Nghẹt mũi là một vấn đề gây khó chịu và thường ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của nhiều người. Bạn có thể điều trị tình trạng này bằng một số loại thuốc trị nghẹt mũi dạng xịt, dạng nhỏ mũi hoặc bằng nước muối sinh lý.
Tham khảo ngay những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được các loại thuốc trị nghẹt mũi phổ biến.
Nghẹt mũi xảy ra do lớp niêm mạc của hốc mũi bị sưng và viêm. Điều này làm hạn chế khả năng thở bằng mũi. Tình trạng sưng viêm cũng khiến chất nhầy ra khỏi mũi khó khăn hơn, dẫn đến tích tụ nhiều chất nhầy đặc và khô bên trong mũi.
Thông thường, cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng, viêm xoang… được cho là thủ phạm gây ra sổ mũi và nghẹt mũi. Tuy nhiên, bất kể lý do gây ra nghẹt mũi là gì, vẫn có một số loại thuốc giúp điều trị tình trạng này.
Các loại thuốc trị nghẹt mũi
Có 4 nhóm thuốc trị bệnh nghẹt mũi, sổ mũi phổ biến, bao gồm:
- Thuốc uống trị nghẹt mũi: Đây là loại thuốc mà khi uống, thuốc sẽ được hấp thu vào hệ tuần hoàn, rồi phân bổ khắp cơ thể. Cho đến khi các thành phần của thuốc được lưu chuyển đến niêm mạc mũi thì công dụng của thuốc mới được phát huy. Do đó, nhược điểm của thuốc uống chữa nghẹt mũi, sổ mũi là thời gian thuốc có tác dụng lâu hơn, người bệnh cần dùng nhiều thuốc hơn, dễ xảy ra các tác dụng phụ hơn.
- Thuốc trị nghẹt mũi dạng xịt: Loại thuốc này tác động trực tiếp vào mũi đang bị nghẹt nên phát huy công dụng nhanh hơn, lượng thuốc mà người bệnh phải hấp thu cũng ít hơn. Mặc dù vậy, vẫn có một số lượng ít thuốc bị nuốt xuống miệng và sau đó phân bổ toàn thân.
- Thuốc nhỏ mũi: Tương tự như thuốc xịt mũi, thuốc nhỏ mũi ảnh hưởng trực tiếp lên niêm mạc mũi nên nguy cơ bị tác dụng phụ thấp hơn thuốc uống. Mặc dù sở hữu những ưu điểm của thuốc trị nghẹt mũi dạng xịt, nhưng thuốc nhỏ mũi lại dễ dàng bị nuốt qua đường miệng nhiều hơn.
- Thuốc rửa mũi: Trẻ em từ 5 tuổi trở xuống nên sử dụng thuốc rửa mũi như nước muối sinh lý. Đây là loại thuốc trị nghẹt mũi cho bé và an toàn cho mọi đối tượng, giúp làm thông thoáng đường mũi, giảm tình trạng nghẹt mũi.
Tiêu chí lựa chọn thuốc trị nghẹt mũi
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc trị nghẹt mũi khác nhau. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc lựa chọn thuốc chữa bệnh. Vì vậy, bạn nên tham khảo các tiêu chí dưới đây để mua được loại thuốc trị sổ mũi, nghẹt mũi phù hợp nhất:
- Thuốc trị nghẹt mũi ít có tác dụng phụ
- Thuốc có công dụng chữa bệnh nhanh
- Người bệnh không nhất thiết phải dung nạp quá nhiều thuốc mới trị được bệnh
- Thuốc dễ tìm, dễ mua tại các nhà thuốc, bệnh viện
- Là sản phẩm của các thương hiệu uy tín
- Giá cả phải chăng nhưng đem lại hiệu quả cao
- Dễ sử dụng.
Việc sử dụng thuốc sổ mũi, nghẹt mũi chứa các thành phần có hại cho sức khỏe, không nhãn mác… có thể làm tình trạng nghẹt mũi trở nặng. Ngoài ra, một số loại thuốc trị nghẹt mũi có tác dụng co mạch không được khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 6 tuổi. Vì vậy, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua thuốc trị nghẹt mũi hoặc tham khảo các loại thuốc được gợi ý dưới đây.
