Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là bệnh lý thường gặp. Tình trạng này kéo dài không chỉ khiến bé sụt cân, suy dinh dưỡng mà còn có thể gây mất nước trầm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng.
Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh là gì, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa ra sao để bảo vệ sức khỏe của bé.
Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh là gì?
Nhiễm trùng đường ruột (đôi khi còn gọi là nhiễm trùng đường tiêu hóa) là tình trạng viêm đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào hệ tiêu hóa gây ra.
Về mặt y học, thông thường, nhiễm trùng đường tiêu hóa còn được gọi là viêm dạ dày ruột. Trẻ bị nhiễm trùng đường ruột thường gặp phải các vấn đề như tiêu chảy, đau quặn bụng, đi tiêu phân nước liên tục trong nhiều ngày, thậm chí là phân có dính máu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu chảy là nguyên nhân gây tử vong thứ ba ở trẻ em trong độ tuổi từ 0 đến dưới 5 tuổi. Mỗi năm, ước tính có khoảng 443.832 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh tiêu chảy.
Vì hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn non yếu nên nguy cơ bị nhiễm trùng đường ruột là rất cao, nhất là ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Triệu chứng nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
Các biểu hiện nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường gặp là:
- Đau bụng: Đây là một trong những triệu chứng nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ điển hình. Cơn đau quặn bụng sẽ khiến bé quấy khóc, khó chịu. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn đường ruột cũng có thể kèm theo một vài triệu chứng khác như đầy hơi, chướng bụng.
- Tiêu chảy: Đây cũng là dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khá phổ biến. Bé thường đi phân lỏng, phân nước liên tục vài ngày. Phân của trẻ cũng có thể lẫn chất nhầy hoặc máu. Nếu để lâu không điều trị, bé có thể mất nước, rối loạn chất điện giải trầm trọng.
- Buồn nôn, nôn mửa: Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể khiến bé buồn nôn, nôn trớ thường xuyên.
- Bú kém, chán ăn: Nhiễm trùng đường ruột nói riêng và các bệnh tiêu hóa nói chung đều khiến hệ tiêu hóa của trẻ gặp bất thường. Theo đó, bé có thể có triệu chứng biếng bú, chán ăn. Theo thời gian, tình trạng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất của con.
- Các triệu chứng khác: Sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ thể… cũng có thể là các triệu chứng nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Khi phát hiện những biểu hiện nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh đã đề cập, cha mẹ cần tìm cách khắc phục kịp thời để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của bé.
Nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh
1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng đường ruột
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng đường ruột. Trong đó, có 3 nhóm tác nhân chính là virus, vi khuẩn và ký sinh trùng.
Các loại virus gây nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bao gồm:
- Rotavirus: Đây là loại virus phổ biến gây nhiễm trùng đường ruột ở trẻ nhỏ. Rotavirus lây lan dễ dàng qua tiếp xúc với chất nôn hoặc phân bị nhiễm trùng.
- Norovirus: Virus này rất dễ lây lan, nhất là ở nhà trẻ hay những nơi đông người nhưng điều kiện vệ sinh kém.
- Các virus khác:Adenovirus và Astrovirus cũng là những tác nhân thường gặp gây nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Vi khuẩn cũng là nguyên nhân nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khá phổ biến, nhất là ở những bé dưới 3 tháng tuổi. Những vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bao gồm:
- Escherichia coli: Nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ do E. coli gây ra thường xảy ra ở các nước có điều kiện vệ sinh kém. Trẻ có thể bị nhiễm khuẩn do uống nước hoặc ăn trái cây, rau sống, thịt, cá… bị nhiễm khuẩn.
- Campylobacter: Vi khuẩn này thường được tìm thấy trong phân động vật hoặc thịt chưa nấu chín, đặc biệt là thịt gia cầm. Trẻ có thể bị nhiễm khuẩn đường ruột do Campylobacter khi tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ không rửa tay/người chăm sóc trẻ không rửa tay sau khi tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh.
- Salmonella: Vi khuẩn này thường được tìm thấy trong phân động vật. Nguy cơ nhiễm Salmonella xảy ra thường là do ăn thịt gia súc, gia cầm hoặc trứng bị nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh.
- Shigella: Vi khuẩn này được tìm thấy trong phân người, có thể lây lan sang thực phẩm hoặc bề mặt tiếp xúc nếu người bệnh không rửa tay sau khi đi vệ sinh.
