Bước sang tuần thứ 5, phôi thai đã bắt đầu làm tổ ở lớp niêm mạc tử cung. Lúc này, chị em cũng đã nhận biết được bản thân đã mang thai. Vậy ở tuần thứ 5 này, thai nhi phát triển như thế nào? Có kích thước và hình dáng ra sao? Thai nhi 5 tuần tuổi là đã được bao nhiêu ngày? Mời bạn đọc theo dõi thêm thông tin qua bài viết bên dưới.
Sự phát triển của thai nhi 5 tuần tuổi
Tiếp nối sự phát triển của thai nhi ở tuần 4, phôi thai trong tuần 5 dần ổn định tại vị trí đã làm tổ, tiếp tục hình thành và phát triển các bộ phận, cơ quan trọng yếu của cơ thể thai nhi. Hệ thần kinh đang phát triển, não và tủy sống đang hình thành. Trái tim bé nhỏ đang bắt đầu hình thành và sẽ đập lần đầu tiên. (1)
1. Phôi thai nhỏ
Vào thời kỳ này, trong lòng tử cung của mẹ xuất hiện một phôi thai nhỏ đang phát triển một cách nhanh chóng, bám chặt vào thành tử cung. Bên trong túi thai, phôi thai đã bắt đầu hình thành mầm phôi 3 lá là ngoại bì, trung bì và nội bì thường được gọi là lá phôi ngoài, lá phôi giữa và lá phôi trong. Những lá phôi này sẽ tiếp tục phát triển, phân chia và trở thành các cơ quan, mô tế bào của thai nhi.
2. Phát triển não
Tại lớp trên cùng của phôi thai, lớp ngoại bì hay được gọi là lá phôi ngoài, các bộ phận như não, tủy sống và các dây thần kinh của bào thai bắt đầu được hình thành từ ống thần kinh. Đặc biệt, não là cơ quan phát triển nhanh chóng nhất với khoảng 100 tế bào não được hình thành trong vòng 1 phút. Bên cạnh đó, lá phôi ngoài này cũng là lớp tạo nên da, tóc, móng, tuyến vú, tuyến mồ hôi và men răng của thai nhi trong một vài tuần tới.
3. Tim thai
Tim và hệ thống tuần hoàn của bào thai cũng được hình thành trong tuần thai này tại lớp giữa của phôi thai là lớp trung bì hay được gọi là lá phôi giữa. Cũng trong tuần này, nhịp tim của thai nhi đã xuất hiện và bắt đầu có nhịp đập, trung bình tim thai đập khoảng 100-160 lần/phút, gần gấp đôi nhịp tim của mẹ. Ngoài ra, các cơ, sụn, xương, mô dưới da của thai nhi cũng được hình thành và hoàn thiện dần tại lá phôi giữa này ở những tuần tới.
4. Phổi và ruột
Ở lớp thứ ba, lớp nội bì hay lá phôi trong sẽ phát triển thành phổi, ruột và hệ tiết niệu của bào thai ở giữa tuần thai thứ 5. Tuyến yên, tuyến giáp, tuyến tụy, gan,… đang được hình thành. Trong khi đó, nhau thai và dây rốn đang hoạt động một cách tích cực và hiệu quả nhằm cung cấp đầy đủ oxy và các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.
Hình dạng và kích thước của thai 5 tuần tuổi bao nhiêu?
Thai nhi 5 tuần tuổi có kích thước rất nhỏ, hình dạng riêng biệt của thai nhi đã được hình thành nhưng chưa có hình dạng của con người mà giống như một nòng nọc con có đuôi. Lúc này, phôi thai đã bắt đầu phân chia và hình thành những đốm sẫm màu để tạo nên mũi, miệng, đôi tai,… Tay chân của bé cũng đang được hình thành và trông giống như những chồi non mới nhú.
Ở thời điểm hiện tại, bào thai có độ dài khoảng 2mm, nặng khoảng 1 gam, có kích thước tương đương với một hạt vừng. Mẹ có thể quan sát và nhìn thấy thai nhi qua siêu âm đầu dò, tuy nhiên do phôi thai còn quá nhỏ nên mẹ chỉ có thể nhìn thấy túi thai và túi noãn hoàng (yolksac), chưa thấy được rõ ràng cấu trúc của phôi thai.
Thai 5 tuần là bao nhiêu ngày?
BS Đức Hùng cho biết, thai kỳ thường được bắt đầu tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng xuất hiện ở nữ giới. Khi thai 5 tuần tuổi tức là thai phụ đã bước vào tháng thứ 2 của thai kỳ, mang thai được 1 tháng 1 tuần. Mang thai 5 tuần tức là có thai được khoảng 29-35 ngày (số ngày này phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt dài ngắn của từng thai phụ). (2)
Tìm hiểu thêm: Thai 6 tuần tuổi phát triển như thế nào?
