1. Dấu hiệu sa tử cung cấp độ 1
1.1. Sa tử cung là gì?
Sa tử cung là bệnh lý phụ khoa có thể gặp ở mọi phụ nữ nhưng thường gặp ở phụ nữ đã sinh nở. Tử cung lẽ ra phải nằm ở trên âm đạo nhưng vì nhiều lý do khiến cơ và dây chằng bị kéo giãn và không thể nâng đỡ được tử cung, tử cung bị tụt xuống ống âm đạo, thậm chí lộ ra ngoài âm đạo. Tình trạng này được gọi là sa tử cung.
Sa tử cung là bệnh lý phụ khoa có thể gặp ở mọi phụ nữ
Bệnh được chia thành 3 cấp độ. Trong đó:
Sa tử cung cấp độ 1: Là khi tử cung đã sa xuống, nhưng nằm trong lòng âm đạo. Đây được cho là cấp độ nhẹ nhất.
Sa tử cung cấp độ 2: Đây là giai đoạn tử cung đã tụt đến cửa âm đạo, có thể thấy bằng mắt thường khi lao động nặng hoặc hoạt động liên tục.
Sa tử cung cấp độ 3: Cấp độ này được cho là cấp độ nguy hiểm nhất. Lúc này toàn bộ tử cung đã tụt ra ngoài âm đạo và có thể nhìn thấy tử cung to bằng quả trứng gà. Trong trường hợp tử cung không thể tự co trở lại, có thể phải tính đến phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
1.2. Những yếu tố làm tăng nguy cơ sa tử cung
Trường hợp do thai nhi quá to hoặc mang đa thai
Sau khi sinh, thai phụ không nghỉ ngơi mà lao động quá sức cũng dễ khiến dây chằng bị tổn thương và tăng nguy cơ sa tử cung.
Mang đa thai hoặc sinh nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ sa tử cung
Phụ nữ tiền mãn kinh, phụ nữ lớn tuổi, cơ và dây chằng trở nên suy yếu, lão hóa.
Phụ nữ trải qua phẫu thuật tử cung.
Phụ nữ sau khi sinh thường bị táo bón, rối loạn đại tiện, tăng áp lực trong ổ bụng và lâu ngày dẫn đến bệnh.
Các trường hợp đã từng phải can thiệp y khoa trong khi sinh, chẳng hạn như phẫu thuật nội soi, sử dụng thuốc oxytocin, sinh mổ,… cũng có nguy cơ mắc sa tử cung cao hơn những phụ nữ khác.
1.3. Những triệu chứng của sa tử cung cấp độ 1
Ở mỗi giai đoạn, biểu hiện của bệnh sẽ không giống nhau. Thông thường ở cấp độ 1, các triệu chứng sẽ không nghiêm trọng, đôi khi khó phát hiện vì không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống hằng ngày và còn dễ nhầm lẫn với những bệnh phụ khoa về tử cung khác.
Mang vác nặng cũng là một yếu tố nguy cơ gây bệnh
Cụ thể, triệu chứng bệnh ở cấp độ 1 như kích thước khối sa nhỏ, sa không thường xuyên, xuất hiện khi lao động hoặc đi lại nhiều, nằm nghỉ thì khối sa tụt vào trong âm đạo hoặc tự đẩy lên được.
Dấu hiệu nặng tức bụng hoặc đau bụng dưới trước kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh phụ khoa có biểu hiện giống như vậy, nên phụ nữ thường bỏ qua dấu hiệu này.
Đau lưng: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đau lưng, trong đó có bệnh sa tử cung. Phụ nữ mắc phải căn bệnh này thường có cảm giác đau lưng nếu đứng quá lâu hoặc sau khi phải lao động nặng. Vì thế, nếu có dấu hiệu đau lưng, bạn đừng nên chủ quan mà hãy đi khám sớm để tìm nguyên nhân và cách khắc phục.
Thường xuyên đi tiểu dù lượng nước tiểu không nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là biểu hiện của rất nhiều loại bệnh mà nếu không được thăm khám sẽ không thể tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này.
Ở cấp độ 2 và cấp độ 3 những triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Một số biểu hiện bệnh có thể kể đến như hiện tượng đau khi đại tiện, khí hư ra nhiều hơn và có màu trắng đục, xuất huyết âm đạo bất thường, đau khi quan hệ, có cảm giác như tử cung bị tụt ra ngoài âm đạo, thậm chí những biểu hiện nặng hơn có thể là sưng, loét âm đạo, một số trường hợp chảy dịch mủ màu vàng, người bệnh có thể bị táo bón nặng, sốt cao và một số triệu chứng khác.
2. Phương pháp điều trị sa tử cung cấp độ 1
2.1. Biến chứng sa tử cung
Bệnh sa tử cung nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể xảy ra một số biến chứng nguy hiểm như sau:
Loét âm đạo: Khi tử cung sa xuống âm đạo, thậm chí ra khỏi âm đạo sẽ gây ra tình trạng viêm loét, nhiễm trùng khiến người bệnh bị ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống và sức khỏe.
Sa các cơ quan ở vùng chậu: Tình trạng sa tử cung lâu ngày không được khắc phục sẽ có thể dẫn tới sa các cơ quan vùng chậu, chẳng hạn như sa trực tràng, sa bàng quang,… rất nguy hiểm.
2.2. Điều trị sa tử cung cấp độ 1
Khi bệnh ở giai đoạn sớm thì việc điều trị sẽ không gặp quá nhiều khó khăn và khi đó, bệnh nhân chưa gặp quá nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Lúc này, phương pháp điều trị thường được áp dụng là:
Bệnh nhân cần thay đổi thói quen sống, sống khoa học hơn để giảm nhẹ triệu chứng, cần chú trọng nghỉ ngơi và không nên lao động nặng, làm việc quá sức.
Chị em nên tuân thủ theo phương pháp điều trị của bác sĩ
Ăn uống khoa học, đặc biệt ưu tiên các loại chất xơ như rau củ, trái cây,… để hạn chế nguy cơ táo bón, khiến cho bệnh càng nặng hơn,…
Nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân, béo phì thì nên giảm cân, đưa cân nặng về mức hợp lý.
Bên cạnh đó, bạn cần tập luyện thêm những bài tập tốt cho vùng chậu như bài tập kegel. Bài tập này sẽ giúp cho cơ và dây chằng khỏe hơn, dẻo dai hơn và khắc phục bệnh hiệu quả.
Đối với những trường hợp nghiêm trọng, các bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngoại khoa.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong những cơ sở y tế được nhiều người tin tưởng lựa chọn. Bệnh viện được đầu tư cơ sở vật chất quy mô với đội ngũ bác sĩ giỏi và tận tâm với người bệnh. Vì thế, bạn có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng dịch vụ tại đây.
Hãy gọi đến đường dây nóng 1900 56 56 56 để được chuyên gia của chúng tôi tư vấn chi tiết.