1. Hiện tượng dư ối khi mang thai là như thế nào?
Nước ối chính là phần chất lỏng bao bọc thai nhi trong suốt thai kỳ. Lượng chất lỏng này có tác dụng tái tạo năng lượng, bổ sung dinh dưỡng cần thiết cũng như bảo vệ thai nhi khỏi tình trạng chấn thương do sự chèn ép của cơ tử cung. Ngoài ra, nước ối còn có tính kháng khuẩn giúp thai nhi không bị ảnh hưởng bởi tác động của một số loại vi khuẩn.
Nước ối là phần chất lỏng bao bọc thai nhi
Trong suốt thời kỳ mang thai, lượng nước ối không phải lúc nào cũng cố định mà thay đổi theo từng giai đoạn. Cụ thể như:
- Từ tuần thứ 16 đến 32 của thai kỳ: Lượng nước ối dao động trung bình từ 250 đến 600 ml.
- Từ tuần thứ 34 đến 36 của thời kỳ: Lượng nước ối dao động trong khoảng 800 đến hơn 1000 ml.
- Trong những tuần cuối của thai kỳ: Lượng nước ối có xu hướng giảm dần, dao động trong khoảng 600 đến 800 ml.
Dư nước ối là hiện tượng nước ối lớn hơn ngưỡng trung bình theo từng giai đoạn trong thai kỳ. Tình trạng này tương đối hiếm gặp, khó phát hiện nếu mức độ dư thừa nước ối chưa nghiêm trọng. Tuy nhiên, những lượng nước ối dư thừa quá mức, cả thai nhi và thai phụ đều có thể gặp nguy hiểm. Để chẩn đoán dư ối, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm đo chỉ số nước ối (hay còn gọi là chỉ số AFI). Bình thường AFI qua siêu âm từ 12-25cm. Đa ối khi AFI lớn hơn 25 cm.
Dư nước ối là tình trạng nước ối vượt quá mức trung bình theo từng giai đoạn
2. Dấu hiệu mẹ bầu bị dư ối
Trường hợp bị dư nước ối, cơ thể thai phụ thường xuất hiện một vài triệu chứng cảnh báo như:
- Bụng căng bóng, kích thước lớn hơn so với tuổi thai.
- Khó phát hiện nhịp đập tim thai nhi hoăc khó sờ được các bộ phận của thai nhi trong bụng hoặc có dấu hiệu "cục đá nổi".
- Hay bị khó thở.
- Xuất hiện cơn đau tại vùng bụng.
- Khó tiêu hóa.
- Bị giãn tĩnh mạch.
Bụng bầu căng bóng, kích thước lớn hơn bình thường có thể là dấu hiệu của tình trạng dư ối
Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện một số triệu chứng kể trên, mẹ bầu nên tìm đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn can thiệp kịp thời.
3. Bà bầu bị dư ối có sao không?
Dư ối có sao không là thắc mắc của không ít các mẹ bầu. Thực tế, lượng nước ối nhiều có thể khiến mẹ bầu cũng như thai nhi gặp phải không ít nguy hiểm. Chẳng hạn như:
- Vỡ ối sớm: Khi lượng nước ối trong tử cung tăng lên quá mức, thai phụ có nguy cơ bị vỡ màng ối sớm.
- Ngôi thai bất lợi: Dư ối có thể là nguyên nhân khiến ngôi thai thay đổi theo hướng bất lợi, gây khó khăn cho quá trình sinh nở của mẹ bầu.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi: Lượng nước ối tăng cao quá mức khiến thai nhi bị chậm phát triển, dễ gặp phải các vấn đề về khung xương.
- Tăng nguy cơ sinh non: Thai phụ bị dư nước ối thường phải sinh sớm hơn dự kiến. Trường hợp chào đời khi chưa đủ tháng, nhiều bộ phận của thai nhi có thể chưa được sự hoàn thiện, khó phát triển như trẻ bình thường.
- Nhiễm trùng vùng chậu: Trường hợp phải mổ lấy thai, mẹ bầu có nguy cơ bị nhiễm trùng vùng chậu cao hơn so với khi sinh thường.
- Mất máu: Thai phụ bị dư nước ối có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng chảy máu, băng huyết. Bởi khi đó, tử cung có xu hướng chèn ép mạnh hơn do lượng nước ối tăng, khiến tử cung khó co lại.
- Thai chết lưu: Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất đe dọa đến sinh mạng của thai nhi.
- Một số biến chứng khác: Chẳng hạn như bong nhau thai, dây rốn bị sa,...
Câu trả lời cho thắc mắc dư ối có sao không là việc thai phụ có nguy cơ bị sinh non và nhiều biến chứng nguy hiểm khác
Từ một vài phân tích trong mục trên, chị em chắc hẳn đã biết rõ dư nước ối có ảnh hưởng đến thai nhi không. Tình trạng dư nước ối không chỉ ảnh hưởng đến thai nhi mà còn có thể gây nguy hiểm cho cả thai phụ. Để hạn chế các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân cũng như thai nhi, thai phụ cần đi khám thai định kỳ hoặc khám bất kỳ khi nào nhận thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng khác thường.
4. Cách khắc phục tình trạng dư ối
Phụ thuộc theo mức độ dư ối, bác sĩ sẽ chỉ định cách thức điều trị hay khắc phục phù hợp cho mẹ bầu.
Bên cạnh tuân thủ phác đồ điều trị bác sĩ đã đề ra, thai phụ bị dư ối cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống khoa học. Đơn cử như:
- Bổ sung đầy đủ chất đạm: Thai phụ có thể bổ sung đạm thông qua một số loại thực phẩm như các loại thịt, hải sản.
- Ăn nhiều rau xanh: Đây là nhóm thực phẩm giàu chất xơ, vitamin tốt cho bà bầu. Tuy nhiên, mẹ bầu nên hạn chế tiêu thụ những loại rau chứa nhiều nước, giảm việc chế biến theo món canh hoặc súp.
- Tích cực bổ sung trái cây: Chị em hãy ưu tiên sử dụng những loại trái cây giàu chất xơ, vitamin tốt cho sức khỏe như táo, đu đủ, chuối,... Song song với đó, bầu bầu cần chú ý không nên ăn nhiều những loại trái cây mọng nước như cam, dưa hấu.
Thai phụ hãy ưu tiên bổ sung các loại rau xanh, trái cây
Bên cạnh áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, thai phụ cần dành thời gian nghỉ ngơi, không làm việc quá sức, tránh xa căng thẳng, kiểm soát lượng đường trong máu, khám thai định kỳ và đúng lịch. Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện biểu hiện nghi ngờ bị dư ối, chị em nên nhanh chóng đi khám để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn biện pháp can thiệp kịp thời tránh nguy hiểm cho bản thân và thai nhi.
MEDLATEC hy vọng sau khi tham khảo bài tổng hợp kiến thức y khoa trên đây, bạn đọc đã có thể trả lời được thắc mắc thai phụ bị dư ối có sao không. Khi lượng nước ối tăng cao, cả mẹ bầu và thai nhi đều có nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm. Nếu muốn chủ động phát triển sớm và xử lý kịp thời, chị em hãy khám thai định kỳ và đúng lịch tại các sở y tế uy tín, chất lượng và chuyên khoa Sản phụ khoa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC là một gợi ý lý tưởng. Để đặt lịch khám cụ thể, Quý khách hãy liên hệ với MEDLATEC theo hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn hỗ trợ 24/7.