Máu báo thai thường xuất hiện sau 1 đến 2 tuần kể từ thời điểm quan hệ không an toàn (không sử dụng các biện pháp tránh thai). Đây là dấu hiệu giúp nữ giới nhận biết sớm quá trình mang thai. Vậy ra máu báo thai có đau bụng không? Bụng dưới sẽ đau trong bao lâu? Tất cả thông tin trên sẽ được giải đáp dưới góc nhìn chuyên môn của Bác sĩ Nguyễn Thị Trang, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Ra máu báo thai có đau bụng không?
Thông thường, khi máu báo thai xuất hiện, nữ giới sẽ có cảm giác đau nhẹ hoặc lâm râm phần bụng dưới. Hiện tượng này xuất phát từ lớp niêm mạc tử cung bị tổn thương và chảy máu trong quá trình làm tổ của phôi thai. Ngoài ra, cơn đau bụng xuất hiện có thể do sự thay đổi của hormone trong cơ thể chị em ở thời kỳ đầu mang thai. Chị em cũng có thể đau dây chằng do tử cung đang mở rộng để chuẩn bị cho thai phát triển.
Bên cạnh đó, một số trường hợp chị em khi ra máu báo thai sẽ không xuất hiện cảm giác đau bụng. Nếu gặp phải tình trạng này, nữ giới cũng không cần phải lo lắng hay hoang mang. Bởi lẽ cảm giác đau còn tùy thuộc vào cơ địa và khả năng chịu đựng cơn đau của từng người.
Đau lưng, đau bụng khi ra máu báo thai có giống với đau bụng kinh không?
Đau bụng khi ra máu báo thai và đau bụng kinh thường không giống nhau. Cụ thể:
- Đau bụng khi ra máu báo thai: Thường xuất hiện khi phôi thai bắt đầu làm tổ tại tử cung với những cơn đau nhẹ hoặc lâm râm ở phần bụng dưới, vị trí thường lệch sang một bên. Bên cạnh đó, nữ giới thường sẽ có cảm giác đau hơn một chút khi dây chằng và cơ nâng đỡ tử cung bị căng ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thai nhi phát triển. (1)
- Đau bụng kinh: Thường xuất hiện trước chu kỳ kinh nguyệt khoảng 24 - 48 giờ với những cơn đau âm ỉ và co thắt ở phần bụng dưới. Cơn đau giảm nhẹ sau 48 giờ kể từ thời điểm ra kinh và đau dữ dội trong ngày máu kinh ra nhiều nhất trong chu kỳ. Bên cạnh cảm giác đau bụng dưới, khi đau bụng kinh nữ giới có thể thấy cơn đau lan ra vùng lưng dưới và đùi, kèm theo các triệu chứng khó chịu khác như buồn nôn, mệt mỏi, bứt rứt trong người,….
Tham khảo: Cách phân biệt máu báo thai và máu kinh
Nguyên nhân ra máu báo thai kèm đau bụng dưới
Ra máu báo thai kèm theo đau bụng dưới là tình trạng thường gặp ở các mẹ bầu. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm: (2)
1. Thai làm tổ
Thai làm tổ là một trong những nguyên nhân đầu tiên gây nên tình trạng ra máu báo thai kèm triệu chứng đau bụng dưới. Hiện tượng này xảy ra vào khoảng thời gian gần đến chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Lúc này quá trình thụ tinh đã thành công, phôi thai bắt đầu làm tổ ở lớp niêm mạc tử cung, làm cho một số mao mạch nhỏ bị vỡ, gây chảy máu âm đạo.
2. Chảy máu cổ tử cung
Theo một số thống kê, tỷ lệ nữ giới bị chảy máu âm đạo trong nửa đầu thai kỳ chiếm 15 - 25%, trong đó có chảy máu cổ tử cung. Chảy máu cổ tử cung khi mang thai là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể làm cho lượng máu đến tử cung phụ nữ tăng lên nhiều, cổ tử cung rất dễ chảy máu, nhất là sau khi quan hệ tình dục hoặc khám phụ khoa.
Hiện tượng này thường không gây nguy hiểm nhưng trong một số trường hợp, ra máu báo thai kèm đau bụng là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi, khi gặp phải tình trạng này chị em nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời.
