Từ xưa đến nay, nghệ không chỉ là một gia vị thiết yếu cho các món ăn hàng ngày mà còn được sử dụng để làm đẹp và chữa bệnh vô cùng hiệu quả. Nghệ chứa chất circumin, có tính chống viêm và chống oxy hóa, giúp mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
1. Nghệ chứa các đặc tính giúp sáng da tự nhiên
Trong củ nghệ có chứa các thành phần chống viêm và các chất chống oxy hoá quan trọng. Những chất này có khả năng cung cấp độ sáng và giúp da căng bóng hơn. Ngoài ra, nghệ cũng có tác dụng giúp phục hồi làn da bằng cách mang lại vẻ trắng sáng tự nhiên.
Bạn có thể thử đắp mặt nạ từ nghệ ngay tại nhà và đánh giá xem liệu loại gia vị này có thực sự mang lại tác dụng tích cực đối với làn da hay không. Để tạo nên một công thức làm đẹp da hiệu quả từ nghệ, bạn có thể trộn một lượng nhỏ mật ong, nghệ và sữa chua Hy kết hợp với nhau, sau đó thoa hỗn hợp này lên trên da mặt. Thời gian đắp mặt nạ nên kéo dài khoảng 15 phút và sau đó bạn có thể rửa lại mặt với nước sạch.
Xem thêm >>Các công nghệ điêu khắc, phun xăm lông mày an toàn cho da
2. Nghệ có khả năng chữa lành vết thương
Trong củ nghệ có chứa chất curcumin, có tác dụng chữa lành vết thương nhanh chóng bằng cách làm giảm tình trạng viêm và oxy hoá. Bên cạnh đó, củ nghệ cũng góp phần làm giảm các phản ứng của cơ thể đối với những vết thương trên da, từ đó giúp vết thương mau lành hơn.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nghệ mang lại những tác động tích cực đến mô cũng như collagen. Do đó, Tạp chí Khoa học Đời sống khuyên mọi người nên sử dụng chất curcumin trong nghệ như một công thức tối ưu hoá để chữa lành và cải thiện các vết thương trên da.
3. Nghệ giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh vẩy nến
Các chất chống viêm và chống oxy hoá có trong nghệ có thể mang lại những tác động tích cực đối với bệnh vẩy nến bằng cách kiểm soát các đợt bùng phát và những triệu chứng khác của bệnh.
Tổ chức Bệnh vẩy nến Quốc gia đã tuyên bố rằng, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng nghệ như một chất bổ sung hoặc kết hợp chúng cùng những loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, trước khi sử dụng chất bổ sung từ nghệ, bạn nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng về liều lượng phù hợp.
4. Nghệ giúp trị sẹo mụn
Một số nghiên cứu đã cho thấy, việc đắp mặt nạ từ nghệ có thể giúp làm giảm đáng kể tình trạng mụn trứng cá và hầu hết các vết sẹo do mụn gây ra.
Các chất chống viêm trong nghệ sẽ phát huy tác dụng, nhắm vào sâu lỗ chân lông và làm dịu da. Hơn nữa, nghệ cũng được biết đến với công dụng làm mờ sẹo. Vì vậy, nghệ chính là một lựa chọn làm đẹp tuyệt vời cho những người muốn cải thiện làn da của mình và tạm biệt những vết mụn xấu xí.
5. Nghệ giúp điều trị bệnh ghẻ
Một số nghiên cứu đã cho thấy, sự kết hợp giữa nghệ và cây Sầu đâu (cây Nim có nguồn gốc từ Ấn Độ), có thể mang lại hiệu quả điều trị đáng kể đối với bệnh ghẻ. Bệnh ghẻ là một vấn đề về da, do những con mạt cực nhỏ gây ra, khiến da bị nổi những nốt phát ban vô cùng khó chịu.
6. Nghệ giúp điều trị một số bệnh da liễu khác
Mặc dù không có đủ bằng chứng để kết luận rằng nghệ có thể điều trị hiệu quả được những tình trạng da khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng nghệ góp phần chữa bệnh rụng tóc, bệnh chàm, bệnh Liken phẳng và các vấn đề về da khác.
7. Một số rủi ro khi sử dụng nghệ đối với làn da
Mặc dù nghệ được cho là lành tính đối với sức khoẻ, tuy nhiên trong một số trường hợp, việc sử dụng nghệ có thể dẫn đến những rủi ro nhất định. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, khi sử dụng nghệ, bạn cần phải chú ý tới liều lượng, loại sản phẩm có bổ sung nghệ và sự tương tác của chúng với các loại thuốc khác mà bạn đang dùng.
Thực tế, củ nghệ có sinh khả dụng thấp, tức là quá trình trao đổi chất của bạn bị đốt cháy nhanh chóng và cơ thể không hấp thụ được nhiều. Bạn nên tránh uống quá nhiều nghệ cùng một lúc và theo dõi kỹ phản ứng của cơ thể trước khi sử dụng chúng với liều lượng cao hơn. Nếu bạn đang uống một số loại thuốc khác, bạn nên tham khảo sự tư vấn của bác sĩ về việc dùng nghệ trong thời điểm này.
Khi thoa lên da, nghệ có thể khiến da trở nên ố vàng hoặc để lại cặn vàng tạm thời trên da. Đây không phải là một điều đáng lo ngại, tuy nhiên nếu bạn dễ bị dị ứng, việc nghệ tiếp xúc trực tiếp với da có thể gây kích ứng, sưng tấy và mẩn đỏ.
Tốt nhất, trước khi thoa nghệ lên mặt, bạn nên thử nghệ lên trên cổ tay bằng cách thoa một lượng nghệ cỡ bằng đồng xu và đợi từ 24 - 48 giờ xem có xảy ra phản ứng gì hay không. Ngoài ra, bạn cũng không nên sử dụng nghệ trên da nếu bạn bị dị ứng với các gia vị trong thức ăn.
Khi đã hiểu rõ những tác dụng mà nghệ đem đến, bạn có thể lựa chọn và sử dụng nghệ sao cho phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao với tình trạng da hiện tại.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com