Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng - Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh -Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Virus RSV (virus hợp bào hô hấp) là một trong những nguyên nhân thường gặp gây bệnh đường hô hấp (viêm tiểu phế quản, viêm phổi) ở trẻ em. Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa virus RSV và thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phát hiện bệnh sớm để có kế hoạch điều trị và chăm sóc kịp thời là rất quan trọng.
1. Virus RPV - nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em
Virus hợp bào hô hấp RSV (respiratory syncytial virus) là một loại virus gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Virus RSV đi vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng. Loại virus này dễ dàng lây truyền từ người sang người qua các dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp như bắt tay. Virus RSV có thể tồn tại nhiều giờ trên các vật dụng như bàn ghế, đồ chơi của trẻ. Trẻ có nguy cơ nhiễm virus nếu vô tình chạm vào các đồ vật có virus và đưa lên miệng. Bệnh phát triển mạnh vào mùa đông - xuân và xuân - hè.
Hầu hết các trẻ em thường nhiễm virus hợp bào hô hấp trước 2 tuổi. Ngoài ra, virus RSV cũng có thể gây lây nhiễm cho người lớn. Một người sau khi bị nhiễm virus RSV có thể sau 2 - 8 ngày mới biểu hiện triệu chứng. Ở người lớn và trẻ khỏe mạnh, các triệu chứng sau nhiễm virus RSV thường nhẹ, giống cảm lạnh thông thường và có thể áp dụng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà để giảm nhẹ những biểu hiện khó chịu. Tuy nhiên, nhiễm virus hợp bào hô hấp cũng có thể nghiêm trọng trong một số trường hợp, đặc biệt là ở trẻ sinh non và trẻ sơ sinh có những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, suy thở nhanh, rất nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra, bệnh cũng có thể trở nên nghiêm trọng ở người lớn tuổi, người có bệnh về tim, phổi hoặc có hệ miễn dịch suy yếu.
2. Triệu chứng khi trẻ bị lây nhiễm virus RSV
Trẻ bị lây nhiễm virus RSV thường có những biểu hiện như:
- Khó thở: Thở nhanh đi kèm triệu chứng rút lõm lồng ngực;
- Thở khò khè và chảy nước mũi;
- Ho nhiều;
- Sốt cao;
- Đau họng nhẹ;
- Đau tai;
- Thường quấy khóc, không nhanh nhẹn, người mệt mỏi, ngủ không ngon;
- Bỏ bú hoặc bú kém, ăn kém;
- Ngưng thở khoảng 15 - 20 giây, thường gặp ở trẻ sinh non và trẻ có tiền sử bệnh ngưng thở;
- Có biểu hiện thiếu nước nghiêm trọng gồm: Khóc không có nước mắt, không đi tiểu suốt 6 giờ, mắt trũng, da nhăn nheo.
Nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV đôi khi gây biến chứng viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi với biểu hiện:
- Khó thở, thở nhanh hơn bình thường;
- Thở khò khè;
- Ho ngày càng nặng, trẻ có thể bị nghẹt thở hoặc nôn ói do ho dữ dội;
- Mệt mỏi, bơ phờ, chán ăn, giảm hứng thú.
Hầu hết các trường hợp nhiễm virus RSV không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện bệnh chuyển biến nặng như khó thở, sốt cao hoặc môi và móng chuyển xanh tím, phụ huynh cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.
3. Biện pháp chẩn đoán nhiễm virus RSV
- Khám lâm sàng và xác định thời điểm mùa nhiễm trùng trong năm. Khi khám, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để nghe phổi, kiểm tra tiếng thở khò khè hay các âm thanh bất thường khá;
- Đo qua da không gây đau (xung oxy) để kiểm tra mức oxy bão hòa trong máu có bị thấp hơn so với mức bình thường hay không;
- Xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng bạch cầu hoặc tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn, virus hay các vi sinh vật khác;
- Xét nghiệm virus có trong nước mũi hay dịch tiết từ đường hô hấp;
- Chụp X-quang kiểm tra viêm phổi.
