Tinh dầu sả là loại tinh dầu thiên nhiên được chiết xuất từ cây sả. Loại tinh dầu này không chỉ có hương thơm dễ chịu mà còn mang đến nhiều công dụng tuyệt vời trong cuộc sống. Trong bài viết này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu rõ hơn về thành phần, công dụng của loại tinh dầu này nhé!
Tinh dầu sả là gì? Tìm hiểu về công dụng của tinh dầu sả
Tinh dầu sả là một loại dầu chiết xuất từ phần thân và lá của cây sả, còn được biết đến với tên gọi là lemongrass. Loại tinh dầu này thường được sản xuất thông qua phương pháp chiết xuất hơi nước hoặc bằng dung môi để tách tinh dầu ra khỏi phần thực vật.
Trong tinh dầu sả có chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu như kẽm, sắt, vitamin A, vitamin B và vitamin C. Nhờ vậy, loại tinh dầu này mang đến nhiều công dụng hữu ích như:
Làm dịu da
Tinh dầu sả chứa nhiều loại vitamin có lợi, giúp chăm sóc da sáng khỏe và đều màu tự nhiên. Ngoài ra, loại dược liệu này còn có khả năng kháng viêm và làm dịu tình trạng kích ứng một cách hiệu quả. Để chăm sóc da, bạn có thể pha tinh dầu sả với nước ấm để xông hơi hoặc dùng máy xông da mặt giúp làm thông thoáng lỗ chân lông. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhỏ một vài giọt tinh dầu sả vào nước ấm để tắm.
Hỗ trợ hệ miễn dịch
Tinh dầu sả có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, nên khi sử dụng để bôi ngoài da có thể hấp thu vào cơ thể và hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch. Một số nghiên cứu còn cho thấy, tinh dầu sả có khả năng làm giảm các cytokine gây viêm, từ đó sẽ giúp giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh. Bạn có thể sử dụng tinh dầu sả với máy xông hơi, máy khuếch tán tinh dầu hoặc pha 1 - 2 giọt vào nước để uống.
Giảm căng thẳng và nguy cơ trầm cảm
Mùi hương dịu nhẹ, thơm thoang thoảng của tinh dầu sả có khả năng giúp thư giãn đầu óc, làm giảm căng thẳng, lo âu, mệt mỏi và cải thiện hệ thần kinh. Điều này cũng có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm nguy cơ bị trầm cảm do áp lực từ cuộc sống.
Để giảm căng thẳng, bạn có thể nhỏ vài giọt tinh dầu kết hợp với kem dưỡng da để nhẹ nhàng massage lên vùng cổ vai gáy để giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng và giúp ngủ sâu giấc hơn. Hoặc bạn cũng có thể thêm 1 - 2 giọt dầu sả vào tách trà nhỏ để uống vào buổi tối cũng giúp ngủ ngon hơn.
Khử mùi và làm sạch không gian sống
Với hàm lượng chất citral cao, tinh dầu sả chanh có khả năng kháng khuẩn và kháng nấm mạnh mẽ. Vậy nên, tinh dầu sả có thể được sử dụng để làm sạch không khí và ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh. Bạn có thể cho vài giọt tinh dầu vào máy phun sương hoặc xịt trực tiếp để khử mùi hiệu quả.
Đuổi côn trùng
Tinh dầu sả có chứa hàm lượng geraniol và citral cao, nên thường được dùng để khử khuẩn và xua đuổi các loại côn trùng như kiến, muỗi, bọ chét,... Theo đó, bạn có thể dùng dầu sả để bôi trực tiếp lên da hoặc quần áo để đuổi côn trùng. Ngoài ra, bạn cũng có thể pha nước với vài giọt tinh dầu xịt trực tiếp lên lưng thú cưng để diệt bọ chét.
Hỗ trợ tiêu hóa và chống viêm
Thành phần aldehydes trong tinh dầu sả có khả năng duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh và ổn định. Điều này sẽ giúp giảm bớt những cơn đau do kích ứng khí trong ruột và dạ dày, ngăn ngừa tình trạng loét dạ dày. Ngoài ra, dầu sả còn được dùng để hỗ trợ chữa trị đau dạ dày rất hiệu quả.