Top 7 loại thuốc trị nghẹt mũi, sổ mũi an toàn và hiệu quả
Dựa trên những tiêu chí đã được đề cập ở trên, dưới đây là 7 loại thuốc trị nghẹt mũi dạng xịt, dạng nhỏ và nước muối sinh lý mà bạn có thể tham khảo:
I. Thuốc trị nghẹt mũi dạng xịt
1. Thuốc trị cảm cúm nghẹt mũi Coldi-B
Thương hiệu:
Thuốc xịt mũi Coldi-B là một loại thuốc do Công ty Dược phẩm Nam Hà sản xuất. Với dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN, phòng kiểm tra thuốc đạt GLP-ASEAN, Dược phẩm Nam Hà trở thành một trong những công ty đầu tiên được Bộ Y tế cấp chứng nhận nhà máy đạt chuẩn GMP và GLP. Điều này đã góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm của công ty với người tiêu dùng.
Thuốc Coldi-B:
Thành phần:
Mỗi thành phần của thuốc trị cảm cúm nghẹt mũi Coldi-B đều đóng vai trò riêng trong việc chữa tình trạng nghẹt mũi, bao gồm:
- Oxymetazolin hydroclorid: có tác dụng co mạch máu bên trong mũi, chống phù nề.
- Menthol (bạc hà): có tác dụng giảm đau, chống viêm.
- Camphor (long não): có tác dụng sát trùng, gây tê.
- Một lượng tá dược vừa đủ như: Thimerosal, Alcol polyvinyl…
Dạng bào chế:
Được điều chế thành dạng lỏng và đóng gói trong chai 15ml, cũng như thiết kế sử dụng đầu xịt, Coldi-B rất dễ sử dụng.
Giá tiền:
Trung bình một chai thuốc xịt mũi trị sổ mũi, ngạt mũi, viêm mũi xoang Coldi-B 15ml có giá khoảng 24.000 đồng.
Liều dùng:
Trẻ em 6 tuổi trở lên và người lớn được khuyến cáo xịt 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối.
Ưu điểm và nhược điểm:
Ưu điểm:
- Thuốc được dùng để điều trị tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi do bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm mũi họng, sổ mũi mùa, cảm cúm… gây ra.
- Sau khi sử dụng thuốc Coldi-B khoảng 5-10 phút, tình trạng ngạt tắc mũi có thể được chữa khỏi. Người bệnh cũng sẽ cảm thấy dễ thở, dễ chịu hơn.
Nhược điểm:
- Trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai, đang cho con bú, người bị cườm nước… không được sử dụng loại thuốc này.
- Nếu sử dụng Coldi-B quá 7 ngày có thể dẫn đến tình trạng viêm mũi.
- Việc dùng thuốc liên tục, kéo dài hoặc quá liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ:
- Kích ứng niêm mạc mũi, đặc biệt ở trẻ em
- Tăng huyết áp
- Buồn nôn
- Chóng mặt, đau đầu
- Nhịp tim chậm phản xạ.
Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc xịt mũi Coldi-B.
2. Thuốc trị nghẹt mũi dạng xịt Nasonex
Thương hiệu:
Nasonex là thuốc xịt mũi được sản xuất bởi Công ty Schering-Plough Labo, Vương quốc Bỉ. Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc sản xuất và phân phối thuốc, Schering-Plough Labo đi đầu trong ngành dược phẩm của nước Bỉ. Những sản phẩm mà công ty cung cấp luôn đảm bảo chất lượng tốt.
Thuốc xịt mũi Nasonex:
Thành phần và dạng bào chế:
Mometasone furoate 0,05% là thành phần chủ yếu của Nasonex. Thuốc được điều chế ở dạng lỏng và được đóng gói trong chai chứa 60 liều thuốc xịt.
Giá tiền:
Một chai thuốc xịt mũi Nasonex có giá khoảng 199.000 đồng.
Liều dùng:
Để biết được nên sử dụng bao nhiêu thuốc Nasonex trong điều trị sổ mũi, nghẹt mũi, cần dựa trên nguyên nhân gây ra tình trạng này, cũng như độ tuổi và tình trạng bệnh. Thông thường, trẻ em từ 2 đến 11 tuổi được khuyến cáo xịt 1 nhát xịt mỗi bên mũi, 1 lần/ngày. Đối với người từ 12 tuổi trở lên, liều dùng đề nghị thường là 2 lần xịt vào mỗi lỗ mũi, 1 lần/ngày. Tham khảo thêm hướng dẫn sử dụng và ý kiến của bác sĩ điều trị.