Cơ thể mẹ bầu thay đổi ra sao?
Thai nhi ở tuần thứ 5 có những bước phát triển vượt trội trong quá trình hình thành và hoàn thiện các cơ quan, bộ phận trọng yếu của cơ thể. Do đó, cơ thể mẹ cũng có những thay đổi tất yếu để phù hợp với sự phát triển đó. Cụ thể:
- Thay đổi tâm trạng: Khi mang thai, hầu hết các thai phụ đều có những chuyển biến tâm lý đột ngột, thất thường (chủ yếu nhất là vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ). Những biến chuyển tâm lý này có thể xuất phát từ sự lo lắng, căng thẳng, hoang mang và sự thay đổi của các loại hormone thai kỳ đang tồn tại trong cơ thể mẹ bầu.
- Mệt mỏi: Mệt mỏi là tình trạng chung của mẹ bầu, đặc biệt là vào những tuần đầu của thai kỳ. Mệt mỏi có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như các bộ phận, cơ quan trong cơ thể của thai phụ có những thay đổi nhất định để phù hợp với tình trạng mang thai, tình trạng mất ngủ, khó ngủ, buồn nôn,… gây nên, nhưng đa phần là do sự thay đổi và tăng nhanh đột ngột của nồng độ các loại hormone làm cho cơ thể không kịp thích nghi, dẫn đến mệt mỏi, khó chịu.
- Ốm nghén: Ốm nghén là tình trạng thường gặp ở thai phụ. Ốm nghén có thể xảy bất kỳ thời gian nào trong ngày và trong thai kỳ nhưng chủ yếu nhất vẫn là vào buổi sáng sớm và trong 3 tháng đầu mang thai. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là trong thai kỳ, mẹ bầu rất nhạy cảm với các loại mùi, nồng độ hormone được tăng tiết với số lượng nhiều trong những tuần đầu mang thai, lượng đường trong máu bị giảm đột ngột,… gây nên các triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, nôn khan.
- Táo bón: Táo bón xảy ra khi nồng độ hormone Progesterone được tăng tiết. Progesterone ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, nhu động ruột, tác động lên ruột làm cho ruột giãn ra, quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra chậm hơn, khiến mẹ bầu gặp phải tình trạng chất thải bị ứ đọng do tắc nghẽn đường lưu thông. Bên cạnh đó, tử cung ngày càng tăng kích thước để tạo điều kiện cho thai nhi phát triển làm chật chội và chiếm hầu hết diện tích lưu thông, làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa.
- Nổi mụn: Mẹ bầu bị nổi mụn trứng cá nhiều ở những tuần đầu của thai kỳ. Điều này do sự thay đổi số lượng và nồng độ các loại nội tiết tố. Nội tiết tố càng tăng mạnh, da mặt sẽ tăng tiết càng nhiều sebum (chất bã nhờn), một chất dầu tự nhiên có vai trò cấp ẩm và bảo vệ da. Tuy nhiên, sự sản xuất quá mức bã nhờn, kết hợp với tế bào da chết, có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, từ đó dẫn đến việc mụn trứng cá xuất hiện nhiều hơn.
- Chuột rút: Khi mang thai, trọng tâm cơ thể của mẹ bầu có xu hướng ngả về phía trước, trọng lượng cơ thể tăng nhanh, tạo nhiều áp lực lên các cơ bắp của chân gây nên tình trạng chuột rút ở các khu vực xung quanh vùng chân.
Bụng bầu khi mang thai tuần 5
Ở tuần thứ 5 của thai kỳ, thai nhi còn khá nhỏ, tử cung của mẹ bầu chưa tăng kích thước nhiều. Vì thế, phần bụng của thai phụ cũng chưa có nhiều sự thay đổi, chủ yếu hơi tròn trịa hơn một chút so với bình thường. Lúc này phần bụng của chị em trông khá giống lúc ăn no. Tuy nhiên, thời điểm này nữ giới cũng đã bắt đầu có cảm giác quần áo của mình bị chật ở phần eo, phần hông và phần ngực.
Các triệu chứng khi mang thai ở tuần 5
Một số triệu chứng, mẹ bầu có thể gặp phải khi mang thai ở tuần thứ 5, cụ thể như sau: (3)
- Tình trạng buồn nôn bắt đầu xuất hiện với tần suất nhiều hơn, khiến thai phụ thường xuyên mệt mỏi và cơ thể luôn ở trạng thái khó chịu.
- Ngực có hiện tượng căng ra, to hơn, các nhũ hoa sẫm màu hơn bình thường. Bên cạnh đó, nồng độ hormone của thai kỳ được tăng cao làm cho lưu lượng máu được gia tăng nhanh chóng, điều này có thể làm ngực sưng, đau, ngứa, nhạy cảm hơn so với bình thường.