Dưỡng tóc chắc khỏe
Tinh dầu sả còn có công dụng giúp dưỡng tóc chắc khỏe và mềm mượt. Bên cạnh đó, tinh dầu sả còn có khả năng diệt khuẩn hiệu quả. Do vậy, nếu bạn đang gặp phải tình trạng nấm ngứa, rụng tóc,... thì bạn có thể pha vài giọt tinh dầu với nước và xịt lên tóc. Sau đó massage nhẹ nhàng trong khoảng 2 - 5 phút rồi gội sạch lại với nước.
Tác dụng chống oxy hóa
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tinh dầu sả có khả năng chống oxy hóa, ức chế sự phát triển của các gốc tự do. Hoạt chất citral có trong loại tinh dầu này được biết đến là có khả năng ức chế các tế bào ung thư phát triển, đặc biệt là ung thư da. Bạn có thể pha vài giọt tinh dầu với nước để bôi trực tiếp lên vùng da lành hoặc xông hơi.
Giảm cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch
Sử dụng tinh dầu sả có thể giúp cơ thể duy trì ổn định chỉ số mỡ máu triglycerides và làm giảm cholesterol trong máu. Từ đó giúp thúc đẩy lưu thông máu và ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến tim mạch.
Cách sử dụng tinh dầu sả an toàn và hiệu quả
Việc sử dụng tinh dầu sả đúng cách không chỉ tăng hiệu quả tác dụng mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Để có trải nghiệm tốt nhất, bạn có thể thực hiện các cách kết hợp tinh dầu với các biện pháp chăm sóc cá nhân hàng ngày như sau:
- Massage: Hòa tan khoảng 3 - 5 giọt tinh dầu sả cùng 1 muỗng cà phê dầu nền (dầu hạnh nhân, dầu dừa hoặc dầu jojoba). Sau đó, massage nhẹ nhàng lên cổ vai gáy để giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng và mệt mỏi.
- Xông thơm: Thêm vài giọt tinh dầu sả vào máy xông hơi hoặc máy khuếch tán tinh dầu để giúp làm sạch không gian sống với hương thơm dịu nhẹ và thư thái.
- Xông hơi: Hòa tan vài giọt tinh dầu sả vào nước và xông hơi để giúp giải cảm, tăng tiết mồ hôi và cải thiện tinh thần.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc cá nhân từ tinh dầu sả: Nên ưu tiên lựa chọn các loại sữa tắm, dầu gội, dầu xả và các sản phẩm chăm sóc cá nhân có chứa thành phần tinh dầu sả để giúp thư giãn, mang lại cảm giác tươi mới và sảng khoái.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nhỏ trực tiếp tinh dầu sả lên sàn nhà hoặc một góc phòng để hương thơm lan tỏa tự nhiên, khử mùi hôi và đuổi côn trùng.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng tinh dầu sả
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng tinh dầu sả, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Trước khi sử dụng tinh dầu sả lên da, hãy thử nghiệm trên một phần nhỏ da để đảm bảo bạn không phản ứng dị ứng.
- Đối với người có cơ địa da nhạy cảm, nên pha loãng tinh dầu sả với một số loại dầu nền như dầu hạt lanh, dầu hạnh nhân,... trước khi dùng để giảm nguy cơ kích ứng và làm dịu tác dụng của tinh dầu.
- Không sử dụng tinh dầu sả trên da có vết thương hở hoặc tổn thương, vì nó có thể gây kích ứng và làm tổn thương nặng hơn.
- Tránh áp dụng tinh dầu sả lên da trước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trực tiếp, vì có thể tăng nguy cơ kích ứng da.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt là đối với những trường hợp bệnh tiểu đường, huyết áp thấp, bệnh đường hô hấp, bệnh gan, người đang hóa trị, phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Cần lưu ý rằng, cơ địa của mỗi người là khác nhau nên cần thử nghiệm trước khi sử dụng là quan trọng để đảm bảo an toàn và tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Nếu có bất kỳ vấn đề nào, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia da liễu hoặc bác sĩ để được thăm khám kịp thời.