Quả thị vốn dĩ là một loại cây ăn quả của nhiệt đới. Tuy nhiên, tính đến nay, quả thị không còn là loại quả phổ biến như xưa nên nhiều bạn thắc mắc liệu quả thị có ăn được không. Quả thị có tác dụng gì đối với sức khỏe chúng ta? Cùng tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Quả thị là gì?
Quả thị được biết đến với tên tiếng anh là Gold Apple, tên khoa học là Diospyros decandra Lour. Đây là loại quả màu vàng, có hình tròn và mọng nước, vỏ dai căng bóng, phần thịt bên trong mềm, thường được chia thành 6 đến 8 múi. Đây là loại quả thường xuất hiện nhiều ở miền Bắc vào mùa thu. Mùi thơm đặc trưng của thị được nhiều người ưa thích. Họ thường để quả thị trong phòng làm việc để tận hưởng mùi thơm này.
Dựa theo giống cây, hình dáng và kích thước, thị được chia làm 2 loại:
- Thị muộn: Đây là loại thị có hình cầu, 1 đầu của quả tròn.
- Thị sáp hay thị lục sáp: So với loại thị muộn thì thị sáp sẽ nhỏ hơn, hình dáng quả hơi dẹt hơn và 1 đầu của quả sẽ bằng.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vỏ của quả thị chứa lượng lớn tinh dầu, phần thịt bên trong chứa 86,2% nước, 12% gluxit, 0.67% chất protit, 0.47% xenluloza, 0.33% tanin, 0,16% chất béo,...
Quả thị có ăn được không?
Quả thị là loại quả khá phổ biến nhưng hầu hết mọi người chỉ dùng thị như một loại quả để thưởng thức mùi thơm. Vậy quả thị có ăn được không? Tuy xét về dinh dưỡng, thị không mang lại sự nổi bật như các loại quả xoài, bưởi, quýt,... tuy nhiên nhìn chung thì loại quả này vẫn có thể ăn được.
Đây là loại quả có vị ngọt, hơi chát nhẹ, khi chín vỏ sẽ chuyển sang màu vàng, trên vỏ có những đốm nâu như đồi mồi. Nếu biết cách ăn, chúng ta có thể thưởng thức được một hương vị thơm ngon đặc biệt. Cách ăn quả thị là dùng tay xoay quả và đồng thời bóp nhẹ đến khi thịt của quả thị mềm ra và có một phần nứt, tạo thành khe nhỏ. Lúc này, bạn đưa quả thị lên miệng và hút để thưởng thức được vị ngọt đặc biệt của loại quả này.
Quả thị có tác dụng gì?
Theo đông y, bên cạnh quả thị thì các bộ phận khác của cây thị cũng có thể được bào chế thành những vị thuốc để chữa các bệnh như nôn mửa, ngộ độc, sốt,... Phần vỏ của quả thị chứa lượng tinh dầu lớn và lượng tinh dầu này có tác dụng tiêu độc, tiêu viêm, thường dùng ngoài da để chữa rắn cắn hoặc bệnh giời leo. Cụ thể:
- Giời leo: Nếu bị giời leo, bạn có thể dùng vỏ của quả thị khô để đốt thành than, sau đó tán mịn rồi thoa lên vùng vết thương.
- Rắn cắn: Đối với trường hợp bị rắn cắn, bạn cũng đốt vỏ quả thị khô thành than, tán mịn và thêm ít dầu mè hoặc mỡ lợn vào, trộn đều và thoa lên vết rắn cắn.
- Chữa bỏng: Khi bị bỏng lửa nhẹ, bạn chỉ cần lấy lá của cây thị khô, giã nhỏ thành dạng bột, tẩm thêm một ít nước rồi đắp vào vết bỏng.
- Mụn nhọt: Đối với những vết mụn nhọt ung nhưng chưa vỡ mủ, bạn dùng lá thị tươi và giã nhỏ, đắp lên nơi có mụn nhọt rồi băng lại. Thực hiện ngày từ 1 đến 2 lần để giúp mụn nhọt nhanh chóng vỡ mủ.
- Trị dị ứng: Dùng 100g lá thị cùng với 50g rễ của cây ráy, thái nhỏ sau đó phơi khô. Nấu nước sôi và cho những nguyên liệu đã chuẩn bị vào, xông vùng bị dị ứng.
- Trị nám da: Vỏ của quả thị còn dùng để trị các vết nám trên má một cách hiệu quả. Cách dùng vô cùng đơn giản, chỉ cần lấy quả thị đã sấy khô, dùng 3 quả một ngày, chia làm 3 lần. Việc ăn thường xuyên này có thể hỗ trợ loại bỏ vết nám trên má.
- Tẩy giun: Theo dân gian, phần thịt của quả thị có tác dụng xổ giun, nhất là loại giun kim. Nên ăn quả thị vào lúc đói, buổi sáng, với một lượng vừa phải để hiệu quả tẩy giun được phát huy.
- Trị sốt, nôn mửa, ngộ độc: Lấy 30 đến 50g rễ thị, thái nhỏ và sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml. Uống trong ngày, chia làm 2 lần.
- Trị mất ngủ: Một số nghiên cứu cũng đã cho rằng, quả thị còn có tác dụng điều trị mất ngủ, giúp an thần.
- Chữa phù thũng: Bài thuốc này bao gồm lá thị tươi, là trầu không, lá đu đủ, lá lộc mai. Mỗi loại 50g, thái nhỏ và phơi khô. Sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml nước, chia làm 2 lần uống trong ngày. Kết hợp với việc lấy lá tươi của các loại cây trên, giã nhỏ, gói lại bằng lá chuối đã dùi lỗ thủng, đem nướng chín, sau đó rịt vào rốn và băng lại.
Mặc dù quả thị có nhiều tác dụng nhưng theo các lương y, khi dùng quả thị làm bài thuốc chữa bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn. Tuyệt đối không được tùy ý sử dụng, bởi cơ địa của mỗi người là khác nhau. Có thể người này phù hợp với bài thuốc, nhưng đối với người khác sẽ không phù hợp và có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Cần lưu ý gì khi ăn quả thị
“Quả thị có ăn được không?”, câu trả lời là có. Tuy nhiên, khi ăn quả thị, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Chỉ nên ăn những quả đã chín kỹ, không bị dập nát hoặc thối rữa.
- Khi ăn chỉ nên ăn theo kiểu thưởng thức, không nên sử dụng quá nhiều.
- Không ăn lúc đói. Bởi thị cũng giống như quả hồng, có chứa tanin, nếu như ăn lúc đói sẽ gây cảm giác cồn cào ruột hoặc ăn nhiều sẽ dễ bị vón cục ở đường tiêu hóa gây nên tình trạng tắc ruột. Ngoài ra, khi bụng đói, dạ dày còn trống, lượng axit trong dạ dày tăng cao, lượng tanin trong quả thị sẽ vón lại, tạo nên khối bã tại khu vực ruột non, gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Thực tế, đã có những người ăn quả thị phải nhập viện cấp cứu vì lý do tắc ruột. Vì thế, bạn nên đặc biệt lưu ý khi ăn loại quả này. Dù có yêu thích hương vị thơm ngon của quả thị cũng chỉ nên ăn một lượng vừa phải để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bạn nhé!
Bài viết trên đã chia sẻ đến bạn những thông tin về quả thị. Bên cạnh đó cũng giải đáp câu hỏi “quả thị có ăn được không?”. Theo như đã trình bày, quả thị có thể ăn được. Tuy nhiên, khi ăn bạn cần lưu ý những điều mà bài viết đã chia sẻ để không ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân nhé!