Tìm ra lời giải mới về việc vì sao con người thường hắt hơi “liền tù tì” vài lần một lúc.
>>> Hình ảnh cho thấy "sức mạnh" lan truyền vi khuẩn khi hắt hơi
Hắt hơi là một phản xạ thông thường ở con người khi mũi bị kích thích quá mức nhằm tống khứ các vi trùng, chất độc hại muốn xâm nhập cơ thể. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, thay vì hắt hơi một lần rồi ngừng, hầu hết chúng ta mỗi khi “ắt xì” đều lặp đi lặp lại hai, ba lần liên tục.
Mới đây, các nhà khoa học tại Trung tâm y tế Cleveland đã chỉ ra nguyên nhân đằng sau hiện tượng nói trên. Theo đó, khi các chất kích thích bên ngoài xâm nhập vào niêm mạc mũi, não bộ sẽ cho phép sự giải phóng histamine, kích thích các tế bào thần kinh ở mũi gây hắt xì hơi.
Tuy nhiên, các thành phần kích thích thường khó biến mất hoàn toàn nếu chỉ hắt xì hơi một lần. Lần hắt hơi đầu tiên thực ra sẽ chỉ tống được các vi trùng và bụi độc hại ra các bộ phận bên ngoài trong lỗ mũi. Do đó, các tế bào thần kinh ở mũi thường kích hoạt “ắt xì” vài lần liên tiếp nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc loại bỏ chất bẩn hoàn toàn.
Bác sĩ Dawn Zacharias cũng cho biết thêm, thực ra phản ứng hắt xì hơi liên tù tì này cũng phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của tế bào thần kinh ở mũi từng người. Cụ thể, có những người chỉ cần chà xát, cọ mũi nhẹ cũng đã có thể hắt xì hơi, thậm chí từ 10 - 15 lần liên tiếp nhưng ngược lại cũng có người rất ít khi được trải nghiệm cảm giác đó.
Đặc biệt, thống kê cho thấy 18 - 20% dân số thế giới sẽ hắt xì hơi liên tục nếu nhìn vào ánh sáng quá chói. Đây là phản xạ hắt hơi có tính di truyền. Tuy nhiên, cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế thật sự đằng sau hiện tượng này.