Ưu điểm và nhược điểm:
Ưu điểm:
- Điều trị các triệu chứng của viêm mũi dị ứng theo mùa và quanh năm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
- Phòng ngừa các triệu chứng viêm mũi dị ứng theo mùa cho những người từ 12 tuổi trở lên. Đối với công dụng này, những người có tiền sử viêm mũi dị ứng theo mùa nên bắt đầu sử dụng Nasonex từ 2 đến 4 tuần trước mùa dị ứng.
- Điều trị polyp mũi và các triệu chứng liên quan như sung huyết và mất mùi ở bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên.
- Điều trị các triệu chứng liên quan đến viêm mũi xoang cấp cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên mà không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm khuẩn nặng.
- Điều trị hỗ trợ với kháng sinh trong đợt viêm xoang cấp cho người từ 12 tuổi trở lên.
Nhược điểm:
- Giá thành cao hơn các loại thuốc xịt mũi khác
- Có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, bao gồm:
- Đau đầu
- Chảy máu cam
- Viêm hầu họng
- Nóng rát mũi
- Hắt hơi
- Loét mũi
3. Thuốc xịt mũi Rhinocort
Thương hiệu:
Thuốc xịt mũi Rhinocort được sản xuất bởi Công ty AstraZeneca AB, Vương quốc Anh. Công ty này có lẽ không còn xa lạ gì với nhiều người, bởi đây là công ty sản xuất vaccine AstraZeneca phòng bệnh Covid-19.
Thuốc xịt mũi Rhinocort:
Thành phần và dạng bào chế:
Mỗi liều 0,05ml Rhinocort chứa 64 microgram hoạt chất budesonide thuộc nhóm corticosteroid. Ngoài ra, thuốc còn chứa một số tá dược khác như cellulose vi tinh thể, natri carboxymethylcellulose, glucose khan… Thuốc được điều chế ở dạng lỏng và được đóng gói trong chai chứa 120 liều thuốc xịt.
Giá tiền:
Một chai thuốc xịt mũi Rhinocort có giá khoảng 214.000 đồng.
Liều dùng:
Tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe mà mỗi người cần sử dụng một liều lượng Rhinocort khác nhau. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, hãy hỏi bác sĩ về lượng thuốc Rhinocort cần xịt.
Ưu điểm và nhược điểm:
Ưu điểm:
- Rhinocort là một loại thuốc xịt mũi chứa steroid, thường được dùng như liệu pháp điều trị đầu tiên cho các triệu chứng nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mắt và chảy nước mũi… của bệnh dị ứng.
- Thuốc trị nghẹt mũi Rhinocort bắt chước các hormone do tuyến thượng thận sản xuất để giảm viêm và sưng tấy trong đường mũi.
- Trong một số trường hợp, Rhinocort có thể được chỉ định để điều trị bệnh viêm xoang, viêm mũi không dị ứng và polyp mũi, vì có thể làm giảm hắt hơi và sổ mũi và nghẹt mũi.
Nhược điểm:
- Loại thuốc này chỉ được khuyến cáo dùng cho đối tượng từ 6 tuổi trở lên.
- Rhinocort có thể gây ra một số tác dụng phụ vì có chứa steroid, bao gồm khô hoặc rát mũi, họng, chảy máu cam… Tuy nhiên, đối với nhiều người, những rủi ro này nhỏ hơn nhiều so với lợi ích mà thuốc mang lại. Bác sĩ sẽ cân nhắc mặt lợi và mặt hại để quyết định bạn có nên dùng thuốc này hay không.
II. Thuốc trị nghẹt mũi sổ mũi dạng nhỏ
1. Thuốc nhỏ mũi Otrivin
Thương hiệu:
Thuốc nhỏ mũi Otrivin được sản xuất bởi Công ty Novartis Consumer Health S.A, Thụy Sỹ. Novartis là một công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu có trụ sở tại Thụy Sỹ cung cấp các giải pháp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của bệnh nhân trên toàn thế giới. Công ty sử dụng khoa học và công nghệ sáng tạo để giải quyết một số vấn đề chăm sóc sức khỏe thách thức nhất của xã hội.
Thuốc nhỏ mũi Otrivin:
Thành phần:
Thành phần chính của Otrivin có công dụng trị nghẹt mũi là xylometazolin hydrochlorid.
