Không ít chị em hiểu lầm rằng mình đang mang thai dù thực tế chỉ là đang gặp phải các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Vậy làm thế nào để phân biệt, nhận biết sự khác nhau giữa dấu hiệu sắp đến tháng và có thai?
Dấu hiệu sắp đến tháng hay gọi với tên khoa học là Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là một nhóm các triệu chứng liên quan đến kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Thông thường, các triệu chứng tiền này xảy ra từ 1 - 2 tuần trước khi “đèn đỏ” ghé thăm và kết thúc sau khi kinh nguyệt bắt đầu.
Dấu hiệu sắp đến tháng và có thai có thể khá giống nhau. Do đó, có không ít bạn nữ nhầm lẫn. Để phân biệt dấu hiệu tiền kinh nguyệt và dấu hiệu mang thai, bạn hãy đọc tiếp nội dung dưới đây.
Nhận biết 7 khác biệt giữa dấu hiệu sắp đến tháng và có thai
Dù dấu hiệu sắp có kinh và có thai tương đối giống nhau nhưng nếu chú ý, bạn sẽ nhận ra những khác biệt trong các biểu hiện sức khỏe sau đây.
1. Sự khác nhau giữa đau ngực trước kỳ kinh và đau ngực có thai
Để phân biệt đau ngực trước kỳ kinh và đau ngực có thai, bạn có thể dựa vào một số đặc điểm sau:
Đau ngực trước kỳ kinh: Trong giai đoạn tiền kinh nguyệt, hiện tượng căng tức ngực có thể xảy đến trong nửa đầu của chu kỳ. Cơn đau sẽ từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng và thường nghiêm trọng nhất vào ngay trước khi “đèn đỏ” xuất hiện. Đặc biệt, dấu hiệu đến tháng này có xu hướng nặng hơn ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh nở.
Ngoài ra, các mô ở ngực trở nên dày cộm đặc biệt là ở khu vực bên ngoài. Bạn có thể cảm nhận ngực đang căng tức kèm theo cơn đau âm ỉ nặng. Tình trạng này sẽ giảm đi trong thời gian “đèn đỏ” diễn ra khi hàm lượng progesterone giảm.
Đau ngực khi có thai: Đau ngực có thể là một trong các dấu hiệu mang thai tuần đầu mà bạn có thể gặp phải. Vậy ngực đau như thế nào là dấu hiệu có thai?
Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, ngực bạn có thể cảm thấy nhạy cảm, đau nhức hoặc khó chịu kèm theo hiện tượng căng tức. Hiện tượng này thường xảy ra 1 - 2 tuần sau khi quá trình thụ thai diễn ra thành công và có thể kéo dài một khoảng thời gian vì nồng độ progesterone trong cơ thể tăng lên do sự xuất hiện của thai nhi.
2. Phân biệt dấu hiệu sắp đến tháng và có thai: Sự chảy máu âm đạo có gì khác nhau?
Tiền kinh nguyệt: Thông thường, phụ nữ sẽ không ra máu trong giai đoạn tiền kinh nguyệt. Thay vào đó, khi kỳ kinh bắt đầu, lượng máu có thể sẽ tăng dần và kéo dài gần một tuần.
Mang thai sớm: Một trong những dấu hiệu mang thai sớm thường gặp là hiện tượng chảy ít máu ở âm đạo hoặc xuất hiện đốm máu nhỏ có màu hồng hoặc màu nâu đậm. Thông thường, hiện tượng này thường xảy ra 10 - 14 ngày sau khi thụ thai và cũng không tiết ra nhiều dịch.
Tình trạng này được gọi là máu báo thai và sẽ xảy ra trong vài ngày, ngắn hơn chu kỳ kinh nguyệt thông thường.
3. Thay đổi tâm trạng
Thay đổi tâm trạng là dấu hiệu thường gặp ở phụ nữ sắp có kinh và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, triệu chứng này ở mỗi trường hợp sẽ có những đặc trưng riêng như:
Tiền kinh nguyệt: Tâm trạng thay đổi có thể là dấu hiệu sắp có kinh. Cụ thể, bạn có thể cảm thấy tâm trạng dễ bị kích thích và nóng giận hơn. Triệu chứng tiền kinh nguyệt này thường biến mất vào lúc chu kỳ bắt đầu. Bạn có thể tập thể dục nhẹ hoặc ngủ nhiều hơn một chút để hạn chế những ảnh hưởng của tình trạng tiền kinh nguyệt đến tâm trạng của mình.
Mang thai sớm: Nếu mang thai, cảm xúc của bạn có thể thay đổi liên tục và tình trạng này sẽ kéo dài đến lúc sinh. Bạn có thể bỗng trở nên vui sướng, háo hức mong chờ con yêu nhanh ra đời nhưng rồi lại buồn bã ngay sau đó.
