Đau mắt đỏ là một bệnh lý về mắt phổ biến, thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như ngứa, đỏ, chảy nước mắt, rát buốt,… Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, đau mắt đỏ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho mắt, thậm chí mất thị lực vĩnh viễn.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về các biến chứng của bệnh đau mắt đỏ, từ đó giúp bạn hiểu rõ hơn về nguy cơ tiềm ẩn của căn bệnh này và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Bệnh đau mắt đỏ là tình trạng mô trong suốt lót bề mặt bên trong mí mắt và lớp phủ bên ngoài mắt bị viêm đỏ. Màng này được gọi là kết mạc. Khi các mạch máu nhỏ ở kết mạc bị sưng lên và bị kích thích, chúng sẽ lộ rõ hơn. Đây là nguyên nhân khiến lòng trắng của mắt có màu đỏ hoặc hồng. Người bệnh có thể bị đau mắt đỏ ở một hoặc cả hai mắt do virus, vi khuẩn, chất gây dị ứng và nhiều nguyên nhân khác gây ra.
Các biến chứng của bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Các biến chứng bao gồm:
- Viêm giác mạc: Nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến viêm giác mạc, loét và thủng giác mạc, thậm chí mù lòa.
- Cảm giác cộm xốn trong mắt: Người bệnh có thể cảm thấy cộm xốn, khó chịu trong mắt.
- Tầm nhìn mờ: Tình trạng viêm nhiễm có thể làm tầm nhìn của người bệnh bị mờ đi.
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng: Mắt trở nên rất nhạy cảm với ánh sáng, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
- Biến chứng thành đau mắt hột: Khi bị đau mắt hột, bệnh nhân có triệu chứng như lông mi rụng, xuất hiện nhiều hột mắt với kích thước khác nhau, mắt ướt và bờ mi thu hẹp gây khó mở mắt, cảm thấy buồn ngủ, mắt đỏ và sưng, có nhiều ghẻ và dịch mủ thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy.
- Viêm kết mạc mạn tính: Khi mắc viêm kết mạc, mắt bệnh nhân thường bị sưng húp, đỏ, ngứa, cộm, và xốn mắt kéo dài. Mắt có thể mờ nhòe do ghèn đổ nhiều vào buổi sáng sau khi thức dậy, và ghèn thường có màu xanh hoặc vàng. Nếu không điều trị kịp thời, viêm kết mạc kéo dài có thể gây suy giảm thị lực, làm mờ đục giác mạc và làm mắt dần trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Ngoài ra, viêm kết mạc mạn tính nếu không được vệ sinh đúng cách có thể dẫn đến viêm mủ nhãn cầu, và trong trường hợp nặng có thể gây viêm teo mắt, nguy cơ dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
- Loét giác mạc: Khi bị loét giác mạc, người bệnh cộm mắt nhiều gây ra nóng rát, nhức, mờ mắt, sợ ánh sáng. Nếu không chữa trị kịp thời, loét giác mạc có thể dẫn đến bệnh loạn thị, biến dạng giác mạc và thậm chí là đục giác mạc.
- Mất thị lực vĩnh viễn: Không chỉ đau mắt đỏ, mà tất cả những biến chứng của đau mắt đỏ được kể trên cũng đều có thể dẫn đến hậu quả cuối cùng là mắt bị mù lòa nếu không chữa trị kịp thời.
Nếu bạn có các dấu hiệu trên, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Cách chăm sóc bệnh nhân đau mắt đỏ
Những điều nên làm khi bị đau mắt đỏ
- Chườm ấm hoặc lạnh nhằm giảm khó chịu mắt, sưng mi
- Vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước nhỏ mắt, rửa tay thường xuyên với xà bông trước và sau khi đụng vào mắt và các vật dụng gần mắt.
- Uống nhiều nước để duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể.
- Riêng đối với bệnh đau mắt đỏ do dị ứng và bị tái diễn liên tục nên tìm ra nguyên nhân gây bệnh để triệt để hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày: chất đạm, chất xơ, chất béo, tinh bột để tăng cường hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng cho mắt. Người bệnh nên tránh ăn uống quá kiêng khem để tránh cơ thể rơi vào suy nhược. Tích cực bổ sung nhóm thực phẩm có chất kháng viêm tự nhiên ví như các loại trái cây để bổ sung vitamin như cam, bưởi, chanh,…
- Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.
- Nên trang bị kính chắn bụi, gió,… để giảm thiểu việc tiếp xúc với các loại khói bụi dễ gây kích thích cho mắt.
Những điều không nên làm khi bị đau mắt đỏ
- Nên tránh đến những nơi đông người trong 1 tuần để hạn chế lây lan bệnh. Bệnh có khả năng lây qua đường tiếp xúc nên người bệnh cần được cách ly hợp lý và sử dụng khẩu trang y tế khi đi ra ngoài.
- Tránh dùng chung ly, bát, khăn mặt… với người khác.
- Tuyệt đối không dụi mắt để tránh làm tổn thương giác mạc, làm bệnh nặng nề hơn.
- Trong thời gian bị bệnh tốt nhất nên tránh tối đa việc sử dụng các thiết bị điện tử.
- Không để nước bẩn dây vào mắt, tránh đi bơi khi bị bệnh.
Điều trị tại bệnh viện
Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn và chỉ định các loại thuốc phù hợp:
- Nguyên nhân do virus: Thường không cần dùng kháng sinh, có thể dùng nước muối để vệ sinh mắt và nghỉ ngơi, hạn chế ra ngoài để tránh lây lan.
- Nguyên nhân do vi khuẩn: Sử dụng kháng sinh dạng thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ hoặc thuốc viên.
- Nguyên nhân do dị ứng: Dùng thuốc kháng histamin và thuốc chống viêm để giảm kích ứng.
Để dễ dàng theo dõi diễn biến của bệnh, người bệnh nên tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu khi sử dụng thuốc có phát hiện triệu chứng bất thường như sưng mắt hơn, đau hơn hay chảy máu thì người bệnh hoặc người nhà người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.