Dạng bào chế:
Otrivin được điều chế thành dạng lỏng, có 2 loại nhỏ mũi:
- Thuốc dạng dung dịch nhỏ mũi Otrivin 0,1%, chai 10ml, dành cho người lớn
- Thuốc dạng dung dịch nhỏ mũi Otrivin 0,05%, chai 10ml, dành cho trẻ em từ 1 tuổi trở lên
Ngoài ra, Otrivin còn có dạng thuốc xịt mũi Otrivin 0,1%, chai 10ml.
Giá tiền:
- Đối với thuốc nhỏ mũi Otrivin 0,05%, giá thành của một chai 10ml là khoảng 39.000 đồng.
- Đối với thuốc nhỏ mũi Otrivin 0,1%, giá thành của một chai 10ml là khoảng 50.000 đồng.
Liều dùng:
- Thuốc nhỏ mũi Otrivin 0,1% dành cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên: 2-3 giọt mỗi bên mũi và 2-3 lần/ngày.
- Thuốc nhỏ mũi Otrivin 0,05% dành cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: nhỏ mỗi bên mũi 1-2 giọt, 1-2 lần/ngày.
Ưu điểm và nhược điểm:
Ưu điểm:
- Loại thuốc này có tác dụng điều trị chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi do các bệnh viêm xoang, cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi dị ứng… gây ra.
- Otrivin giúp giảm tiết nước mũi và khiến các mạch máu bị sưng trong mũi, cổ họng và xoang trở lại kích thước bình thường, từ đó làm giảm tình trạng nghẹt mũi.
Nhược điểm:
- Không dùng Otrivin quá 7 ngày mà không có lời khuyên của bác sĩ. Nếu dùng lâu hơn, tình trạng nghẹt mũi có thể trở lại và nghiêm trọng hơn.
2. Thuốc trị nghẹt mũi sổ mũi Xylometazolin 0,05%
Thương hiệu:
Thuốc nhỏ mũi Xylometazolin được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược DANAPHA, Việt Nam. Với hơn 50 năm hoạt động cùng sứ mệnh vì sức khỏe cộng đồng, công ty luôn nỗ lực cống hiến vì sức khỏe cộng đồng và những giá trị nhân văn cao đẹp. Không những thế, Danapha còn có thế mạnh về thiết bị công nghệ, đồng thời luôn đẩy mạnh đào tạo đội ngũ nhân lực để nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm ưu việt.
Thuốc nhỏ mũi Xylometazolin:
Thành phần và dạng bào chế:
Loại thuốc này được diều chế dưới dạng lọ 10ml. Thuốc chứa 5mg xylometazolin hydrochlorid, và tá dược (natri dihydrophosphat, dinatri hydrophosphat, natri clorid, thiomersal, nước cất) vừa đủ 10 ml.
Giá tiền:
Một chai thuốc nhỏ mũi Xylometazonlin có giá khoảng 80.000 đồng.
Liều dùng:
Liều lượng dùng thuốc tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng bệnh. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Ưu điểm và nhược điểm:
Ưu điểm:
- Thuốc được sử dụng để điều trị nghẹt mũi, sổ mũi do viêm xoang, viêm mũi, viêm mũi dị ứng, cảm lạnh… thông qua cơ chế làm co mạch máu trong đường mũi. Điều này khiến lưu lượng máu và sung huyết mũi tại vùng nhầy mũi và các vùng lân cận hầu họng giảm đáng kể.
- Xylometazolin được xem là một trong những thuốc trị nghẹt mũi nhanh nhất. Nguyên nhân là vì thuốc dễ dàng hấp thu và có tác dụng nhanh chỉ trong 5-10 phút sau khi nhỏ. Công dụng điều trị nghẹt mũi của Xylometazolin còn kéo dài đến 10 giờ. Lưu ý, khoảng cách giữa các lần nhỏ thuốc là từ 8-10 giờ. Trong một ngày, không được dùng Xylometazolin quá 3 lần và không dùng thuốc quá 7 ngày.
Nhược điểm:
- Xylometazolin không thể dùng cho trẻ dưới 2 tuổi mà chưa được bác sĩ chỉ định.
- Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Kích ứng niêm mạc ở nơi tiếp xúc
- Khô niêm mạc mũi
- Tăng huyết áp
- Tim đập nhanh, loạn nhịp…
3. Thuốc nhỏ mũi Iliadin
Thương hiệu:
Thuốc trị nghẹt mũi Iliadin được sản xuất bởi Công ty Dược phẩm Merck, Đức, và được phân phối tại Singapore. Merck là một trong những công ty dược phẩm và hóa chất lâu đời nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, sản phẩm này được nhập khẩu từ Singapore. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua thuốc nhỏ mũi Iliadin xách tay chính hãng.