Ký sinh trùng cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cụ thể:
- Giardia: Nhiễm trùng đường ruột do Giardia phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, người đi bộ đường dài và khách du lịch. Bệnh lây lan qua phân của người hoặc động vật bị nhiễm bệnh.
- Cryptosporidiosis: Ký sinh trùng này lây lan qua thực phẩm hoặc nước bị nhiễm trùng.
- Entamoeba histolytica: Đây là ký sinh trùng lây truyền qua đường phân - miệng thông qua nước hoặc thực phẩm bị nhiễm trùng.
2. Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ chính gây nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bao gồm:
- Nhiễm trùng trong quá trình sinh: Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm khuẩn đường ruột trong quá trình sinh nở qua đường âm đạo nếu người mẹ bị nhiễm E. coli hoặc một số vi khuẩn khác.
- Điều kiện vệ sinh môi trường kém: Nếu môi trường sống của bé không đảm bảo vệ sinh, các tác nhân gây nhiễm khuẩn đường ruột có thể trực tiếp lây bệnh cho bé.
- Hệ tiêu hóa còn non yếu: Sức đề kháng yếu cũng là một trong những yếu tố khiến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị nhiễm trùng đường ruột.
- Người chăm sóc không đảm bảo vệ sinh: Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể xảy ra do:
- Người chăm sóc bé không rửa tay sau khi thay tã, chạm vào thực phẩm sống hay bề mặt, vật dụng nhiễm khuẩn
- Không tiệt trùng bình sữa, không pha sữa đúng cách
- Cho trẻ sử dụng dụng cụ hoặc đồ vật chưa tiệt trùng, chẳng hạn như núm vú giả, đồ chơi.
- Trẻ bị thiếu dinh dưỡng: Trẻ bị thiếu protein và các chất dinh dưỡng khác có thể bị suy dinh dưỡng. Tình trạng này làm giảm sức đề kháng của bé và khiến mầm bệnh dễ xâm nhập hơn. Điều này cũng tương tự với trẻ bị suy giảm miễn dịch do các nguyên nhân khác.
- Nguồn thực phẩm: Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cũng có thể bị nhiễm trùng đường ruột do tiêu thụ thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm. Điều này thường là do nguồn thực phẩm kém chất lượng, không được kiểm định kỹ càng, quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
- Một số nguyên nhân khác: Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có thể xảy ra nếu bé có thói quen cho tay vào miệng khi tay vẫn đang bẩn.
Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng đường ruột có nguy hiểm không?
Nhiều cha mẹ băn khoăn không biết nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Câu trả lời là “Có”. Mặc dù đôi khi bệnh có thể tự khỏi trong thời gian ngắn, nhưng trong một số trường hợp, việc điều trị kịp thời và đúng cách là cần thiết. Nếu không, tình trạng nhiễm trùng đường ruột kéo dài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Mất nước: Đây là biến chứng cần được đặc biệt chú ý. Nhiễm trùng đường ruột khiến trẻ bị tiêu chảy, nôn mửa và đôi khi là sốt. Do đó, cha mẹ cần bổ sung đủ chất lỏng cho bé và chú ý các triệu chứng mất nước thường gặp ở trẻ em như khô môi, mắt trũng sâu, bàn tay, bàn chân lạnh, tã khô, ngủ li bì…
- Tổn thương dạ dày và ruột: Nếu bệnh kéo dài mà không được điều trị, trẻ có thể bị tổn thương dạ dày và ruột, chẳng hạn như có các vết loét gây chảy máu bên trong đường tiêu hóa.
- Sụt cân: Tiêu chảy và biếng ăn, kém bú kéo dài có thể khiến trẻ bị sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của bé.
Chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh
Bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh bằng các cách sau:
- Hỏi về bệnh sử của trẻ
- Kiểm tra tình trạng thể chất của bé
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm phân
- Nội soi ruột…
Việc chẩn đoán nhằm xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là cần thiết để từ đó đề xuất biện pháp điều trị phù hợp.
Điều trị nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh
1. Chăm sóc tại nhà
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể được theo dõi và chăm sóc tại nhà, nhất là khi bệnh ở mức độ nhẹ. Cha mẹ có thể tham khảo các biện pháp chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng đường ruột sau đây:
- Cung cấp đủ lượng chất lỏng: Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bạn nên tăng cường các cữ bú cho bé để tránh tình trạng mất nước. Với trẻ lớn hơn, ngoài sữa, bạn có thể cho bé uống bổ sung nước lọc, nước ép, sinh tố, ăn cháo, súp, canh… để bổ sung chất lỏng.