4. Cách điều trị trẻ bị nhiễm virus RSV gây viêm phổi
Đa số trẻ bị nhiễm RSV và có các biểu hiện viêm tiểu phế quản nhẹ, không có biến chứng có thể được chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn sau:
- Làm sạch mũi cho trẻ bằng cách nhỏ mũi với 2 - 3 giọt nước muối sinh lý rồi hút dịch nhầy ở mũi;
- Sử dụng máy tạo ẩm trong phòng để giữ không khí luôn ẩm và sạch;
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá vì khói thuốc sẽ làm bệnh trở nặng và làm tăng nguy cơ bị suyễn sau này;
- Tiếp tục cho trẻ bú hoặc ăn uống đầy đủ, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để trẻ đỡ bị nôn ói do ho nhiều;
- Nên cho trẻ uống nhiều nước hơn để tránh thiếu nước vì thiếu nước sẽ làm đờm trở nên cô đặc và làm bệnh nặng hơn. Uống nhiều nước giúp trẻ loãng đờm và dịu ho. Tuy nhiên, không nên cho trẻ uống nước giải khát hoặc nước trái cây pha loãng vì chúng thường có nhiều đường, ít năng lượng hoặc thiếu sự cân bằng chất điện giải;
- Dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ. Một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ uống thuốc hạ sốt như acetaminophen. Phụ huynh không tự ý cho trẻ uống thuốc vì nếu dùng không đúng có thể khiến bệnh nặng hơn hoặc gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn;
- Tái khám đúng lịch hẹn theo lời khuyên của bác sĩ.
Lưu ý: Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường cần cho trẻ đi khám lại ngay. Trường hợp trẻ bị thở khò khè, ra nhiều dịch nhầy, ngăn cản không khí tới các phế nang của phổi thì cần nhập viện điều trị ngay. Những trường hợp bội nhiễm phổi cần phải uống thuốc kháng sinh, truyền dịch hoặc thậm chí là hỗ trợ thở oxy,...
5. Phòng ngừa nguy cơ nhiễm virus RSV như thế nào?
- Tránh để trẻ tiếp xúc với những người có dấu hiệu mắc bệnh như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi,...;
- Tránh đưa trẻ tới nơi đông người;
- Giữ cho môi trường sống của trẻ sạch sẽ, trong lành, tránh khói bếp hay khói thuốc lá;
- Làm sạch và vô trùng bề mặt các dụng cụ có thể bị lây nhiễm virus RSV;
- Chú ý rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch hoặc các dung dịch diệt khuẩn có chứa cồn trước khi chăm sóc trẻ;
- Nếu có chỉ định của bác sĩ, những trẻ em có nguy cơ cao nhiễm virus RSV sẽ được sử dụng thuốc dự phòng trường hợp nhiễm RSV trở nên nghiêm trọng hơn. Loại thuốc được sử dụng là palivizumab (biệt dược là Synagis), sử dụng dưới dạng tiêm bắp và không làm ảnh hưởng tới các loại vắc-xin khác mà trẻ sử dụng. Thuốc có cơ chế hoạt động là làm tăng lượng kháng thể chống lại virus RSV, làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một liều palivizumab có tác dụng trong khoảng 30 ngày nên trong mùa dịch mỗi tháng trẻ sẽ cần tiêm một mũi thuốc cho tới khi hết mùa dịch. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng có tác dụng phụ là sốt, phát ban và sưng đỏ tại vị trí tiêm.
Virus RSV (virus hợp bào hô hấp) có thể gây biến chứng viêm tiểu phế quản, viêm phổi ở trẻ. Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh nên đưa con tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.
Để phòng việc trẻ bị nhiễm virus, cha mẹ nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm,crom,selen,vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm.
Lysine rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, Lysine thúc đẩy sản xuất men tiêu hóa để kích thích trẻ ăn ngon hơn và tiêu hóa dễ dàng, hiệu quả, gia tăng chuyển hóa thức ăn, hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng từ thực phẩm.Tăng cường lysine cho bé còn giúp cơ thể tạo kháng thể, phát triển sức đề kháng giúp làm giảm ho, loãng đờm ở trẻ.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.