Với trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời, thức ăn duy nhất phù hợp với các bé là sữa. Vì vậy, mỗi khi trẻ bị ọc sữa, cha mẹ thường rất lo lắng và sợ bé bị đói bụng. Vậy trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại luôn hay không?
Ọc sữa ở trẻ là gì?
Ọc sữa là tình trạng dễ xảy ra và thường xảy ra nhất với trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời. Đây là hiện tượng sữa từ dạ dày bé trào ra miệng thường sau các cữ bú mà không có sự co thắt cơ bụng mạnh. Nó hoàn toàn khác với nôn ói - một hiện tượng diễn ra với sự co thắt cơ bụng.
Khi trẻ sơ sinh bị ọc sữa, mẹ có thể quan sát thấy sữa bị trào ra miệng bé một cách dễ dàng, có thể nhiều hoặc ít tùy trường hợp. Đây là hiện tượng hết sức bình thường ở hầu hết trẻ sơ sinh. Đa số trường hợp, ọc sữa là hiện tượng sinh lý chứ không phải biểu hiện bệnh lý.
Điều gì khiến trẻ bị ọc sữa?
Trước khi tìm trả lời cho câu hỏi trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại, các bậc cha mẹ cũng nên biết lý do dẫn đến tình trạng này. Theo các bác sĩ nhi khoa, trẻ sơ sinh bị ọc sữa có thể là do:
- Trong những ngày tháng đầu đời, hệ tiêu hóa ở trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện. Cấu trúc đàn hồi ở thực quản chưa phát triển hoàn thiện, dạ dày ở vị trí nằm ngang và khá cao, sức chứa của dạ dày còn nhỏ,... Với những đặc điểm đó, trẻ sơ sinh dễ bị ọc thức ăn ra ngoài khoang miệng hơn trẻ lớn và người trưởng thành. Và ọc sữa là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường.
- Vì sức chứa của dạ dày các bé rất ít và sẽ tăng dần theo thời gian. Nên nếu mẹ cho bé bú hoặc uống sữa quá no, bé cũng có thể bị ọc sữa sau khi ăn.
- Một số trường hợp, bé khóc nhiều cũng gây ra tình trạng ọc sữa mà các mẹ không mong muốn chút nào.
- Trẻ sơ sinh cũng có thể bị ọc sữa nếu sau khi ăn mẹ cho bé nằm không đúng tư thế. Nếu người lớn bế trẻ đồng thời rung lắc nhiều hoặc trẻ đi tàu xe sau khi vừa ăn xong cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến ọc sữa.
- Một số bé đang trong độ tuổi tập lẫy, thích nằm sấp bụng sau khi ăn cũng hay bị ọc sữa.
Trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại không?
Các bậc cha mẹ không cần quá lo lắng khi con bị ọc sữa vì trong hầu hết trường hợp, đó là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, điều khiến họ băn khoăn nhất lúc này là trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại ngay không? Lời khuyên của các bác sĩ là không mẹ nhé!
Một số trẻ bị ọc sữa với lượng nhỏ, điều này hẳn không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Nhưng nếu trẻ bị ọc sữa nhiều thì sao? Ngay cả khi lượng sữa bị ọc ra nhiều mẹ cũng không nên cho con bú lại ngay. Việc mẹ nên làm lúc này là vệ sinh sạch sẽ khoang miệng cho bé. Mẹ cũng nên cẩn thận kiểm tra xem mũi trẻ có sữa không. Nếu có sữa trong mũi bé, mẹ nên hút sạch để phòng nguy cơ bé bị viêm phổi hoặc viêm tai giữa.
Khi thấy con bị ọc sữa, mẹ không nên hốt hoảng nâng bé dậy bất ngờ. Việc mẹ cần làm là từ từ nghiêng người trẻ sang trái và nâng con lên một cách nhẹ nhàng. Ngoài ra, mẹ nên để bé nằm nghỉ ở tư thế thoải mái. Sau khi bị ọc sữa khoảng 30 phút, mẹ có thể cho bé bú lại. Và mẹ cũng đừng quên cho trẻ bú với lượng vừa phải nhé!
Cách hạn chế ọc sữa ở trẻ sơ sinh
Trong những ngày tháng đầu đời, để khỏi phải lo lắng con bị ọc sữa, mẹ nên tìm hiểu lượng sữa phù hợp với mỗi lần ăn của con. Ngày đầu sau sinh, dạ dày bé chỉ thích hợp để chứa lượng sữa khoảng 5 - 7ml/mỗi lần ăn. Đến ngày thứ 3, bé có thể ăn tăng lên khoảng 20 - 27ml sữa/lần bú. Đến khi được 1 tuần tuổi, lượng sữa phù hợp cho mỗi cữ bú khoảng 45 - 60ml. Và khi trẻ tròn 1 tháng tuổi, dạ dày trẻ có thể chứa được 80 - 150ml sữa mỗi lần ăn. Chỉ cần mẹ không cho trẻ ăn quá khả năng “dự trữ” của dạ dày, trẻ sẽ không thường xuyên bị ọc sữa.
Với những trẻ hay bị ọc sữa, mẹ có thể giảm lượng sữa mỗi cữ bú và tăng số lần cho trẻ ăn. Như vậy, tổng lượng sữa trẻ được cung cấp mỗi ngày vẫn đủ để trẻ phát triển từng ngày. Sau mỗi lần cho con bú xong, mẹ có thể đặt con nằm ở tư thế đầu và lưng cao khoảng 30 độ. Các động tác vỗ lưng giúp trẻ ợ hơi sau khi bú cũng rất có tác dụng. Bằng cách này, hơi trong dạ dày bé sẽ được ợ bớt ra ngoài, giảm áp lực cho dạ dày và giảm tình trạng ọc sữa.
Khi nào ọc sữa là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cần đi khám?
Với câu hỏi trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại ngay không, câu trả lời là không. Vậy với câu hỏi trẻ ọc sữa có nên cho đi khám bác sĩ không thì sao? Trong một số ít trường hợp, ọc sữa có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như:
- Trẻ đã qua 2 tháng đầu đời mà vẫn bị ọc sữa thường xuyên, lượng sữa bị ọc ra khá nhiều.
- Khi bị ọc sữa, trẻ quấy khóc bất thường.
- Trẻ bị ọc sữa đi kèm các triệu chứng tiêu chảy, chất thải có màu và mùi bất thường, ho nhiều hoặc chảy nước mũi.
- Sau nhiều lần bị ọc sữa nhiều, trẻ bị ảnh hưởng tâm lý và sợ bú dẫn đến biếng ăn và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Hy vọng với những thông tin mà bài viết cung cấp, các bậc cha mẹ đã biết trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại không. Chỉ cần làm theo hướng dẫn trên đây mỗi lần cho trẻ bú, mẹ sẽ không cần quá lo lắng nữa. Và hầu hết các trường hợp, tình trạng ọc sữa theo thời gian sẽ giảm dần và hoàn toàn biến mất mẹ nhé!
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp