Một số cha mẹ sau khi đưa con đi tiêm phòng, thấy con khỏe mạnh, không có biểu hiện sốt thường thấy lo lắng không biết trẻ tiêm phòng không bị sốt có tốt không? Cha mẹ cảm thấy lo sợ không biết tiêm phòng có tác dụng với con không? Những thông tin dưới đây có thể giúp cha mẹ giải đáp phần nào những câu hỏi đó.
Tại sao trẻ tiêm phòng xong thường sốt?
Trước khi đi vào tìm đáp án cho câu hỏi “Trẻ tiêm phòng không bị sốt có tốt không?” hay “Tại sao có những bé tiêm xong sốt, có những bé thì không?”, cha mẹ cần hiểu được định nghĩa sốt là gì, tại sao sau khi các bé được tiêm phòng thường xuất hiện tình trạng sốt.
Vậy sốt là gì? Sốt ở trẻ là sự tăng nhiệt độ tạm thời cao hơn so với bình thường, nguyên nhân là do phản ứng của cơ thể với các tác nhân nhiễm trùng như virus, vi khuẩn cảm cúm, cảm lạnh… Hiểu cách khác, sốt là sự phản kháng lại các tác nhân nhiễm trùng của hệ miễn dịch nhằm bảo vệ cơ thể. Đi kèm với sự phản kháng đó là những triệu chứng như mệt mỏi, khó chịu, thân nhiệt tăng…
Vậy tại sao trẻ em tiêm phòng xong thường hay sốt? Vaccine được tiêm vào trong cơ thể với vai trò là tác nhân giúp hệ miễn dịch cơ thể được “tập trận”. Ta có thể hiểu rằng vaccine là kháng nguyên của vi sinh vật gây bệnh bị bất hoạt, chết hoặc gần chết. Nhờ các nhà khoa học đã làm mất khả năng hoạt động hoặc thay đổi cấu trúc của kháng nguyên, khiến cho kháng nguyên mất đi tính nguy hiểm ban đầu.
Khi tiêm vào cơ thể, theo đúng quy trình, hệ miễn dịch sẽ nhận diện tác nhân nguy hiểm và cố gắng tiêu diệt nó. Tất nhiên, khi này kháng nguyên đã bị mất khả năng hoạt động nên không thể gây hại và cũng dễ dàng bị cơ thể tiêu diệt.
Tuy vậy, khi vi rút tấn công cơ thể, chúng sẽ thải ra một số chất vào máu làm suy yếu vật chủ, lúc này “vùng hạ đồi” ở não nhận ra sự tấn công từ bên ngoài, lập tức tăng nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường, hiện tượng này được gọi là sốt. Và khi vaccine đi vào cơ thể, cơ thể cũng ghi nhận là một cuộc tấn công và có phản ứng tương tự. Sốt như một báo động của cơ thể về tình trạng nhiễm trùng, cơ thể bị tổn thương.
Trẻ tiêm phòng không bị sốt có tốt không?
Cha mẹ thường nghĩ rằng, sau khi tiêm phòng con trẻ sốt là điều hiển nhiên, nên khi thấy con mình sau tiêm không sốt thường khiến cha mẹ thấy băn khoăn, lo lắng, không biết trẻ tiêm phòng không bị sốt có tốt không? Không biết vaccine tiêm cho con có hiệu quả không?
Cha mẹ nên hiểu rằng, hệ miễn dịch của mỗi người là khác nhau, nên khi nhận diện được sự tấn công từ “kẻ địch”, đáp ứng của hệ miễn dịch ở mỗi người cũng khác nhau. Vaccine có thể giúp cơ thể tạo ra một lượng kháng thể nhưng số lượng và thời gian tạo kháng thể ở mỗi người là khác nhau. Tình trạng sốt có thể diễn ra, cũng có thể không, nhưng chung quy mục tiêu vẫn là đảm bảo hiệu quả của vaccine.
Sau tiêm, bé có tình trạng sốt nghĩa là hệ miễn dịch bé đang “chiến đấu” với kháng nguyên. Trường hợp con không sốt, cha mẹ không phải quá lo lắng, bé không sốt không có nghĩa là hệ miễn dịch của bé gặp vấn đề, mà chỉ đơn giản là phản ứng diễn ra nhẹ nhàng. Do thể trạng các bé là khác nhau, tuy rằng không sốt nhưng hệ miễn dịch bé vẫn nhận diện và ghi nhớ kháng nguyên, lần tới khi virus xuất hiện thì hệ miễn dịch vẫn kịp thời tiêu diệt.
Như vậy, tình trạng sốt hay không sốt không phải là tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả của tiêm phòng, cả hai trường hợp đều có hiệu quả miễn dịch là tương đương nhau và dù có sốt hay không thì hệ miễn dịch vẫn sẽ hoạt động theo quy trình thông thường khi có tác nhân xâm nhập.
Làm gì khi trẻ bị sốt sau tiêm phòng?
Như giải thích ở trên, tình trạng sốt là biểu hiện cho việc hệ miễn dịch của cơ thể đang đáp ứng lại với kháng nguyên. Đa số trường hợp trẻ sốt sau tiêm là an toàn. Khi trẻ xuất hiện tình trạng sốt sau tiêm, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là chú ý theo dõi tình trạng của con để dự phòng trường hợp có gì bất thường. Sau đó, dựa theo tình trạng của bé để có cách xử lý phù hợp.
- Trường hợp sốt trên 38,5 độ C: Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ theo đúng liều lượng phù hợp với tuổi và cân nặng của bé. Trường hợp sử dụng thuốc mà tình trạng sốt không giảm, cần đưa bé đến bệnh viện gần nhất để được hỗ trợ.
- Trường hợp sốt dưới 38,5 độ C: Chườm ấm, cho trẻ mặc đồ rộng rãi, thoáng mát, không để bé nằm trước quạt.
- Trường hợp sốt kèm các biểu hiện khác như: Lừ đừ, mệt mỏi, co giật, ngủ li bì, dùng thuốc nhưng không đỡ kéo dài hơn 2 ngày thì người nhà cần đưa bé đến bệnh viện gấp.
Một số điều cha mẹ cần lưu ý sau khi đưa con đi tiêm phòng
Khi đi tiêm thì bé cần ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi nhằm dự phòng sốc phản vệ hoặc các biến chứng để được xử lý kịp thời. Nếu sau khi về nhà, bé bắt đầu sốt, cần cặp nhiệt kế thường xuyên, theo dõi thân nhiệt bé, nếu thấy dấu hiệu gì bất thường cần đưa bé đến viện ngay.
Một số phản ứng bình thường trẻ có thể gặp sau tiêm:
- Sưng, đau tại vị trí tiêm: Do da bé còn non nên sau tiêm dễ bị sưng, một số bé nổi cục ở vết tiêm nhưng rồi sẽ hết sau 1 - 2 ngày nên cha mẹ không cần can thiệp.
- Trẻ mệt mỏi, quấy khóc: Thể hiện sự đáp ứng miễn dịch trong cơ thể bé khiến bé mệt mỏi, khó chịu nên dễ quấy khóc.
- Lười ăn, bỏ bú: Mệt mỏi và sốt là 2 vấn đề chính dẫn đến bé mệt mỏi, lười ăn, bỏ bú. Cha mẹ khi này có thể chia nhỏ bữa cho con, động viên giúp bé ăn để nhanh chóng hồi phục. Cha mẹ có thể bổ sung thêm vitamin C cho con.
Một số phản ứng tiềm ẩn nguy hiểm
Dưới đây là một số phản ứng có thể gây nguy hiểm cho bé mà ba mẹ cần lưu ý:
- Lơ mơ, ngủ li bì, sưng viêm lan tỏa, nhiễm khuẩn…
- Viêm phế quản, phát ban.
- Co giật, nổi mề đay.
Trong những trường hợp này, cha mẹ nên sớm đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Thông qua bài viết trên, mong rằng đã có câu trả lời cho lo lắng của nhiều phụ huynh là trẻ tiêm phòng không bị sốt có tốt không? Tùy vào thể trạng mỗi bé mà tình trạng sốt, không sốt là khác nhau, vì vậy cha mẹ không cần quá lo lắng khi thấy con không sốt. Con không sốt sau tiêm không có nghĩa là hệ miễn dịch con không chiến đấu, mà có thể chỉ đơn giản là do cơ thể bé phản ứng nhẹ nhàng với vaccine.
Xem thêm:
- Trẻ bị viêm họng sốt về đêm có nghiêm trọng không?
- Trẻ em bị sốt và nôn là bệnh gì? Ba mẹ cần làm gì để cải thiện?