- Cho trẻ dùng nước điện giải: Việc điều trị bằng nước điện giải hay Oresol cũng có thể cần thiết. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho bé sử dụng.
- Theo dõi sát sao tình trạng của bé: Cha mẹ nên chú ý các biểu hiện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm trùng đường ruột để kịp thời phát hiện những bất thường và đưa bé đi khám. Việc theo dõi tình trạng phân của trẻ cũng rất cần thiết.
- Hạ sốt cho trẻ kịp thời: Tình trạng nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đôi khi có thể gây sốt nhẹ. Bạn nên theo dõi thân nhiệt của bé và áp dụng các biện pháp hạ sốt an toàn cho trẻ.
2. Điều trị bằng thuốc và tại bệnh viện
- Thuốc kháng sinh: Nếu trẻ sơ sinh nhiễm trùng đường ruột do virus thì thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng. Tuy nhiên, nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, việc điều trị nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bằng thuốc kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ là cần thiết.
- Thuốc diệt ký sinh trùng: Nếu ký sinh trùng là nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc diệt ký sinh trùng cho bé. Cha mẹ cần đảm bảo cho bé uống thuốc đúng liều lượng và thời gian để bệnh mau thuyên giảm.
- Nhập viện: Trong những trường hợp nặng, trẻ nhỏ hay trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng đường ruột cần nằm viện để được điều trị đúng cách và kịp thời. Điều này thường xảy ra khi trẻ không uống được, bú kém, nôn mửa hoặc tiêu chảy ngày càng nhiều và có triệu chứng mất nước. Trong trường hợp này, trẻ sẽ được truyền dịch tĩnh mạch. Nếu bé cảm thấy khó chịu hoặc sốt, bác sĩ cũng có thể cho trẻ dùng acetaminophen theo đúng liều phù hợp.
Phòng ngừa nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh
Để đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh, cha mẹ cần phòng ngừa nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo hướng dẫn sau:
- Mọi người trong gia đình cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn để tránh lây nhiễm mầm bệnh cho bé.
- Ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ vì trẻ bú sữa mẹ có nguy cơ nhiễm trùng đường ruột thấp hơn trẻ bú sữa công thức.
- Người chăm sóc trẻ nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay tã, chạm vào thực phẩm sống, trước khi pha sữa và trước khi tiếp xúc với trẻ.
- Đảm bảo tiệt trùng bình sữa, dụng cụ ăn uống của trẻ đúng cách.
- Đảm bảo nguồn thực phẩm của bé đạt chuẩn vệ sinh an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
- Sơ chế sạch sẽ và nấu chín kỹ thực phẩm trước khi cho bé ăn.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, phòng bếp, nhà vệ sinh để đảm bảo môi trường sống của bé sạch sẽ.
- Không nên cho trẻ nhỏ chạm vào các loài bò sát, chim, gà, vịt và các động vật có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.
- Cho trẻ uống vắc xin phòng ngừa Rotavirus đầy đủ và đúng lịch.
Một số câu hỏi thường gặp
1. Trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột bao lâu thì khỏi?
Trẻ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng đường ruột bao lâu thì khỏi là băn khoăn của nhiều cha mẹ. Thực tế, thời gian phục hồi của mỗi trẻ thường không tương đồng vì còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tác nhân gây bệnh và mức độ bệnh.
Nếu bệnh nhẹ, do một số loại virus phổ biến gây ra và sức khỏe của trẻ tốt, bé có thể cảm thấy khỏe hơn sau 1-2 ngày được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu bệnh nặng hơn, trẻ có thể mất nhiều thời gian hơn để khỏi bệnh. Tình trạng tiêu chảy thường kéo dài từ 4-8 ngày nhưng có thể lâu hơn ở trẻ nhỏ.
2. Khi nào cần đưa trẻ bị nhiễm trùng đường ruột đi khám?
Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu bé có bất kỳ biểu hiện nào sau đây:
- Nôn mửa liên tục
- Không bú hoặc không uống nước
- Có dấu hiệu mất nước
- Tiêu chảy kéo dài hơn 2-3 ngày
- Phân có lẫn máu hoặc chất nhầy
- Đau bụng dữ dội
- Các triệu chứng trở nặng
- Sốt cao
- Sụt cân
Nếu bé dưới 3 tháng tuổi bị tiêu chảy, hãy đưa bé đi khám ngay.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc phòng ngừa bệnh là cần thiết để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển toàn diện của bé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]