- Kinh nguyệt được tạm thời ngừng hoạt động cho đến khi nữ giới sinh con và không cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ nữa thì chu kỳ kinh nguyệt mới xuất hiện trở lại.
- Bạn có thể thấy chảy máu màu hồng hoặc nâu đỏ, lượng ít, đó là dấu hiệu của chảy máu làm tổ (khi phôi bám vào nội mạc tử cung).
- Có cảm giác mắc tiểu và đi tiểu với tần suất nhiều lần trong một ngày.
- Sở thích ăn uống có sự thay đổi. Thai phụ có thể thích ăn những món mà trước lúc mang thai không thích và có cảm giác ghét những món ăn mà lúc trước mang thai bản thân rất thích.
- Các giác quan như khứu giác, vị giác trở nên nhạy cảm hơn.
- Nám da (còn được gọi là chloasma faciei).
Những việc cần làm khi mang thai ở tuần thứ 5
Những tháng đầu tiên của thai kỳ đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của thai nhi 5 tuần tuổi trong những giai đoạn tiếp theo. Vì thế, mẹ bầu cần chăm sóc tốt sức khỏe của bản thân và thực hiện tốt các việc sau:
1. Lựa chọn bệnh viện
Lựa chọn bệnh viện để khám thai và đồng hành với “hành trình vượt cạn” của mình là một trong những việc làm hết sức cần thiết và quan trọng mà thai phụ cần thực hiện ngay trong tuần thứ 5 của thai kỳ. Lựa chọn một bệnh viện có uy tín; có trang thiết bị hiện đại; công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; cơ sở vật chất khang trang, đạt chất lượng; đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm trong quá trình thăm khám và chăm sóc sức khỏe thai kỳ sẽ giúp cho mẹ bầu yên tâm hơn, thai kỳ an toàn và khỏe mạnh hơn.
2. Trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh
Những bệnh lý mẹ bầu mắc phải trước khi mang thai (đã điều trị hết hoàn toàn hoặc đang trong quá trình điều trị) đều có những tác động nhất định đến quá trình mang thai, sự phát triển của thai nhi trong tương lai. Vì thế, trong những tháng đầu của thai kỳ, thai phụ cần trao đổi thẳng thắn với bác sĩ những vấn đề bản thân đang gặp phải, tiền sử bệnh lý, các loại thuốc đã và đang sử dụng,… để bác sĩ có thể nắm rõ được tình hình, có phương pháp hỗ trợ kịp thời giúp đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ và bé.
3. Uống đầy đủ vitamin
Vitamin là một loại thực phẩm tốt và có lợi cho sức khỏe, không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng làm quá trình thụ thai diễn ra thuận lợi, suôn sẻ hơn mà còn giúp thai nhi phát triển nhanh, toàn diện và đa dạng về các mặt, đặc biệt là về não bộ và hệ thống thần kinh. Bên cạnh đó, vitamin còn giúp hạn chế một số dị tật bẩm sinh cho trẻ và ngăn ngừa hiệu quả một số bệnh lý có thể gặp phải trong thai kỳ cho mẹ bầu. (4)
4. Cắt giảm caffeine
Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng, sử dụng caffeine trong thai kỳ có mối quan hệ mật thiết gây nên tình trạng sảy thai, giảm lượng máu nuôi dưỡng thai nhi và các vấn đề khác làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sinh trưởng, phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Vì thế theo lời khuyên của các chuyên gia, thai phụ không nên sử dụng caffeine trong thai kỳ hoặc chỉ nên sử dụng với số lượng hạn chế trong khoảng 200mg trở xuống trong một ngày (tương đương với một tách cà phê lớn).
Hiện nay, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh không chỉ có các gói thăm khám, kiểm tra, tầm soát sức khỏe cho mẹ và bé trong suốt cả thai kỳ mà còn có sự kết hợp với các chuyên gia dinh dưỡng đến từ Trung tâm Dinh dưỡng tiết chế nhằm tư vấn, lên những thực đơn dinh dưỡng cần thiết, phù hợp với từng thể trạng của mẹ bầu và từng giai đoạn của thai kỳ, đảm bảo cung cấp đầy đủ, đa dạng các chất dinh dưỡng cho mẹ và bé, để mẹ có thai kỳ an toàn, trẻ khỏe mạnh lớn lên.
Nếu có nhu cầu đặt lịch khám và tư vấn tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách xin vui lòng liên hệ đến:
Tóm lại, thai nhi 5 tuần tuổi là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự hình thành ổn định và bắt đầu phát triển nhanh chóng của con yêu. Ở thời điểm này, thai phụ cần chăm sóc tốt sức khỏe, cung cấp đầy đủ, kịp thời các dưỡng chất cần thiết cho sự sinh trưởng của bào thai. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay băn khoăn nào cần được tư vấn thêm, chị em có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ giải đáp chi tiết và cụ thể.