Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên -Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Ngôi thai thuận sẽ giúp quá trình sinh đẻ diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng may mắn có ngôi thai thuận. Thai nhi ngôi mông, thai nhi ngôi vai là những ngôi thai khiến mẹ bầu có nguy cơ sinh mổ cao.
1. Thai nhi ngôi mông là gì?
Thai nhi ngôi mông là thai ngôi dọc, trong đó phần mông của thai trình diện ở trước eo trên khung chậu người mẹ, phần đầu của thai ở phía đáy tử cung,lưng nằm phía bụng mẹ . Vị trí thai nhi ngôi mông được xác định dựa vào vị trí của mông và chân của thai.
Thai nhi ngôi mông vẫn có thể đẻ đường dưới nhưng dễ bị mắc đầu hậu. Do đó, nếu không được chẩn đoán sớm và xử lý tốt có thể làm tăng nguy cơ tai biến cho mẹ và tăng tỷ lệ tử vong đối với thai nhi.
2. Các loại thai nhi ngôi mông
Thai nhi ngôi mông được chia ra 3 loại đó là:
- Thai nhi ngôi mông hoàn toàn: Mông của bé sẽ hướng xuống phía dưới đường dẫn sinh, hai đầu gối gập lại thành tư thế ngồi bắt chéo chân.
- Thai nhi ngôi mông không hoàn toàn - kiểu mông: Mông của bé sẽ hướng xuống phía dưới đường dẫn sinh,hai chân duỗi thẳng ngay phía trước mặt bé, hai bàn chân đặt sát nhau.
- Thai nhi ngôi mông không hoàn toàn - kiểu bàn chân: Một hoặc hai chân của bé sẽ hướng xuống phía dưới đường dẫn sinh.
3. Thai nhi ngôi mông có nguy hiểm không?
Thai nhi ngôi mông không hoàn toàn - kiểu chân có thể làm tăng nguy cơ bị sa dây rốn, gây áp lực lên rốn và hạn chế lượng máu đến thai. Trường hợp thai nhi ngôi mông hoàn toàn và ngôi mông không hoàn toàn, thai phụ vẫn có thể đẻ thường nhưng phải được hỗ trợ bởi bác sĩ và các nhân viên y tế có chuyên môn cao, kỹ năng tốt.
Từ tuần 32-34, thai phụ nên đi siêu âm để xác định vị trí ngôi mông. Nếu phát hiện sớm, bác sĩ có thể tác động để tiến hành xoay ngôi thai. Nếu đến cuối thai kỳ mà trẻ vẫn ở ngôi mông, bác sĩ sẽ cố áp dụng các thủ thuật để xoay ngôi thai một lần nữa.
4. Thai nhi ngôi vai là gì?
Thai nhi ngôi vai là tình trạng ngôi thai nằm ngang trong tử cung. Đối với thai nhi ngôi vai, không phải lúc nào cực đầu và cực mông cũng nằm ngang nhau mà một cực sẽ nằm ở hố chậu còn cực kia sẽ nằm ở vùng hạ sườn.
Trong quá trình chuyển dạ, phần vai sẽ trình diện ở trước eo trên. Mốc của ngôi vai sẽ là phần mỏng vai. Thai nhi ngôi vai không thể đẻ đường âm đạo được được nếu như thai sống đủ tháng nên sẽ không có cơ chế đẻ.
6. Vì sao ngôi thai lại nằm ngang?
Thai nhi nằm ngang có thể xảy ra bởi một số nguyên nhân sau:
- Do người mẹ đã sinh con nhiều lần khiến tử cung bị giãn, thai nhi khó xoay ngôi và cố định đầu ở phần khung chậu.
- Do người mẹ bị u buồng trứng, dị dạng tử cung, tử cung có vách ngăn, u xơ tử cung...khiến thai bị chèn ép, thai không xoay đầu lại được.
- Đầu thai nhi quá to.
- Dây rốn quá ngắn khiến thai không xoay đầu lại được hoặc chỉ xoay đến nửa chừng.
- Dây rốn quá dài hoặc dây rốn quấn cổ cũng cản trở quá trình xoay thai.
- Nước ối quá ít khiến thai không quay đầu được. Nước ối quá nhiều cũng khiến thai không thể cố định được ngôi.
- Nhau bám thấp gây cản trở đến sự điều chỉnh của thai nhất là trong những tháng cuối của thai kỳ.
7. Thai nhi ngôi vai có nguy hiểm không?
Trường hợp ngôi thai nằm ngang việc sinh thường sẽ rất khó khăn do thai không thể lọt qua khung chậu được.
Thai phụ bắt buộc phải sinh mổ để đảm bảo tính mạng của cả mẹ và bé.
Thai nhi ngôi vai là một trong những dạng ngôi thai nguy hiểm nhất, rất dễ xảy ra biến chứng trong quá trình chuyển dạ.
8. Cần làm gì khi thai nhi ngôi vai?
Thai phụ có thai nhi ngôi vai phải bắt buộc sinh mổ chứ không thể sinh thường. Ngoài ra, thai phụ cũng cần khám định kỳ để được chẩn đoán sớm nhằm ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Đối với thai nhi ngôi vai, bác sĩ có thể xử lý theo 2 cách sau:
- Ngoại xoay thai: Việc này được tiến hành khi thai đã quá 35 tuần tuổi, màng ối còn nguyên vẹn và có khả năng đẻ thường. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây nhiều biến chứng như: chuyển dạ sớm, sa nhau thai, vỡ ối nên hiện không được áp dụng.
- Nội xoay thai: Phương pháp này áp dụng đối với những trường hợp cổ tử cung đã mở, tử cung không có sẹo. Để thực hiện nội, bác sĩ sẽ cho tay vào buồng tử cung để xoay thai thành ngôi mông. Tuy nhiên, dù xoay thành ngôi mông việc sinh thường vẫn rất khó khăn.
Do đó, đối với trường hợp thai nhi ngôi vai, sinh mổ vẫn là phương pháp an toàn nhất cho cả mẹ và bé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.