Thuốc nhỏ mũi Iliadin:
Thành phần:
Thành phần chính của thuốc nhỏ mũi Iliadin là Oxymetazolin hydroclorid.
Dạng bào chế:
Iliadin được điều chế thành 3 loại thuốc nhỏ mũi, bao gồm:
- Thuốc nhỏ mũi Iliadin 0,01% dành cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, lọ 5ml
- Thuốc nhỏ mũi dành Iliadin 0,025% cho trẻ em từ 1-6 tuổi, lọ 10ml
- Thuốc nhỏ mũi dành Iliadin 0,05% cho người trên 6 tuổi, lọ 10ml.
Giá tiền:
Nhìn chung, cả 3 loại thuốc nhỏ mũi Iliadin có giá dao động khoảng 180.000 - 200.000 đồng/lọ.
Liều dùng:
- Đối với trẻ sơ sinh từ 4 tuần tuổi trở xuống: nhỏ 1 giọt Iliadin 0,01% mỗi bên mũi, 2-3 lần/ngày.
- Đối với trẻ từ 5 tuần tuổi đến 1 tuổi: nhỏ 1-2 giọt Iliadin 0,01% mỗi bên mũi, 2-3 lần/ngày.
- Đối với trẻ em từ 1-6 tuổi: nhỏ 1-2 giọt Iliadin 0,025% mỗi bên mũi, 2-3 lần/ngày.
- Đối với người trên 6 tuổi: nhỏ 1-2 giọt Iliadin 0,05% mỗi bên mũi, 2-3 lần/ngày.
Ưu điểm và nhược điểm:
Ưu điểm:
- Thuốc có tác dụng điều trị chứng ngạt mũi, khó thở, hắt hơi do cảm lạnh cấp, viêm xoang…
- Iliadin có khả năng làm co mạch máu bên trong mũi, từ đó làm giảm tình trạng nghẹt mũi.
- Tác dụng của thuốc nhỏ mũi Iliadin bắt đầu trong vòng vài phút sau khi nhỏ và kéo dài đến tận 12 giờ.
Nhược điểm:
- Thuốc có giá thành khá cao.
- Trừ khi được bác sĩ chỉ định cụ thể, chỉ nên sử dụng Iliadin 0,05%, 0,025% và 0,01% trong thời gian ngắn (5-7 ngày).
- Việc lạm dụng thuốc có thể gây ra chứng teo niêm mạc và tổn thương biểu mô niêm mạc. Điều này có thể dẫn đến tình trạng niêm mạc bị tổn thương không thể phục hồi khi bị viêm mũi.
III. Bị nghẹt mũi dùng thuốc gì? Rửa mũi bằng nước muối sinh lý
Ngoài việc dùng một các loại thuốc trị sổ mũi, nghẹt mũi như đã nêu ở trên, bạn có thể dùng nước muối sinh lý để làm giảm tình trạng nghẹt mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng. Dung dịch này giúp giữ cho đường mũi thông thoáng bằng cách rửa sạch các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi hoặc lông thú cưng có thể dẫn đến nghẹt mũi. Nước muối cũng có tác dụng làm lỏng chất dịch nhầy, làm mềm chất bẩn khô cứng bên trong mũi, giúp loại bỏ các bụi bẩn dễ dàng hơn. Ngoài ra, nước muối sinh lý còn giúp làm dịu đường mũi bị khô rát.
Dưới đây là một số dung dịch nước muối sinh lý trị nghẹt mũi có thể mua được ở nhà thuốc như:
- Nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9% (NaCl 0,9%) 10ml
- Dung dịch xịt mũi Ninosat Bidiphar 50ml
- Xịt muối biển XISAT
Để biết thêm về liều dùng và cách sử dụng, bạn có thể tham khảo thêm thông tin được cập nhật trong giấy hướng dẫn sử dụng của từng sản phẩm. Bởi vì dung dịch nước muối sinh lý chỉ chứa muối, không chứa thuốc nên thường an toàn để sử dụng trong thai kỳ.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn biết được những loại thuốc trị nghẹt mũi, sổ mũi.
[embed-health-tool-heart-rate]