Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu -Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ Trần Quốc Vĩnh có hơn 6 năm làm việc (bắt đầu từ năm 2011) trong lĩnh vực Cấp cứu.
Ong chích là tình huống thường gặp khi bạn có các hoạt động ngoài trời, phần lớn ong đốt chỉ gây một số khó chịu và chỉ cần điều trị tại nhà để giảm đau. Tuy nhiên, có những trường hợp bị dị ứng với vết ong đốt hoặc bị chích nhiều lần, sẽ xảy ra phản ứng nghiêm trọng cần phải điều trị cấp cứu.
1. Đối với trường hợp không bị dị ứng
Nếu chỉ có một vết chích và không có triệu chứng dị ứng, bạn có thể chỉ cần chăm sóc vết thương tại chỗ như làm sạch và bôi thuốc mỡ kháng sinh. Cụ thể như sau:
- Điều đầu tiên cần phải rút ngòi của ong ra càng nhanh càng tốt vì nếu ở càng ở lâu trong da, nó sẽ tiết ra nhiều nọc độc hơn và khiến người bị chích bị đau và sưng.
- Bình tĩnh. Mặc dù hầu hết ong chỉ chích một lần, nhưng ong bắp cày có thể chích thêm. Do đó, nếu bị ong đốt, hãy bình tĩnh di chuyển hoặc đưa trẻ ra khỏi khu vực bị chích để tránh ong chích lại.
- Nếu ngòi của ong vẫn còn trong da, hãy loại bỏ nó bằng cách khều nhẹ nó nó bằng móng tay hoặc một miếng gạc. Không sử dụng nhíp hoặc bóp nặn để lấy ngòi của ong, vì khi nặn ép sẽ làm cho nhiều nọc độc giải phóng vào da hơn.
- Rửa vị trí bị ong đốt bằng xà phòng và nước.
- Chườm túi chườm lạnh để giảm sưng. Tuy nhiên, nếu sưng di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể, như mặt hoặc cổ của bạn, hãy đến phòng cấp cứu ngay lập tức, vì đây có thể là triệu chứng của dị ứng. Các dấu hiệu khác của phản ứng dị ứng bao gồm khó thở, buồn nôn, nổi mề đay hoặc chóng mặt.
- Bạn có thể dùng thuốc kháng histamine H1 (như: chlophenyramin, cetirizin, loratadin, diphenhydramin,..) đường uống hoặc kháng histamine H1 dạng kem(phenergan) bôi để điều trị ngứa và thuốc ibuprofen (Motrin) hoặc acetaminophen (Tylenol), paracetamol(efferalgan) để giảm đau, có thể dùng thuốc bôi chứa Steroid (bethamethasone) để giảm viêm và dị ứng như(Silkron, Gentrisone, Eumovate,..). Nếu hiệu lực kháng thể do vắc xin uốn ván tạo ra không đủ, bạn có thể cân nhắc tiêm nhắc lại loại vắc xin này sau khi bị ong đốt.
2. Đối với các trường hợp dị ứng nhẹ và vừa với vết ong đốt
Với các triệu chứng dị ứng nhẹ như phát ban và ngứa khắp cơ thể nhưng không có triệu chứng về đường hô hấp hoặc ảnh hưởng đến các dấu hiệu sinh tồn khác (nhịp tim, huyết áp và nhiệt độ), bạn có thể được điều trị bằng thuốc kháng histamine và thuốc steroid.
Nếu bạn có phản ứng dị ứng như phát ban khắp cơ thể và gặp vấn đề về hô hấp như khó thở, thở rít hoặc vấn đề về tuần hoàn gây tụt huyết áp biểu hiện như: hoa mắt, chóng mặt, bạn có thể sẽ được tiêm thuốc kháng histamine, steroid và epinephrine(adrenalin). Một số phương pháp điều trị khác sẽ được thực hiện tại hiện trường hoặc trong xe cứu thương. Sau đó, bạn sẽ được chuyển đến cơ sở Y tế và nằm theo dõi tại khoa cấp cứu.
Nếu bị ong đốt ngứa khắp người (từ 10 đến 20 vết chích trở lên) hoặc bị chích ở các vị trí như cổ họng hoặc bên trong miệng nhưng không có triệu chứng dị ứng, thì bạn vẫn có thể cần nằm tại khoa cấp cứu để được theo dõi và bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm máu nhiều lần để phát hiện trường hợp phản ứng dị ứng xảy ra chậm hoặc các biến chứng khác. Hoặc nếu bị chích vào nhãn cầu, bạn sẽ được chuyển đến bác sĩ nhãn khoa để được khám và đánh giá thị lực.
3. Đối trường hợp dị ứng nặng với vết ong đốt
Phản ứng dị ứng nặng hay sốc phản vệ do vết ong đốt có khả năng đe dọa tính mạng và cần được điều trị khẩn cấp. Đưa người bệnh đến cơ sở Y tế khẩn cấp hoặc gọi 115, nếu sau khi bị ong đốt và người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng như sau:
- Phản ứng trên da, bao gồm nổi mề đay và ngứa và đỏ ửng hoặc nhợt nhạt
- Khó thở
- Sưng họng và lưỡi
- Mạch nhanh yếu
- Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Mất ý thức
Những người phản ứng dị ứng với vết ong đốt có nguy cơ sốc phản vệ từ 25% đến 65% trong lần bị đốt tiếp theo. Do đó, nếu bạn đã bị dị ứng với vết ong đốt thì cần nói chuyện với chuyên gia dị ứng về các biện pháp phòng ngừa như liệu pháp miễn dịch để tránh các phản ứng tương tự trong trường hợp bị chích lại.
Cách xử lý trong trường hợp sốc phản vệ
Trong sốc phản vệ, một đội nhân viên y tế sẽ thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) nếu người bệnh ngừng thở hoặc ngừng tim kết hợp với các phương pháp sau:
- Tiêm Epinephrine (adrenaline) thuốc đầu tay để giảm phản ứng dị ứng
- Cho thở Oxy
- Tiêm tĩnh mạch thuốc kháng histamine, steroid và có thể kết hợp với thuốc giãn phế quản để giảm viêm đường thở và cải thiện triệu chứng hô hấp
Thuốc tiêm epinephrine tự động (epinephrine autoinjector)
Nếu người bệnh đã bị dị ứng với vết ong đốt, bác sĩ có thể sẽ kê toa thuốc tiêm epinephrine tự động (EpiPen, Auvi-Q) và người bệnh lúc nào cũng sẽ phải mang nó theo bên mình. Do đó, người bệnh cần đảm bảo thuốc còn hạn, biết cách sử dụng và hướng dẫn lại người nhà và người xung quanh cách sử dụng thuốc tiêm epinephrine tự động trong trường hợp người bệnh bị sốc phản vệ nên không thể tự tiêm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.