trẻ phát triển khả năng tự ngồi?
Thực tế, đến thời điểm thích hợp, bé sẽ tự học ngồi và biết ngồi. Tuy nhiên, ba mẹ cũng có thể hỗ trợ trẻ phát triển khả năng tự ngồi bằng những cách sau.
Để bé nằm sấp
Bé nằm sấp là “tiền đề” để phát triển các kỹ năng ngồi, bò, đứng và đi sau này. Do đó, ba mẹ hãy đặt bé nằm sấp và chơi trên mặt sàn. Mỗi ngày, nên thực hiện việc này khoảng 2 - 3 lần.
Đặt bé nằm sấp để kích thích bé chống tay, nâng người lên và tập ngồi
Đặt đồ chơi xung quanh bé
Thay vì để đồ chơi gần bé, ba mẹ hãy đặt đồ chơi xung quanh bé ở vị trí hơi xa. Việc này giúp kích thích bé thay đổi các tư thế để lấy được món đồ chơi yêu thích. Chẳng hạn, bé sẽ cố gắng trườn tới, ngồi dậy và vươn tay ra chỗ đặt đồ chơi.
Khuyến khích bé vận động
Trong khi bé cố gắng ngồi và vương tay, xoay người để lấy đồ chơi, ba mẹ hãy ở bên cạnh và khuyến khích, cổ vũ bé. Cách này giống như “tiếp thêm sức mạnh” để bé cố gắng hoàn thành “mục tiêu”.
Cho bé ngồi trong lòng
Ba mẹ cũng có thể cho bé ngồi vào trong lòng của mình. Đây là cách rất an toàn và hiệu quả vì bé được ngồi gọn vào trong lòng ba mẹ nên sẽ cảm thấy tự tin, thích thú, dần dần hình thành thói quen ngồi chơi. Khi không được ngồi trong lòng ba mẹ, bé sẽ cố gắng học ngồi để tự ngồi.
4. Lưu ý gì khi tập ngồi cho trẻ?
Nắm bắt trẻ mấy tháng biết ngồi và làm gì để khuyến khích bé tự ngồi là chưa đủ. Trong khi tập ngồi cho bé, ba mẹ cần lưu ý:
Không tập ngồi quá sớm
Tập ngồi quá sớm, khi bé chưa sẵn sàng có thể làm bé sợ hãi, quấy khóc, không hợp tác. Đặc biệt, khung xương, cụ thể là cột sống của bé lúc này còn yếu, chưa đủ sức để chịu áp lực ở phần thân trên khi ngồi nên bé dễ gặp các biến chứng trong quá trình phát triển.
Luôn bên cạnh giám sát
Lúc mới tập ngồi, bé dễ bị ngã do chưa biết cách giữ thăng bằng. Vì vậy, ba mẹ cần ngồi bên cạnh để giám sát. Nếu thấy bé sắp ngã, tay bé không thể đỡ được phần người nhoài về phía trước, cần có cách hỗ trợ và giúp đỡ bé.
Mẹ hãy luôn giám sát và đảm bảo an toàn xung quanh khi cho bé tập ngồi
Đảm bảo sự an toàn
Như đã nói, bé rất dễ ngã khi tập ngồi nên ba mẹ cần để gối mềm, thảm mềm xung quanh bé. Nếu chẳng may bé ngã thì cũng tránh được va chạm khiến bé đau hay thậm chí là các tổn thương nặng.
Tránh tập ngồi trên nệm hoặc ghế tập ngồi
Tập ngồi trên nệm có thể an toàn khi bé ngã. Tuy nhiên, nệm - đặc biệt là nệm mềm và lún sẽ khiến bé khó giữ vững được thăng bằng. Đối với ghế tập ngồi, bé có thể ngồi không đúng tư thế và té ngã xuống đất rất nguy hiểm. Nếu sử dụng ghế tập ngồi, ba mẹ cần đảm bảo ghế vừa vặn với bé, không bị rộng hay lỏng lẻo.
5. Bé biết ngồi trễ là khi nào?
Nếu hơn 9 tháng tuổi bé mới biết ngồi thì gọi là biết ngồi trễ. Trường hợp bé vẫn không thể tự ngồi lúc này, tay chân bé không linh hoạt mà yếu ớt hoặc cứng, bé không thể hoặc khó khăn trong việc nâng cao đầu, chống tay, đặc biệt là ít tương tác với đồ chơi và ba mẹ, cần đưa bé đến gặp bác sĩ.
Một số trẻ biết ngồi trễ, sau 9 tháng mới có thể tự ngồi được
Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé đang gặp các vấn đề về kỹ năng vận động thô, tiềm ẩn nguy cơ chậm phát triển, ba mẹ tuyệt đối không được chủ quan. Đưa bé đến gặp bác sĩ sẽ giúp tìm kiếm được nguyên nhân, chẩn đoán bệnh và can thiệp sớm nhất.
Nếu không biết đưa bé đi khám ở đâu, bạn mẹ có thể lựa chọn Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Chuyên khoa có đầy đủ máy móc phục vụ công tác khám, chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa giỏi, giàu kinh nghiệm trực tiếp thăm khám nên ba mẹ hoàn toàn an tâm.
Chúng ta đã cùng tìm hiểu trẻ mấy tháng biết ngồi cùng nhiều thông tin hữu ích khác. Để đặt lịch khám chủ động tại Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy gọi ngay hotline 1900 56 56 56.