3. Sảy thai
Sảy thai (hay hư thai) là tình trạng mất thai trước 20 tuần của thai kỳ. Trường hợp này thường xảy ra trong những tháng đầu của thai kỳ. Thông thường trước khi sảy thai, thai phụ sẽ có hiện tượng ra máu báo thai nhiều ở âm đạo kèm theo các triệu chứng như: Đau bụng dữ dội, sốt cao, chóng mặt, choáng váng,…
4. Mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung hay chửa ngoài tử cung là tình trạng trứng sau khi được thụ tinh phát triển thành phôi thai nhưng phôi thai không làm tổ ở tử cung mà làm tổ ở vị trí khác bên ngoài tử cung, thường là ống dẫn trứng hay vòi trứng. Đây là tình trạng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của phụ nữ. (3)
Một số triệu chứng nữ giới có thể gặp phải khi mang thai ngoài tử cung như ra máu báo thai kèm đau bụng dữ dội, đau ở một bên xương chậu, chóng mặt và đau ở cổ hoặc vai. Khi có những triệu chứng này, chị em nên đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời, tránh để lâu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi mang thai, cơ thể phụ nữ thường rất nhạy cảm và dễ mắc phải các bệnh lý gây nguy hiểm đến sức khỏe của bản thân và sự phát triển toàn diện của thai nhi. Vì thế, chị em nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị ngay khi máu báo thai xuất hiện nhiều và kéo dài liên tục trong 2 ngày kèm theo các triệu chứng như đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội, cảm giác mót rặn liên tục… Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của tình trạng mang thai ngoài tử cung.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, phụ nữ không mang thai nhưng vẫn xuất hiện tình trạng máu chảy ra từ âm đạo và đau bụng dữ dội. Đây có thể là sự cảnh báo của các bệnh lý như: Chấn thương âm đạo hoặc cổ tử cung, polyp hoặc bất thường ở cổ tử cung, nhiễm trùng tử cung hoặc cổ tử cung, nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), viêm ruột thừa hoặc táo bón,… Trong các trường hợp này, nữ giới cũng nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cần làm gì khi chảy máu báo thai kèm theo đau bụng, đau lưng?
Chị em bị chảy máu báo thai kèm theo đau bụng thì có thể áp dụng các cách sau để giảm tình trạng đau bụng và giữ sức khỏe ổn định hơn. Cụ thể: (4)
- Thăm khám tại các cơ sở y tế: Nữ giới cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, thực hiện các kiểm tra và xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ để bác sĩ nắm rõ được tình trạng sức khỏe hiện tại của mẹ bầu và thai nhi. Bên cạnh đó, chị em cũng không nên sử dụng các loại thuốc giảm đau để khắc phục cơn đau mà chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Vận động nhẹ nhàng: Phụ nữ trong các tháng đầu thai kỳ cần tránh vận động mạnh, làm việc quá sức, nên đi bộ hoặc tập các bài thể dục nhẹ nhàng để cải thiện chức năng vùng xương chậu và vùng bụng. Từ đó giúp hạn chế được tình trạng chảy máu và đau bụng.
- Ăn uống khoa học: Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể bằng cách ăn đa dạng các loại thực phẩm, ăn nhiều rau quả không chỉ giúp tránh được tình trạng chảy máu, đau phần bụng dưới mà còn giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, chị em còn có thể sử dụng túi chườm hay khăn mềm chườm dưới vùng bụng dưới và uống nhiều nước ấm để làm ấm vùng bụng, hạn chế các cơn đau.
- Vệ sinh vùng kín hiệu quả: Để bảo vệ vùng kín luôn sạch sẽ, đặc biệt là giai đoạn máu báo thai ra nhiều, chị em có thể sử dụng băng vệ sinh cho đến khi thấy máu ngừng chảy. Bên cạnh đó, có thể dùng thêm nước ấm và dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, có độ pH phù hợp, không chứa các thành phần gây kích ứng để vệ sinh sạch sẽ vùng kín, tránh tình trạng viêm nhiễm.
Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm cùng đa dạng các gói thăm khám và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho phụ nữ giúp sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh lý về phụ khoa và có phác đồ điều trị kịp thời, đem lại sự yên tâm cho nữ giới.
Ra máu báo thai là tình trạng thường gặp ở các mẹ bầu trên hành trình mang thai vì thế chị em cũng đừng quá hoang mang, lo lắng. Chăm sóc tốt sức khỏe bản thân là tiền đề giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh và nữ giới có một thai kỳ an toàn. Hi vọng bài viết trên đã giải đáp được câu hỏi Ra máu báo thai có đau bụng không cho chị em. Nếu còn thắc mắc hay băn khoăn nào, chị em có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia Sản Phụ khoa hỗ trợ giải đáp.