Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương -Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Bước sang tuần thứ năm của thai kỳ, các bộ phận và cơ quan trong cơ thể bé dần hình thành và phát triển. Giai đoạn này, bé cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển khỏe mạnh, chính vì vậy mẹ bầu cần hết sức lưu ý bổ sung dưỡng chất và nghỉ ngơi cần thiết.
1. Thai nhi tuần 5 phát triển như thế nào?
Sang tuần thứ 5 của thai kỳ, thai nhi sẽ phát triển một cách mạnh mẽ, kích thước lúc này đã có sự tăng trưởng đáng kể, dài khoảng 6mm, và trông giống hình dạng của một chú nòng nọc nhỏ.
Trong tuần này, hệ thần kinh và hệ tuần hoàn bắt đầu phân hóa, các cơ quan khác cũng phát triển mạnh. Túi phôi hình thành mầm phôi ba lá, bao gồm ngoài, trong và giữa:
- Lá phôi ngoài: Hình thành nên hệ thần kinh, màng tai trong, thủy tinh thể, tầng biểu bì, lông, tóc, và móng.
- Lá phôi giữa: Hình thành cơ thịt, xương, hệ bài tiết và mô liên kết hệ tuần hoàn.
- Lá phôi trong: Phân hóa thành hệ tiêu hóa, tuyến thể, tổ chức thượng bì của hệ hô hấp, bàng quang, tiền đình và niệu đạo.
Điểm nổi bật trong sự phát triển của thai nhi 5 tuần tuổi là hình thành hệ thống tuần hoàn từ mesoderm, vì vậy nhịp tim của bé đã xuất hiện và có tần suất từ 100-160 nhịp/phút, gấp đôi nhịp tim của người lớn. Thêm vào đó, các đường nét trên khuôn mặt bé bắt đầu rõ dần, phần đầu phía sau sẽ phát triển nhanh hơn so với phía trước. Hầu như sự phát triển của thai nhi trong tuần thứ năm đều tập trung vào não với khoảng 100 tế bào não được hình thành trong mỗi phút. Chính vì vậy mà mẹ sẽ thường có cảm giác đói bụng, hay cồn cào vì cơ thể bạn cần nhiều nguồn năng lượng hơn để cung cấp và hỗ trợ sự phát triển cho bé yêu. Ngoài ra, các tuyến sinh dục của thai nhi cũng bắt đầu hình thành, nhưng chúng ta vẫn chưa thể xác định được giới tính của bé mà phải đợi thêm một thời gian nữa.
Khi mẹ bầu bước sang tuần thứ 5, các cơ quan như tim mạch, hệ thần kinh và huyết quản của thai nhi hết sức mẫn cảm và dễ bị tổn thương nếu chịu phải những tác động mạnh, vì vậy rất dễ dẫn tới dị tật bẩm sinh. Bạn nên thật sự thận trọng trong giai đoạn nhạy cảm này, đặc biệt không nên tiếp xúc với các tia phóng xạ hoặc tia X-quang, không nên vận động quá mạnh, tránh bị cảm cúm và không sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
Chi tiết về sự phát triển của thai nhi qua từng tuần, cha mẹ nào cũng nên tìm hiểu:
2. Thai 5 tuần tuổi đã có tim thai chưa?
Như đã nói ở trên, tim thai ở tuần thứ 5 đã xuất hiện do hệ thống tuần hoàn được hình thành từ mesoderm. Thông qua hoạt động của tim thai, bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để theo dõi tình trạng sức khỏe của bé.
Một số người khi đi khám thai ở tuần này nhưng chưa phát hiện tim thai của bé thì cũng nên bình tĩnh. Bạn có thể đợi khoảng 1 hoặc 2 tuần nữa vì mỗi bé sẽ phát triển khác nhau. Xét theo trường hợp của mỗi bé, bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng xử lý phù hợp.
3. Thai nhi 5 tuần tuổi đã vào tử cung chưa?
Để có thể đưa ra kết luận chính xác rằng thai nhi 5 tuần tuổi đã vào tử cung hay chưa thực sự rất khó nói. Bởi vì thời điểm thai “làm tổ” trong buồng tử cung của mỗi phụ nữ là khác nhau, và không có thời điểm nào là cụ thể.
Theo các nghiên cứu cho thấy, trong quá trình thụ tinh, có tới 250 triệu tinh trùng được phóng thích trong mỗi lần xuất tinh để đi tìm trứng. Chỉ có 1 tinh trùng khỏe mạnh nhất và nhanh nhất mới có thể gặp trứng để thụ tinh và tạo thành hợp tử. Lúc đó, quá trình thụ thai mới chính thức được bắt đầu.
Thông thường, quá trình thai làm tổ ổn định trong buồng tử cung của người phụ nữ sẽ mất khoảng 7-10 ngày, tuy nhiên, có một số người lại lên đến 13-15 ngày. Vì thế mà việc xác định thời điểm rụng trứng là rất khó. Bác sĩ sản phụ khoa thường tính tuổi thai dựa vào ngày đầu của kỳ kinh cuối. Cách tính này có thể làm xê dịch khoảng 1-2 tuần, do đó, nhiều mẹ bầu được tính là thai 5 tuần tuổi nhưng vẫn chưa vào tử cung.
Nhìn chung, không có con số cụ thể nào để xác định thai nhi 5 tuần đã vào tử cung hay chưa.