Theo BabyCentre, có 1 trong 10 phụ nữ sẽ trải qua cảm giác này trong thai kỳ. Dù khá phổ biến và tưởng chừng như không quan trọng, nhưng vấn đề này lại cần được quan tâm và tìm cách cải thiện để tránh ảnh hưởng xấu đến mẹ và bé về sau.
[embed-health-tool-due-date]
4. Phân biệt dấu hiệu sắp đến tháng và có thai qua biểu hiện mệt mỏi
Tiền kinh nguyệt: Mệt mỏi kèm theo khó ngủ là triệu chứng sắp có kinh nguyệt thường gặp. Hiện tượng này thường sẽ sớm biến mất. Nếu muốn cải thiện tình hình, bạn có thể tập yoga hoặc vài môn thể thao để giúp ngủ sâu và ngon hơn.
Mang thai sớm: Khi mang thai, lượng hormone progesterone tăng đột ngột có thể làm bạn cảm thấy mệt mỏi. Tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng trong tam cá nguyệt thứ nhất, nhưng cũng nhiều khả năng sẽ kéo dài suốt thai kỳ. Hãy áp dụng cho bản thân chế độ nghỉ ngơi hợp lý cũng như thực đơn dinh dưỡng hợp lý cho bữa ăn hàng ngày để giúp cơ thể vượt qua giai đoạn này.
5. Buồn nôn, nôn
Buồn nôn và nôn cũng là dấu hiệu sắp đến tháng và có thai dễ khiến chị em nhầm lẫn. Vậy sự khác nhau ở đây là gì?
Tiền kinh nguyệt: Cơn buồn nôn do hội chứng tiền kinh nguyệt thường không nghiêm trọng, thậm chí có nhiều chị em không cảm thấy buồn nôn trước khi hành kinh.
Mang thai sớm: Buồn nôn và nôn (ốm nghén) là một trong những dấu hiệu phổ biến báo hiệu rằng bạn đang mang thai dù không phải mọi mẹ bầu đều gặp phải triệu chứng này. Các cơn buồn nôn thường xuất hiện một tháng sau khi có thai. Ngoài ra, tình trạng buồn nôn và nôn có thể xuất hiện đồng thời hoặc không, bởi có khoảng 50-90% phụ nữ buồn nôn khi mang thai trong khi chỉ khoảng 25-55% gặp phải tình trạng nôn.
6. Phân biệt dấu hiệu sắp đến tháng và có thai qua biểu hiện thèm ăn
Tiền kinh nguyệt: Sở thích ăn uống thay đổi là một trong những triệu chứng sắp có kinh nguyệt thường gặp ở nhiều chị em. Bạn có thể sẽ thèm sô-cô-la, các món ăn ngọt, món rán, món mặn hoặc các thực phẩm giàu carbohydrate như ngũ cốc nguyên cám, trái cây, rau, các sản phẩm từ sữa…
Mang thai sớm: Nếu đã mang thai, bạn có thể có thể sẽ rất thèm ăn, nhưng khác với triệu chứng tiền kinh nguyệt, bạn sẽ đồng thời cũng cảm thấy khó chịu với một số thực phẩm hoặc mùi thức ăn, dù trước đây bạn rất thích chúng. Sự thay đổi này có thể gặp phải trong suốt thai kỳ.
7. Đau bụng kinh và đau bụng có thai
Sự khác nhau giữa đau bụng kinh và có thai là gì?
Đau bụng kinh: Bạn có thể bị chuột rút, đau bụng khoảng 24 đến 48 giờ trước khi có kinh. Sự khó chịu này có thể giảm dần vào những ngày cuối và hết hẳn khi bạn đã hết kỳ kinh nguyệt.
Mang thai sớm: Những tuần đầu thai kỳ, thỉnh thoảng bạn có thể sẽ bị chuột rút nhẹ với cảm giác giống như trong những ngày hành kinh. Tuy nhiên, đau bụng khi mang thai thường xảy ra ở vùng bụng dưới hoặc lưng dưới nên bạn cần chú ý hơn đến dấu hiệu này để có thể phân biệt rõ tình trạng sức khỏe của mình.
Dấu hiệu tiền kinh nguyệt kéo dài bao lâu?
Thời gian kéo dài của dấu hiệu tiền kinh nguyệt sẽ khác nhau giữa từng cá nhân, từ một vài ngày hoặc thậm chí là một tuần. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường bắt đầu sau khi sự rụng trứng diễn ra.
Bạn cũng có thể đọc thêm bài viết “Dấu hiệu mang thai sớm” để dễ dàng nhận biết tình trạng sức khỏe của bản thân. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!