4. Những nguyên nhân khiến thai vào tử cung muộn
Dưới đây là một vài nguyên nhân chính khiến cho thai vào tử cung muộn hơn so với bình thường, bao gồm:
- Sự bất thường của ống dẫn trứng và vòi trứng: Những phụ nữ có ống dẫn trứng hẹp và nhỏ, có tiền sử phẫu thuật ống dẫn trứng, vòi trứng để lại sẹo hoặc bị viêm nhiễm khiến cho thời gian thai đi vào tử cung chậm hơn so với bình thường.
- Cơ địa của người mẹ: Tùy vào cơ địa, đặc điểm cơ thể, chu kỳ kinh nguyệt của từng người mà thời điểm hợp tử đi vào tử cung là khác nhau.
- Mang thai ngoài tử cung: Trong trường hợp bạn đã chậm kinh 14 ngày, que thử thai hiển thị 2 vạch nhưng khi siêu âm vẫn chưa thấy thai vào tử cung thì khả năng cao bạn đã bị mang thai ngoài tử cung - hợp tử ở lại và phát triển ở ống dẫn trứng và vòi trứng thay vì ở tử cung của mẹ. Đây là trường hợp rất nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời có thể gây chảy máu ổ bụng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng của người mẹ hoặc mất khả năng sinh sản sau này.
5. Một số dấu hiệu cho thấy thai nhi đã vào tử cung
Khi thai đã vào tử cung, chị em có thể thấy xuất hiện những dấu hiệu sau:
Tăng nhiệt độ của cơ thể: Do cơ thể người mẹ phải tạo nhiều máu hơn trong thời gian này, lưu lượng máu chảy cũng tăng nhanh, thêm vào đó quá trình trao đổi chất cũng diễn ra nhiều hơn để cung cấp các chất dinh dưỡng và oxi cho bé.
Ra máu báo thai: khi hợp tử di chuyển thành công vào tử cung và làm tổ ở đó, bạn có thể sẽ thấy vùng kín ra chút máu màu hồng nhạt hoặc nâu đậm, kèm theo đau tức bụng dưới. Hiện tượng này khiến nhiều người lầm tưởng và nghĩ rằng kỳ kinh nguyệt sắp diễn ra.
Cơ thể mệt mỏi: là do hormone hCG, progesterone và estrogen tăng cao sau khi trứng thụ tinh thành công. Sự thay đổi đột ngột này khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và khó chịu.
Ngoài ra còn có một số dấu hiệu khác như buồn nôn, nôn, chán ăn, nhạy cảm với mùi, chậm kinh.
6. Lời khuyên dành cho mẹ bầu trong tuần thứ 5 của thai kỳ
Những tháng đầu tiên của thai kỳ là khoảng thời gian vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Để có một thai kỳ khỏe mạnh và đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất của bé, bạn nên tham khảo những lời khuyên dưới đây:
- Nên khám thai sớm và đúng lịch. Chăm sóc tốt trước khi sinh là một bước thiết yếu để đảm bảo cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra thể chất, bao gồm chiều cao, cân nặng, huyết áp, và sức khỏe tổng quát nói chung.
- Tránh ăn những thực phẩm có hại. Những thực phẩm như phô mai chưa tiệt trùng, sữa hay các loại nước trái cây chưa tiệt trùng, trứng sống, thịt, cá, hải sản chưa qua chế biến, xúc xích, thịt nguội, các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao,...có thể gây ra các bệnh ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, dẫn tới nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh ở thai nhi, hoặc thậm chí là sảy thai.
- Tích cực bổ sung acid folic trong kỳ tam cá nguyệt đầu tiên để hạn chế tối đa khả năng dị tật bẩm sinh, khuyết tật ống thần kinh hoặc bệnh tim bẩm sinh cho thai nhi.
- Bổ sung đầy đủ vitamin, sắt và canxi cho cơ thể thông qua ăn uống đủ chất và dùng vitamin tổng hợp.
- Không tùy tiện sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể các các sản phẩm thực phẩm chức năng mà không có sự cho phép của bác sĩ.
- Tránh hút thuốc lá, uống bia rượu và các chất kích thích. Những chất này ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của thai nhi, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như sinh non, nhẹ cân, sảy thai, khả năng ngôn ngữ và hành động chậm chạp hơn so với bình thường.
- Thư giãn cơ thể bằng những hoạt động nhẹ nhàng.
3 tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ. Để giúp thai nhi tuần thứ 5 phát triển tốt, mẹ và bé được khỏe mạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý:
- Hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, ngộ độc thai nghén, ra máu trong thai kỳ.
- Khám thai lần đầu kịp thời, đúng và đủ, tránh khám quá sớm/ quá muộn.
- Sàng lọc dị tật thai nhi tuần thứ 12 phát hiện những dị tật thai nhi nguy hiểm có thể can thiệp sớm.
- Phân biệt chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo bệnh lý để can thiệp giữ thai kịp thời.
- Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.
Bác sĩ Trần Thị Mai Hương đã có 25 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa, phẫu thuật đường dưới,phẫu thuật nội soi. Đã giữ chức vụ phó trường khoa Sản bệnh lí, phó Trưởng phòng đẻ - bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Có chuyên môn cao và thế mạnh trong lĩnh vực:
- Phẫu thuật đường dưới
- Phẫu thuật nội soi
- Các phẫu thuật sản khoa khó
Mọi thông tin chi tiết về chương trình thai sản trọn gói 12 tuần và đăng ký khám, Quý Khách có thể liên hệ đến các phòng khám, bệnh viện thuộc hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org, Webmd.com, Babycenter.com, Whattoexpect.com